Lật lại vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme
Tác giả bộ tiểu thuyết nổi tiếng Millenium (Thiên niên kỷ) Stieg Larsson đã dành hàng chục năm trời điều tra vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme.
Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme – Ảnh: AFP
Cách đây đúng 28 năm, ngày 28.2.1986, Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme bị ám sát trên đường đi bộ về nhà sau khi xem suất phim tối cùng gia đình. Sát thủ bắn hai phát đạn, một phát trúng lưng làm ông Palme chết tại chỗ, phát thứ hai làm vợ ông, bà Lisbeth Palme, bị thương nhẹ. Sau khi gây án, hắn biến mất trong màn đêm và trở thành ẩn số khiến cảnh sát Thụy Điển đau đầu trong suốt gần 3 thập niên. Ngay trước dịp tưởng niệm biến cố đau buồn này, báo Svenska Dagbladet của Thụy Điển đã đăng tải hồ sơ về những thông tin mà nhà văn Stieg Larsson thu thập được trong quá trình điều tra vụ ám sát ông Palme.
Từ cực hữu đến tình báo Nam Phi
Trước khi thành danh trên văn đàn, ông Larsson là nhà báo nổi tiếng, đặc biệt rất thường viết về các đảng phái cực hữu của Thụy Điển. Cái chết của vị thủ tướng được nhiều người dân yêu mến đã làm rúng động đất nước Bắc Âu này. Không ngoại lệ, ông Larsson rất quan tâm đến vụ việc và ngay lập tức dành nhiều thời gian sau công việc để điều tra.
Theo Svenska Dagbladet, trước khi qua đời vì một cơn đau tim năm 2004, nhà văn đã giao lại cho cảnh sát 15 thùng các tông hồ sơ. Người tình cũ của tác giả bộ Millenium (gồm Cô gái có hình xăm rồng, Cô gái đùa với lửa và Cô gái chọc tổ ong bầu), bà Eva Gabrielsson kể lại: “Anh ấy bắt đầu điều tra từ những nhóm cực hữu vì đây là lĩnh vực mà Larsson rành rẽ nhất, ngoài ra, những tổ chức cực đoan cũng nằm trong số các đối tượng tình nghi”. Bà Gabrielsson và ông Larsson đã cùng thu thập rất nhiều tài liệu như địa chỉ, số điện thoại rồi xếp lại theo thứ tự để xâu chuỗi các sự kiện với nhau. Ông Larsson nhanh chóng chuyển hướng điều tra sang cựu quân nhân Thụy Điển Bertil Wedin vì tìm được nhiều nguồn tin cho biết người này làm việc cho tình báo Nam Phi từ thập niên 1970.
Video đang HOT
Sau vụ ám sát, cảnh sát cũng từng đặt nghi vấn tình báo Nam Phi đứng sau vụ việc vì lúc sinh thời, ông Palme là người nổi tiếng chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa Apartheid. Một điểm đáng chú ý khác là ngày xảy ra biến cố trên, điệp viên nổi tiếng của Nam Phi Craig Williamson cũng ở Thụy Điển. Năm 1982, Wedin từng thừa nhận có làm việc cho ông Williamson. Một số tài liệu do nhà văn Larsson để lại miêu tả Wedin là “sát thủ chuyên nghiệp” hàng đầu châu Âu vào thời điểm ấy. Tài liệu khác cho rằng ông này là trung gian của vụ ám sát. Cơ sở để nhà văn Larsson hướng sự nghi ngờ vào ông Wedin là các thông tin thu thập được như: bản sao hộ chiếu cho thấy người này nhiều lần đến Nam Phi; điều kiện kinh tế khá giả; bản báo cáo ở CH Cyprus về những lần Wedin bị cảnh sát hỏi thăm sau khi định cư tại nước này (không lâu trước khi xảy ra vụ ám sát)… Ngoài ra, ông Wedin cũng bị tình nghi là chủ mưu vụ ám sát bạn của Thủ tướng Palme, ông Ruth First vào năm 1982.
130 người tự nhận… thủ phạm
Việc công bố hồ sơ do nhà văn Larsson thu thập được đã mở lại một hướng điều tra từng được đặt ra trước đây. Tuy nhiên, chỉ dựa vào đó vẫn cực kỳ khó để khẳng định hung thủ thực sự đã giết ông Palme. Đây được xem là vụ án hình sự quy mô nhất, tốn kém nhất lịch sử Thụy Điển. Việc điều tra gặp nhiều khó khăn vì có quá nhiều giả thuyết được đặt ra với các chủ mưu đến từ… nhiều châu lục. Nguyên nhân là do ông Palme dù rất được lòng dân chúng nhưng đối với nhiều chính trị gia cả trong lẫn ngoài nước, ông thật sự là “một cái gai” cần phải nhổ bỏ.
Báo Le Figaro dẫn lời chuyên gia Clars Arvidsson cho biết ông Olof luôn mong muốn xây dựng một Thụy Điển thiên tả và tăng cường sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế. Về đối ngoại, ông không ngại công khai phản đối Mỹ về chiến tranh Việt Nam, chỉ trích chế độ Apartheid của Nam Phi, xem lực lượng PKK người Kurd là khủng bố hoặc kêu gọi châu Âu giải trừ vũ khí hạt nhân… Chính vì vậy, khi Thủ tướng Palme bị giết, cảnh sát Thụy Điển có hàng chục hướng điều tra để triển khai cả trong lẫn ngoài nước, chưa kể giả thuyết hung thủ là một kẻ có vấn đề về tâm lý, hành động đơn độc. Theo báo Le Temps, từ năm 1986 đến nay có hơn 11.000 người bị xét hỏi, trong đó có 130 người tự nhận là… thủ phạm.
Thậm chí, năm 1989, qua xác nhận của bà Lisbeth Palme, nghi phạm Christer Pettersson đã bị bắt giữ và bị kết án chung thân nhưng sau đó được tòa phúc thẩm xử trắng án vì không đủ chứng cứ. Năm 2001, Pettersson thừa nhận việc gây án trong một bài báo và giải thích hành động của mình là để trả thù cho người bạn Lars Tingstrm bị kết án chung thân do thực hiện nhiều vụ đánh bom vào đầu thập niên 1980. Tingstrm đã viết đơn xin ân xá nhưng bị Thủ tướng Palme từ chối nên nuôi lòng căm hận. Tuy nhiên, sau đó, Pettersson lại bác bỏ thông tin trong bài báo và không tiết lộ gì thêm cho đến khi qua đời vào năm 2004.
Vụ án lịch sử Tờ Le Point dẫn lời nhà điều tra Stig Edqvist cho biết: “Do tính chất phức tạp của vụ án, hồ sơ chúng tôi thu thập được trong gần 3 thập niên qua xếp đầy số kệ dài hơn 200 m. Lượng tài liệu như thế phải mất khoảng 10 năm mới đọc hết với điều kiện mỗi ngày đọc 300 trang”. Chính phủ Thụy Điển đã chi hơn 50 triệu euro cho quá trình điều tra.
Theo TNO
Pink Panthers - băng cướp thế kỷ
Dùng xe sang để cướp, mặc toàn đồ hiệu, có máy bay riêng, Pink Panthers là nhóm tội phạm nguy hiểm và nổi tiếng nhất thế giới.
Giữa tuần trước, cảnh sát Tây Ban Nha lập được chiến công lớn khi bắt giữ Borko Ilincic một thành viên chủ chốt của băng cướp Pink Panthers (Báo Hồng), ở ngoại ô thủ đô Madrid. Tờ Le Figaro dẫn thông cáo của cảnh sát cho biết Ilincic đã tham gia vụ cướp cửa hàng trang sức Graff tại trung tâm thương mại Wafi Mall của Dubai năm 2007. Đây được xem là một trong những vụ cướp nổi tiếng nhất lịch sử thế giới với diễn biến như phim hành động: 2 xe Audi hạng sang chở 8 tên cướp vận trang phục đen tông thẳng vào cửa chính của Wafi Mall rồi lao đến cửa hàng Graff. Chỉ trong vòng 90 giây, chúng đã cướp số trang sức trị giá 12 triệu USD rồi biến mất, khiến tất cả những người có mặt không kịp trở tay. Ngay chiều hôm ấy, với hộ chiếu giả, bọn cướp đã bay về châu Âu trên máy bay riêng.
Một đoạn diễn biến vụ cướp "như phim" tại Dubai năm 2007 do máy quay an ninh ghi lại - Ảnh: chụp từ clip
Cướp không biên giới
Từ Paris đến Geneva, London, Tokyo, Dubai..., hầu như không có thành phố sang trọng nào trên thế giới thoát khỏi "móng vuốt" của Pink Panthers. Băng cướp này đã phạm tội ở khoảng 30 quốc gia, có nhiều thành viên bị truy nã quốc tế và Interpol gọi đây là "băng cướp thế kỷ". Tờ Le Point dẫn lời nhà điều tra William Labruyère của Interpol cho biết: "Từ cuối thập niên 1990 đến nay, chúng tôi ước tính Pink Panthers đã thực hiện 341 vụ cướp với tổng giá trị khoảng hơn 450 triệu USD. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn". Theo giới điều tra, Pink Panthers có từ 200 - 450 thành viên cốt cán, nếu tính cả những kẻ đồng phạm (cung cấp vũ khí, tiêu thụ tang vật...) thì có thể lên đến hơn 600 tên, phần lớn xuất thân từ những quốc gia thuộc Nam Tư trước đây như Croatia, Montenegro, Serbia...
Bắt đầu hoạt động từ cuối thập niên 1990 nhưng đến năm 2003, băng cướp quy mô lớn này mới mang hỗn danh Pink Panthers sau khi thực hiện vụ cướp ở khu Mayfair thuộc London. Ngày 9.5.2003, Nejbosa Denic, một trong những tên đầu sỏ, ăn mặc cực kỳ sang trọng thản nhiên "tham quan" cửa hàng trang sức Graff. Không ai mảy may nghi ngờ cho đến lúc Denic bất thần rút súng và cùng với một số đồng phạm "vơ vét" các bộ sưu tập với nhiều món đính kim cương cực hiếm. Tổng thiệt hại của Graff khoảng 18,3 triệu USD. Vài tuần sau, trong một cuộc lục soát ở nhà một nghi phạm, cảnh sát London phát hiện chiếc nhẫn đính kim cương xanh được giấu trong một hộp kem dưỡng da. "Chiêu" này khá giống một chi tiết trong loạt phim Pink Panthers nổi tiếng nên các nhà điều tra Anh dùng tên đó đặt cho băng cướp.
Gây án bằng siêu xe Bentley
Ngoài vụ dùng xe Audi ở Dubai kể trên, Pink Panthers từng gây chấn động khi lái siêu xe Bentley đời mới tông vào một cửa hàng khác trong khu Mayfair để cướp số trang sức trị giá 16,7 triệu USD vào tháng 7.2007. Ngoài ra, còn có các vụ khác như cướp số trang sức trị giá 25 triệu USD ở khu Ginza của Tokyo (Nhật) vào tháng 3.2004; cướp nữ trang trị giá 2,7 triệu USD ở một cửa hàng kim hoàn cách trạm hiến binh địa phương chỉ 60 m tại thành phố Saint-Tropez của Pháp và tẩu thoát bằng thuyền máy vào tháng 8.2005, tổng thời gian vụ cướp chỉ có 1 phút 24 giây...
Sở dĩ Pink Panthers có thể ra tay nhanh chóng và trót lọt ở những khu vực sầm uất và được bảo vệ cẩn mật là do tính chất đặc thù của băng cướp này. Le Point dẫn lời một chuyên gia thuộc cảnh sát Pháp cho biết Pink Panthers không được phân chia quyền lực theo mô hình kim tự tháp như mafia Ý mà là một mạng lưới tội phạm rộng lớn. Chúng có khoảng 40 tên đầu sỏ chia nhau quản lý các nhóm nhỏ hoạt động tương đối độc lập nhưng với phương thức khá giống nhau, tương tự kiểu kinh doanh nhượng quyền (franchise).
Với phần lớn thành viên là cựu quân nhân từng tham gia các cuộc xung đột ở Nam Tư nên băng cướp này sử dụng vũ khí cực kỳ thành thạo, hiểu rõ nguyên tắc về chiến thuật quân sự. Áp dụng vào thực tế, dù cướp ở nơi nào trên thế giới, các nhóm của Pink Panthers hầu như luôn hành động theo một trình tự, theo tờ Le Figaro. Khi "đội săn mồi" xác định được mục tiêu, chúng sẽ gửi "đội trinh sát" tới đó với vỏ bọc là một cặp vợ chồng ăn mặc sang trọng, biết nói nhiều thứ tiếng. Nhóm này sẽ ghi nhận mọi chi tiết quan trọng như: vị trí máy quay an ninh, nút bấm báo động, thói quen của nhân viên, thời gian để ra khỏi cửa hàng, khoảng cách từ cửa hàng đến trạm cảnh sát gần nhất... Với những thông tin trên, chúng sẽ lập kế hoạch cực kỳ chi tiết và đến lượt "đội đánh cướp", "đội tẩu thoát", "đội tiêu thụ" lần lượt vào cuộc. Ngoài ra, trong mạng lưới của Pink Panthers còn có các tên chuyên về vũ khí, giấy tờ giả...
Thường mỗi vụ cướp của Pink Panthers chỉ diễn ra tối đa vài phút, cảnh sát hầu như không kịp trở tay nên cũng ít khi xảy ra đọ súng dẫn đến thương vong. Tuy vậy, những lúc cần thiết, Pink Panthers vẫn chứng tỏ chúng rất nguy hiểm và liều lĩnh được trang bị vũ khí tận răng. Tháng 7.2013, chúng từng dùng súng phóng rốc két để cướp ngục và giải thoát cho một đồng bọn ở Thụy Sĩ và một lần khác thì cho trực thăng giải thoát đồng bọn ở Đức, theo Le Point.
Từ năm 2005 đến nay, Interpol đã phối hợp với cảnh sát các nước ráo riết truy lùng và đã bắt giữ được gần 20 thành viên Pink Panthers ở nhiều nước, trải rộng từ Tây Ban Nha đến Hy Lạp. Tuy nhiên, chuyên gia William Labruyère của Interpol nhận định: "Trong 2 năm qua, băng cướp này vẫn thực hiện 71 vụ án lớn. Điều đáng lo ngại là chúng đang thể hiện xu hướng bạo lực hơn, liều lĩnh hơn so với trước đây".
Theo TNO
Nữ phát xít giết người hàng loạt ở Đức Những tình tiết của vụ án hình sự lớn nhất nước Đức trong hơn 20 năm qua cho thấy thực trạng đáng sợ về phong trào cực hữu tại đây. Beate Zschpe (phải) xuất hiện tại tòa hồi đầu tháng 2 - Ảnh: AFP Tòa án ở thành phố Munich, Đức đang tiến hành xét xử Beate Zschpe, nữ, 38 tuổi và 4...