Lầu Năm Góc đề nghị nới lỏng trừng phạt Nga
Bộ Quốc phòng Mỹ vừa đề nghị thượng viện nới lỏng lệnh cấm các công ty Mỹ được mua các động cơ tên lửa đẩy RD-18 của Nga.
Lầu Năm Góc đã kêu gọi Thượng viện Mỹ giảm nhẹ trừng phạt chống Nga qua việc ngừng cấm các công ty Mỹ được mua động cơ tên lửa đẩy RD-180, hãng tin RIA Novosti cho hay.
Động cơ RD-180 được sử dụng trong kì đầu của các tên lửa Atlas 5, do đó, Mỹ khó tìm được một sản phẩm thay thế hàng Nga.
Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật cấm sử dụng RD-180 trong các nhiệm vụ quân sự trong tương lai. Đặc biệt, Đạo luật Uỷ quyền Quốc phòng Quốc gia đã yêu cầu không quân Mỹ ngừng sử dụng các hệ thống đẩy của Nga cho tới năm 2019.
Lệnh cấm này liên quan trực tiếp đến tình hình hiện tại ở Ukraine. Một đạo luật khác đã phân bổ 220 triệu USD cho không quân Mỹ năm 2015 để bắt đầu phát triển động cơ tên lửa thay thế cho các sản phẩm của Nga.
Phát biểu trước Uỷ ban Quốc phòng Thượng viện Mỹ, Thư kí không quân Deborah Lee James đã kề xuất thay đổi luật cho phép Mỹ có thể mua được các động cơ RD-180, đã đặt hàng từ Nga trước khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào nước này. Hiện Mỹ vẫn chưa hề chi trả cho các loại động cơ này.
Video đang HOT
Theo ông James, sự sửa đổi luật này sẽ cho phép Mỹ duy trì được hoạt động của các tên lửa Atlas cho đến khi nước này phát triển được động cơ thay thế. Thượng nghị sĩ Mỹ, John McCain, người luôn có các tư tưởng chống Nga, nhận định rằng “liệu Mỹ có được lợi gì khi tài trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga trước thái độ cư xử của Nga”.
Phản hồi với nhận định này, người đại diện Lầu Năm Góc cho biết, việc mua động cơ Nga có thể khiến Mỹ hối hận, tuy nhiên, sự đảm bảo khả năng bay vào không gian còn quan trọng hơn nhiều.
Theo An Ninh Thủ Đô
Một năm bị cấm vận, kinh tế Nga năng động hơn
Tính đến thời điểm hiện tại, các lệnh trừng phạt kinh tế Nga của phương Tây đã diễn ra được gần một năm, và là các lệnh cấm vận kinh tế lớn nhất trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây.
Thế giới đã quá quen thuộc với các lệnh cấm vận ở các nền kinh tế nhỏ như Cuba hay Triều Tiên, nhưng với một nền kinh tế lớn như Nga là điều hiếm khi diễn ra. Chính vì vậy, nó đang cung cấp một trường hợp mẫu hiếm có về các tác động hai chiều của một sự cấm vận với một nền kinh tế lớn ra sao.
Kinh tế thế giới thay đổi khi phương Tây cấm vận Nga, và ngược lại, kinh tế Nga cũng thay đổi. Tốt hơn hay xấu đi, vẫn cần phải chờ thêm một thời gian. Nhưng chắc chắn một điều, các lệnh trừng phạt đang thay đổi bộ mặt của cả nền kinh tế Nga, theo chiều hướng năng động hơn.
Một trong những cuộc tranh cãi lớn nhất ở nước Nga kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, là việc xứ sở bạch dương nên lựa chọn mô hình phát triển kinh tế nào. Trước đó hơn 10 năm, Trung Quốc đã mở cửa nền kinh tế và phát triển theo hướng tư bản nhà nước. Trong đó, lấy kích thích đầu tư quốc tế là điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế. Và sau hơn 10 năm, người Trung Quốc bắt đầu được nếm trái ngọt.
Thành công của Trung Quốc đã khiến cho Moscow cũng lựa chọn đi theo mô hình này, dù điều kiện thực tế giữa hai nước là rất khác nhau. Kinh tế Nga những năm 90 cũng phát triển dựa trên đầu tư nước ngoài, bằng việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây, đã đem lại những khoản đầu tư khổng lồ giúp kinh tế Nga phát triển. Người Nga cũng bắt đầu được nếm trái ngọt như người Trung Quốc. Nhưng cuộc tranh cãi về mô hình kinh tế vẫn chưa dừng lại.
Trên thực tế, các điều kiện của nền kinh tế Nga những năm 90 và kinh tế Trung Quốc những năm cuối thập niên 70 khi mở cửa là rất khác nhau. Trung Quốc những năm trước khi mở cửa vào năm 1979 là một nước nghèo, cơ sở hạ tầng và khoa học kỹ thuật kém phát triển, dân trí thấp. Lựa chọn con đường phát triển kinh tế dựa chủ yếu vào đầu tư nước ngoài là phù hợp. Nhưng Nga những năm 90 lại là một nước khác hẳn.
Với tư cách là quốc gia thừa kế Liên Xô, vốn là một trong hai siêu cường lớn nhất thế giới trước đó, với nền khoa học kỹ thuật cùng cơ sở vật chất phát triển cao độ, dân trí cũng nằm trong số những nước hàng đầu thế giới. Chính vì thế, việc chọn mô hình phát triển dựa chủ yếu vào đầu tư nước ngoài như Trung Quốc đã làm lãng phí tiềm lực khoa học kỹ thuật và cơ sở hạ tầng của Nga. Đó là chưa kể, Nga cũng không có ưu thế về dân số đông và đa phần ở nông thôn như Trung Quốc.
Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi Vladimir Putin lên nắm quyền tổng thống. Nga bắt đầu những dự án đầu tư ra nước ngoài, tận dụng những ưu thế về khoa học công nghệ từ thời Liên Xô. Nếu như Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu những hàng hóa đơn giản bằng ưu thế nhân công giá rẻ, thì Nga tập trung xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao, như vũ khí và các dự án công nghiệp kỹ thuật cao như lọc dầu hay nhà máy điện hạt nhân.
Trung Quốc dù tăng trưởng kinh tế nhanh chóng thì vẫn là một nước đang phát triển, còn Nga lại là một nước công nghiệp có mặt trong G8. Nhưng những dự án đầu tư của Nga ra nước ngoài trong những năm 2000 vẫn còn rất hạn chế. Chủ yếu là do Moscow theo đuổi chiến lược trở thành một đế chế năng lượng, dồn mọi nỗ lực và công sức để xâm nhập thị trường năng lượng béo bở của châu Âu. Những ưu thế về khoa học kỹ thuật của Nga vì thế vẫn chưa được tận dụng đúng mức.
Điều này chỉ thay đổi kể từ thời điểm các lệnh trừng phạt kinh tế Nga do phương Tây triển khai. Về cơ bản, nó tước đi yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược phát triển kinh tế của Nga là đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư ồ at rút khỏi thị trường Nga, đẩy kinh tế Nga vào khó khăn nghiêm trọng. Và quan trọng hơn hết, là việc nó mở ra một nguy cơ với Nga: ràng buộc Nga bằng các biện pháp kinh tế, và các lệnh trừng phạt này có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Nguy cơ này buộc Moscow phải tìm một hướng đi khác cho nền kinh tế thay vì phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư nước ngoài như trước.
Giải pháp được đề ra là tăng cường đầu tư nước ngoài như hướng đi chủ lực xây dựng nền kinh tế quốc nội. Đây cũng là điều kiện bắt buộc với một nước phát triển trong việc xây dựng nền kinh tế. Những nước như Mỹ hay Nhật Bản luôn có hai nền kinh tế riêng biệt: nền kinh tế dân sự và nền kinh tế xuất khẩu. Trong đó nền kinh tế dân sự đảm bảo sự ổn định đối với đời sống trong nước và không phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, còn nền kinh tế xuất khẩu chủ yếu mang lợi nhuận từ bên ngoài về.
Việc kinh tế quốc nội Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt, là biểu hiện của việc Nga chưa thành công trong việc xây dựng nền kinh tế dân sự. Muốn xây dựng nền kinh tế dân sự, Nga cần giảm bớt sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Và giải pháp đưa ra là Nga cần tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Điều này đang thay đổi tận gốc chiến lược phát triển kinh tế của Nga kể từ những năm 90 sau khi Liên Xô sụp đổ.
Chưa bao giờ thế giới lại thấy Nga tích cực đầu tư ra nước ngoài mạnh mẽ như thời điểm hiện tại, từ châu Á cho tới châu Phi. Và ưu thế về công nghệ và công nghiệp nặng vốn là di sản từ thời Liên Xô cũng được tận dụng triệt để. Các mặt hàng chủ lực được Nga đầu tư ra nước ngoài chủ yếu là vũ khí, và các nhà máy lọc dầu và điện hạt nhân.
Đến cả người Trung Quốc vốn nổi tiếng về khả năng đầu tư dàn trải trên thế giới cũng đang ngỡ ngàng trước sự năng động của người Nga. Không chỉ tăng cường quan hệ đối tác với các nước châu Á, mà quan hệ kinh tế giữa Nga với châu Phi cũng đang ngày càng tăng. Ở lục địa đen, Nga thậm chí có những lợi thế hơn cả ở châu Á.
Một phần lớn trong đó là vũ khí và những mối quan hệ từ thời Liên Xô. Nhiều nước châu Phi vẫn đang sử dụng những vũ khí Nga từ thời Liên Xô, và nhu cầu bảo dưỡng nâng cấp vẫn đang rất lớn. Mối quan hệ về khí tài quân sự này cũng đang đem đến cho Nga những hợp đồng béo bở về lọc dầu và khai thác Platinum. Gần nhất là dự án xây dựng nhà máy lọc dầu ở Uganda trị giá 4 tỷ USD và dự án khai thác Platinum trị giá 3 tỷ USD ở Zimbabwe.
Đây là những dự án đòi hỏi công nghệ cao mà Trung Quốc không thể thực hiện, cũng như đòi hỏi quan hệ tốt mà phương Tây vốn không nhận được thiện cảm từ các nước châu Phi. Chỉ có Nga mới đủ các yếu tố cần thiết để xâm nhập thị trường lục địa đen béo bở này.
Theo Một Thế Giới
Mỹ và EU sắp "hết võ" đấu với Nga? Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ và EU, kinh tế Nga đang có dấu hiệu khởi sắc và sẽ phát triển chậm nhưng ổn định trong giai đoạn trung hạn. Nền kinh tế Nga đang có dấu hiệu khởi sắc Ngày 23/03, Hãng tin Anh Reuters cho rằng, Hoa Kỳ hầu như không còn khả năng tăng cường trừng phạt chống Nga....