Lật thuyền, 6 kỹ sư thiệt mạng
Vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 13/3, tại đoạn qua bến đò thôn Nam Ninh, thuộc xã Nâm N’đir (huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Nông) đã xảy ra một vụ lật thuyền làm 6 người chết.
Trước đó, đoàn công tác gồm 11 người của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (trụ sở tại TPHCM, có văn phòng thường trú tại Buôn Mê Thuột), do anh Nguyễn Hoàng Huyên làm trưởng đoàn đi từ xã Nâm N’đir qua sông Krông Nô sang xã Ea R’bin, huyện Lắk (Đắk Lắk) tham quan mô hình trồng bắp của bà con nông dân
Buổi chiều trở về, đoàn công tác đã nhờ ông Doãn Thế Truyền (SN 1953) chở qua sông, trên thuyền có tổng cộng 12 người, kể cả chủ thuyền.
Thi thể anh Phùng Quốc Huy được tìm thấy cách vị trí chìm thuyền khoảng 500m. (Ảnh: NLD online)
Khi đến gần bờ sông thuộc xã Nâm N’đir, một số người tự nhiên đứng lên lấy máy ảnh để chụp phong cảnh. Lúc đó, do lộn xộn, nước đang chảy xiết nên thuyền bị tròng trành và lật úp.
Vào thời điểm này có một thanh niên đi đò ngang qua đã tham gia vào cứu được một số người thoát chết. Nhưng do nước chảy xiết nên đã có 6 người bị nước cuốn trôi.
Theo ông Doãn Thế Truyền, người đưa thuyền qua sông, khi đoàn công tác nhờ ông (người không chuyên lái đò) chở qua sông, lúc đầu ông do thuyền nhỏ, ông chở 2 người qua sông trước an toàn.
Video đang HOT
Lực lượng cứu hộ vẫn đang tích cực tìm kiếm 3 nạn nhân còn lại. (Ảnh: NLD online)
Lúc đó, do sợ trời tối, một người trong đoàn nói ông đi mượn thuyền lớn để chở cho nhanh. Ông Truyền đã mượn thuyền và chở 9 người còn lại, khi qua được con sông thì xảy ra sự cố trên.
“Tôi là nông dân trồng ngô ở bãi ven sông, có cái thuyền nhỏ đi lại hai bờ. Ai nhờ thì chở qua, chứ không lấy tiền công. Sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến tôi chở tay không kịp..”- ông Truyền phân trần.
Chị Phùng Kim Thủy Tiên đau đớn khi vừa tìm thấy thi thể anh trai là Phùng Quốc Huy. (Ảnh: NLD online)
Theo nguồn tin xác nhận từ của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam, 6 nạn nhân đều là các kỹ sư trẻ mới xin vào công ty làm việc. Đây là chuyến đi cơ sở đầu tiên của họ.
Đến khoảng 12 giờ trưa nay (14.3) người dân đã vớt được xác của 3 người. Hiện chính quyền địa phương và người dân đang tiếp tục tìm kiếm 3 nạn nhân còn lại.
Danh tính của 6 nạn nhân: 1. Nguyễn Hoàng Huyên (SN 1974), trú tại huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) 2. Phạm Trần Nguyễn Đàm (SN 1975), trú tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) 3. Nguyễn Thị Kim Nhã (SN 1987), trú tại huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) 4. Lê Trung Thành, trú tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) 5. Trần Thị Kim Hằng, trú tại huyện Krông Búk (Đắk Lắk) 6. Phùng Quốc Huy (chưa rõ năm sinh, quê quán)
Theo VietNamNet
Người đàn bà "câu xác" trên sông Lam
Nổi tiếng với cái tên người đàn bà "câu xác" độc nhất vô nhị trên dòng sông Lam là điều chị Nguyễn Thị Nguyệt (47 tuổi, trú tại khối 1, thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) không mong muốn. Nhưng rồi hàng ngày chị vẫn cặm cụi với cái "nghiệp" trót vận vào mình để đưa những linh hồn lầm lỡ gieo mình xuống sông, hay những người xấu số không may gặp nạn về với đất mẹ yêu thương.
Những chiếc lưỡi câu này đã giúp chị tìm xác một cách nhanh nhất
"Nghiệp" đến bất ngờ
Tuổi thơ của chị Nguyệt không mấy êm đềm. Sinh ra trong một gia đình có tới 12 anh chị em, mẹ mất khi mới 37 tuổi rồi cha đi bước nữa. Là chị cả nên chị trở thành trụ cột chèo lái chăm lo đàn em. Tuổi thơ của chị lênh đênh trên sông nước, gắn với những mẻ lưới, cần câu. Nhọc nhằn, gian khổ đều đổ dồn lên người chị tội nghiệp, cũng vì mong sao cho các em khôn lớn nên người mà người con gái xóm chài quên lấy chồng. Nghĩ về thân phận côi cút, chị đành xin đứa con để đến lúc già có nơi mà nương tựa.
Ấn tượng mà lần đầu gặp chị, là chất giọng Nghệ Tĩnh nằng nặng, thật thà chất phác, nụ cười tươi trên môi, khuôn mặt tròn nhân hậu, với dáng người thấp đậm và khỏe khoắn. Giọng chị oang oang, tay rót chén trà mời chúng tôi chị trầm tư kể: "O cũng không nhớ rõ năm mô, trong một lần đang thả lưới trên sông, thì nghe tin có chú bộ đội hải quân bị lật thuyền thúng khi làm nhiệm vụ, xác không biết trôi ở mô. Lúc nớ O cũng lên coi và cũng lấy đồ nghề đánh cá tìm kiếm xác, thế là O đã tìm thấy được xác chú bộ đội, khâm liệm xong đơn vị đưa thi thể về quê mai táng. Hình như từ đó chú ấy hiện về báo cho O làm nghề ni cho đến tận bây giờ".
Nhiều xác chết trôi dạt ở dòng Lam do chính chị tìm thấy, bao nhiêu người đã tìm đến nhờ chị giúp, chứ chẳng mưu sinh bằng "nghề" này. Mỗi lần vớt được xác, người ta bồi dưỡng bao nhiêu tùy tâm. Tiếng lành đồn xa, cứ có vụ nhảy cầu nào là người ta lại tìm đến nhờ chị giúp. Dù công việc có bận đến đâu chị cũng đi ngay. "Lúc nớ họ đến gọi là O đi, cũng không nghĩ chi mô, chủ yếu là làm bằng tay, không có bảo hộ chi cả, vớt xác đưa lên bờ khâm liệm xong xuôi thì mới nhớ đến à... mình không mang tất, khẩu trang gì cả. Chị kể "chính vì rứa mà bây giờ cánh tay phải cho đến chân tiếp xúc với hơi lạnh nhiều nên bị tê, nhức mỏi đêm không ngủ được. Đang ngồi nói chuyện như ri, chứ có ai gọi điện là cũng phải đi liền, mình mà từ chối là không được, khổ rứa chú ạ!".
Hàng ngày nhà chị luôn có khách lạ, nhưng chủ yếu là người các tỉnh khác tìm đến nhờ vớt xác. "O đi Hải Phòng, Quảng Ninh, rồi vô trong Nam, cứ ai nhờ là O đi chứ không ngại khó ngại khổ chi cả. Một lần đi thì mình đã làm phúc cho người ta rồi". Những kỷ niệm vui có buồn có, đau lòng và xót cho những mảnh đời còn non trẻ do tai nạn ập đến. "Vụ chìm đò Chôm Lôn, Nghệ An, đã cướp đi hàng chục em học sinh, O cũng được mời lên. Lúc tìm xác O hồi hộp lắm, trong khi bố mẹ ở trên bờ khóc thảm thiết rồi ngất lịm đi. Rồi đến vụ xe khách bị lũ cuốn trôi ở Hà Tĩnh đã cướp đi hơn 20 mạng sống. O đã phải ăn mì ăn liền lót dạ mấy ngày mong tìm thấy xác sớm nhất. Nhưng O vẫn không thể quên được và ám ảnh cho đến bữa ni, O vẫn trăn trở, chưa yên lòng khi linh hồn của những đứa trẻ vẫn còn bơ vơ dưới dòng sông Lam vẫn cuồn cuộn chảy", giọng chị Nguyệt trầm xuống, mắt ngân ngấn nước.
Chị Nguyệt dẫn chúng tôi đi một đoạn ra phía triền sông Lam, đôi bàn tay sần sùi màu bùn chỉ xa ra sông: "Đó các chú coi, sông rộng mênh mông, sâu... không năm mô lại không có chuyện buồn xảy ra. Có nhiều người chết thương tâm lắm", chị đứng lặng im trong làn gió nhè nhẹ thổi từ ngoài sông vào, giọng nghẹn lại. "Thương và xót xa nhất là lần một cậu khoác trên mình chiếc áo thanh niên tình nguyện, chết lúc mô cũng không ai biết, xác đã bắt đầu phân hủy, troi (dòi) lúc nhúc, lúc đầu vớt lên bờ thì hai hàm răng đang còn. Để một lúc sau hai hàm răng rơi rụng hoàn toàn...", chị Nguyệt nói trong nước mắt.
Chị chia sẻ: "nghề vớt xác cũng phải có kinh nghiệm, nếu người mà nhảy sông thì trôi theo nguồn nước, nhưng nếu mà nhảy vào lúc ban đêm thì mình phải biết mấy giờ là nước chảy xuôi, mấy giờ là nước chảy ngược, rồi chỗ mô chảy mạnh, chỗ mô chảy yếu. Thế là mình theo đó mà xác định xác tử thi đang nằm chỗ mô. Khi mà mình không biết nhảy vào lúc mô thì mình lại tìm đến chỗ cạn chắc chắn xác nằm gần đó...".
Cầu Bến Thủy là bến "tiễn đưa" không biết bao nhiêu con người xấu số
Muôn nỗi ngậm ngùi
Đã năm đời qua, gia đình chị Nguyệt vẫn bám lấy nghề sông nước, họp thành xóm chài ở Bến Thủy. Chứng kiến bao thăng trầm của cuộc đời, trên dòng sông này không năm nào lại không có người chết. Vớt xác không phải nghề để mưu sinh, thế nhưng thật tàn nhẫn nếu mình biết người ta chết chưa tìm được xác mà mình ngoảnh mặt làm ngơ thì có tội. Chị cười: "Nếu O mà sống nhờ vô cái nghề ni thì giàu to rồi, chứ bây giờ nhà cũng đang phải ở nhờ. Hiện giờ O đang còn nợ ngân hàng 20 triệu đồng, đó chính là số tiền trích ra mua hòm vỏ, quần áo, thuê người khâm liệm những người mà O vớt, đa số xác là không có người thân đến nhận thì mình phải lo chôn cất tất tần tật. Khi còn khỏe thì không chi cả nhưng bây giờ bệnh tật, tiền lại không có mà đi khám bệnh viện". Chị Nguyệt nói tiếp "O đưa các chú sang coi hơn 1.000 chiếc lưỡi câu xác, làm bằng thép Inox, và nhiều dụng cụ hành nghề nữa... cũng phải bỏ tiền túi ra chứ ai cho hả các chú...".
Đã đi hơn nữa chặng đường đời, những việc chị đã làm thì ai cũng đã biết, nhìn cuốn sổ ghi tên những con người "xấu số" giấy đã đổi màu, trang cuối của cuốn sổ vẫn đang còn trống . Trong tâm khảm chị luôn cầu nguyện cho đừng có ai đến gọi chị đi nữa, để cuộc sống mỗi chúng ta luôn hiện hữu những điều hạnh phúc nhất.
Đến bây giờ chị vẫn mang nặng trong lòng một nỗi khổ tâm là cậu con trai (Nguyễn Văn Đạt), cũng vì do hoàn cảnh gia đình không có tiền học tiếp mà phải nghỉ học từ năm lớp 9. Chị lại ngồi lặng đi, nước mắt lại tràn trên mi, ngậm ngùi: " Đời O thì đã đành, O cũng không sống được bao nhiêu nữa. Nhưng O lo cho thằng Đạt lắm, mong răng học hành nên người, để cho đời sau bớt khổ".
Chúng tôi chia tay chị, nhìn dòng sông Lam vẫn cuồn cuộn chảy, xa xa lại thấp thoáng những bóng người đang mưu sinh trên sông. Rồi lại thoảng nhớ đến câu hát: Đêm sông Lam dạt dào sóng nước, Vọng câu đò đưa... Tình người mộc mạc... Bát ngát nhớ thương mà thoảng hương giữa trời.
Cuốn sổ ghi tên những con người xấu số đã cũ, màu mực cũng đã dần phai mờ
"Nếu O mà sống nhờ vô cái nghề ni thì giàu to rồi, chứ bây giờ nhà cũng đang phải ở nhờ. Hiện giờ O đang còn nợ ngân hàng 20 triệu đồng, đó chính là số tiền trích ra mua hòm vỏ, quần áo, thuê người khâm liệm những người mà O vớt, đa số xác là không có người thân đến nhận thì mình phải lo chôn cất tất tần tật.
Theo ANTD
Chìm thuyền, 2 ngư dân mất tích: Quặn lòng cảnh tang thương Hai gia đình, 2 cảnh ngộ khác nhau nhưng cùng chung nỗi khổ cực nơi làng biển nghèo mất đi 2 trụ cột chính trong gia đình, rồi đây vợ và con họ sẽ rất khó khăn... Chiều xuân ảm đạm, con đường nhỏ về làng biển Xuân Yên những luồng gió lạnh khẻ rít qua hàng cây phi lau nghe thảm hơn....