Lật tẩy mánh khoé của những siêu lừa đường phố ở Việt Nam
Chỉ cần một “con mồi” cắn câu là kẻ gian có trong tay vài triệu đồng. Có những tên giả tật nguyền bán vé số nhằm lợi dụng lòng tốt của mọi người để trục lợi.
Chỉ lê chưa đầy 300m mà nam thanh niên giả tật bán ra hàng trăm tờ vé số
Lừa bán iPhone “dỏm”
“Cháu biết xem điện thoại không? Cháu xem giúp cô điện thoại này với. Cô vừa nhặt được trên võng ở quán nước đằng kia”… Đó là lời mào đầu của một người phụ nữ che mặt bằng khẩu trang nhằm tiếp cận tôi và gạ gẫm bán điện thoại hiệu iPhone 4s… “dỏm”. Theo tôi tìm hiểu, người đàn bà này hay lân la gần bến xe Miền Tây, Q.6 để tìm kiếm “con mồi”. Nói xong, bà ta hé mặt, hở miệng và ánh nhìn “cảnh giác” mọi người chung quanh. Bà móc từ trong túi áo khoác ra một chiếc điện thoại có hình dạng và màu sắc không khác gì một chiếc iPhone chính hãng. Chiếc điện thoại màu đen, bóng loáng, không một vết trầy xước. Mặt sau đề hiệu “iPhone 4s” hẳn hoi, dưới hiệu là một số thông tin kỹ thuật được ghi bằng tiếng Anh. Đã nghe một vài lần về chiêu trò này ở đâu đó, nên tôi tiếp tục… “diễn kịch”.
Đi hay về luôn có xe đưa đón (Xe mang BKS 59 M1-135…)
Trong lúc chờ tôi ngắm nghía chiếc iPhone, bà luôn miệng giới thiệu: “Cô có đưa cho anh xe hơi chỗ đèn xanh đèn đỏ đằng kia xem. Ảnh nói cái này của “Tây” đắt lắm, tầm 4 triệu lận. Muốn xài còn phải tốn 500 ngàn giải mã nữa. Ảnh đòi mua một triệu rưỡi. Con coi có bán được không?”. Tôi hỏi bà nhặt ở đâu? Một thoáng ú ớ, bà ta lấy ngay bình tĩnh: “Xa lắm… 2-3 cây số lận. Trong cái quán cafe… Bán được không?”. Thấy tôi đắn đo, bà tấn công tiếp: “Nghe anh đó nói cái này xài đã lắm (!). Không biết nó có như máy tính để học được không?…”. Tôi ngã giá 1 triệu thì bà lắc đầu: “Anh kia đòi 1 triệu cô không bán, ảnh nói trả thêm 500 nữa là một triệu rưỡi mà cô còn chưa bán”.
Video đang HOT
Lấy cớ không mang theo nhiều tiền nên tôi bảo bà đi tìm người trả một triệu rưỡi trước đó để xem động thái: “Nếu không được thì quay lại gặp con sau nghe”. Bà ta tỏ vẻ thất vọng rồi “bịn rịn” bước đi. Đi được không xa, gặp một cô gái đang chờ bắt xe khách, bà ta tiếp tục gạ gẫm bán nhưng cô gái một mực cự tuyệt. Sau đó bà tiếp tục quay sang gạ bán cho 2 người đàn ông nhưng âm mưu đen tối đó cũng không thành.
Thấy tôi vẫn còn đứng “lớ ngớ”, ra vẻ tiếc rẻ, bà quay lại hỏi “con mồi”: “Con trả cô ngần nào? Không thấy anh xe hơi mua đó đâu, ảnh đi đâu mất tiêu rồi”. Tôi lại thở than giá cao quá, bà ta xuống nước: “Thế cô bán cho con một triệu vậy”. Tôi đưa ví trước mặt, bà chồm người sát tôi nhìn soi mói và miệng không quên nài nỉ tôi gắng mua giúp. Tôi cố moi ra sạch ví chưa đầy 300 ngàn. Thấy tiền quá ít, bà thở dài thất vọng. Ngỏ lời xin mua vé số ủng hộ nhưng bà chỉ chìa ra 3 tờ. Tôi thắc mắc: “Mới hơn 10h sáng mà chỉ còn có 3 tờ vé số hả cô”. Giọng ấp úng, bà giải thích: “Một ngày cô bán có 50 tờ hà, giờ hết rồi”. Nói xong bà ta tỏ ra không vui và bỏ đi một mạch khuất dạng sau con hẻm… Bà ta vừa đi, một người dân sống gần đó bức xúc: “Nó lừa đó, ở đây nhiều kẻ lừa đảo lắm, không tin được đâu. Nhiều người mất hết tiền mà không hay”…
Căn nhà không số trên đường Phan Văn Khỏe, P.5, Q.6 là “bản doanh” của kẻ giả tật (Ngôi nhà có nhiều xe lăn để trước cửa là nơi kẻ giả tật nhảy phóc xuống xe và chạy như bay vào trong)
Mua lòng trắc ẩn bằng sự lừa đảo
9h50 sáng, một nam thanh niên tuổi ngoài 30, đầu đội nón kết, vai mang cặp da nhỏ, chân không dép giày, được một người đi trên xe máy bóng loáng, biển số 59 M1 – 135… chở đến “bãi đáp” đoạn gần bến xe Miền Tây, đường Kinh Dương Vương, Q.Bình Tân. Xe vừa dừng, hắn nhẹ nhàng trườn xuống đường bằng động tác rất “điệu nghệ”. Bắt đầu một ngày hành nghề… giả tật.
Chiếc xe “đổ quân” vừa lao đi, gã thanh niên giả tật móc từ trong túi ra một xấp vé số dày cộm. Hắn nghiêng người khiệu trỏ và bắt đầu lê thân một cách nặng nhọc, cố biểu lộ một gương mặt trông thật khắc khổ. Xuất hiện chưa đầy 5 phút thì một xe, hai xe, ba xe,… dừng lại bên “kẻ đáng thương” và móc tiền mua vé số. Họ mua cầu may mắn hay tỏ lòng cảm thương, san sẻ cho kẻ tật nguyền, tôi cũng không biết nữa.
Kẻ giả tật không cần đi vì sợ mệt nhọc đôi chân, không cần kiếm tìm khách hàng cho khỏi mỏi mắt, không cần mời chào hay nài nỉ ỷ ôi vì sẽ rất phí hơi sức. Cầm mấy trăm vé trên tay nhưng hắn không phải lo ế. Hắn chỉ việc ngồi và… chờ đợi. Đợi những ai trông thấy và tin hắn là kẻ tàn tật đáng thương, là người có ý chí, nghị lực, biết vươn lên sống bằng sức lao động chân chính của mình. Và người ta thương xót mà ủng hộ hắn bằng cách… mua vé số. Nhiều người cũng không quên hỏi thăm, động viên và cầu chúc cho hắn bằng lời và cả bằng tiền.
Cứ thế, theo quan sát của PV chỉ lê lết chỉ gần 100m mà đã có tới 25 người ghé vào mua số cho hắn. Có người mua cả xấp, có người khoát tay không lấy tiền thối… Rõ ràng hắn đang mua lòng trắc ẩn của người đời với sự giả dối đến rùng mình.
Chị Bùi T.H., một người bán hàng cạnh đó bĩu môi: “Lâu lâu nó xuất hiện một lần. Sáng có người chở đến, xế chiều có người chở về. Nó bán được lắm đó, ngày 3 – 4 trăm vé là chuyện thường”. Khi tôi hỏi chuyện cái chân tật nguyền của kẻ bán vé số chị H. mỉa mai: “Ôi xời! Tật gì mà tật. Hôm nó ngủ tui lại trông thấy hai ống chân và hai bàn chân to tướng, có méo mó, teo tóp gì đâu mà đi không được. Bọn này lừa đảo lòng tốt người ta thôi”…
Sau khi quan sát kẻ giả tật này trong hai ngày, tôi đến bên hắn hỏi thăm: “Em bị tật bẩm sinh hay bị tai nạn?”. “Dạ, em đi làm bị tai nạn, không tiền chữa trị nên liệt luôn. Anh mua ủng hộ em mấy tờ số”, giọng hắn nhẹ nhàng. Tôi ngỏ lời mua hết số và chở hắn về nhà. “Dạ, em còn nhiều số lắm, em để trong cặp. Chiều em có người nhà rước về rồi”. Tôi lại nói: “Anh muốn tìm hiểu gia cảnh và sẽ tìm nguồn giúp kinh phí cho em chữa trị”. “Dạ thôi, cảm ơn anh. Không trị hết được đâu. Thôi anh đi đi, em còn đi bán gần chiều rồi”, giọng hắn nôn nóng, gương mặt dần chuyển sang khó chịu.
Theo ghi nhận của PV, ngày hôm ấy, hắn lê lết trên đoạn đường dài chỉ độ 300m, từ 9h50 sáng đến 15h20 chiều và có 64 người tạt vào “ủng hộ” vé số của hắn.
Khoảng 15h25, vẫn chiếc 59 M1-135… người thanh niên ban sáng chạy xe đến bế hắn lên xe và nhanh chóng vọt thẳng về đường Hậu Giang, Minh Phụng, rồi rẽ vào đường Phan Văn Khỏe. Xe dừng lại trước một ngôi nhà cấp 4, không đề số nhà (đối diện là trường tiểu học Châu Văn Liêm, số 157 đường Phan Văn Khỏe, P.5, Q.6). Hắn nhảy phóc xuống đất, che mặt và co chân chạy thẳng vào trong nhà.
Một số người dân sống gần đó cho biết, ngôi nhà không số có rất nhiều người già và nam nữ thanh niên từ miền ngoài vào ở, tất cả đều đi bán vé số. Nghe đâu có người thuê kẻ giả tật kia bán số và trả tiền công hàng ngày hẳn hoi.
Cẩn trọng không thừa
Qua báo chí và người dân phản ánh, gần đây xuất hiện rất nhiều kẻ lừa đảo núp bóng: Bán vé số, ve chai, bong tăm, nhờ đổi ngoại tệ… để lừa gạt và lợi dụng lòng tốt của mọi người. Nhất là khu vực bến xe. Ngoài những thủ đoạn giả tật nguyền, nhiều kẻ giả vờ nhặt được của rơi, không biết xài điện thoại nên nhờ người khác kiểm tra giúp. Sau đó chúng gạ gẫm bán lại giá rẻ. Bề ngoài các sản phẩm này trông y như hàng chính hãng nhưng thực chất là hàng Trung Quốc giá chỉ vài trăm ngàn. Có khi là hàng cũ không còn giá trị nhưng được thay bằng vỏ mới. Khi thử máy thấy có vẻ bình thường nhưng xài được vài hôm là máy có vấn đề. Mang máy đi sửa thì chi phí cao nên đành xem như phí tiền mua phải hàng “dỏm”..
Theo xahoi
Nạn "cái bang nhí" tái xuất
Sau 1, 2 tuần "im ắng" tình trạng "cái bang" người Campuchia ra quốc lộ 1A đoạn qua Tiền Giang vòi tiền người đi đường tiếp tục tái diễn.
Trên đường từ Cần Thơ về Long An, dọc theo quốc lộ 1A, khi đến thị trấn Cai Lậy, (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) chúng tôi "nhức mắt" khi thấy 7 - 8 trẻ em người Campuchia tràn ra giữa quốc lộ xin tiền các xe tải, ô tô và kể cả xe máy,... bất chấp ẩn hoạ cho bản thân và cho người đi đường. Các em cứ hồn nhiên chìa thau, ca,... ra xin tiền các tài xế.
Anh Nguyễn Văn Mãi - hành nghề xe ôm ở khu vực này cho biết: "Tôi chạy xe ở đây 2, 3 năm nay, tình trạng một số trẻ em người Campuchia theo đường biên giới qua đây xin tiền ở ngã tư này đã tồn tại ngần ấy thời gian. Nhiều lần chúng tôi thấy chính quyền địa phương gom các em để đưa về nước, tuy nhiên 1, 2 tuần là đội quân cái bang nhí này lại xuất hiện, có khi còn nhiều hơn đợt trước".
Cũng theo anh Mãi cho biết, phía sau các em là có sự tiếp tay của người lớn, có thể số người này là đối tượng chăn dắt các cháu. Chính vì vậy, theo anh Mãi để dẹp được vấn nạn này thì chính quyền địa phương cần kết hợp với chính quyền Campuchia phối hợp bắt các đối tượng chăn dắt thì mới mong xoá được đội quân cái bang nhí này.
Có mặt tại ngã tư thị trấn Cai Lậy, theo ghi nhận của chúng tôi tại thời điểm này có đến 7- 8 trẻ người Campuchia đứng sát dải phân cách xin tiền các chủ phương tiện qua lại. Đa số đội quân cái bang nhí này năm trong độ tuổi từ 7 - 8, có 1, 2 em còn bế theo một em bé chỉ mới hơn 1 tuổi.
Theo những người dân buôn bán ở đây cho biết, tối đến có một số người trùm mặt (đa số là phụ nữ) đến dẫn các em vào trong chợ tá tục ở các sạp rồi sáng ra xin tiền tiếp.
Trao đổi với PV bà Nguyễn Thị Thúy Vân - Phó chủ tịch UBMTTQ thị trấn Cai Lậy cho biết: "Từ đầu năm đến nay địa phương kết hợp với nhiều lực lượng như công an, phòng lao động và kể cả một số người dân Campuchia để gom các cháu lại và đưa các cháu về nước. Nhưng chẳng hiểu sao được 1, 2 tuần các cháu này lại xuất hiện và tiếp tục ra quốc lộ 1A xin tiền".
Theo xahoi
Dàn cảnh lừa tiền trên phố Sài Gòn "Một bé trai khoảng 6 tuổi, đen đúa, còm nhom, siêu vẹo đội mâm bánh cam đi qua đường. Bất chợt thằng bé trượt chân ngã sấp mặt xuống, nguyên mâm bánh lăn lóc trên đất bẩn. Em bé lồm cồm bò dậy, khóc tức tưởi, nhặt từng chiếc bánh. Mọi người đi đường thương cảm, dừng xe, túm tụm cho tiền. Mặt...