Lật tẩy tội ác của gã thợ xây giết xe ôm cướp tài sản
Chỉ vì nợ nần cờ bạc, Vũ Văn Biên (SN 1988, ở Kỳ Phú, Đại Từ, Thái Nguyên) đã ra tay giết hại một người lái xe ôm để cướp tiền.
Ruộng ngô nơi Biên ẩn nấp sau khi gây án
Sau khi gây án, hắn trốn về Hà Nội dưới vỏ bọc của một thợ xây. Thế nhưng, tội ác nào rồi cũng bị lôi ra ánh sáng…
Cờ bạc cuốn vào tội ác
Câu chuyện về cuộc đời, về hành trình trượt ngã của một thanh niên quê mùa, lam lũ như Biên không chỉ là nỗi đau của riêng ai mà còn là nỗi ám ảnh, day dứt của nhiều người. Bởi, câu chuyện đó cũng phản ánh một thực trạng đã và đang diễn ra làm đau đầu các cơ quan chức năng, đấy là sự gia tăng của tội phạm nông thôn. Vì đâu mà những thanh niên trai tráng chân lấm bùn nứt nẻ, tóc ám khói rạ rơm lại cuồng quẫy lao vào tội ác ngày càng nhiều như thế? Và, câu hỏi này không phải của riêng ai…
Biên sinh năm 1988, ngoài 20 tuổi hắn lập gia đình. Thì cũng là cái chuyện ở quê, con cái không học hành, nghề ngỗng gì, bố mẹ thường hay dựng vợ, gả chồng cho… xong. Biên cũng thế, kể từ khi rời ghế nhà trường, ngày lội ruộng, đêm ra đầu làng “chém gió”. Sợ Biên đàn đúm nhiều sinh hư hỏng, gia đình cưới cho hắn cô vợ để níu chân. Tưởng có vợ, có con, hắn sẽ phải lo toan làm ăn kiếm tiền nuôi gia đình, thế nhưng “người tính không bằng giời tính”. Với bản tính ham chơi, lại cộng thêm cái bốc đồng của tuổi trẻ, Biên đã để vòng xoáy cờ bạc cuốn đi…
Cưới vợ xong được ít lâu, bố mẹ lo chạy vạy, vay mượn cho Biên 50 triệu đồng để lấy vốn làm ăn. Cầm tiền chưa ấm hơi tay, Biên ném hết vào sới bạc. “Cá chuối đắm đuối vì con”, mẹ Biên lại tiếp tục đi vay cho con 1 cây vàng. Nhưng cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng, cây vàng đó cũng trôi theo những ván bài đen đỏ. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vốn đã bếp bênh, nay vì máu mê cờ bạc của Biên nên lại càng thêm khốn khó. Khi vợ Biên sinh đứa con đầu lòng, trong nhà không có lấy vài đồng tiền lẻ, thương con, xót cháu, bố mẹ lại giúi cho hắn hơn hai chục triệu đồng để chi tiêu. Thế nhưng, hắn vẫn “ngựa quen đường cũ”, những đồng tiền ấy lại chảy vào sới bạc.
Cờ bạc sinh nợ nần là điều tất yếu. Và, Biên cũng không là ngoại lệ. Có những lúc bị chủ nợ đòi rát quá, hắn nằm im thin thít đến mấy ngày không dám ló mặt ra đường. Nhưng cũng chỉ “ngoan ngoãn” được vài hôm, đêm 8/12/2010, Biên lại mò mẫm đến sới bạc tìm vận may. Tối đó, hắn thua “lấm lưng, trắng bụng”. Số nợ cũ chưa xong, hắn gánh thêm một khoản nợ mới lên tới 12 triệu đồng. Sợ bị các chủ nợ “xin tí tiết”, hắn đã nảy sinh ý định cướp xe ôm để lấy tiền.
Vũ Văn Biên
Video đang HOT
Chiều ngày 9/12/2010, Biên đi bộ từ nhà mang theo khẩu trang, đội một chiếc mũ lưỡi trai ra đường đi nhờ xe máy lên chợ thị trấn Đại Từ. Hắn mua một con dao bấm rồi vào quán nước ngồi quan sát những người chở xe ôm đứng đợi khách ở ven đường. Đợi trời gần tối, hắn thuê anh Vũ Văn T (SN 1980, trú tại xã Văn Khúc, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) chở về chợ Đền, xã Quân Chu với giá 50.000 đồng. Khi đến đoạn đường vắng vẻ, hai bên đồng không mông quạnh, Biên bảo anh T dừng lại để hắn đi vệ sinh. Xe vừa dừng, hắn móc dao ra đâm một nhát vào cổ phía bên phải làm anh T ngã xuống vệ đường.
Sau khi ra tay sát hại anh T, Biên định sẽ lục lọi để tìm giấy tờ và chìa khóa để lấy xe đem về bán lấy tiền trả nợ. Thế nhưng, vừa lúc đó có ánh đèn xe máy của người đi đường nên hắn vội chạy xuống ruộng ngô ẩn náu. Sau đó, hắn gọi điện thoại cho một người bạn là Vũ Văn An ra chở về nhà.
Tắm rửa, lau chùi vết máu trên người và quần áo xong, Biên đã kể lại cho bố mẹ biết việc mình vừa mới giết người. Nghe xong, đáng lẽ phải động viên con mình ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng, thế nhưng khi chứng kiến sự run rẩy, lo lắng của đứa con trai duy nhất, cha mẹ Biên đã vội vã sắp xếp quần áo cho hắn bỏ trốn. Ngay đêm hôm đó, Biên lặng lẽ rời Thái Nguyên xuống Hà Nội làm thuê dưới vỏ bọc của một thợ xây. Phải mất rất nhiều công sức, cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên mới lần ra thủ phạm. Ngày 6/9/2011, tức là gần 300 ngày sau đó, Biên bị bắt, còn cha mẹ của hắn cũng bị truy tố với tội danh “không tố giác tội phạm”.
Nước mắt ân hận và nỗi đau còn đọng lại
Cuối năm 2012, TAND tỉnh Thái Nguyên đã đưa vụ án ra xét xử. Bản án chung thân là cái giá mà Vũ Văn Biên phải trả cho tội ác của mình. Ngoài ra, cha mẹ của Biên cũng lần lượt lĩnh 18 tháng tù treo và 12 tháng cải tạo không giam giữ. Tội ác đã bị trừng trị, nhưng phía sau hành vi tàn độc của Biên là không biết bao nhiêu đớn đau và nước mắt. Không chỉ những người thân của anh T, mà ngay cả gia đình của chính Biên cũng phải chịu nhiều thương tổn.
Trong phiên tòa ngày hôm ấy, khi chứng kiến hình ảnh vợ Biên bìu ríu đứa con thơ, tất tả đuổi theo xe tù khiến nhiều người không thể cầm lòng. Rồi đây, người vợ ấy sẽ sống ra sao trước búa rìu dư luận, còn đứa trẻ, liệu có còn tiếng cười mũi dãi? Chỉ vì những đam mê tội lỗi, Biên đã tự khép chặt cuộc đời mình. Sau nhát dao oan nghiệt của hắn, rất nhiều phận đời phải sống trong tủi khổ. Cha mất con, vợ mất chồng, con trẻ thành mồ côi, nỗi đau nào cũng lớn lao. Có thể rồi đây Biên sẽ phải gánh chịu những dày vò tội lỗi kéo dài, thế nhưng, đằng sau thảm án này là chìm lút những nỗi đau…
Kể từ ngày chồng mình bị sát hại, nỗi đau khiến vợ anh T như hóa đá. Nhiều ngày đêm liền, chị chỉ biết nhìn lên di ảnh của chồng mà khóc. Lấy nhau mới được mấy năm, vợ chồng đương lửa mặn hương nồng, giờ chị phải chèo chống một mình nuôi đứa con thơ. Chị bảo, mỗi khi con hỏi: “Mẹ ơi, bố đi đâu?” là chị lại cầm lòng không đặng. Nước mắt làm chị ngày thêm héo úa. Chị chỉ lo sau này con lớn lên, nó sẽ hờn tủi vì hoàn cảnh của mình. Còn cha mẹ anh T, có lẽ chả có nỗi đau nào hơn khi rơi vào hoàn cảnh “lá vàng khóc lá xanh”. Cứ mỗi lần có người đến để chia sẻ, động viên, ông bà lại rơi lệ.
Gia đình nạn nhân đã vậy, gia đình Biên đau đớn cũng chả kém là bao. Kể từ ngày con trai gây tội ác, bố mẹ Biên gần như ít khi ra khỏi nhà. Mà có việc gì phải đi đâu, ông bà cũng không dám ngẩng mặt nhìn ai. Không chỉ đau xót vì đã sinh ra một đứa con tội lỗi, mà họ còn ân hận, day dứt vì những hành động bao che mông muội của mình. Những lời đàm tiếu trong dư luận, nó giống như một bản án vô hình đang đè nặng lên hai mái đầu đã bạc. Có những lúc, ông bà tưởng chừng như gục ngã, thế nhưng nghĩ đến đứa cháu, con của Biên, đôi vợ chồng già lại động viên nhau gắng sống.
Nỗi đau của người mẹ sau thảm án
Gặp Biên ở trại giam, hắn có vẻ mệt mỏi và tiệu tụy. Có lẽ, khi đứng trước năm dài tháng rộng đời tù, hắn đã biết tỏ ra ăn năn, hối hận. Hắn bảo, điều khiến hắn day dứt, ám ảnh nhất là đã tước đoạt một người vô tội. “Lúc đó, em bị các chủ nợ đòi tiền ghê quá. Không chỉ đòi suông đâu, họ còn dọa chặt chân, chặt tay rồi “xin tí tiết” nên em mới hoảng. Bố mẹ thì cũng chả còn gì để trả nợ đậy cho em, thế cho nên em mới tính liều! Người lớn thì đã đành, giờ em thương nhất hai đứa trẻ, con em và con của anh T. Chúng nó còn nhỏ quá, chả biết sau này sẽ sống ra sao?”, chưa nói hết câu, Biên ôm mặt nức nở.
Những giọt nước mắt đã lăn trên khuôn mặt của “ con ma cờ bạc” Vũ Văn Biên, những giọt nước mắt muộn màng. Bởi, vết thương trên da thịt sẽ mau chóng lành lặn, nhưng vết thương mà hắn đã gây ra cho gia đình anh T và chính gia đình mình thì sẽ không thể liền thành sẹo. Giờ đây, dẫu hắn có tỏ ra hối lỗi, mong muốn hạnh phúc, bình yên cho gia đình nạn nhân hay những người thân của mình như thế nào đi chăng nữa thì điều đó cũng khó thành hiện thực.
Vậy nên, hy vọng rằng, qua vụ án này, những kẻ đang đứng trước lằn ranh giữa cái thiện và cái ác tự biết rút ra bài học cho mình. Lỗi lầm nào rồi cũng phải trả giá, tội ác nào cũng sẽ bị pháp luật trừng trị, chỉ có nỗi đau là còn đọng lại. Bởi, đằng sau mỗi tội ác, luôn là những giọt nước mắt đắng cay, hờn tủi của những bậc làm cha, làm mẹ, làm vợ, làm con.
Theo Xahoi
Đằng sau phiên xử băng cướp trẻ máu lạnh
Thái độ vô trách nhiệm của cha mẹ là một trong những nguyên nhân khiến tội phạm trẻ tuổi gia tăng.
Chiếc xe chở phạm nhân hú một hồi còi dài rồi dừng lại trước cổng Trường THPT Trần Phú, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP HCM. Ba bị cáo tuổi đời còn rất trẻ bước xuống xe. Đám đông xôn xao. "Nhìn mấy đứa này thư sinh, trắng trẻo, ai ngờ chúng dám giết người, cướp của?" - một phụ nữ bán vé số thở dài ngao ngán.
Giết người, cướp xe
Học xong lớp 9, Nguyễn Thị Thanh Xuân (SN 1994, ngụ quận 10, TP HCM) không chịu đến trường nữa. Trong một lần bị mẹ mắng, Xuân dọn sang nhà bà ngoại ở. Ương ngạnh, hay đi sớm về khuya, Xuân lại bị dì la rầy.
Nghĩ không ai thương mình, Xuân bỏ nhà đi bụi, mượn tiệm net làm nhà. Tại đây, Xuân quen biết Nguyễn Hữu Quân (SN 1989, ngụ quận 10), một kẻ nghiện game. Một lần nghe Xuân than hết tiền nhưng không dám về nhà, Quân rủ cô dùng dao đi cướp. Sau một lúc chần chừ, Xuân gật đầu đồng ý rồi rủ bạn trai là Trương Hoài Phương (SN 1993, ngụ quận 12) tham gia.
Trong nhiều ngày, cả 3 rảo trên đường, lên kế hoạch nhắm vào phụ nữ đi một mình đêm khuya hoặc vào các tiệm bán điện thoại di động vờ hỏi mua hàng để cướp nhưng chưa thực hiện được.
Từ trái qua: Bị cáo Xuân, Quân và Phương tại phiên tòa lưu động.
Rạng sáng 13/5/2012, Phương chở Quân rảo quanh tìm người chạy xe ôm để cướp. Thấy anh Đặng Chánh Trung (SN 1988) đang ngồi chờ khách ở giao lộ Trường Chinh - Chế Lan Viên (quận Tân Phú), Quân đến thuê anh chở tới Khu Công nghiệp Tân Bình. Gần đến nơi, Quân dùng dao đâm vào ngực anh Trung để cướp xe khiến nạn nhân tử vong.
Nuôi con lớn phải dạy con khôn
Đứng trước vành móng ngựa với vẻ mặt lạnh lùng, lời khai của Quân đôi lúc khiến nhiều người tham dự phiên tòa bức xúc vì quá tàn nhẫn. "Sau khi bị đâm, anh Trung chống cự quyết liệt. Máu đổ khắp người anh và dính lên áo bị cáo. Bị cáo nói: "Có buông ra không, nếu không buông thì cả 2 cùng chết"... Khi bị cáo nhìn lại, thấy anh Trung đang ôm ngực đứng tựa vào bờ rào" - Quân lạnh lùng kể lại. Nghe đến đây, vợ nạn nhân sụt sùi khóc, người mẹ già thì đau đớn ghì chặt vào thành ghế rồi ngất lịm...
Vị chủ tọa hỏi mẹ Xuân: "Vì sao con bà chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ? Gia đình có khó khăn lắm không? Sao bị cáo bỏ nhà đi biền biệt mà bà không đi tìm con về?". "Tại nó không thích học, gia đình cũng đã làm mọi cách rồi nhưng nó vẫn hư. Giờ tòa muốn xử sao thì xử, tôi không có ý kiến" - người mẹ bình thản trả lời.
Trầm ngâm một lúc, vị chủ tọa phân tích: "Là cha mẹ, con về trễ một chút đã thấy lo lắng, nhất là con gái đang ở độ tuổi ăn chưa no lo chưa tới. Vậy mà gia đình bà thờ ơ, để con đi đâu, làm gì cũng mặc. Bây giờ con phạm tội lại nói tòa muốn xử sao thì xử. Nuôi con lớn phải dạy con khôn, đâu thể để con tự ngụp lặn giữa muôn trùng cám dỗ như vậy được?".
Trong lúc HĐXX nghị án, một người thân của Quân đến bên người nhà anh Trung nói: "Em biết nỗi đau mà gia đình gánh chịu là rất lớn... Em chỉ mong gia đình hiểu rằng cha mẹ Quân rất khó khăn, phải chạy gạo từng bữa, không thể quan tâm, giáo dục cháu...".
Không nén được bức xúc, cha anh Trung cắt ngang: "Chị nói vậy mà nghe được sao? Nhà tôi cũng nghèo nhưng chúng tôi luôn dạy con phải sống lương thiện, đồng tiền có được bằng mồ hôi xương máu mới bền. Con tôi thức đêm, đội sương đội gió kiếm tiền mua sữa cho đứa con mới chào đời. Vậy mà con em nhà chị nỡ lòng nào ra tay tàn nhẫn như vậy...?".
Nghe tòa tuyên án, mẹ Quân bàng hoàng ngồi sụp giữa đám đông, 2 người mẹ còn lại hớn hở vì con được tòa chiếu cố xem xét một số tình tiết giảm nhẹ... Không ai buồn ngó đến hoặc an ủi một lời với người mẹ già tội nghiệp của nạn nhân đang oằn mình đau đớn vì mất con...
Xét hành vi của Nguyễn Hữu Quân cực kỳ nguy hiểm, ra tay tàn độc, bất chấp hậu quả, HĐXX tuyên phạt mức án tử hình về hai tội "Giết người" và "Cướp tài sản". Trương Hoài Phương bị phạt 6 năm tù, Nguyễn Thị Thanh Xuân 3 năm tù cùng về tội "Cướp tài sản".
Theo Khampha
Băng cướp xe ôm ra tay tàn độc, 2 người thương vong Bị 4 tên cướp tấn công, hai tài xế xe ôm vội tháo chạy nhưng vẫn không thể thoát nạn. Dù cố gắng chạy vào công an quận Tân Phú cầu cứu nhưng một người vẫn tử vong vì thương tích quá nặng, người còn lại phải nhập viện cấp cứu. Khu vực hai lái xe ôm bị đâm chết và bị thương...