Lật thuyền chở ngao, 2 người mất tích
Trong quá trình đẩy thuyền từ chỗ nước cạn ra chỗ nước sâu để chở ngao về bờ, chiếc thuyền sắt bất ngờ bị lật đè lên những người khai thác ngao. Vụ việc khiến 2 người mất tích, nhiều người khác may mắn thoát nạn.
Vụ việc trên xảy ra vào khoảng 21h ngày 7/2, tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Vào khoảng thời gian trên, một số người nuôi ngao đã ra bãi khai thác ngao, trong quá trình đẩy thuyền sắt chở khoảng 5 đến 7 tấn ngao thương phẩm từ chỗ nước cạn ra chỗ nước sâu để chở ngao về đất liền, không may chiếc thuyền sắt bất ngờ bị lật, khiến 2 người mất tích, nhiều người khác may mắn thoát nạn.
Ông Nguyễn Duy Cam – Phó chủ tịch UBND huyện Thái Thụy xác nhận về vụ việc trên. Theo thông tin ban đầu, hai người mất tích trong vụ lật thuyền đều là nữ, một người 48 tuổi, một người 51 tuổi. Cả hai nạn nhân này đều trú tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy.
Ngay sau khi vụ tai nạn đáng tiếc trên xảy ra, UBND huyện Thái Thụy đã nhanh chóng chỉ đạo chính quyền xã Mỹ Lộc, cùng lực lượng biên phòng đóng trên địa bàn huyện Thái Thụy, phối hợp cùng người dân địa phương tìm kiếm 2 người mất tích.
Tính đến tối ngày 8/2, các nạn nhân mất tích vẫn chưa được tìm thấy. Việc lai dắt chiếc thuyền gặp nạn vào bờ vẫn gặp khó khăn do mực nước sâu, thời tiết ngoài biển lại rất lạnh. Công tác tìm kiến hiện nay chủ yếu là dùng thuyền máy chạy khoanh vùng tìm kiếm.
Về phía các nạn nhân thoát nạn, hiện nay sức khỏe, tinh thần cũng đã ổn định. Nhiều người trong số đó ở lại hiện trường, trực tiếp phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đi tìm kiếm hai nạn nhân.
Video đang HOT
Theo người dân địa phương thì hai nạn nhân trên không biết bơi, rất có thể họ bị thuyền đè lên nên vẫn chưa tìm thấy. Chính quyền huyện Thái Thụy, xã Mỹ Lộc và các cơ quan ban ngành trên địa bàn đã hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân gặp nạn 7 triệu đồng.
Cơ quan chức năng huyện Thái Thụy đang tích cực tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích.
Đức Văn
Theo Dantri
Chuyện của những phận người cả đời lênh đênh trên biển
Trở về từ những chuyến ra khơi chẳng may gặp hoạn nạn, nhiều người không còn lành lặn, nhưng rồi khi đã khỏe mạnh, họ lại tiếp tục vươn khơi dù biết rằng "thần biển" có thể bắt mình đi bất cứ lúc nào.
Xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, nằm ngay sát biển đầy gió và phi lao. Người dân nơi đây, nếu không đi làm ăn xa thì chỉ có đi biển. Biển nuôi sống bao thế hệ con em họ, bao bọc, chở che họ. Nhưng cũng lấy đi của họ không ít máu và nước mắt.
Nhắc về những người may mắn sống sót trở về khi tham gia đánh cá trên biển, người dân nơi đây ai cũng biết đến ông Hoàng Văn Khâm (SN 1938, ngụ thôn Nam Thành, xã Hải Ninh), người thoát chết kỳ diệu sau 3 ngày 3 đêm lênh đênh trên biển. Giờ đây, tuy tuổi đã cao, chân đã chậm, nhưng nhắc về thời khắc sinh tử đó, ông Khâm vẫn còn nhớ rất rõ.
Ông Hoàng Văn Khâm, người sống sót kỳ diệu sau 3 ngày 3 đêm lên đênh trên biển
Ông Khâm kể: "Tôi theo bố đi đánh cá từ năm mới 14 tuổi, đến năm 1961 (khi đó 23 tuổi) tôi tham gia vào đội tàu đánh cá xa bờ của Xí nghiệp đánh cá Lạch Bạng (huyện Tĩnh Gia). Chúng tôi thường đánh cá từ khu vực Quảng Ninh tới Quảng Bình. Ngoài công việc đánh cá, chúng tôi còn tham gia vận chuyển súng đạn và đưa bồ đội vào phía trong, vì thời đó miền Namnước ta đang bị Mỹ chiếm đóng. Đến năm 1963, thuyền chúng tôi gặp nạn khi gặp bão, chỉ duy nhất còn mình tôi sống sót".
Hôm đó, thuyền chúng tôi ra khơi có 6 người, khi đang đánh cá cách bờ khoảng 70 hải lý thì gặp một số tàu chạy qua nói đang có bão, chúng tôi liền nhanh chóng thu lước để trở vào đất liền. Tuy nhiên, khi thu xong lưới thì trời đã gần tối, biển bắt đầu nổi gió rất to, khiến thuyền chao đảo. Thuyền chạy được 1 đoạn thì dừng lại do sóng quá lớn. Trước tình hình trên, anh em chúng tôi liền thả neo, lưới và ngư cụ xuống biển để giữ cho thuyền khỏi lật úp, nhưng một đợt sóng lớn cao gần chục mét đã nhấn chìm chiếc thuyền. Lúc này, tôi may mắn chộp được 1 miếng gỗ và bám vào đó. "Trời đêm tối mịt, không biết đâu là đất liền nên tôi cứ ôm miếng gỗ mà bơi. Sau 3 ngày 3 đêm lênh đênh trên biển, tôi đã được 1 tàu cá ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, cứu sống, 5 anh em đi cùng tôi không còn ai sống sót" - ông Khâm ngậm ngùi.
Sau lần thoát chết kỳ diệu ấy, ông Khâm trở về nhà một thời gian rồi tiếp tục trở lại xí nghiệp tham gia đánh cá đến tận năm 1977 thì ông nghỉ. Nhắc về những ngày tháng đó, ông bảo cũng thấy sợ, nhưng người dân nơi đây chỉ có dựa vào biển, không ra khơi chỉ có chết đói.
Với anh Lê Duy Nam (SN 1979, ngụ thôn Bắc Thành, xã Hải Ninh) câu chuyện về những lần suýt chết cũng khiến anh mỗi lần nghĩ đến mà rùng mình. Năm 2007, đang đánh cá cách bờ khoảng 5 km thì bão ập tới nhấn chìm thuyền. Hơn 1 ngày không tìm thấy anh, người thân và chính quyền địa phương đã lập bàn thờ để gọi hồn anh về thì bất ngờ nhận được tin anh đang còn sống. "Hôm đó, khi đi ra biển, tôi chủ quan không nghe thời tiết. Đến khoảng hơn 1 giờ đêm thì sóng to, gió lớn ập tới nuốt chửng con thuyền, tôi vội vàng ôm được cái mái chèo rồi cứ thế nhìn hướng đất liền mà bơi. Đến 12 giờ trưa ngày hôm sau, tôi vào được bờ. Từ đó đến giờ tôi cũng thấy sợ, nhưng cũng phải đi biển, giờ bỏ biển thì lấy gì mà ăn, ruộng vườn thì không có" - anh Nam nhớ lại.
Anh Lê Duy Nam, người từng suýt chết trên biển
Mới đây, người dân vẫn chưa thể quên câu chuyện ăn ốc lạ trên biển khiến 3 ngư dân Thanh Hóa tử vong trên vùng biển Hà Tĩnh. Là một trong 2 người trên tàu sống sót khi không ăn ốc lạ, anh Trần Văn Thanh (SN 1994, ngụ thôn Yên Châu, xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia), vẫn đang còn ám ảnh trước cái chết bố mình là ông Trần Văn Thức.
Anh Thanh nghẹn ngào kể lại: "Thuyền của gia đình đi đánh bắt chủ yếu là ghẹ, hôm đó trên thuyền có 5 người, sau khi đánh bắt được một số ghẹ cùng vài lạng ốc lạ, mọi người đã đem số ốc lạ luộc cùng ghẹ. Ba người ăn ốc là bố tôi và anh Nguyễn Văn Tình (SN 1993) và Trần Văn Dương (SN 1987, cùng ngụ xã Hải Ninh), còn tôi và anh Hướng chỉ ăn ghẹ. Ăn xong được ít phút thì tôi thấy mọi người trên thuyền có biểu hiện lạ, chóng mặt, buồn nôn, người bắt đầu tê cứng dần. Rồi bố tôi chỉ hô được 1 câu "cho tàu chạy vào bờ nhanh đi con". Tôi vừa cho tàu chạy vào bờ, vừa điện khắp nơi để ứng cứu. Tuy nhiên, tôi đành bất lực nhìn họ dần dần chết trước mặt tôi". Nhiều năm đi biển, anh Thanh cũng không ngờ rằng bố anh và 2 ngư dân trên lại ra đi đột ngột đến vậy.
Chiều xuống, biển Hải Ninh hoang hoải gió. Phía xa xa, nhiều chiếc thuyền đã cập bờ sau một ngày lênh đênh trên biển. Gặp chúng tôi, anh Lê Văn Hùng (SN 1976, ngụ xã Hải Ninh), vẫn chưa hết lo sợ về những ngày tàu anh bị một tàu ở Hà Tĩnh dùng súng hoa cải bắn khiến nhiều người bị thương. "Họ nói chúng tôi cắt lưới của họ, nhưng chúng tôi đâu có cắt. Tôi bị trúng một viên đạn hoa cải từ mắt xuyên vào trong đầu. Hiện viên đạn trên không thể lấy ra được, các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức cho hay nếu lấy ra, tính mạng sẽ bị đe dọa. Hiện cứ trái gió trở trời là đầu tôi lại đau nhói" - anh Hùng cho hay.
Bình Minh
Theo dantri
2 tàu cá bị cháy khi đang neo đậu, thiệt hại gần 3 tỷ đồng Đám cháy bùng phát từ tàu cá BĐ-95250TS, sau đó lan sang tàu BĐ - 96274TS làm hai tàu cá bị thiêu rụi gần như hoàn toàn. Uớc tính thiệt hại từ vụ cháy này khoảng 3 tỷ đồng. ảnh minh họa Chiều 2/2, ông Phạm Trương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), cho biết: Vào lúc 0 giờ...