Lẩu Mắm U Minh
Người dân Nam bộ nói chung và U Minh nói riêng, ăn cơm có nghĩa là ăn một bữa ăn chính, đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, mà từ cơm còn bao hàm nhiều món ăn đi kèm, trong đó món lẩu mắm ( mắm kho cho vào lẩu) là một trong những món ăn dân dã không thể thiếu của người Nam bộ.
Lẩu mắm – món ăn rất được ưa chuộng hiện nay
Khách du lịch đang thưởng thức món lẩu mắm của anh Quốc
Theo các cụ lớn tuổi ở U Minh, món mắm kho có từ thời năm nẵm trước, trong quá trình khai khẩn đất này. Qua hàng mấy trăm năm, món ăn đơn giản đó vẫn hiện diện trong những bữa cơm thường nhật và nó đã trở thành món khoái khẩu của người dân Nam bộ. Thật đáng tự hào, món ăn được ông cha ta chế biến từ thời mở đất, nay được nâng cấp, từ mắm người Việt kho theo cách của người Khmer và cho vào lẩu ăn theo kiểu người Hoa, đã trở thành món ăn không những dành cho người nông dân tay lấm chân bùn, mà ngay cả khách du lịch đều thích.
Có dịp đến U Minh Hạ – vương quốc của cá đồng, du khách đừng quên ghé qua khu sinh thái rừng tràm của anh Quốc (ở Cty Lâm nghiệp U Minh II) để thưởng thức món lẩu mắm với rất nhiều loài cá và rau đồng chỉ có ở vùng đất U Minh.
Cá sặc bướm dùng chế biến món lẩu mắm ở U Minh
Mắm sống ăn với xoài vườn, những thứ có sẵn tại khu sinh thái của anh Quốc
Theo lời anh Quốc, để có được một lẩu mắm ngon, có mùi thơm đặc trưng, mùa khô hạn đến, gia đình anh tát đìa, lựa từng con cá sặc bướm làm sạch vẩy, ruột, sau đó rửa sạch đem phơi cho cá ráo mặt, muối đâm nhuyễn cho vào một cái khạp, bên trên anh dùng mo cau và sống dừa cài thật chặt để giữ cho con nắm không thấm nước muối trên bề mặt. Theo kinh nghiệm của gia đình anh, cứ bốn tháng thính mắm một lần bằng gạo rang và cháo nếp (một năm 3 lần), để đến mùa sau, mới mang ra chế biến món lẩu mắm.
Video đang HOT
Anh Marco Iacopini đến từ Bergamo Italy rất thích món mắm đồng của anh Quốc ở U Minh
Có rất nhiều rau đồng dùng cho lẩu mắm ở U Minh Hạ
Ngồi bên những mái nhà sàn trong rừng tràm, thưởng thức món lẩu mắm đồng quê rất lý tưởng
Với nguyên liệu cá, tôm, rau đồng cỏ nội, chẳng thiếu thứ gì ở vùng đất U Minh hào phóng. Ăn lẩu mắm của anh Quốc có tới bốn đĩa rau to, đủ các loại: bông súng, đọt nhãn lồng, ngò gai, ngò om, cải xanh, rau muống, rau ngổ, đậu rồng, kèo nèo, rau đắng, càng cua, bông so đũa, cà phổi, bắp chuối, ớt hiểm, tỏi… và đặc biệt là đọt choại – loại rau rừng chỉ có nhiều nhất ở rừng tràm U Minh. Chưa kể đậu bắp, nấm rơm bỏ vào khi lẩu vừa sôi, với các loài cá đồng tươi vừa chín: lươn, cá rô, các sặc rằn, cá dầy, cá lóc… cùng “lên lửa” với nước cốt mắm sặc thơm lừng. Cũng không thể thiếu chén ốc lác làm “ngọc trầm thủy thượng” sôi sùng sục dưới đáy lẩu.
Anh Marco Iacopini, du khách đến từ Bergamo Italy nói anh rất thích nơi này, từ con người U Minh chân chất đến cảnh quan thiên nhiên hoang dã, có một thảm thực vật xanh và đặc biệt có rất nhiều loài “cỏ” (rau rừng) ăn với lẩu mắm – lần đầu tiên anh được thưởng thức, ngon tuyệt!
Theo Amthuc.com.vn
Nhớ hương vị mắm quê nhà
Với mùi vị nồng nồng đặc trưng, mắm đã trở thành một thứ đặc sản rất đỗi quen thuộc của người dân xứ Việt.
Vào những ngày này, nếu ai đang ở quê nhà thưởng thức món mắm sẽ cảm thấy thật "sảng khoái" với cái hương vị đậm đà mà rất đỗi quen thuộc này.
Mắm tôm Kinh Bắc
Về miền Kinh Bắc, cùng nhau lai rau món đậu phụ trong những ngày mưa phùn gió bấc thì thật tuyệt.
Món bún đậu mắm tôm dân dã mà dư vị khó quên xiết bao. Miếng đậu phụ rán, giòn tan lớp vỏ bên ngoài, dậy lên mùi thơm thơm, quệt vào chút mắm tôm rồi ăn cùng với bún. Vị nồng đượm của món bún mắm tôm Kinh Bắc này khi nhấm nháp với rau mùi, húng lủi và dưa chuột thì như một sự kết hợp hài hòa khó gì bì kịp.
Từng miếng đậu phụ khi rán xong, lớp vỏ ngoài vàng ươm, giòn tan. Cùng nhau ăn món này, trong vị thanh thanh của rau mùi, cái cay nồng của mắm tôm vắt chanh đánh cho sủi bọt, nhâm nhi cùng mấy lát dưa chuột thái mỏng, sẽ thấy cảm giác ấm nóng lan tỏa. Những ai đi xa, mỗi khi nhớ về quê hương Bắc Hà, nhớ về những ngày cùng bạn bè ngồi ở một quán nhỏ nơi chợ quê nào đó và ăn món bún này, hẳn lòng sẽ thấy rưng rưng đến lạ.
Mắm tôm với người dân Bắc bộ như nước mắm với người miệt vườn trong Nam. Loại mắm có mùi nồng nồng mà không hắc, vị mặn mặn thanh thanh, thường ăn kèm với các món lạt trở thành món khoái khẩu của lắm người sành ăn. Thế nhưng, nếu thiếu đi chất sệt sệt vừa có vị chua của chanh, ngòn ngọt dịu nhẹ của đường và mùi nồng nồng rất riêng của mắm ấy thì không ra được phong vị ẩm thực của người miền Bắc. Giống như khi ta ăn món giả cầy mà không có mắm hay ăn chả cá Lã Vọng với thìa là mà thiếu mắm tôm ớt chanh thì cũng nhạt nhẽo, vô vị.
Về Thanh Hóa, tìm mua những con tôm to, còn tươi để làm mắm, bạn sẽ cảm nhận được mắm ngon hơn, ngọt hơn nhiều. Bạn giã giập con tôm trong cối, rồi làm mắm, để trong loại vại sành với nước men nâu đen, mới cho ra được loại mắm ngon. Sau đó, bạn dùng vải thưa bịt kín xung quanh rồi đem phơi ngoài nắng ráo.
Để có màu mắm tươi, đỏ ửng, giai đoạn sau khi phơi nắng là quan trọng nhất. Phải canh tôm đến thời kỳ ngấu, đem ra giã kỹ một lần nữa, sau đó mới chắt cốt mắm cho vào chai đậy kỹ.
Mắm tôm càng lâu càng ngon. Mắm ngon thì phải đỏ tươi màu tôm, không đen sì, nhấm thấy mặn thanh nơi cuống họng và tuyệt đối không có sạn.
Tuy nhiên, không ohải người nào cũng có thể ăn mắm tôm. Ban đầu, mùi rất riêng không lẫn vào đâu của loại nước chấm này thường khiến nhiều người không quen, thậm chí khó chịu. Thế nhưng, khi ăn vào rồi, họ sẽ bị ghiền, bị mê hoặc bởi món ăn dân dã mà cực kỳ Việt Nam này.
Mắm ruốc miền Trung
Nhiều người khi rời Huế vào Sài Gòn, đôi lần nghĩ lại vẫn tha thiết một nỗi nhớ về con ruốc quê nhà. Suốt bao nhiêu năm là học trò, ai mà quên được vị ớt cay với mắm ruốc thơm nồng kèm miếng xoài tượng chua đến mím môi, nhắm mắt.
Mắm với người dân xứ Huế là một phần không thể thiếu trong bữa cơm gia đình. Chẳng vì thế mà ngay tại khu chợ sầm uất Đông Ba đã hình thành nên cả một khu phố mắm tấp nập người bán kẻ buôn.
Tầm khoảng tháng Giêng đến tháng Tư Âm lịch, khi mùa ruốc về, người ta lại làm mắm ruốc. Phải chọn con ruốc tươi, tuyệt đối không dùng nước lã để rửa vì ruốc sẽ bị thối rữa. Ruốc sau khi rửa phải được xốc đều trên chảo với muối hạt. Mắm ngon không những phải có mùi thơm nhẹ, vị vừa phải, không quá mặn, mà còn phải có màu đỏ hồng.
Làm mắm ruốc thì khó nhưng thưởng thức món mắm cầu kỳ này lại đơn giản vô cùng. Mắm có thể dùng như một loại nước chấm tuyệt vời cho món thịt luộc. Có hàng trăm món ngon chế biến mà thiếu mắm ruốc sẽ trở nên vô nghĩa, nhạt nhẽo.
Không chỉ có mắm ruốc, tại dải đất miền trung, còn có nhiều món mắm thơm ngon khác. Nếm thử một miếng mắm cá thu với vị ngọt tự nhiên của thịt cá lên men, hẳn du khách sẽ tấm tắc khen ngon. Hay như món mắm tôm chua được ăn kèm với cơm trắng nóng thì quả không gì bằng.
Bún mắm miệt vườn
Phương Nam là mảnh đất với địa thế sông ngòi chằng chịt, sản vật thiên nhiên phong phú, tôm cá ngút ngàn của đồng bằng Nam bộ, trong đó, mắm vẫn là món xếp loại... nhất.
Bún mắm được xem là món ăn chứa đựng đầy đủ tinh hoa của mắm. Tiền thân của nó vốn là mắm kho ăn với rau đồng. Dần dần món ăn này được "nâng cấp" lên với nhiều nguyên liệu phong phú nhưng vẫn giữ cái nền mắm thơm điếc mũi. Gừng, sả làm dịu mùi nồng của mắm, có nước dừa tươi làm nước lèo thêm béo, ngọt, kèm thêm các món cá, thịt quay, mực, tôm, nghêu, sò, ốc từ khắp mọi miền hội tụ trong nồi mắm. Với món bún mắm này, mỗi địa phương sẽ có những khẩu vị, dư vị khác nhau. Món ăn trở nên thịnh soạn hơn.
Tô bún mắm hấp dẫn những người sành ăn bởi cái gión của thịt heo mỡ quay, cái ngọt lừ của tôm mực tươi, nước lèo béo thơm nấu từ xương quện với mùi nồng của mắm cá sặc. Cái ngon của bún mắm là sự kết hợp tinh tế của từng ấy thứ đi kèm với rau ghém. Nhưng nếu nước lèo không được làm cho đúng cách thì sẽ không ra được cái vị độc đáo của món ăn bình dị xứ miệt vườn này.
Nước lèo không nên nêm bột ngọt và đường, chỉ lấy chất ngọt từ con cá lóc, xương heo cùng vị tinh túy của mắm sặc đồng, miệt Cà Mau, thường là loại mắm trở có mùi nặng đặc biệt. Nấu sôi cho cá rã ra, lọc mắm qua rây lấy nước, bỏ xương. Cá lóc làm sạch, cắt ra nhiều khúc, cùng xương heo thả trong nước lèo. Khi cá chín, vớt ra, xắt thành từng miếng nhỏ, dài. Còn đầu cá no tròn, đùm ruột gan mỡ béo ngậy được sắp chồng lên trong đĩa bàn lớn.
Những cặp trứng cá vàng rượm bỏ trở lại nồi, dùng "dá" khỏa đều cho trứng nổi lên trên mặt, cùng sả băm nhuyễn, nấm rơm búp, tép mỡ óng ánh lềnh bềnh càng tăng thêm chất lượng nồi nước lèo. Ăn bún mắm và nước lèo thiếu mất vị mắm cá sặc thì khó mà ngon.
Theo Tạp Chí Ẩm Thực
Món ăn ba miền: Phong phú ẩm thực Việt Nam Một vị khách nước ngoài sau chuyến đi từ Sài Gòn ra Huế, Hà Nội đã "cắc cớ" hỏi người hướng dẫn du lịch về cơ sở văn hoá của các món ăn ba miền Nam, Trung, Bắc. Thật ra thì đôi nét khác nhau đó chỉ thể hiện sự phong phú, đa dạng của một nền ăn uống Việt Nam trên cơ...