Lẩu mắm: Vị lạ với rau quen
Món lẩu mắm ở thành phố đất chật người đông này không có ưu thế về rau như ở miền Tây sông nước. Nhưng lẩu mắm Sài Gòn lại có nhiều “tuyệt chiêu” dư sức làm thoả lòng dân mê món mắm.
Ngon bởi mâm rau
Thưởng thức lẩu mắm trong mùa mưa se lạnh là cái thú ẩm thực của nhiều người Sài Gòn. Ảnh: Q.T
Mùa mưa ăn lẩu là nhất, nhưng còn hơn cả nhất là được thưởng thức cái lẩu mắm nghi ngút khói, dậy mùi thơm phức dưới mái lá, bờ sông. Tuy nhiên để có không gian lãng mạn như vậy phải xuống tận miền Tây hay chí ít cũng lò dò ra ngoại ô thành phố. Còn số quán bán lẩu mắm ở Sài Gòn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Lẩu mắm ngon một phần chính nhờ ở mâm rau. Lẩu mắm ở Sài Gòn thường có rau muống, kèo nèo, bông súng, đậu bắp, bạc hà, bắp chuối, rau nhút… Chính vì ít quán nên chỗ nào mở ra bán lẩu mắm cũng cố gắng tìm cho mình một nét đặc trưng. Và sự độc đáo này thường được thể hiện trên mâm rau.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ quán lẩu mắm Ăn Là Khen kể, nhận thấy ít người kinh doanh lẩu mắm, lại thêm nhu cầu thích ăn rau của dân thành phố, nên quán ra đời. Hễ nghe ở đâu bán lẩu mắm là đi ăn thử. Một lần, anh chạy xuống Cần Thơ ăn lẩu mắm, ở đó mâm rau có hơn 30 loại, trong đó có rau má là loại rau ở thành phố có nhiều mà lại rẻ. Vậy là chủ quán Tuấn cho thêm món rau má vào mâm rau với cảm nhận về nó: “Rau má ăn với lẩu mắm rất hợp mà nhiều người không biết”.
Rau má có tính hàn, giải nhiệt, vị hơi nhẩn. Cọng rau tươi non, mát lạnh nhúng vô nồi lẩu đang sôi sùng sục rồi vớt ra liền. Vị tươi mát của rau má kết hợp mắm thật đúng như chủ quán giới thiệu. Mát, vị nhẩn hợp với mắm còn hơn cả rau đắng.
Lẩu mắm ăn với rau tần ô là sự phát hiện tình cờ thú vị. Chị Trần Thị Vy, chủ nhà hàng lẩu mắm Nam Bộ kể, ngoài lẩu mắm nhà hàng còn bán thêm vịt nấu chao. Một lần, có khách lấy rau tần ô vốn bày ra để ăn với lẩu vịt nấu chao nhúng vào nồi lẩu mắm. Rau tần ô khi nhúng vào nồi lẩu mắm, lá rau sẽ mềm ngay tức khắc còn thân rau thì vẫn còn giòn. Cảm giác mềm mại và giòn rụm như đối nghịch nhau càng tăng thêm phần ngon miệng. Vậy là từ đó món rau được coi như không ăn nhập gì món mắm nghiễm nhiên hiện diện trong mâm rau của quán.
Cũng các loại nguyên liệu quen thuộc ăn kèm như mực, tôm, heo quay, thịt bò, chả ớt, quán còn có bao tử cá và bạch tuộc. Bao tử cá và bạch tuộc cho vào lẩu vừa chín còn độ dai giòn nên tạo cảm giác khoái khẩu cho người ăn.
Video đang HOT
Nét mới cho không gian mắm
Đánh vào tâm lý khách hàng, quán lẩu mắm thường cho khách ăn rau thoải mái. Ở lẩu mắm Nam Bộ, khu vực rửa rau trong phòng kiếng để thực khách có thể nhìn thấy và an tâm về quá trình rửa rau.
Không gian quán mắm trong thành phố đa số đơn giản, mộc mạc, tạo nét dân dã và có… máy lạnh. Chị Vy cho biết: “Nhà hàng đáp ứng nhu cầu cho giới văn phòng ghiền mắm nhưng sợ mùi mắm dính vào trang phục”. Vì trong không gian máy lạnh nên việc xử lý khói và mùi được quán chú trọng. Dàn ống hút khói ở đây được thiết kế ngay trên từng bàn ăn, không những giúp hút mùi mà còn tạo nét riêng, lạ mắt cho không gian. Còn ở Ăn Là Khen, cái máy hút mùi lại được đặt khiêm tốn tại các góc nhà.
Địa chỉ tham khảo
Nhà hàng lẩu mắm Nam Bộ: 94AB Cao Thắng, P.4, Q.3, ĐT: 66780718. Lẩu mắm: 160.000 – 240.000đ.
Lẩu mắm Ăn là khen: 11 Hồ Biểu Chánh, P.12, Q. Phú Nhuận, ĐT: 35074678. Lẩu mắm: 210.000 – 300.000đ.
Theo SGTT
Tiết lạnh húp hà lẩu mắm cá ba sa miền Tây
Vài năm trước, khi thấy 2 từ "lẩu mắm" xuất hiện nơi các quán ăn, thú thật, tôi không khỏi ngỡ ngàng và thắc mắc tại sao món ăn dân dã, quê mùa ngày xưa, nay lại "chễm chệ" hiện diện nơi thành phố?
Tôi nhớ lúc bấy giờ ở quê, trong những ngày hè khó kiếm thức ăn, má thường xuống bếp lấy một chén mắm sặt (hoặc mắm cá linh) trong hũ cho vào nồi nấu cùng với một ít nước lã. Chờ thịt cá rã ra, dùng vợt lược bỏ xương lấy nước. Sau đó, ra sau vườn hái trái cà tím, trái khổ qua, hay vài trái đậu bắp rửa sạch, xắt miếng bỏ vào nồi mắm nấu chín, là xong. Đôi khi, ba câu được con cá lóc, cá rô, cá sặt... thì má cho thêm vào nồi mắm để thay đổi khẩu vị. Bữa cơm đạm bạc được dọn lên, đơn giản chỉ có tô "mắm kho" ăn kèm cùng một ít rau sống như: bông súng, bắp chuối,... chấm vào thế thôi! Vậy "lẩu mắm" nơi đây có khác gì "nồi mắm kho" nơi quê nhà ngày xưa? Thắc mắc cứ mãi đeo đẳng trong tôi và được "giải mã" khi tôi cùng người bạn thân vào quán ăn khám phá.
Lẩu mắm ngày nay khác xa với nồi mắm kho nơi quê nhà rất nhiều. Nước mắm ở quê hơi mặn, mùi vị không hấp dẫn. Mỗi khi ăn múc ra tô cho nên mắm bị nguội, mất ngon. Còn "lẩu mắm" ở nơi đây được đặt trên chiếc bếp gas, làm cho nước mắm luôn giữ được độ nóng. Ngoài ra, nước lẩu còn được pha với nước dừa tươi (hoặc nước xương hầm), nên có mùi thơm ngon quyến rũ hơn.
Nguyên, phụ liệu trong và ngoài nồi lẩu mắm thì rất phong phú: Những khứa thịt cá ba sa đậm mỡ, cùng những lát thịt ba rọi màu trắng mỡ màng như mời gọi. Sóng sánh trên mặt nồi là những miếng sả bằm nổi li ti, xen lẫn màu tím của cà, màu xanh của khổ qua (mướp đắng), và những lát ớt màu đỏ, trông thật bắt mắt. Cạnh đó chờ sẵn là đĩa tôm sú, mực tươi, đĩa bún trắng ngần, đĩa rau xanh đầy ngồn, đủ chủng loại của miệt đồng bằng sông nước miền Tây mùa lũ như: rau muống, bắp chuối (xắt sợi), bông súng, rau nhút, cù nèo, bông điên điển, bông so đũa, rau đắng biển, ngò om,..v..v..., chỉ nhìn qua thôi cũng phát thèm!.
Có thể ví von món "lẩu mắm cá ba sa miền Tây" trong quán ăn hôm nay như "cô Tấm ngày xưa đã rời làng quê lên thành phố" vì "hương đồng gió nội đã phai đi ít nhiều!". Không chờ đợi thêm nữa, tôi và bạn cầm đũa gắp rau sống, tôm sú, mực tươi cho vào lẩu mắm, chờ chín. Thuận tay, tôi gắp bún vào chén và dùng vá múc tôm sú, mực, thịt cá ba sa, rau sống lẫn nước lẩu mắm cho vào chén và đưa lên miệng thưởng thức. Mùi thơm đặc trưng của nước lẩu lẫn vị ngọt béo của cá, của thịt hòa lẫn với những cọng bún mềm trơn tuột vào miệng. Thật tuyệt, khiến chúng tôi ăn hoài không ngán!.
Sau món ăn này, những thắc mắc ban đầu trong tôi gần như là "phá sản". Món lẩu mắm ngày nay đã khác xa ngày xưa nhiều lắm - cả nội dung lẫn hình thức - nó phong phú, đa dạng và đã nâng lên một tầm cao mới trong "nghệ thuật ẩm thực", đúng như sự nhận xét của bạn tôi. Người chủ quán, thấy tôi như bị "mê hoặc" bởi món ăn này đã vui vẻ chia sẻ cách chế biến, đơn giản như sau:
Nguyên liệu và chế biến:
- Cá ba sa (1 con khoảng 600 - 700 gram) làm sạch, cắt khúc để ráo. Chiên sơ cá hơi vàng. Cá ba sa vốn nhiều nhớt, khi làm cá phải rửa bằng nước nóng, cạo sạch nhớt.
- Thịt ba rọi (200 gram): Xắt miếng vừa đũa gắp.
- Hải sản: Mực tươi (300 gram) làm sach, xắt miếng Tôm sú (300 gram) lột vỏ xếp ra đĩa. (Có người còn cầu kỳ hơn thêm: hột vịt lộn, thịt bò...vào nữa)
- Mắm: Mắm sặt mắm cá linh (khoảng 200 gram). Pha chung 2 loại mắm với nhau khi nấu, vì nước cá linh có màu vàng đẹp và béo. Đổ một ít nước nấu tan thịt, lược bỏ xương cá, lấy nước.
- Dừa tươi : 1 trái. Chặt lấy nước cho vào nước mắm cho vừa đủ (nước mắm không quá loãng ).
- Sả Ớt bằm nhuyễn Thịt ba rọi phi với dầu mỡ cho thơm. Đổ nước mắm đã pha loãng với nước dừa tươi vào nồi (thứ nhất). Cho cá ba sa vào nồi nấu sôi. Nêm gia vị (đường) cho vừa khẩu vị.
- Cà tím khổ qua cho vào nồi thứ nhất, nấu vừa chín tới, nhắc xuống. Cho tất cả nồi mắm (nồi thứ nhất) vào lẩu (nồi thứ 2) và đặt lẩu trên bếp gas. Khi ăn, bật bếp gas cho nước mắm trong lẩu sôi, nhúng các phụ liệu khác vào.
Phụ liệu ăn kèm:
- Bún (2 kg) xếp ra dĩa.
- Các loại rau sống: bông súng, bông so đũa, bông điên điển, rau muống, bắp chuối, cù nèo, rau nhút, đậu bắp, rau đắng biển, ngò om... xếp ra dĩa.
Lưu ý, món "Lẩu mắm cá ba sa" phải ăn nóng mới ngon
Theo VNE
Sản vật mùa lũ miền Tây Bông điên điển là đặc sản mùa lũ của vùng đồng bằng sông Cửu Long, dùng nấu canh chua với cá linh non hoặc ăn lẩu mắm ăn. Lũ về còn mang theo chuột đồng, ốc bươu, ốc lác, rắn, rùa... món ăn hấp dẫn người miền Tây. Lũ về, những chùm điên điển trổ đầy bông vàng rực. Người dân các tỉnh...