Lavrov: Nga không đặt ưu tiên quan hệ với Mỹ
Quan hệ với Mỹ không phải là ưu tiên hàng đầu của Nga khi một trật tự thế giới mới đang được hình thành, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya-24, ông Lavrov bác bỏ tuyên bố rằng hai nước đang trải qua một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Theo Bộ trưởng Nga, điều mà thế giới nhìn thấy hiện nay là sự hình thành của một trật tự đa cực mới trong bối cảnh Mỹ nỗ lực duy trì kiểm soát với hầu hết các khu vực trên toàn cầu.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp gỡ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Sochi.
“Tôi sẽ không so sánh nó [quan hệ Mỹ-Nga] với thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đây là hai tình huống khác nhau. Chúng tôi không có cuộc đối đầu về ý thức hệ – điều mà có thể dẫn đến một cái gì đó tương tự như Chiến tranh Lạnh”, ông Lavrov nói với kênh Rossiya-24.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên xấu đi kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Liên minh châu Âu và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số lĩnh vực của nền kinh tế cũng như các quan chức cấp cao Nga. Phương Tây cáo buộc Nga tham gia vào cuộc xung đột ở miền đông Ukraine và sáp nhập Crimea.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, quan hệ Nga – Mỹ không nằm trong những ưu tiên hàng đầu của Nga.
Video đang HOT
“Vì những chi tiết cụ thể, tôi sẽ không nói rằng quan hệ Nga-Mỹ là vấn đề quan trọng nhất đối với chúng tôi hiện nay. Đối với chúng tôi, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo rằng tất cả đồng ý với thực tế hiện nay, các vấn đề của thế giới có thể không được giải quyết đơn phương và song phương”.
Nga sẵn sàng nối lại liên lạc quân sự với Mỹ nếu Washington khởi động điều đó, ông Sergei Lavrov nói thêm. “Khi người Mỹ, ví như Ngoại trưởng John Kerry tại cuộc họp gần đây ở Sochi, cho chúng tôi biết rằng cần thiết phải xây dựng lại mối liên hệ và trao đổi thông tin nhằm ngăn chặn các tình huống nguy hiểm không chủ ý. Chúng tôi đã trả lời: Thật tuyệt vời! Nếu các ngài đã sẵn sàng, tiếp cận với chúng tôi, chúng tôi sẽ trả lời”.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh rằng chính Washington cắt đứt liên lạc quân sự với Moscow cũng như các khu vực hợp tác khác.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng lòng tin, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới miền nam nước Nga, nơi ông gặp với người đồng cấp Sergei Lavrov tại thành phố nghỉ mát Sochi hôm 12/5.Bất chấp những căng thẳng, Washington và Moscow tiếp tục cùng nhau giải quyết các vấn đề quốc tế quan tâm, đặc biệt là chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran và cuộc nội chiến ở Syria.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik sẽ chính thức thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.
Minh Anh (lược dịch)
Theo Infonet
Các lãnh đạo Á-Phi kêu gọi một trật tự thế giới mới
Các nhà lãnh đạo Châu Á và Châu Phi họp tại Indonesia hôm 22/04/2015 đưa ra lời kêu gọi về một trật tự thế giới mới, mở cửa cho nền kinh tế các quốc gia mới trỗi dậy và chấm dứt các ý tưởng lỗi thời của các định chế tài chính quốc tế cũ, theo RFI.
Lãnh đạo 21 quốc gia tại Thượng đỉnh Á - Phi, Jakarta, Indonesia ngày 22/04/2015. Ảnh Reuters
Lời kêu gọi trên đây được đưa ra vào thời điểm khai mạc hội nghị thượng đỉnh Jakarta, nhân kỷ niệm 60 năm hội nghị Bandung (tháng 4/1955) tập hợp lãnh đạo 29 nước Châu Á và Châu Phi vừa thoát khỏi chế độ thực dân, là tiền đề cho việc thành lập Phong trào không liên kết.
Trong số các nguyên thủ hiện diện ở Jakarta lần này có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai lãnh đạo Nhật-Trung sẽ gặp gỡ bên lề hội nghị, là dấu hiệu tan băng giữa hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á.
Tổng thống nước chủ nhà Indonesia, ông Joko Widodo cho rằng những ai nhất định muốn các vấn đề kinh tế thế giới phải được giải quyết thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB), là bám víu vào các "ý tưởng đã lỗi thời". Ông Widodo tuyên bố: "Phải thay đổi! Nhất định phải xây dựng một trật tự kinh tế thế giới mới, mở rộng cho các cường quốc kinh tế mới nổi".
Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là trung tâm của trật tự tiền tệ do Hoa Kỳ và Châu Âu thiết lập trong hội nghị Bretton Woods năm 1944, thống nhất tỉ giá cố định cho các đồng tiền chính và cho phép ngân hàng trung ương được can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Ông Widodo không nhắc đến Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đề xuất nhằm cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới do phương Tây nắm quyền quyết định, tuy Indonesia nằm trong số 60 nước được đề nghị là thành viên sáng lập. Hoa Kỳ và Nhật Bản không ủng hộ AIIB, coi đây là mối đe dọa cho nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Washington tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Tổng thống Zimbabwe, Robert Mugabe tuyên bố các quốc gia Á-Phi "không thể tự giới hạn trong vài trò nước xuất khẩu hàng thô và nhập khẩu hàng chế biến". Trước các lãnh đạo Á-Phi, ông Mugabe nhấn mạnh, đó là "vai trò bị các cường quốc chiếm thuộc địa áp đặt cho chúng ta trong lịch sử".
Indonesia đã gởi mời nguyên thủ của 109 nước Châu Á và Châu Phi, nhưng chỉ có 21 lãnh đạo quốc gia đến tham dự.
Năm 1955, các quốc gia Châu Á và Châu Phi vừa thoát khỏi chế độ thuộc địa tham gia vào hội nghị Bandung chiếm chưa đầy một phần tư sản lượng thế giới.
Ngày nay, các nước này chiếm hơn phân nửa lượng sản phẩm của hành tinh, và một số nước hiện diện tại Bandung thời đó như Trung Quốc và Ấn Độ nay nằm trong G20 - nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo NTD/Biz Live
Ukraine nêu ưu tiên sửa đổi hiến pháp, loại bỏ tiếng Nga Trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Hiến pháp ngày 6/4, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nêu ưu tiên số 1 trong sửa đổi Hiến pháp là phân quyền, tiếp đến là cải thiện nền tảng luật pháp của Hiến pháp và cải thiện qui định hiến pháp về nhân quyền và tự do của người dân. Tổng thống Poroshenko. (Ảnh: AFP/TTXVN)...