Lật lại vụ WikiLeaks cáo buộc Nga cố tình tiết lộ tham số mật của vũ khí xuất khẩu
WikiLeaks từng tiết lộ, Nga đã cung cấp cho Israel bộ mã của tên lửa phòng không xuất khẩu sang Iran để đổi lấy bí mật UAV mà nước này bán cho Gruzia.
Lật lại vụ WikiLeaks cáo buộc Nga cố tình tiết lộ tham số mật của vũ khí xuất khẩu
Thỏa thuận bí mật?
Theo WikiLeaks, Nga và Israel đã tiến hành một thỏa thuận trao đổi vào năm 2008. Thông qua đó, quân đội Nga đã nhận được bộ mã bí mật của các máy bay không người lái (UAV) mà Gruzia mua của Israel. Ngược lại, Israel có cơ hội tiếp cận thông tin về các hệ thống tên lửa Iran mua của Nga.
Theo thông tin từ Sputnik (Nga), ngày 26/2/2012, WikiLeaks tuyên bố bắt đầu công khai khoảng 5 triệu email của Stratfor, hay còn được biết đến là Trung tâm nghiên cứu dự báo chiến lược, được thành lập năm 1996 và có trụ sở tại Texas. Đơn vị này từ lâu vẫn bị coi là “cái bóng của CIA”.
Website của Stratfor đã bị tấn công vào năm 2011 bởi nhóm hacker được biết đến với tên gọi Anonymous.
Theo một bức email bị rò rỉ trong số này, Gruzia đã mua một số UAV của Israel. Nhưng về sau, Jerusalem đã cung cấp cho Moscow mã “liên kết dữ liệu” của chúng để đổi lấy bộ mã của tổ hợp tên lửa Tor-M1 mà Nga đã bán cho Iran.
Video đang HOT
Israel từng cung cấp UAV Hermes 450 cho Gruzia.
Bức email về thỏa thuận trao đổi giữa Nga-Israel đã dẫn một nguồn tin giấu tên. Theo mô tả trong thư, đó là một “cựu cảnh sát Mexico, chuyên gia phân tích quân sự LATAM” (LATAM có thể là viết tắt của Latin America, tức châu Mỹ Latinh).
Theo nguồn tin này, sau khi có được bộ mã liên kết dữ liệu từ Israel, có vẻ Nga đã tìm cách xâm nhập vào hệ thống UAV của Gruzia và buộc chúng tự rơi xuống.
Đáng chú ý, trong email bị rò rỉ còn có một phần thông tin đề cập tới hệ thống phòng không S-300 mà Israel và phương Tây đã mất nhiều năm ngăn cản Nga không trao cho Tehran.
Nguồn tin Mexico cho biết, Nga có vẻ sẽ không cung cấp S-300 cho Iran. Ngoài ra, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang có sự phối hợp chặt chẽ về thông tin liên quan đến hệ thống này.
Kể từ khi S-300 được cung cấp cho Hy Lạp, Ankara đã luôn tìm cách phá mã của chúng và chia sẻ thông tin tình báo với Israel để đảm bảo họ có lợi thế hơn Iran trong trường hợp Tehran nhận được các tổ hợp tương tự từ Nga.
Vào thời điểm WikiLeaks công bố thông tin trên, chính phủ các bên được đề cập trong bức email không đưa ra bất cứ bình luận nào. Tuy nhiên, tờ Global Post dẫn một số nguồn tin công nghiệp quốc phòng tỏ ra nghi ngờ về độ tin cậy của Stratfor và cho rằng khó có khả năng Israel lại đồng ý thỏa thuận trao đổi thông tin tình báo như vậy.
Quan hệ quân sự Nga-Iran sau nghi án
Cho tới nay, báo chí Nga, Iran và các bên liên quan không thấy thông tin gì thêm về nghi án đổi chác bí mật nói trên. Ít nhất là theo thông tin từ phía Nga, thì quan hệ hợp tác quân sự Nga – Iran vẫn tốt đẹp, thậm chí có khởi sắc trong thời gian gần đây. Iran vẫn tỏ ý quan tâm và muốn mua nhiều vũ khí của Nga.
Sau khi Iran và nhóm P5 1 đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân, tháng 4/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm bán hệ thống S-300 cho Tehran.
Tới tháng 7/2015, sau khi Iran và nhóm P5 1 ký kết Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), các chuyên gia dự đoán Moscow sẽ xem Tehran là khách hàng lớn.
Một số thành phần của hệ thống S-300 xuất hiện trong lễ duyệt binh của Iran.
Ngoài việc nối lại thỏa thuận S-300, các hãng tin của Nga như Sputnik còn đề cập tới khả năng Moscow bán các vũ khí hạng nặng khác cho Iran, chẳng hạn như máy bay chiến đấu Su-30 Flanker, MiG-35, xe tăng chiến đấu chủ lực T-90, xe chiến đấu đổ bộ và nhiều loại vũ khí khác.
Tới tháng 2/2016, một số nguồn tin cho biết Tehran và Moscow đang thảo luận các điều kiện về gói hợp đồng, trong đó có sửa chữa, nâng cấp các đơn vị Mig-29K, Su-24MK và tàu ngầm lớp Kilo (Đề án 877) của Quân đội Iran.
Bên cạnh đó, theo Sputnik, Iran đã chính thức thể hiện sự quan tâm tới tổ hợp tên lửa phòng không S-400 và mong muốn được cung cấp bản quyền công nghệ lắp ráp máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-30SME ở trong nước.
Quốc gia Cận Đông này cũng muốn sở hữu tổ hợp tên lửa bờ đối hải Bastion với tên lửa Yakhont; máy bay huấn luyện Yak-130; trực thăng quân sự Mi-8/17; vũ khí hải quân, trong đó có tàu ngầm và tàu mặt nước có lượng giãn nước tương đương khinh hạm.
Tehran cũng ngỏ ý muốn hợp tác với Nga trong lĩnh vực phát triển xe thiết giáp.
Tháng 11 vừa qua, theo hãng thông tấn Fars (Iran), Tehran và Moscow đã bắt đầu đàm phán thỏa thuận cung cấp 10 tỷ USD vũ khí và khí tài, sau khi nước này nhận được hệ thống tên lửa phòng không S-300 từ Nga.
Nếu thông tin WikiLeaks về việc Nga tuồn cho Israel thông số của tổ hợp tên lửa Tor-M1 là chính xác, thì việc Iran tiếp tục mặn mà với vũ khí Nga có vẻ khá lạ lùng?
Còn về độ tin cậy của các tài liệu từ WikiLeaks thì đôi khi rất khó kiểm chứng. Tổ chức này cũng từng bị nhiều cơ quan truyền thông lớn trên thế giới đặt vấn đề nghi ngờ về tính trung lập, độ tin cậy, cũng như mục đích thật sự khi công bố các tài liệu.
(Theo Thời đại)