Lầu Năm Góc bình luận kĩ thuật quân sự Trung Quốc
Sự phát triển nhanh hơn dự kiến của kĩ thuật quân sự Trung Quốc đã khiến Mỹ và các đồng minh Châu Á phải lo lắng, nhưng lại giúp Lầu Năm Góc có khả năng chống lại những nguy cơ cắt giảm chi phí quân sự đang nhen nhóm trong Quốc hội Mỹ.
Mặc dù những bước tiến gần đây trong khoa học quân sự của quân đội Trung Quốc đã nhanh hơn so với dự đoán của Mỹ, nhưng vẫn có một sự thật được thừa nhận bởi các nhân vật bên trong Lầu Năm Góc: các thành quả mới đạt được của người Trung Quốc vẫn chỉ ở giai đoạn phôi thai.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc chỉ là con tàu được sửa sang lại sau khi mua của Ukraina – được nhượng lại từ Nga trước đó. Các nguồn tin khác cho biết, Trung Quốc đang tự mình xây dựng 2 tàu sân bay khác, nhưng người Mỹ tin rằng đây chỉ là một sự… ba hoa.
Video đang HOT
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc Varyag được tân trang lại sau khi mua của Ukraina
Đô đốc Robert Willard, chỉ huy cao nhất của lực lượng Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương nói với Reuters: Trung Quốc có thể tiếp tục theo đuổi việc thu mua hay là tập trung tiến hành những bước đầu tiên trong công việc tự đóng tàu, nhưng vẫn còn quá sớm để nói rằng “đã có những con tàu được sản xuất”. Trong một cuộc phỏng vấn, Đô đốc Willard bình luận: “Con tàu duy nhất hiện nay mà Trung Quốc đã giới thiệu thì bất cứ ai cũng biết – đó là Varyag, một con tàu đã qua sử dụng.”
Tuy nhiên con tàu này cũng không thể hoạt động hết khả năng của nó ở thời điểm hiện nay. Theo một đánh giá của Lầu Năm Góc thì Trung Quốc chưa thể trang bị hệ thống máy bay chiến đấu một cách đầy đủ cho tàu sân bay này trong vòng một vài năm.
Một báo cáo gửi Quốc hội Mỹ của Lầu Năm Góc đã tiết lộ thông tin Trung Quốc nhờ Hải quân Brazil huấn luyện các binh lính của mình trong việc vận hành tàu sân bay. Tuy nhiên những khả năng hạn chế của phía Brazil trong lĩnh vực này, cũng như các vấn đề mà chương trình tàu sân bay của Brazil đang gặp phải đã đặt ra một số câu hỏi về tính hiệu quả của việc “nhờ cậy” kể trên.
Không phải người khổng lồ
Tiếp theo là những câu hỏi về máy bay tàng hình J-20 lần đầu tiên được ra mắt trong chuyến thăm của Thư kí Bộ quốc phòng Mỹ đến Trung Quốc hồi tháng 1/2011. Mặc dù thừa nhận điều đó đã gây được sự chú ý, nhưng Lầu Năm Góc cũng cho rằng “không hi vọng nó có thể hoạt động một cách hiệu quả trước năm 2018″.
Máy bay tàng hình J-20 của Trung Quốc được cho là có thiết kế giống với F-22 của Mỹ
Cũng có nhiều câu hỏi khác xoay quanh khả năng tàng hình của J-20. Trong chuyến bay thử nghiệm nó đã chứng minh có được một thiết kế phù hợp. Nhưng để tàng hình, ngoài thiết kế còn có nhiều công nghệ, thiết bị khác mà J-20 chưa thể hiện được.
Một báo cáo của mình Lầu Năm Góc cho biết, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi tiến hành sản xuất J-20 trên số lượng lớn; trong đó bao gồm nắm giữ công nghệ sản xuất các động cơ hiệu suất cao dành cho máy bay chiến đấu.
Cách đây 30 năm, Mỹ đã có chiếc máy bay tàng hình đầu tiên, và đã được cho nghỉ hưu từ năm 2007, sau gần 30 năm sử dụng – Lockheed Martin”s F-117 Nighthawk. Trước đó, vào năm vào những năm 1950, Mỹ đã tạo ra những máy bay có khả năng giảm sự theo dõi của đối phương – máy bay tầm cao U-2A.
Quân đội Mỹ đã trải qua nhiều thập kỉ chiến tranh để rèn luyện, kết hợp giữa các nhóm và kĩ năng từ những lực lương vũ trang khác nhau, không hẳn quá tích cực nhưng vẫn đem lại hiệu quả không hề nhỏ.
Trước khi nghỉ hưu, Phó Đô đốc David Dorsett, một sĩ quan hàng đầu của Mỹ đã đưa ra những lời nhận xét phản đối việc đánh giá quá cao tiềm năng quân sự Trung Quốc: “ Tôi không xem họ là những người khổng lồ. Có phải chúng ta đã thấy được một cuộc trình diễn tinh vi? Không, họ mới chỉ bước những bước đầu tiên trên con đường phát triển khoa học quân sự.”
Theo VTC