Lầu Năm Góc lần đầu thừa nhận gửi tên lửa chống radar cho Ukraine
Hôm 8/8, Lầu Năm Góc lần đầu tiên thừa nhận đã gửi tên lửa chống radar cho Ukraine để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Tên lửa chống radar AGM-88 ( HARM). Ảnh: Wikipedia
Theo kênh CNN, ông Colin Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về Chính sách cho biết Washington đã gửi một số tên lửa chống bức xạ tốc độ cao để giúp Ukraine nhắm mục tiêu vào các hệ thống radar của Nga. Tuy nhiên, ông không nói rõ Mỹ đã cung cấp bao nhiêu tên lửa, loại tên lửa chống bức xạ đó là gì và chúng đã được gửi đi khi nào.
Một quan chức quốc phòng giấu tên tiết lộ rằng loại tên lửa được gửi đến là Tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88 (HARM). Theo Lực lượng Không quân Mỹ, HARM có tầm bắn vượt 30 km, khiến chúng trở thành một trong những vũ khí tầm xa hơn mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Các tên lửa này có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các hệ thống radar phòng không của Nga, chẳng hạn như S-400 – loại vũ khí khiến Không quân Ukraine gặp nhiều khó khăn khi hoạt động trên một vùng không phận rộng lớn.
Video đang HOT
Ông Kahl cho biết loại tên lửa này được gửi đi thông qua “gói hỗ trợ an ninh mới dành cho Ukraine”. Tuy nhiên trên thực thế, trong 5 gói hỗ trợ gần đây nhất từ ngày 1/7, phía Mỹ chưa từng đề cập đến HARM. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ để lực lượng không quân của Ukraine hoạt động có hiệu quả hơn”.
Ông Kahl cũng đề cập đến việc Mỹ từng gửi các phụ tùng thay thế cho chiến đấu cơ Mig-29 nhằm giúp Ukraine có thể tái sử dụng các máy bay chiến đấu thời Liên Xô.
Ukraine chưa từng công khai việc tiếp nhận hoặc sử dụng HARM. Tuy nhiên, trong những báo cáo gần đây, một phần của tên lửa này đã từng được nhìn thấy ở vùng lãnh thổ của Ukraine đang bị Nga kiểm soát.
Trong động thái liên quan, hôm 8/8, Lầu Năm Góc đã công bố gói viện trợ vũ khí trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine. Đây là gói vũ khí lớn nhất Mỹ viện trợ cho Kiev kể từ khi xung đột nổ ra cho đến nay. Gói viện trợ này bao gồm nhiều loại đạn dược cho một số hệ thống vũ khí quan trọng, trong đó có hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS). Quân đội Ukraine đã sử dụng hiệu quả loại vũ khí này để nhắm mục tiêu vào các sở chỉ huy, kho đạn của Nga ở khu vực miền đông Ukraine.
Với gói viện trợ mới nhất này, Washington đã gửi cho Kiev tổng cộng 9,1 tỷ USD hỗ trợ an ninh kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Truyền thông Nga: Tên lửa Đức đe dọa trực tiếp lãnh thổ Nga
Đức coi các hành động đối đầu ở Ukraine là "cuộc chiến chống lại châu Âu".
Mars II có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa hàng trăm km. Ảnh: Trang web của Lực lượng vũ trang Đức
Tạp chí Spiegel (Đức) đưa tin, Ukraine mới đây đã nhận được ba hệ thống phóng tên lửa Mars II đầu tiên của Đức mà Thủ tướng Olaf Scholz đã cam kết trước đó. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht, 5 trong số 30 pháo phòng không tự hành Gepard và 10 pháo tự hành PzH 2000 đã được bàn giao cho Kiev.
Bà Lambrecht cho biết việc chuyển giao các radar phòng không Cobra cho Ukraine sẽ bắt đầu vào tháng 9 tới. Đức hiện đang huấn luyện quân đội Ukraine cách sử dụng chúng.
Theo báo Nezavisimaya Gazeta (Nga), mối nguy hiểm lớn nhất đối với Nga là hệ thống Mars II có khả năng phóng 12 tên lửa trong vòng 60 giây. Các hệ thống này có thể phóng nhiều tên lửa khác nhau, bao gồm tên lửa dẫn đường bằng GPS hoặc tên lửa hành trình khó đánh chặn. Chúng được sản xuất tại các nhà máy của Đức theo giấy phép của Mỹ và là bản sao hiện đại hóa của hệ thống tên lửa phóng loạt của Mỹ.
Theo một số báo cáo, các hệ thống Mars II, được các khẩu đội Ukraine trải qua đào tạo tại Đức điều khiển, có tầm bắn lên đến 300 km. Tốc độ cơ động tối đa của chúng trên đường cao tốc là 64 km một giờ và trên địa hình gồ ghề - 48 km một giờ. Do đó, không thể loại trừ việc Ukraine sẽ tăng cường pháo kích bằng các hệ thống vũ khí của Đức nhằm vào các vùng lãnh thổ Nga.
Một thách thức khác đối với các lực lượng Nga là hiện vẫn chưa rõ chúng có thể được sử dụng ở hướng mặt trận nào. Theo tuyên bố của Kiev về cuộc phản công trên hướng Kherson, có thể giả định rằng chúng sẽ được sử dụng để phá hủy các cấu trúc cầu nhằm làm phức tạp thêm vấn đề hậu cần cung cấp cho các lực lượng Nga ở khu vực Dnepr.
Nezavisimaya Gazeta lưu ý rằng Đức, với tiềm lực mạnh, đang tăng cường cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine mà không bị ảnh hưởng lớn bởi sự do dự chính trị. Trong bài phát biểu hôm 24/7 tại Padernborn, thuộc Bắc Rhine-Westphalia, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố rằng cuộc giao tranh ở Ukraine "đại diện cho một cuộc chiến chống lại sự thống nhất của châu Âu".
Đồng thời, Tổng thống Đức nhấn mạnh, đó không chỉ là về lãnh thổ của Ukraine, đó là về "các giá trị của chúng tôi và về trật tự thế giới".
Tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine đối với sự phát triển vũ khí của Mỹ Xung đột ở Ukraine có thể thay đổi các loại vũ khí mà Lầu Năm Góc mong muốn. Người đứng đầu tập đoàn quốc phòng lớn thứ hai của Mỹ mới đây cho biết cuộc xung đột ở Ukraine có thể làm thay đổi kế hoạch mua vũ khí trong tương lai của Lầu Năm Góc, khi các nhà lãnh đạo quân sự...