Lật tẩy “công nghệ” biến “rau bẩn” thành rau sạch
Nhận được thông tin từ một số nông dân trong một hợp tác xã (HTX) trồng rau tại Đồng Nai về việc vị Chủ nhiệm HTX này có trò “ảo thuật” biến “rau chợ” thành “ rau an toàn”, nhóm phóng viên – cộng tác viên của báo đã vào cuộc, phát hiện ra một sự thật khó tin.
Suốt một thời gian dài, vị chủ nhiệm này đã chuyên đi thu mua rau không rõ nguồn gốc ở chợ rồi tuồn vào siêu thị dưới mác “rau an toàn”.
Công nhân đang đong goi rau bân thanh rau sach
Phù phép
Nhiều ngày cuối tháng 3/2011, lần theo sau chiếc xe tải của ông chủ nhiệm HTX rau sạch Trảng Dài, chúng tôi phát hiện cứ khoảng 20h hàng ngày, chiếc xe tải nhỏ của ông Nguyễn Hữu Đức chạy đến đậu ở phía sau chợ đầu mối rau củ Tân Biên (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) để lấy hàng. Xe vừa dừng thì từ trên thùng xe tải, mấy tay phụ xe khệ nệ khiêng xuống đất chiếc xe máy Future Neo màu đỏ đen mang biển số 60X6 – 40… Nhanh như chớp, con gái ông Đức leo lên chiếc xe máy phóng nhanh vào chợ.
Công việc của ông Đức lúc này chỉ việc ngồi uống nước ở những quán cạnh chợ đợi con chở rau quả từ chợ ra cho cánh phụ xe chất lên xe tải. Thậm chí, có mối hàng còn chở rau thẳng đến chiếc xe tải để giao cho cha con ông Đức.
Dò hỏi một chị bán nước phía sau chợ, chúng tôi được chị cho biết: “Tối nào tôi cũng thấy chiếc xe tải này đậu ở đây. Không biết họ làm gì, nhưng 10 phút là thấy có người chạy xe máy chở rau đến giao rồi chất lên xe tải”. Sau khi lấy đủ số rau cần thiết, khoảng 1 tiếng sau, chiếc xe tải rời chợ Tân Biên và đi thẳng về hướng Thủ Đức (Tp Hồ Chí Minh). Lúc này, trên xe chỉ có ông Đức và người thanh niên theo phụ việc khoảng 25 tuổi, còn con gái ông Đức đi theo bằng xe máy.
Thông thường, khoảng 22h đêm chiếc xe tải chở rau trên sẽ dừng bánh trước ki -ốt N2 của chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Khoảng 10 thanh niên đứng sẵn ở đây lao đến xuống rau và “làm hàng” để biến hóa số rau ông thu gom ở chợ thành rau an toàn mang thương hiệu HTX.
Để chứng tỏ số rau mình bỏ mối cho siêu thị là hàng “sạch”, ông Đức còn cân đo từng số lượng rau cụ thể và cho cánh thanh niên bỏ gọn vào khay nhựa hẳn hoi. Trường hợp không đủ số lượng rau cần thiết, ông Đức lại cử cô con gái đi mua lại rau của các chủ vựa rau tại chợ nông sản Thủ Đức. Từ đây, mớ rau không nguồn gốc được thu mua tại chợ Tân Biên và chợ nông sản Thủ Đức sẽ được “làm sạch” để bỏ mối cho siêu thị. Sau khi đã “phù phép” rau chợ thành rau an toàn, chiếc xe tải chở “rau sạch” do ông Đức điều khiển rời khỏi chợ nông sản Thủ Đức.
Video đang HOT
Lần theo chiếc xe tải, chúng tôi phát hiện ông Đức cho xe rẽ vào đường Gò Dưa và thẳng hướng về khu công nghiệp Sóng Thần 1 (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Sau khi vượt qua những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, khoảng 1 giờ sau đó, chiếc xe tải chở “rau sạch” có mặt tại trung tâm phân phối thực phẩm tươi sống của hệ thống siêu thị C. (nằm trong khu công nghiệp Sóng Thần 1).
Gần 1 tuần ròng rã, chúng tôi tiếp tục lần theo hành trình biến hóa “rau sạch” của cha con ông Đức và nhận thấy mọi việc vẫn diễn ra như trước đó. Dưới bàn tay “phù phép” của ông Đức, mớ rau thu gom ngoài chợ trong phút chốc đã trở thành “rau an toàn” và được đưa vào hệ thống siêu thị.
Rau an toàn thành hàng chợ
Vì vị chủ nhiệm HTX này đã phù phép rau bẩn thành rau sạch, nên đương nhiên số lượng rau sạch do xã viên trong HTX này trồng ra sẽ bị “đem con bỏ chợ”.
Tìm đến địa chỉ nêu trên, chúng tôi được biết HTX rau an toàn Trảng Dài được thành lập từ tháng 10/2004, có 15 hộ xã viên gồm 7 hộ đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 8 xã viên còn lại trồng rau theo tiêu chuẩn rau an toàn. Với mục đích cung cấp nguồn rau sạch cho người tiêu dùng trên địa bàn Đồng Nai và các tỉnh lân cận. Nhưng qua 6 năm HTX hoạt động, nhiều xã viên trồng rau an toàn hiện lâm vào tình cảnh “dở khóc dở cười” vì sản phẩm của họ chỉ được bán ngoài… chợ.
Xã viên N.T.M cho biết: “Chúng tôi trồng rau an toàn đúng theo cam kết với HTX nhưng phải mang bán như ngoài rau chợ. Dân buôn họ nắm được thóp nên cứ ép giá. Không bán thì rau hư, phải đem bỏ, nên đành bấm bụng bán rẻ…”.
Khi nghe chúng tôi thắc mắc về sự chênh lệch giữa giá rau an toàn so với rau ngoài chợ, một xã viên ngậm ngùi: “Mang tiếng là xã viên của HTX nhưng rau do chúng tôi trồng luôn phải đem bán ở thị trường tự do. Hiện không xã viên nào bán rau cho HTX, vì HTX không thu mua rau của xã viên. Đem rau ra chợ bán nên rau của chúng tôi cũng đồng giá như mấy loại rau không nguồn gốc…”.
Quan sát những luống rau xanh mướt vừa được tưới nước, chúng tôi không khỏi thắc mắc về nguyên nhân ách tắc ở khâu tiêu thụ và được một xã viên giải thích: “Việc chào hàng, hợp đồng tiêu thụ rau đều do chủ nhiệm HTX thực hiện. Nhưng chẳng hiểu vì lý do gì ông chủ nhiệm HTX lại hiếm khi thu mua rau của xã viên, khiến người trồng rau an toàn như chúng tôi rất khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm”.
Ông cho biết thêm: “Chúng tôi biết ông Đức lấy rau ngoài chợ để bán cho siêu thị. Việc này xảy ra lâu rồi nhưng không làm gì ông ấy được”.
Các xã viên cho biết: “Một tháng ông Đức chỉ lấy rau của xã viên vài lần”. Trừ khi khan hiếm hàng (hoặc có đợt kiểm tra nguồn rau trồng của HTX), vị chủ nhiệm mới có “nhã ý” lấy rau của vài xã viên. Hậu quả là người trồng rau đổ công sức và vốn đầu tư cho mỗi vụ rau theo quy trình an toàn khá lớn, trong khi nguồn lợi thu về chẳng bao nhiêu.
Lộ mặt sai phạm
Từ những chứng cứ do nhóm PV, CTV báo cung cấp, UBND TP. Biên Hòa đã kí quyết định thành lập đoàn kiểm tra đối với HTX sản xuất và dịch vụ rau an toàn Trảng Dài. Nội dung kiểm tra bao gồm toàn bộ hoạt động của HTX từ khi thành lập cho đến nay.
Ngày 6/6 vừa qua, Phòng kinh tế thành phố cho biết đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã có báo cáo kết quả kiểm tra tình hình hoạt động của HTX nói trên. Quá trình kiểm tra, đoàn nhận thấy HTX không có phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các thành viên ban quản trị. Đơn vị này cũng không có kế toán, thu ngân mà việc đó sẽ do ông Đức kiêm nhiệm hết tất cả.
Từ khi thành lập đến nay, đơn vị này chủ yếu làm nhiệm vụ chuyển giao khoa học kĩ thuật về sản xuất nông nghiệp cho xã viên chứ chưa thực sự đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng chỉ tính trong 2 năm 2009 và 2010, doanh thu bán hàng của cá nhân ông Nguyễn Hữu Đức lên đến con số 7, 3 tỉ đồng và hoàn toàn sử dụng hóa đơn của HTX để xuất hàng.
Theo kết quả kiểm tra của đoàn thanh tra liên ngành, trong thời gian từ tháng 8/2009 – 8/2010, ông Đức đã mua rau trôi nổi ngoài chợ Sặc (phường Tân Biên) để cung cấp cho siêu thị C dưới danh nghĩa là HTX và ghi là rau an toàn.
Từ tháng 8 – 12/2010, tuy đứng tên là hộ gia đình cung cấp rau cho siêu thị C, nhưng ông Đức vẫn sử dụng phiếu kiểm nghiệm chất lượng của HTX để dễ dàng làm ăn. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành đã nhận định cá nhân ông Đức đã có hành vi kinh doanh không đúng mặt hàng đăng kí (Không mua rau của xã viên HTX mà dùng rau trôi nổi không rõ nguồn gốc để đưa vào siêu thị).
Ngoài ra, vị chủ nhiệm còn cung cấp thông tin sai lệch, thiếu trung thực cho khách hàng và người tiêu dùng hàng hóa (mua rau không đạt chất lượng nhưng xuất hóa đơn bán hàng lại ghi là rau an toàn). Đoàn đã đề xuất với UBND TP. Biên Hòa xử phạt hành chính với cá nhân ông Đức. Ngoài ra, các ngành liên quan sẽ tiếp tục kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế của ông Đức và HTX để xác định mức độ vi phạm.
Cũng cần nói thêm, mỗi xã viên khi tham gia vào HTX phải đóng vốn điều lệ là 2 triệu đồng. Với số tiền 34 triệu đồng của xã viên tham gia vào HTX, ông Đức đã dùng số tiền ấy bỏ vào tài khoản tiết kiệm của cá nhân mình tại ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam chi nhánh Đồng Nai.
Theo Người Đưa Tin
Thức ăn đường phố: Thêm véc-ni vào nước lèo
Để có nồi nước lèo màu mỡ gà, nhiều gánh hàng rong không "ngần ngại" cho... véc-ni dùng để đánh bóng gỗ vào nồi nước.
94% thức ăn đường phố bị thả lỏng, không thể quản lý, giám sát. Trong khi đó, nhiều người bán hàng chưa tuân thủ các yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm khiến thức ăn đường phố trở thành "sát thủ" tàn phá sức khoẻ, tính mạng thực khách.
Hiện nay, không chỉ tại các đô thị mà ngay cả các vùng nông thôn, thức ăn đường phố đã được ưa chuộng, bày bán tràn lan. Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm lại ít được quan tâm.
"Đột nhập" vào các quán cơm "bụi" đối diện trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM (quận Thủ Đức), chúng tôi không khỏi rùng mình khi chứng kiến "hậu trường" của các quán này.
Thức ăn đường phố được bày bán tràn lan với "công nghệ" chế biến thấy "ớn"
Công nghệ chế biến bẩn
Đập vào mắt chúng tôi là những xô nước đổ thức ăn dư thừa không được che đậy đặt kề bên miệng thoát nước thải bốc mùi hôi thối nồng nặc. Miệng cống ngập ngụa nước thải thức, ruồi nhặng bu đầy. Cách đó chỉ 1m còn có những thùng nước cáu bẩn, theo quan sát đó là những thùng nước được dùng để rửa thực phẩm. Các loại thịt, cá, gà, đậu hũ, măng, dưa,... được sơ chế ngay dưới nền xi măng. Còn các loại rau chỉ cần nhúng vào một chậu nước rồi vớt ra, đem đi chế biến. Một nữ sinh viên kể: "Có lần, sau khi xin đi nhờ toilet trong quán, tôi đã "bỏ của chạy lấy người khi trông thấy đống chén dĩa, muỗng đũa được rửa và để ngay trên bồn cầu nhà vệ sinh".
Kinh hoàng không kém là những hàng ăn ở chợ, tại đây hầu hết cống rãnh bị ứ đọng, khu vệ sinh bốc mùi khó ngửi trong khi gần đó bày bán đủ thức ăn chín như: thịt quay, giò chả, nem rán không có tủ kính che bụi. Tại các quán chè, bún chả, bún ốc, cơm chiên,... các chồng bát, đĩa, cốc, chén bẩn ruồi nhặng bu kín; nước để rửa chén thì chỉ có 2 xô, vừa rửa vừa tráng đục ngầu.
Các hàng quán có mặt bằng để bày bán mà còn bẩn đến vậy thì những thức ăn bày bán trên vỉa hè, các bến xe, trước các cổng trường học, nơi đông người qua lại càng thấy "kinh khủng"! Tại khu vực bến xe buýt chợ Bến Thành (quận1, TP HCM), hàng chục gánh hàng rong chen chúc nhau buôn bán bất chấp khói bụi, nắng nóng. Người bán mồ hôi nhễ nhại bưng đồ ăn chạy tới chạy lui để bán cho khách khi xe buýt dừng bến, trong khi thức ăn không hề được che đậy. Hầu hết các bà bán hàng không đeo găng tay, vừa cười nói vừa luôn tay bốc thức ăn.
Nguồn thực phẩm kém chất lượng
Đa phần thức ăn đường phố là ăn nhanh, gọn nhẹ, rẻ tiền như: bún, ốc, phá lấu, bánh mì, xôi,... phục vụ người bình dân nên vì lợi nhuận và không loại trừ hành vi buôn bán chụp giật, thực phẩm chế biến có nguồn gốc không rõ ràng, không đảm bảo chất lượng.
"Mục sở thị" khu vực bờ kè kênh Nhiêu Lộc hay ở cổng các khu công nghiệp, những chiếc xe đẩy bán phá lấu vàng tươi trông rất bắt mắt. Nhưng ít ai nghĩ, nồi phá lấu vàng tươi kia không phải là màu của nước dừa mà người bán hàng đã bỏ một loại phẩm màu không rõ nguồn gốc. Theo lời chia sẻ của người bán: "Dừa bây giờ rất mắc, 12.000 - 15.000 đồng/trái, nấu một nồi phá lấu tốn cả chục trái dừa, vậy thì làm sao mà có lời".
Nước để rửa chén thì chỉ có 2 xô, vừa rửa vừa tráng đục ngầu
Trong khi đó, để có nồi nước lèo màu mỡ gà, nhiều gánh hàng rong không "ngần ngại" cho véc-ni dùng để đánh bóng gỗ vào nồi nước. Chính việc sử dụng phẩm màu tùy tiện, không được phép, gây ra không ít trường hợp ngộ độc.
Theo thống kê của Thanh tra Sở Y tế TP HCM, trong năm 2010, Sở đã thanh tra 25.434 cơ sở kinh doanh thực phẩm, phát hiện 3.940 cơ sở vi phạm. Trong đó, vi phạm nhiều nhất là sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở môi trường không đảm bảo vệ sinh (gần 20%); thiết bị dụng cụ chứa đựng thực phẩm không an toàn vệ sinh (16%). Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế TP HCM, phần lớn vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc hộ kinh doanh nhỏ, cố định và người bán thực phẩm đường phố.
Còn theo Trung tâm Phân tích thí nghiệm - Sở KH-CN TP HCM, trên thị trường vẫn trôi nổi nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc có sử dụng những phụ gia ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế như phẩm màu RhodamineB, hàn the, phooc-môn
Nhưng vẫn đắt hàng
Mặc dù quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thức ăn đường phố và hàng ăn rong liên tục được tuyên truyền, đặc biệt từ khi dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm xuất hiện trên địa bàn thành phố nhưng theo khảo sát, thức ăn đường phố vẫn vô tư hoạt động trên khắp các tuyến phố.
Bạn Lê Thanh Hằng (SV Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM) chia sẻ: "Một lần tôi nói với bà chủ quán cơm bụi trước cổng: Cô ơi, cơm gà hình như có mùi hôi thì liền bị chửi thẳng thừng: "Mười ngàn một suất mà đòi ăn gà ngon không có đâu nha con". Biết vậy, nhưng sinh viên tụi mình rất thiếu thốn, phải tiết kiệm nên đành nhắm mắt mà ăn vậy".
Cũng có không ít người nhận thấy sự nguy hiểm của thức ăn đường phố đến sức khỏe nhưng vì lý do này, lý do kia vẫn phải tìm đến những quán ăn ven đường như một nhu cầu tất yếu không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.
Theo Báo Đất Việt
Lật tẩy một "màn kịch" thương tâm Cảnh người phụ nữ ngồi khóc lóc bên gánh tàu hủ đổ tung tóe khiến không ít người thương tâm và dừng lại cho tiền. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Nhiều bạn đọc thông tin: với chiêu thức dàn cảnh để người đi đường va quẹt, làm đổ gánh tàu hủ (hoặc tự đổ) rồi khóc lóc kêu gọi lòng thương...