Lầu Năm Góc đặt quân cảnh trong trạng thái báo động
Lầu Năm Góc yêu cầu 4 đơn vị quân cảnh sẵn sàng đến thành phố Minneapolis đối phó biểu tình phản đối vụ cảnh sát ghì chết người da màu.
Các đơn vị quân cảnh thường trực tại căn cứ Bragg, bang Bắc Carolina, và căn cứ Drum, bang New York, hôm nay được lệnh chuyển sang trạng thái báo động, sẵn sàng triển khai đến thành phố Minneapolis, bang Minnesota, trong vòng 4 tiếng nếu có lệnh. Binh sĩ lục quân Mỹ đóng ở bang Colorado và Kansas cũng phải cơ động trong 24 giờ sau khi có yêu cầu, quan chức Lầu Năm Góc giấu tên hôm nay tiết lộ.
Binh sĩ được yêu cầu trở về căn cứ trong vòng 30 phút khi có lệnh để chuẩn bị tới Minneapolis. Khoảng 800 lính quân cảnh sẽ được triển khai.
Quân cảnh lục quân Mỹ trong buổi lễ tại căn cứ Bragg, bang Bắc Carolina, năm 2019. Ảnh: US Army.
Lệnh báo động được các chỉ huy Lầu Năm Góc thông báo miệng từ hôm 29/5, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper chuẩn bị các phương án đối phó khi biểu tình tại Minneapolis biến thành bạo loạn, dẫn tới đốt phá và hôi của ở nhiều nơi trong thành phố.
Ông chủ Nhà Trắng yêu cầu quân đội Mỹ sẵn sàng hành động nếu những cuộc biểu tình vượt ngoài tầm kiểm soát. Quan chức giấu tên cho biết các đơn vị quân cảnh sẽ được triển khai theo Đạo luật Chống nổi loạn năm 1807, trong đó quy định quyền hạn của Tổng thống Mỹ trong việc sử dụng quân đội để dẹp các cuộc nổi loạn, bạo động trên lãnh thổ Mỹ.
Mệnh lệnh hiếm gặp được đưa ra trong bối cảnh biểu tình “Tôi không thể thở” lan khắp nước Mỹ sau vụ George Floyd, một người đàn ông da màu ở thành phố Minneapolis, thiệt mạng khi bị cảnh sát khống chế.
Floyd, 46 tuổi, bị bốn cảnh sát khống chế hôm 25/5 do cáo buộc liên quan đến một vụ tiêu thụ tiền giả. Sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin ghì chặt đầu gối lên gáy Floyd trong hơn 9 phút, dù anh này liên tục cầu xin và nói “tôi không thể thở” rồi nằm bất động. Floyd sau đó chết tại bệnh viện.
Các cuộc biểu tình nổ ra ở thành phố Minneapolis do cơ quan công tố ban đầu chưa quyết định truy tố các cảnh sát liên quan, dù 4 người này đã bị sa thải. Hàng nghìn người tụ tập trên đường phố trong nhiều ngày liên tiếp, thậm chí đốt phá đồn cảnh sát nơi 4 sĩ quan làm việc.
Người dân nhiều thành phố Mỹ như New York, Houston, Atlanta, Los Angeles, San Francisco, Chicago, Des Moines và Las Vegas cũng xuống đường biểu tình.
Derek Chauvin bị truy tố tội giết người cấp độ ba và ngộ sát do bất cẩn sau khi ghì đầu gối lên gáy khiến George Floyd tử vong. Ba cảnh sát khác cũng đang bị điều tra và có khả năng sẽ bị truy tố.
Người biểu tình Mỹ đốt đồn cảnh sát
Đám đông biểu tình đòi công lý cho người đàn ông da màu bị ghì chết xông vào đốt phá đồn cảnh sát ở thành phố Minneapolis.
Một nhóm người biểu tình tối 28/5 vây quanh đồn cảnh sát Phân khu Ba ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota để phản đối vụ cảnh sát ghì chết người đàn ông da màu George Floyd hôm 25/5.
Người biểu tình liên tục la hét "Không công lý, không hòa bình", ném pháo sáng và đồ vật về phía cảnh sát, trong khi cảnh sát bắn đạn cao su để đáp trả. Hành vi quá khích của người biểu tình diễn ra sau khi các công tố viên cùng ngày tuyên bố họ vẫn chưa quyết định có truy tố 4 cảnh sát liên quan tới cái chết của Floyd hay không.
Đến 22h, khi người biểu tình trèo qua hàng rào xông vào đồn, cảnh sát buộc phải lên xe rút lui. Đám đông xông vào đốt phá đồn cảnh sát, khiến một phần của tòa nhà bốc cháy.
Người biểu tình đốt phá đồn cảnh sát Phân khu Ba ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, hôm 28/5. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi sẽ châm lửa phóng hỏa ở đây, thế nên mọi người hãy cẩn thận", một người đàn ông hét lên khi đám đông ùa vào đồn cảnh sát. Bom xăng bắt đầu được ném vào tòa nhà, khiến ngọn lửa bốc lên cao.
Phát ngôn viên Sở cảnh sát Minneapolis cho hay toàn bộ nhân viên trong đồn cảnh sát đã rời khỏi tòa nhà trước đó. Chính quyền thành phố Minneapolis cảnh báo người biểu tình tránh xa tòa nhà, cho hay trong đồn nhiều khả năng có chất nổ.
Video quay từ trực thăng cho thấy ngọn lửa cuồn cuộn bốc lên từ đồn cảnh sát Phân khu Ba và khu vực gần đó.
Ngọn lửa bốc lên từ đồn cảnh sát Phân khu Ba và khu lân cận ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, hôm 28/5. Video: Twitter/ Seth Kaplan.
Tình trạng bất ổn tiếp tục leo thang ngay cả sau khi Thống đốc bang Minnesota Tim Walz đã yêu cầu điều 500 binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia tới thành phố Minneapolis và Saint Paul. Walz nói ông ủng hộ các cuộc tuần hành ôn hòa, nhưng vô cùng lo ngại về tình trạng bạo lực khi các tòa nhà bị đốt cháy, cửa hàng bị cướp bóc và người dân đụng độ với cảnh sát.
Các cuộc biểu tình hòa bình đòi công lý cho Floyd bắt đầu biến thành bạo lực vào tối 27/5 và kéo dài đến 28/5. Các cuộc biểu tình này còn nghiêm trọng hơn hôm 26/5, khi người dân đụng độ với cảnh sát, song chưa xảy ra thiệt hại trên diện rộng.
Floyd bị 4 cảnh sát da trắng khống chế hôm 25/5 do cáo buộc liên quan đến một vụ tiêu thụ tiền giả. Một sĩ quan đã ghì chặt đầu gối lên gáy Floyd vài phút, trong khi anh liên tục cầu xin: "Tôi không thể thở nổi". Floyd sau đó tử vong trong bệnh viện.
Thị trưởng Minneapolis, Jacob Frey, cho biết các cuộc biểu tình phá hoại đã cho thấy nỗi tức giận của cộng đồng da màu suốt 400 năm bất bình đẳng. Thị trưởng Saint Paul, Melvin Carter, một người da màu, kêu gọi người dân hãy biểu tình trong hòa bình để thúc đẩy phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng và ngăn những sự việc thương tâm tiếp tục xảy ra.
Bộ Tư pháp và Cục Điều tra Liên bang (FBI) Mỹ cho biết đang điều tra quyết liệt về cái chết của Floyd. Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định "công lý sẽ được thực thi".
Bang Mỹ yêu cầu điều vệ binh quốc gia ứng phó biểu tình Chính quyền bang Minnesota đề nghị Lực lượng Vệ binh Quốc gia tiếp viện khi biểu tình đòi công lý cho người bị cảnh sát ghì chết ngày càng phức tạp. Thống đốc bang Minnesota Tim Walz hôm 28/5 đề nghị Lực lượng Vệ binh Quốc gia hỗ trợ khi nạn trộm cắp bắt đầu nổ ra ở thành phố Saint Paul, trong...