“Lấy anh ta, đời em đã sướng”
Vợ chê tôi nghèo và “Nếu lấy anh ta thì giờ đây đời em đã sướng hơn nhiều”.
Gửi Bạn trẻ cuộc sống!
Hiện tại tôi đang phải đối diện với một sự lựa chọn hết sức khó khăn và rất cần lời khuyên khách quan của các bạn độc giả để có được quyết định sáng suốt nhất. Tôi rất mong nhận được những góp ý chân thành, thẳng thắn của các bạn!
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, tại một vùng quê nghèo. Năm 13 tuổi, mẹ tôi mất, bỏ lại mấy chị em tôi sống trong cảnh bơ vơ, triền miên thiếu thốn về vật chất và cả tinh thần. Cũng vì gia cảnh khó khăn mà các chị đều hy sinh học tập để đi làm, nuôi tôi ăn học đến hết đại học. Là một chàng trai phải đối diện với những khó khăn từ ngày còn rất nhỏ nên tôi không cho phép bản thân được cẩu thả, thiếu chuẩn mực, đạo đức. Vì thế nên từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, tôi đã bắt đầu cuộc sống tự lập bằng việc đi làm thêm, dạy thêm vào các buổi chiều và tối. Học xong đại học, tôi không đủ khả năng tài chính để xin việc ngoài Bắc nên tôi quyết định vào Nam lập nghiệp.
Năm 26 tuổi, tôi bắt đầu mối tình đầu tiên. Không phải là người đẹp trai, hào hoa nhưng sự chín chắn, chân thành, chịu thương chịu khó của tôi rất được nhiều cô gái trân trọng và dành tình cảm cho mình. Cũng vì thiếu vắng tình cảm gia đình từ nhỏ nên tôi luôn suy nghĩ, lấy vợ không cần giàu sang, chỉ cần nhà vợ có cả cha lẫn mẹ, để tôi có thể xem cha mẹ vợ như cha mẹ đẻ của mình. Và qua sự mai mối của một người bạn, tôi đã quen cô ấy – là vợ của tôi bây giờ.
Vợ tôi sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em. Gia đình vợ không giàu sang nhưng cũng không đến nỗi phải lo ăn từng bữa. Nhưng vì bố mẹ vợ thương con cái quá mức nên vợ tôi khá tiểu thư, thiếu kiến thức sống, bản lĩnh sống cũng kém… hầu như xa cha mẹ là không thể làm được việc gì.
Trong thời gian yêu nhau, hiểu được tính cách cô ấy và lo sợ sau này cô ấy không thay đổi sẽ dẫn đến chuyện vợ chồng bất hòa nên tôi đã chủ động chia tay. Nhưng cả ba lần tôi nói chia tay là ba lần cô ấy khóc lóc, van xin “anh đừng bỏ em vì em không thể sống thiếu anh được”.. Tôi là người dễ bị tình cảm chi phối nên tôi đã không thể cầm lòng khi nhìn cô ấy khóc… và chúng tôi đã không thể chia tay nhau.
Tôi suy nghĩ rằng, với tính chịu thương chịu khó của mình có thể bù đắp được tính tiểu thư của cô ấy. Hy vọng khi đã có gia đình, vì gia đình, cô ấy sẽ thay đổi được phần nào. Hơn nữa, khi đang yêu, bố mẹ cô ấy rất nhiệt tình, yêu thương tôi nên tôi cũng yên tâm phần nào để tôi quyết định làm đám cưới.
Để có thời gian chuẩn bị cho cuộc sống sau khi cưới, tôi đề nghị cô ấy nên đính hôn trước đám cưới 6 tháng nhưng cô ấy không chịu. Cô ấy bảo rằng: “Em chỉ đồng ý đính hôn trước đám cưới không quá một tháng”. Cũng chính vì vậy nên tôi khá bị động để lo cho cuộc sống sau hôn nhân.
Chuyện bắt đầu xung khắc ngay khi chúng tôi làm lễ đính hôn. Vì không ăn sáng, lại không quen uống rượu mà hôm đó tôi phải tiếp khách cả ngày nên đã bị say. Mặc dù đầu óc quay cuồng nhưng tôi vẫn cố gắng phụ gia đình dọn dẹp xong rồi mới xin phép về.
Khi tôi quay xe định về thì cũng là lúc rượu ngấm nên tôi đã bị xỉu, té ngã trước cửa nhà vợ. Thấy tôi không thể tự về được một mình, nhà vợ cho con rể đầu chở tôi về nhà (nhà vợ cách nhà tôi 200m). Thế nhưng, cả buổi tối hôm ấy, cả vợ tôi, cũng như bên nhà vợ không ai đến hỏi thăm hay gọi điện nhắn tin, hỏi han tôi thế nào.
Sáng hôm sau vừa tỉnh dậy, người nhà tôi đã bức xúc: “Con bị vậy mà cả tối vợ không hề xuống hay gọi điện hỏi thăm. Con này sao vô tâm quá”. Tôi không cảm thấy buồn vì điều đó nhưng cũng tâm sự với vợ để cô ất rút kinh nghiệm.
Thế nhưng, về nhà, vợ tôi đã kể lại với mẹ đẻ. Mẹ cô ấy gọi tôi vào nói: “Biết say thì phải báo để người ta xuống. Đêm hôm khuya khắt, con gái sao đi được. Với lại hai đứa mới đính hôn chứ đã cưới đâu. Chưa là chồng thì thăm làm gì? Nói con tôi vô tâm, không xin lỗi, tôi ghét cả đời“. Thế nhưng hôm tôi từ nhà vợ về là lúc 5h chiều, lúc đó đâu phải đã tối mà mẹ vợ tôi bảo “đêm hôm khuya khoắt”?. Tuy có chút buồn nhưng tôi vẫn gạt lời mẹ vợ sang một bên để lo cho công việc cưới xin của mình.
Video đang HOT
Tôi đã cố gắng làm tất cả mọi điều tốt nhất cho vợ mình (Ảnh minh họa)
Sau khi cưới, tôi hết lòng tận tụy với vợ, yêu thương cô ấy hết mực, ngay cả việc đi chợ nấu ăn đều chỉ mình tôi lo (vợ tôi không biết đi chợ, không biết nấu ăn). Vợ tôi là một người rất kén ăn nên tôi chỉ chọn đồ ăn, cách nấu phù hợp với cô ấy, có miếng ngon tôi cũng nhường cho cô ấy ăn trước, khi vợ không ăn nữa tôi mới ăn.
Vì nhà riêng của tôi ở xa chỗ vợ làm (cách 60km) nên tôi mướn nhà gần chỗ vợ làm cho tiện và dự định sẽ xin việc gần nhà cho vợ sau. Tôi chấp nhận đi xa (từ chỗ mướn nhà đến chỗ làm của tôi là 90km) chỉ cần vợ tôi được đi làm thuận tiện, có chỗ ăn nghỉ đàng hoàng.
Mặc dù cơ quan tôi ở xa nhưng tuần nào tôi cũng về ba đêm để ở nhà chăm sóc vợ. Còn những ngày tôi không có nhà, vợ tôi không chịu ngủ một mình nên về nhà cha mẹ đẻ ở. Mọi công việc nhà tôi đều làm hết cho vợ, để vợ đi làm về chỉ việc nghỉ ngơi. Tôi cũng đã tính chuyện xin cho vợ làm chung cùng công ty tôi để cho vợ chồng được ở bên nhau, lại thuận tiện cho việc đi lại nhưng cô ấy không chịu, chỉ chấp nhận làm công việc hiện tại của mình.
Kể từ khi cưới nhau, vì tính tiểu thư, muốn được cha mẹ yêu chiều nên vợ tôi luôn tìm cách nói xấu tôi với bố mẹ đẻ để được mọi người thông cảm, chiều chuộng. Đến ngày giỗ tết, cô ấy cũng chỉ lo quà cáp, chăm sóc cho cha mẹ mình mà chẳng bao giờ bận tâm đến mọi người bên nhà chồng. Không những thế, cô ấy chỉ trọng những mối quan hệ liên quan đến công việc của mình mà chẳng bao giờ hỏi han tôi về công việc, sự nghiệp ra sao…
Khi thấy vợ quá thờ ơ với nhà nội, tôi chỉ hỏi: “ Sao ngày Tết mà em không gửi về quê cho bố anh ít đồng để nhang khói cho mẹ?”. Vợ không nói gì với tôi nhưng hôm sau cô ấy lại về nhà kể với bố mẹ đẻ.
Hôm tôi lên nhà đón vợ về thì bố mẹ vợ lại gọi tôi vào bảo: “Muốn gửi quà về như thế nào thì phải nói cho rõ để vợ sắp xếp gửi về quê chứ?” và “ Sao con lại có thể nói những câu thâm độc với vợ vậy?”.Tôi chỉ nhẹ nhàng trách vợ để cô ấy chú ý hơn về trọng trách làm dâu của mình, chứ tôi chưa bao giờ nặng lời mắng mỏ, đòi hỏi hay có ý “thâm độc” gì cả. Vậy mà chỉ nghe một phía từ vợ, bố mẹ cô ấy đã có thể trách tôi nặng lời như vậy.
Khi mới cưới, vợ tôi có khoe ở trong công ty cũng có anh T ngỏ lời yêu cô ấy (Tôi cũng có biết người này và tôi nghĩ anh ta chỉ tán tỉnh trêu đùa vợ tôi, chứ chẳng yêu đương thật sự gì hết). Nhưng sau khi cưới một tháng, cô ấy chê tôi nghèo và bảo: “ Biết trước em lấy anh T thì giờ đây đời em đã sướng”. Và cũng từ đó, tôi thấy vợ mình thường xuyên lén lút nhắn tin với anh ta. Có nhiều hôm nằm cạnh tôi, cô ấy cũng nhắn tin cho T nhưng che màn hình không cho tôi biết nội dung tin nhắn. Cô ấy gọi điện, nhắn tin cho ai đều nói với tôi, chỉ trừ những tin nhắn với T là tôi không có quyền đọc.
Đến ngày giỗ mẹ nhưng chỗ trọ tôi lại chưa có bát nhang nên cách giỗ mẹ 2 ngày, tôi định lập bát nhang để đến ngày thì làm giỗ cho mẹ. Hôm đó cũng trùng với ngày giỗ bố anh rể nên tôi mua đồ gửi giỗ rồi về lập bát nhang xong mới lên ăn giỗ được. Thế nhưng, mẹ vợ lại muốn tôi phải ở lại phụ anh rể công việc nên khi thấy tôi về, bà không hài lòng và đã mắng mỏ tôi: “Gửi cái gì? Không có tình cảm thì gửi cái gì? Lo việc người ta trước, việc nhà mình lo sau”. Nghe xong câu chì chiết từ mẹ vợ, tôi uất nghẹ trong lòng không nói được gì.
Tối về nhà, tôi nói với vợ: “ Việc hiếu ai cũng có trách nhiệm như nhau nhưng sao mẹ lại nói anh như vậy. Anh thật sự rất hận khi mẹ đã nói nặng lời với anh như vậy“. Ngay ngày hôm sau, vợ tôi lại lên kể lại những gì tôi tâm sự với mẹ vợ khiến bà ấy giận tôi “ vì dám nói chữ hận”. Cũng từ đấy, giữa tôi và mẹ vợ không có được tình cảm tốt đẹp, còn vợ thì luôn bênh vực mẹ, chì chiết tôi.
Khi vợ có thai, gần đến ngày sinh, biết tính bố mẹ vợ hay kể công nên tôi không muốn phụ thuộc gia đình vợ. Tôi kêu cô ấy về quê tôi sinh để gia đình tôi tiện chăm sóc hoặc xuống nhà ở, vừa gần chỗ tôi làm, vừa để tôi chăm sóc hai mẹ con nhưng vợ tôi không chịu. Cô ấy và bố mẹ đã có tính toán từ trước khi sinh nên thuê nhà bên cạnh nhà vợ để gia đình cô ấy qua lại cho tiện.
Thời gian đến ngày sinh đã cận kề, vợ tôi không nghe nên tôi đành chấp nhận chuyển lên thuê gần nhà ở. Khi lên ở gần, muốn tạo mối quan hệ gần gũi hơn với gia đình vợ nên tôi chẳng nề hà công việc gì. Mặc dù tôi không quen việc đồng áng nhưng khi thấy bố mẹ, anh chị em nhà vợ đi làm nông, làm rẫy tôi vẫn chủ động đi làm với mọi người.
Kể từ ngày vợ chồng tôi chuyển lên gần đấy, nhà vợ tôi luôn nói bóng gió, đến ngày vợ sinh phải chủ động, không được ỉ lại, đã gả con cho nhà chồng thì nhà chồng phải lo hết. Tôi cũng không bao giờ cho phép mình được ỷ lại nhà vợ nên khi nghe vậy, tôi rất khó chịu.
Đến khi vợ sinh, tôi xin phép nghỉ phép hai tháng để ở nhà chăm sóc vợ. Mọi việc nấu nướng, chăm sóc vợ, lau tắm cho con đều một mình tôi lo. Mẹ vợ chỉ thi thoảng nhắc nhở tôi về kinh nghiệm chăm sóc con cái.
Khi vợ sinh được 50 ngày, cũng gần hết phép nên tôi định đi làm tiếp thì nhà vợ lại bóng gió bảo tôi nghỉ thêm để ở nhà chăm sóc vợ con. Ở nhà buồn chán, lại bị gia đình vợ coi thường nên tôi luôn cảm thấy ức chế, bực dọc.
Hôm đi đám cưới về, tôi có uống chút rượu, cộng với tâm trạng không vui nên tôi định ra ghế ngủ. Thấy vợ kêu đau mắt, sợ lây cho con nên tôi bảo: “Để anh bế con ra ngoài cho vợ tra thuốc”. Vợ tôi không nghe mà còn vùng vằng nói những điều khó chịu, hỗn láo. Tôi chỉ định dọa: “Đừng nói nhiều, tôi tát cho đấy” cho cô ấy nhưng cô ấy không nghe mà còn thách đố, chửi rủa tôi. Đến khi không chịu được, tôi có tát nhẹ cô ấy một cái thì cô ấy lại càng chửi rủa nhiều hơn. Như dầu đổ vào lửa, tôi không kiềm chế được mình nên tát cô ấy một cái khá mạnh. Lúc đó, cô ấy liền cầm cây dao quắm, mổ liên tục vào người tôi rồi vội vàng bế con sang nhà mẹ đẻ. Đến tối, cô ấy qua phòng lấy toàn bộ đồ đạc của mình về nhà, không nói với tôi câu gì. Tôi về đây để chăm sóc vợ nhưng vợ lại bỏ đi như vậy thì tôi ở đây cũng chẳng làm gì nên trả nhà trọ và dọn đồ về nhà mình.
Kể từ khi tôi dọn đi đến nay đã được 9 tháng, con tôi giờ cũng đã được 11 tháng mà tôi không được gặp con. Nhiều lần cô ấy nhắn tin kêu tôi viết đơn ly dị và bảo: “ Không còn luyến tiếc gì nữa. Gia đình tôi ai cũng khuyên tôi nên ly hôn”.
Cách đây gần 1 tháng, tôi tình cờ nhận được tin nhắn của T nhắn nhầm cho cô ấy vào máy tôi (máy cũ của tôi đã từng đưa cho vợ sử dụng). Đọc tin nhắn, tôi thấy lời lẽ rất sướt mướt, tình cảm mà tôi nghĩ rằng, chỉ khi đã hiểu hết về thể xác của nhau họ mới nhắn tin như vậy. Khi đọc xong, tôi biết nhắn lộn nên cũng nhắn lại bảo: “Anh nhắn lộn số”.
Sau đấy, tôi có yêu cầu vợ sắp xếp thời gian gặp tôi để giải thích về tin nhắn đấy. Nhiều lần tôi đi hơn 100km để gặp cô ấy và nghe lời giải thích nhưng cô ấy đều tránh mặt. Nhưng khi chị gái tôi gặp cô ấy và hỏi về tin nhắn đó thì cô ấy mới nhắn tin cho tôi giải thích: “Người ta chỉ nhắn lộn vì người yêu của anh ta trùng với tên tôi, chứ có gì mà anh phải làm ầm ĩ lên vậy”. Nhưng qua cách nói của cô ấy thể hiện thái độ vờ vịt, không đúng với thực tế nên tôi tin, mối quan hệ không đàng hoàng của vợ và anh ta là có thật.
Mặc dù giận vợ rất nhiều nhưng tôi chỉ mong cô ấy nhận ra lỗi lầm để sau này, con tôi không phải khổ, phải sống thiếu thốn tình thương của bố mẹ… nhưng hầu như, cô ấy không nhận thức được và luôn bỏ ngoài tai những lời nói của tôi.
Bạn trẻ cuộc sống ạ! Bây giờ tôi phải làm sao? Tôi có nên chờ đợi vợ thay đổi để làm lại từ đầu không? Hay tôi nên chủ động làm đơn ly dị để giải thoát cho cả hai?
Rất mong bạn đọc hãy cho tôi những lời khuyên hữu ích nhất!
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Theo 24h
Có nên làm dâu nhà anh?
Vào lễ cưới, em chỉ được mặc áo dài. Nhà gái phải chuẩn bị một số tiền, va ly quần áo, đồ dùng cho con gái đi lấy chồng.
Chị Thanh Tâm thân mến! Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến ngày em đón nhận niềm vui vu quy nhưng lòng em lại rối bời vì nhiều lẽ. Em và vị hôn phu tương lai vừa cãi nhau vì những đòi hỏi nặng về nghi lễ, gia phong của nhà anh ấy.
Chúng em học cùng trường đại học và có thời gian quen nhau khá lâu. Gia đình em là trí thức, ở TP nên cách dạy con cũng thoáng, luôn tôn trọng mọi quyết định của các con thay vì áp đặt, đòi hỏi. Ngược lại, ba mẹ anh ấy là người miệt vườn miền Tây khá giả nên còn mang nặng tư tưởng phong kiến, xem trọng phong tục và muốn đám cưới phải diễn ra đúng nghi thức, rườm rà theo cách thức ngày xưa.
Tuy đã trưởng thành nhưng vị hôn phu của em không muốn làm trái ý cha mẹ và năn nỉ em nên tuân thủ theo những nghi lễ truyền thống của gia đình. Đó là vào ngày làm lễ cưới, em chỉ được mặc áo dài, quỳ lạy đúng cách, nhà gái phải chuẩn bị một số tiền, va li quần áo, đồ dùng cho con gái đi lấy chồng... Vì thế, chúng em không đồng quan điểm và em cảm thấy phân vân, không biết mình có quyết định sai lầm khi chọn làm dâu nhà người ta không nữa. Những lần về thăm gia đình anh ấy, em có cảm giác ba má anh ấy luôn để ý đến con dâu tương lai từng ly từng tý và nhắc em về truyền thống gia phong lâu đời của họ. Sau vài lần ghé thăm dòng tộc, bà con của anh ấy, em cảm thấy đại gia đình của anh ấy đều sống hạnh phúc, biết kính trên nhường dưới, nề nếp đâu ra đó.
Em biết là họ tự hào về truyền thống nhiều thế hệ ông bà mới gây dựng được nhưng có điều gì đó hơi khắt khe, nặng hình thức. Sợ em phạm quy nên chồng sắp cưới dặn dò em khi chào người lớn tuổi phải vòng tay cúi gập người chứ không được đứng thẳng... Thậm chí đến thời hiện đại này mà bữa cơm họp mặt gia đình giới thiệu em - con dâu tương lai rất bài bản, đúng truyền thống.
Sau khi gia đình giới thiệu em với tất cả dòng họ, người cao tuổi nhất-tức ông cố của vị hôn phu của em có lời phát biểu và đồng ý thì đám cưới mới được tổ chức. Em rất yêu anh ấy nhưng em cảm thấy có điều gì đó mình chưa sẵn sàng hòa hợp với lối sống, nề nếp gia phong của phía nhà chồng. Ba mẹ em thì cho rằng thời nay mà kiếm được những gia đình còn giữ được nề nếp gia phong là đáng quý lắm và khuyên em suy xét cho đúng để không ân hận về quyết định dừng đám cưới. Em rất cần lời khuyên của chị.
Vĩnh Minh (Củ Chi, TP. HCM)
Em rất yêu anh ấy nhưng em chưa sẵn sàng hòa hợp với lối sống, nề nếp gia phong của phía nhà chồng (Ảnh minh họa)
Vĩnh Minh thân mến!
Chị thấy vấn đề em nêu ra không có gì khó giải quyết, nhất là gần kề thời gian vàng - em lên xe hoa về nhà chồng. Em đã có một thời gian dài quen vị hôn phu tương lai và hiểu khá rõ về gia đình, nề nếp, gia phong của nhà chồng. Có thể theo suy nghĩ mang tính hiện đại của em, chỉ muốn đám cưới được tổ chức đơn giản, không mang nặng hình thức rườm rà nhưng là phận gái theo chồng, chị khuyên em nên chiều theo ý muốn sắp đặt của nhà chồng. Tùy theo phong tục của từng miền, nghi thức, lễ nghĩa được tổ chức khác nhau.
Nếu có điều gì em chưa đồng lòng thì em thỏa thuận lại với vị hôn phu để họ thuyết phục cha mẹ giảm bớt thủ tục, lễ nghi, chứ không nên "gây hấn" với nhau vào thời điểm sắp hợp hôn này.
Theo những gì em nhận xét thì gia đình chồng tương lai của em trọng nề nếp, gia phong và muốn hướng con dâu tương lai tuân thủ những qui định truyền thống của họ.
"Nhập gia phải tùy tùng" - đó là câu nhắc nhở muôn thưở của ông bà ta và thời nào cũng đúng. Nếp nhà-gia phong là tài sản quý giá của mỗi gia đình. Cứ nhìn vào nếp nhà bình yên, hạnh phúc sẽ thấy nền tảng bền vững này được đúc kết từ những viên gạch nề nếp-gia phong. Ở đó không chỉ có mối quan hệ thân thiết, sẻ chia của mỗi thành viên mà nó còn thể hiện sự tôn trọng, kính trên nhường dưới, con cháu luôn nghe lời người lớn tuổi, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Đúng như cha mẹ em nhận xét, thời hiện đại này, tìm được gia đình giữ gìn nề nếp gia phong không nhiều. Vì thế, được làm dâu ở những gia đình như thế em sẽ yên tâm là chồng mình là người tử tế, được giáo dục đàng hoàng, biết tôn trọng mọi người.
Hơn nữa, sau này có con cái, chúng sẽ được thụ hưởng nề nếp giáo dục của gia đình chồng, chúng sẽ ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ, ông bà, hiếu thảo với người thân. Đó là tài sản văn hóa vô giá mà gia đình nào cũng ao ước gây dựng được đó em.Qua những bộ phim của Hàn Quốc, em có thấy xã hội của họ dù phát triển cao đến đâu cũng luôn coi trọng nề nếp gia phong. Theo đó, con cái luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người lớn, cha mẹ, ông bà. Dù chức vụ cao trong xã hội nhưng khi về nhà, họ luôn chào hỏi cha mẹ rất lễ phép và dành thời gian chăm sóc, quan tâm đến người thân.
Như thế, thời hiện đại mọi thứ đều thay đổi nhanh nhưng giá trị cốt lõi của mỗi gia đình là nề nếp gia phong vẫn phải giữ gìn, hun đúc để nó luôn lan tỏa, làm giàu tâm hồn của giới trẻ. Đây cũng là những tiêu chí quan trọng để các ông bố bà mẹ nhắm đến để gởi gắm-kết nối hạnh phúc cho con cái của mình. Chị tin em sẽ suy nghĩ chín chắn hơn và có quyết định đúng để không bỏ lỡ chuyến đò duyên phận với vị hôn phu có gia đình nền nếp, gia phong.
Theo 24h
Nỗi niềm gái trinh Những gái trinh như tôi đang dần bị cô lập, đang bị đá ra rìa những cuộc tình. Tình bạn là sự quan tâm, chia sẻ, còn tình dục là sự gần gũi xác thịt. Vậy tình yêu là gì? Là sự cộng gộp của tình bạn và tình dục? Tôi đã nghe, đã đọc ở đâu đó nhiều lần thì tình yêu...