Lật mặt đường dây ‘hai ngón’ tinh vi ở Hà Nội
Nạn móc túi ở các bến xe buýt hoạt động mạnh mẽ từ nhiều năm trở lại đây, nhiều đối tượng trộm cắp đã bị bắt và bị trừng trị. Tuy nhiên, đến nay tình trạng đó vẫn diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là phát triển mạnh hơn do sự cấu kết của các “đạo chích” với các đối tượng làm nghề khác để cùng &’kiếm ăn’.
Sau khi cộng đồng mạng lan truyền clip ghi lại hình ảnh một người thanh niên thảm thiết van xin kẻ móc túi trả lại bằng lái xe trên xe buýt gây bức xúc trong dư luận, PV VTC News đã thâm nhập vào các trạm trung chuyển, quyết tâm đưa “đường dây” trộm cắp, móc túi này ra ánh sáng.
Manh mối từ quán nước chè
Sáng sớm những ngày đầu tháng 10, chúng tôi có mặt tại bến xe buýt ở ngã tư Cầu Giấy (đối diện trường Đại học GTVT Hà Nội) – đây là một trong những điểm nóng về tình trạng móc túi trên địa bàn Hà Nội hiện nay. Dù cơ quan công an đã tiến hành nhiều đợt truy quét, bắt giữ, nhưng đến nay nạn “tặc túi” này vẫn hoành hoành.
Tạt vào một quán nước bên đường, tôi và người đồng nghiệp đi cùng đem câu chuyện anh thanh niên trong đoạn clip đang van xin kẻ móc túi trả lại giấy tờ ra bàn luận. Như đã quá quen với việc này, người đàn bà bán hàng nước nhanh nhảu tham gia: “Tưởng gì chứ chuyện mất cắp ở bến xe này là bình thường, muốn lấy lại giấy tờ cứ đến đây tôi tìm cho, việc gì mà phải van xin chúng nó cho khổ”.
Thấy lạ trước “lời mời” của bà bán nước, một người khách thắc mắc, bà ta nói tiếp: “Chúng nó chỉ lấy tiền chứ không lấy giấy tờ, tôi ngồi đây khó gì mà không tìm được”.
Cũng theo lời bà này thì mỗi ngày bà ta trả lại giấy tờ cho 4 đến 5 trường hợp, thậm chí có ngày lên đến cả chục trường hợp bị ăn cắp ví.
Các “đệ tử hai ngón” đang phối hợp để… “săn mồi”.
Video đang HOT
Nghe thấy vậy, hai cô gái trẻ đứng gần đó hớt hải tiến vào quán nhờ bà tìm lại giấy tờ. Không nhiều lời, bà bán hàng nước hỏi nhanh hai cô gái mất giấy tờ gì, ai đứng tên gì, mất từ bao giờ… rồi cúi xuống tìm trong chiếc hộp một đống giấy tờ, bằng lái, thẻ sinh viên, thẻ ngân hàng… Sau vài phút tìm kiếm, hai cô gái mừng như “được mùa” vì được nhìn lại chứng minh thư, bằng lái xe, thẻ sinh viên của mình vừa mới hôm qua ở đây thôi nhưng đã “không cánh mà bay”.
“Xem đúng chưa, hai trăm rưỡi nhé!” – Người đàn bà mặc cả ngay với hai cô gái. Niềm vui không được quá lâu, hai cô sinh viên trẻ lắp bắp xin xỏ, nhưng cũng đành phải rút ví “trả công” cho bà này hai trăm nghìn.
“Đấy anh thấy không, nó mới mất hôm qua mà tôi đã tìm được rồi đấy. Nếu có bạn bè mà bị mất ví, muốn tìm lại giấy tờ thì cứ qua đây hỏi, mất ít tiền chuộc thì lấy lại được ngay” – bà khoe tiếp với khách.
Câu chuyện về người đàn bà bán nước “sở hữu” hàng chục các loại giấy tờ của người mất cắp còn chưa khiến các vị khách hết ngạc nhiên thì từ xa một tiếng kêu thất thanh vang lên: “Cướp, cướp…móc túi!”. Nhưng rồi tiếng kêu cũng lịm dần đi và chỉ còn lại một cô gái với nét mặt ủ rũ ngồi bệt trên vỉa hè, trước bến đỗ xe buýt. Người đàn bà bán nước thì nhoẻn miệng cười: “Chiều đến đây lại thấy ví ngay thôi mà…”
“Tác nghiệp” phải có “đồng đội”
Theo “chỉ dẫn” của một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa, chúng tôi hòa vào dòng người đợi xe buýt tại điểm trung chuyển này. Quan sát kỹ, tôi đã kịp nhận ra ngay những “thằng tam mao” đứng vật vờ, đánh mắt khắp nẻo để tìm “con mồi”.
Đúng như dự đoán, khi xe buýt dừng đón trả khách, một tên đã tách nhóm, chen cùng hành khách lên xe. Vừa lên đến cửa xe, hắn cố tình xô đẩy và móc tay vào túi quần bò của một thanh niên đi trước rồi nhanh chóng chuyển chiếc ví sang tay khác cho vào túi. Nam thanh niên phát hiện, quay lại nắm cổ tay tên “tặc túi” và quát: “Trả ví tao đây!”. Nhanh như cắt, “đồng đội” của tên này đã bám sát lại gần lấy ví trong túi của tên kia rồi nhanh chóng lẩn ra phía sau.
Chúng có mặt ở khắp các cửa của mỗi chuyến xe buýt để tìm “hàng”.
Nam thanh niên cương quyết giằng co, tên móc ví thì cao giọng quát: “Có giỏi mày khám người tao đi, không tìm được tao đập chết”. Trong chốc lát, một nhóm bốn năm người quây quanh, gây áp lực cho người thanh niên mất ví. Trước sức ép đông người, nam thanh niên đành im lặng rồi bỏ đi. Những tên còn lại và đồng bọn đã nhanh chóng lẩn khuất sang phía bên kia đường.
“Bọn này có tổ chức lắm, có thằng chuyên móc ví, có thằng chuyên canh chừng, có bọn chuẩn bị để giải vây cho &’đồng đội’ khi bị phát hiện. Nhiều người biết thế nhưng có ai đủ sức bắt được chúng nó đâu” – Một người đàn ông đứng tuổi đợi xe buýt than thở với chúng tôi.
Tiếp tục tìm hiểu phương thức ăn trộm nhanh như chớp của bọn “tặc túi” chúng tôi vòng lên trạm trung chuyển xe buýt Long Biên (quận Hoàn Kiếm).
Theo quan sát của chúng tôi, việc phát hiện một tên “đạo chích” đang hành nghề ở đây cũng dễ dàng không kém ở bến xe Cầu Giấy. Các đối tượng đều chia thành một nhóm và hoạt động tương trợ lẫn nhau khi bị phát hiện. Nhiều người dân bất bình ca thán: “Ăn cắp giữa ban ngày thế này mà không ai báo với công an đến bắt”, thì nhận được ngay một câu trả lời: “Đừng dại mà báo, chúng nó đánh cho đấy!”
Xe ôm cũng là…thủ phạm
Trong vai một người mất ví đi tìm lại giấy tờ, chúng tôi hỏi một anh lái xe ôm, đặt vấn đề nhờ tìm giúp. Chưa nói hết câu, anh ta bảo không cần dài dòng rồi bắt ghi tên các giấy tờ, ngày giờ mất, địa điểm mất vào một tờ giấy và số điện thoại để liên hệ khi tìm được sẽ báo lên chuộc lại.
Đứng cà kê câu chuyện với người lái xe ôm này một lúc, đã có đến 3 người đứng lại hỏi về chuyện nhờ tìm lại giấy tờ.
Sau khi nhận được đầy đủ thông tin của nạn nhân, người xe ôm này liền bấm điện thoại ngay và đọc lại thông tin cho một người khác nhờ tìm. Chưa đầy 5 phút sau, một trong số các nạn nhân bị mất ví từ chiều hôm trước đã nhận được giấy tờ của mình do một người đàn ông đi xe máy khác mang lại. Sau khi hét giá từ 1 triệu đồng tiền chuộc, xuống đến 800.000 nghìn…hai người xe ôm này cũng chấp nhận cho chuộc lại ví với giá 500.000 nghìn đồng.
Tại điểm đỗ xe buýt trên đường Phạm Hùng, đoạn qua siêu thị BigC, dù đã bắt được rất nhiều tên trộm nhưng đến nay tình hình trộm cắp vẫn không có gì thay đổi, thậm chí còn phức tạp hơn.
Nhiều nạn nhân bị móc ví đã phải dán giấy “Rơi giấy tờ” ở khắp nhà chờ xe buýt.
Đứng trong bến, cậu bạn tác nghiệp cùng tôi vừa rút máy điện thoại ra để quan sát, thì ngay đằng sau đã xuất hiện ngay một tên “tam mao” tiến tới dọa nạt: “Tắt ngay cái máy quay đi, tao bẻ cổ bây giờ”, rồi tên này lủi nhanh vào đám đông. Một số đối tượng khác cũng quay sang nhìn, biết mình bị lộ, chúng lặng lẽ rút đi.
“Tặc túi” không chỉ xuất hiện ở các bến, mà ngay cả trên xe buýt các “đệ tử hai ngón” này vẫn thường xuyên hoạt động. Lên một chuyến xe buýt, lúc phụ xe lại thu tiền vé, tôi hỏi anh ta về tình hình mất cắp ở xe buýt. Anh trả lời ngay, “Đồ mình thì phải cẩn thận, chúng nó nhanh lắm, sơ ý là mất ngay, Khách toàn mất khi lên xuống chứ trên xe thì ít, bọn chúng có cả đường dây, nên không mấy khi bắt được”.
Mong rằng cơ quan chức năng sớm vào cuộc để truy quét loại tội phạm này, đem lại sự yên tâm cho mọi người khi sử dụng xe buýt công cộng. Làm được như vậy, chúng ta sẽ không còn đau lòng khi phải thấy những người lương thiện, người bị ăn cắp lại đi van xin kẻ ăn cắp, kẻ đê tiện như thế nữa.
Còn rất nhiều vấn đề về trộm cắp trên xe buýt như có hay không việc ăn rơ giữa lái xe, phụ xe và bọn móc túi, rồi từ trộm các đối tượng móc túi sẵn sàng trở thành… kẻ cướp. Vì sao cơ quan chức năng Hà Nội hiện bất lực trước hiện tượng này? Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho bạn đọc trong những bài điều tra tiếp theo, sẽ được đăng trên VTC News vào sáng ngày mai (13/10).
Theo VTC
Nhộn nhịp "chợ" vé tàu quá đát!
Dù chưa vào thời điểm thuận lợi để làm ăn như bán vé tàu vào dịp Tết, nhưng đội quân "cò" vé trước ga Sài Gòn vẫn nhộn nhịp bán vé tàu dùng vào mục đích thanh toán. Bằng công nghệ tẩy xóa rất tinh vi, những tấm vé tàu gian dối vẫn được "xuất xưởng" trót lọt.
GIÁ NÀO CŨNG DÍNH
Vừa trờ tới khu vực cổng ga, ngay lập tức chúng tôi đã được đội quân "cò" vé ngoắt tay, mời chào í ới. Chưa kịp bước đến cạnh phòng bán vé, bốn phụ nữ nhao lên hỏi chúng tôi tới tấp: "Mua vé đi đâu, ngày nào, khi nào vào Sài Gòn?". Khi biết chúng tôi cần vé khứ hồi từ Sài Gòn đi Quy Nhơn và ngược lại, người bán vé đã nhanh chóng chạy ù sang bên kia đường, vào một quán cà phê để lấy vé. Năm phút sau, chị ta quay lại đưa cho khách với đầy đủ "thông số".
- Bao nhiêu tiền vậy chị?
- Hai trăm nghìn đồng.
Thấy chúng tôi chê đắt, chị ta nại lý do "vì mua vé tàu nằm mà, đi chỗ nào cũng vậy thôi, nếu mua được giá rẻ hơn tôi sẽ bù lại tiền".
Lấy cớ thoái thác, chúng tôi nổ máy xe thì bị chặn lại. Lần này, người phụ nữ vui vẻ đồng ý khi chúng tôi trả nửa giá cho cặp vé. Tuy nhiên, giá đó cũng khá cao, bởi theo một số người mới mua vé tàu để về thanh toán, giá thông thường chỉ có 40.000 - 60.000 đồng/cặp. Dù người bán luôn hét giá trên trời, nhưng người mua trả giá nào cũng dính. Đôi khi cần gấp vé nên nhiều khách hàng phải cắn răng móc vài trăm nghìn để mua vé tàu có ngày đi, ngày về phải khớp với công lệnh.
CẢNH GIÁC VÉ "ĐỂU"
Thông thường, nhằm tránh tình trạng tuồn vé quá hạn ra ngoài chợ đen, các nhân viên kiểm soát thường thu hết lại vé tàu của khách để tiêu hủy. Tuy nhiên, "chợ" vé tàu trước ga Sài Gòn vẫn hoạt động rất công khai và có rất nhiều cách để đối phó.
Vài năm trước, cứ mỗi lần hành khách bước ra khỏi ga là lập tức đã bị bao vây bởi hàng chục "cò" vé. Họ đòi mua lại tấm vé đã đi với giá rẻ nhằm mục đích bán lại cho những người có nhu cầu, nhất là công nhân viên chức cần vé để về thanh toán với cơ quan. Nhưng hiện nay, một số cò vé đã tự tay "làm" vé bằng công nghệ "cạo, xóa" rất tinh vi, nên họ không cần phải bỏ vốn mà vẫn kiếm được tiền. Nếu không quan sát thật kỹ thì không thể phát hiện đâu là vé thật, đâu là vé giả vì chúng rất giống nhau. Rõ ràng, vé giả được tẩy xóa rất sắc sảo. Không chỉ thế, trước kia còn xảy ra tình trạng làm giả vé tàu rồi bán cho hành khách đi tàu. Nhiều nạn nhân từng "đụng" phải vé giả khi mua ở chợ đen chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Được biết, "chợ" vé trước ga Sài Gòn đã tồn tại từ nhiều năm qua. Vào các mùa cao điểm, hàng chục người, thậm chí trăm tay cò đứng ngồi trước ga, thực hiện giao dịch cả trong quán cà phê đến tận... bãi xe. Nhiều gia đình huy động tất cả thành viên để làm ăn. Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần tổ chức dẹp bỏ nhưng họ vẫn bám trụ dưới mọi hình thức. Do vậy, nạn cò vé chợ đen vẫn tồn tại như một thách thức.
Sắp đến mùa cao điểm bán vé tàu Tết, một nhân viên kiểm soát vé cho biết: để tránh mua phải vé dỏm, cách tốt nhất là hành khách nên đến mua tại ga hoặc đặt vé tàu qua mạng.
Theo CATP
Hé lộ chiêu 'ăn cắp' tinh vi của các cây xăng Hành vi gian lận của các cây xăng ngày càng tinh vi. Họ không còn sử dụng chip, mạch tích hợp gắn thêm để đấu nối vào phương tiện đo như trước đây mà chuyển sang sử dụng những công nghệ hiện đại hơn nhiều. Dù lực lượng chức năng vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc thanh, kiểm tra các doanh nghiệp...