Lát đá vỉa hè Hà Nội: Lát mới chưa xong, đoạn cũ đã hỏng
Sau hơn 1 năm tạm dừng cải tạo vỉa hè thì quyết định mới đây của TP Hà Nội ban hành mẫu thiết kế là cơ sở để các quận tiếp tục chỉnh trang, cải tạo vỉa hè. Một số tuyến phố đã được khẩn trương đào xới thi công.
Trong đó có các tuyến phố Trần Đăng Ninh, Trương Công Giai (Cầu Giấy); phố Trích Sài (ven Hồ Tây, quận Tây Hồ)… Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng lát vỉa hè mới. Bởi ở những tuyến cũ, đã có nhiều nơi vỉa hè đã hư hỏng.
Ghi nhận của PV Tiền Phong tại đường Trần Đăng Ninh, vỉa hè bên số chẵn đang hoàn thiện khâu lát gạch, bên vỉa hè số chẵn đang được đào xới, vật liệu ngổn ngang như một đại công trường.
Theo người dân tại đây, công trường thi công đã thực hiện hơn 1 tháng, đến nay vẫn chưa lát xong 1 bên phố.
Ông Trần Quang Thắng – Trưởng cụm 6, tổ dân phố số 8, phường Dịch Vọng chia sẻ: “Công nhân làm chậm và rất ẩu. Nếu không có người dân giám sát thì hỏng hết”.
Ông Thắng chỉ vào đống phế thải trên vỉa hè và và cho biết, hôm nọ họ đào xới gạch block cũ lên để thi công hạ ngầm, gạch phế thải tập kết ngay trên vỉa hè vô cùng bẩn, choán lối đi. Ông Thắng thay mặt người dân yêu cầu phải chuyển đi, thì đến đêm qua xe chở gạch đến lại chết máy ngay trên phố nên gạch không bỏ đi được, lại thêm cái xe tải choán lòng đường. ..
Được biết, đoạn phố này được lát gạch giả đá.
Việc lát gạch chậm khiến người dân bức xúc theo bà Vân – tổ trưởng tổ dân phố số 8 phường Dịch Vọng thì có thể thông cảm, bởi công việc đang thực hiện kiểu “cuốn chiếu”, vừa hạ ngầm điện, cáp viễn thông, cắt tỉa cây cối… rồi mới thực hiện lu nền, lát gạch được. ..
Video đang HOT
Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, chủ đầu tư phải công khai thời gian hoàn thành dự án, các loại vật liệu để chính người dân giám sát. Đảm bảo không lặp lại việc lát đá tràn lan, có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng đã từng xảy ra tại Hà Nội.
Tại phố Trích Sài (quận Tây Hồ), chỉ huy công trường cho biết, đơn vị có 4 đội công nhân, mỗi đội 6 người chia nhau cải tạo vỉa hè dọc đường Trích Sài. Ảnh: Mạnh Thắng
Tại một số tuyến đường đã từng lát đá tự nhiên, việc xuống cấp, vỡ gạch cũng xuất hiện khá nhiều. Trên ảnh là vỉa hè trên đường Láng Hạ, gạch vỡ được cho là do quá nhiều ô tô đi lên vỉa hè. Ảnh: Phạm Linh
Cạnh đó, tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) đá vỉa hè cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Phạm Linh
Trên một số tuyến đường trung tâm. Việc để ô tô lên vỉa hè ảnh hưởng đến hệ thống bó vỉa và đá vỉa hè.
Ông Toại (người dân phường Lê Đại Hành) cho biết, năm 2017 UBND quận Hai Bà Trưng lát đá tự nhiên vỉa hè khiến quán ăn nhà ông cả tháng trời “ế khách” vì bụi bặm và tiếng ồn. Tuy nhiên, mới được 1 năm một số đoạn đá tự nhiên đã vỡ nát, chủ yếu là ở các công trình xây dựng. Trên ảnh là công trình xây dựng 40 Đại Cồ Việt (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng).
Cũng trên địa bàn phường Lê Đại Hành, công trình 324C Bà Triệu khiến toàn bộ đá tự nhiên “độ bền 70 năm” vỡ nát.
Tại phố Quang Trung (quận Hoàn Kiếm) việc trông giữ xe khiến nhiều viên gạch bị bật khỏi nền.
Một số đoạn gần bó vỉa, gạch cũng bị vỡ do cập kênh.
Vỉa hè 1 tuyến phố bị “băm nát” do tập kết vật liệu xây dựng.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, để tránh việc thực hiện chỉnh trang vỉa hè tràn lan, UBND thành phố đã ban hành “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Trong đó có quy định giao trách nhiệm cho UBND cấp quận, huyện về quản lý cấp phép trông xe trên vỉa hè. Đồng thời, quận huyện cũng có thẩm quyền lựa chọn vật liệu lát hè phù hợp với mục tiêu dự án.
TRẦN HOÀNG – PHẠM LINH – HOÀNG MẠNH THẮNG
Theo TPO
Khốn khổ leo 17 tầng vì thang máy không hoạt động
Đại diện của gần 100 hộ dân tòa nhà tái định cư B10C khu đô thị Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, Cầu Giấy) cho hay, đã hơn 1 tháng nay hệ thống thang máy của tòa nhà không hoạt động.
Tuy nhiên, dù đã gửi nhiều đơn kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng đến... khó tin.
Miễn "thăng thiên", dừng "hạ thổ"
Thực tế, đây là câu nói vui nhưng lại hàm ý rất nhiều sự chua chát của cư dân toà nhà B10C kể từ khi hệ thống thang máy của họ bị tê liệt vào ngày 26-1-2019. B10C là một tòa nhà tái định cư cao 17 tầng của các hộ dân từng bị giải tỏa nhà đất khi thành phố thực hiện các dự án giao thông như: dự án mở rộng đường Lê Văn Lương; dự án đường vành đai 2,5 Nguyễn Phong Sắc kéo dài; hay dự án mở rộng đường Ô Chợ Dừa...
Tòa nhà B10C Nam Trung Yên
Kể từ khi được chuyển về đây năm 2010, hầu hết cư dân của tòa nhà đã phải đối mặt với khá nhiều phiền toái trong sinh hoạt mà đến nay vẫn chưa thể giải quyết được. Ông Phạm Đắc Hiểu - Tổ phó Tổ dân phố 44 phường Trung Hòa kể khổ: "Ở nhà cao tầng thì vấn đề quan trọng nhất chính là thang máy phục vụ đi lại và hệ thống PCCC đảm bảo an toàn cho cư dân. Tuy nhiên, cả 2 thứ đó ở chung cư chúng tôi hiện rất tệ. Về hệ thống chuông báo cháy thì đã không thể hoạt động từ rất lâu. Đèn khẩn cấp cũng hỏng mà không có ai thay thế. Còn thang máy thì đúng là... cực hình".
Theo ông Hiểu, thiết kế của tòa nhà này gồm 2 chiếc thang máy. Nhưng từ khi ông chuyển về đây, chưa bao giờ 2 chiếc này hoạt động được một lúc. "Cứ chiếc này chạy thì chiếc kia trục trặc không thể sử dụng được. Chúng tôi đơn từ kêu mãi, đến lúc có người tới chữa chiếc thang hỏng có thể chạy được thì đến lượt chiếc đang hoạt động "giở chứng" rồi... liệt hẳn. Cứ thế, 2 chiếc thang thay nhau "đi viện" và hơn 400 nhân khẩu của tòa nhà suốt bao năm qua chỉ có thể dùng chung 1 chiếc thang mà thôi" - ông Hiểu than thở.
Cư dân đang cố khắc phục chiếc thang máy bị hỏng tại tòa nhà B10C Nam Trung Yên
Dĩ nhiên, việc từng ấy con người dùng chung 1 chiếc thang máy thì cư dân B10C vẫn cố gắng khắc phục. Nhưng gần đây, đến ngày 17-2, khi cả 2 chiếc cùng "lăn ra ốm" thì cư dân ở đây cũng muốn ốm theo. "Những gia đình từ tầng 5 trở xuống thì còn đỡ, những hộ ở cao hơn thì không khác gì bị cưỡng bức tập thể dục nặng hàng ngày" - bà Nguyễn Thị Phong trú tại phòng 1103 nói.
Theo bà Phong, khu chung cư có rất nhiều người cao tuổi, việc phải leo bộ lên tầng 17 khiến họ kiệt sức nên hầu như những ai già cả đều không dám đi đâu khỏi nhà. Thậm chí họ hàng đến thăm nhau cũng chỉ dám đứng dưới sân gọi điện lên hỏi thăm sức khỏe chứ chẳng ai đủ dũng cảm để leo chừng ấy bậc thang cả.
Bà Phong kết luận: "Giờ đây chỉ có đám thanh niên là còn dám đi lại lên xuống tòa nhà. Các anh tính, như chúng tôi, ai khỏe lắm thì cũng chỉ leo được 10 tầng là mỏi gối chùn chân. Rồi mồ hôi vã ra như tắm, thở không ra hơi thì còn thăm hỏi với chơi bời cái gì? Ngay như lũ trẻ con đi học, mỗi khi về cũng ngán ngẩm không muốn leo lên nhà mình thì đủ hiểu chúng sợ đến thế nào".
Khổ đến bao giờ?
Là người được cư dân bầu ra để bảo vệ quyền lợi và đại diện cho tiếng nói của họ, nhưng thời gian gần đây, ông Hiểu cảm thấy xấu hổ mỗi khi gặp bà con bởi ông phải nghe họ ca thán suốt ngày mà không thể làm gì hơn được. Ông bảo: "Tôi thấy mình bất lực rồi. Đơn từ tôi cũng gửi cả đống rồi, nhưng chẳng ai đoái hoài cả. Về lý thuyết, chung cư chúng tôi thuộc sự quản lý của Xí nghiệp quản lý và dịch vụ đô thị thuộc Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội.
Hầm chiếc thang máy bị hỏng tại tòa nhà B10C Nam Trung Yên
Nhưng khi kiến nghị tới đây thì họ bảo, do tòa nhà chúng tôi không có tầng khai thác dịch vụ nên họ đã "trả" về Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở (Ban Công sở) thuộc Sở Xây dựng Hà Nội. Tôi gửi tiếp đơn đến Ban Công sở, nhưng đến nay vẫn chẳng có bất cứ ai hồi âm".
Cuối cùng do không thể chịu nổi cảnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập", ông Hiểu quyết định họp dân và các hộ đề xuất tự góp tiền để sửa chữa thang máy. Nhưng câu chuyện chẳng đơn giản như vậy. "Chúng tôi muốn sửa thì cũng phải có ý kiến đồng ý của cơ quan quản lý thì mới được làm. Tôi lại gửi tiếp đơn lần nữa xin được bỏ kinh phí sửa thang máy. Kết quả vẫn là... sự im lặng.
Thấy dân cực quá, cuối cùng tôi cứ đánh liều thuê công ty bảo trì đến sửa mà không cần biết họ có cho phép hay không. Chiếc thang các anh vừa đi lên nhà tôi là do chúng tôi mới thuê người sửa xong đấy. Nhưng tôi chỉ dám sửa 1 cái để dân dùng tạm thôi, để nếu về sau có bị "bắt lỗi" thì chúng tôi cũng chỉ sai có... một nửa - ông Hiểu thật thà nói.
Thanh minh hộ ông Hiểu, ông Vũ Ngọc Phúc trú tại phòng 1104 bảo: "Với cư dân ở nhà cao tầng, hỏng thang máy nhiều khi liên quan đến sinh mạng con người. Không tin các anh cứ sang hỏi ông Vũ Ngọc Kiên ở phòng 1203. Tháng trước vợ ông ấy bệnh nặng phải đi cấp cứu. Thế nhưng khi xe cứu thương đến thì thang máy tê liệt, nhân viên y tế không làm cách nào cáng bà ấy xuống bằng thang bộ được. Cuối cùng họ phải cử y tá sơ cứu tại chỗ, rồi gia đình thuê bác sỹ đến tận nhà chạy chữa. May mà người bệnh rồi cũng ổn. Nhưng nói dại, với cái đà này, có lúc vận rủi sẽ gõ cửa một hộ nào đó và sẽ có người thiệt mạng chỉ vì cái thang máy không hoạt động".
Thật khó chấp nhận khi giữa Hà Nội vẫn tồn tại những câu chuyện không biết nên khóc hay cười như của tòa nhà B10C Nam Trung Yên. Và cũng không biết Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ im lặng trước câu chuyện này đến bao giờ?
Theo anninhthudo
Sẽ xử lý nghiêm xe chở rác gây rơi vãi, rò rỉ nước Đây là yêu cầu của Sở Xây dựng Hà Nội đối với các địa phương và đơn vị vệ sinh môi trường. Ảnh minh họa. Ảnh: Dân trí. UBND các quận, huyện và thị xã phải giám sát chặt chẽ các xe đang vận chuyển rác từ địa bàn. Sở Xây dựng đề nghị đình chỉ hoạt động của các xe vận chuyển...