Lật lại “kỳ án vườn mít”
TAND Bình Phước chuẩn bị đưa bị cáo Lê Bá Mai (SN 1982) ra xét xử sơ thẩm (lần 3) về tội giết người và hiếp dâm trẻ em. Như vậy vụ án này đã kéo dài đến nay là gần 7 năm, đã 2 lần bị cáo nhận án tử hình.
Theo cáo trạng gần đây nhất, vào ngày 12.11.2004, Lê Bá Mai được thuê đi rải phân trồng mì. Thấy 2 cháu Thị U. (SN 1993) và Thị H. (SN 1995) đang mót củ đậu gần đó, Mai bèn lấy xe máy rủ U. vào vườn mít đòi làm chuyện bậy bạ. Do U. không chịu và còn đòi mách với gia đình, nên Mai dùng tay chặt vào gáy khiến nạn nhân té bất tỉnh. Sau đó, thực hiện hành vi đồi bại rồi lấy quần của nạn nhân siết cổ cho đến chết. Năm 2005, TAND Bình Phước và TAND tối cao tại TP.HCM xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đều tuyên án tử hình Lê Bá Mai.
Lê Bá Mai tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vào ngày 13.7.2010 – Ảnh: G.Khánh
Sau khi án có hiệu lực, Mai không làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình mà cùng với gia đình kêu oan. Một trong những lá đơn đã làm động lòng bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội khóa XI. Trong văn bản gửi cho Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao, bà Hoài Thu đã nêu lên hàng loạt những mâu thuẫn trong vụ án. Chẳng hạn, U. mất tích từ ngày 12.11.2004 đến ngày 16.11.2004, nhưng không hiểu vì sao “xác bị phân hủy biến dạng” (theo biên bản khám nghiệm tử thi). Ngoài ra, kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận, không phát hiện thấy tinh dịch và xác tinh trùng trong thi thể nạn nhân thì “làm sao xác định Mai hiếp dâm trẻ em”. Áo quần của U. có nhiều lời khai bất nhất (Mai khai “quần lửng màu xám”, H. “quần lửng màu trắng đục”, khám nghiệm tử thi nạn nhân lại “quần thun ống dài”, còn gia đình U. “quần lửng màu xanh”).
Tương tự, kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSND tối cao vào ngày 12.12.2006 đã phân tích ra hàng loạt sai sót của cơ quan tố tụng. Nhân chứng quan trọng là H. khai, người chở U. đi là Mai; có lúc “đứng xa 100m nên không biết người đó là ai”. Mai khai, lúc xảy ra vụ việc “U. cầm củ sắn đang ăn dở”, nhưng kết quả khám nghiệm tử thi của cơ quan pháp y không phát hiện loại thức ăn này. Biên bản khám nghiệm hiện trường ghi thu giữ “một đôi dép Lào và chiếc quần quấn quanh cổ nạn nhân”, lệnh nhập kho lại ghi “một đôi dép nhựa màu xanh và một cái quần màu trắng đục đã cũ”; còn phiếu nhập kho tang chứng lại ghi “một đôi dép màu trắng đã cũ”…
Ngày 5.2.2007, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm, để điều tra lại theo quy định của pháp luật. Ngày 13.7.2010, TAND Bình Phước đã mở lại phiên tòa sơ thẩm (lần 2), đại diện Viện KSND tỉnh vẫn đề nghị HĐXX tuyên án tử hình Lê Bá Mai. Nhưng sau hàng loạt chứng cứ mà luật sư đưa ra để phản bác lời buộc tội của đại diện Viện Kiểm sát, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Cuối năm 2010, Viện KSND tỉnh Bình Phước đã có văn bản gửi cho TAND cùng cấp cho biết: “Kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi nội dung vụ án nên giữ quan điểm truy tố đối với Lê Bá Mai như bản cáo trạng số 17/QĐ/KSĐT-TA ngày 24.7.2009 của Viện KSND tỉnh Bình Phước”.
Theo Thanh Niên