Lập tổ xử lý đặc biệt vụ đại gia thủy sản ôm 80 tỷ biệt tăm
Sau khi có ý kiến của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh An Giang đã thành lập tổ xử lý đặc biệt để giải quyết vụ đại gia thủy sản ôm 80 tỷ lặn tăm, khiến người nuôi cá tra lao đao.
Liên quan đến việc nhiều hộ dân nuôi cá tra gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng và Thủ tướng Chính phủ, sáng nay (10.2), ông Phạm Sơn – Chánh văn phòng UBND tỉnh An Giang đã có thông tin chính thức gửi cho phóng viên Dân Việt.
Trụ sở công ty Thuận An
Theo UBND tỉnh An Giang, lãnh đạo Công ty TNHH SX-TM-DV Thuận An (Công ty Thuận An, có trụ sở tại thị trấn Châu Thành, tỉnh An Giang) – công ty duy nhất được chọn tham gia thí điểm chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến cá tra tỉnh An Giang đã đi Trung Quốc tham dự Hội chợ Nghề cá từ ngày 29.10.2016 và đến nay vẫn chưa về công ty.
Lãnh đạo công ty trên là ông Nguyễn Thái Sơn – Chủ tịch Hội đồng thành viên và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh – Tổng Giám đốc. Việc 2 người này tham dự hội chợ trên là theo chương trình xúc tiến thương mại của chính công ty này.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang xác minh sự vắng mặt của 2 người này cũng như những vấn đề có liên quan đến vướng mắc của mô hình thí điểm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh An Giang.
Từ khi ông Nguyễn Thái Sơn và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh vắng mặt, ông Nguyễn Hữu Thành – Phó tổng giám đốc đã điều hành hoạt động Công ty Thuận An theo giấy uỷ quyền. Công ty Thuận An đang nhận làm gia công cho một công ty khác để duy trì hoạt động cũng như có kinh phí trả lương cho công nhân.
Cũng theo thông tin từ Chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang, đối với những kiến nghị của những hộ dân tham gia trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến cá tra, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập tổ xử lý.
Video đang HOT
Thành phần trong tổ xử lý này gồm Sở Công thương, Sở NNPTNT, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh ngân hàng cho vay và một số đơn vị có liên quan. Tổ xử lý đặc biệt này sẽ có nhiệm vụ xây dựng phương án thu hồi nợ trong chuỗi và xem xét xử lý những khó khăn của từng hộ dân.
Người dân phải gửi đơn cầu cứu khắp nơi sau khi lãnh đạo Công ty Thuận An không xuất hiện nhiều tháng qua
Như Dân Việt đã thông tin, năm 2014, UBND tỉnh An Giang có quyết định phê duyệt cho vay thí điểm dự án chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến trên địa bàn tỉnh An Giang. Theo đó, mô hình này có sự liên kết giữa nhiều hộ dân ở An Giang, Công ty Thuận An và phía ngân hàng cho vay.
Đến ngày 17.11.2016, người dân nhận được thông tin lãnh đạo Công ty Thuận An đi công tác không trở về, có dấu hiệu bỏ trốn nên gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến nhiều nơi vì phía công ty không thực hiện trả vốn vay mua thức ăn cho phía ngân hàng (khoảng 80 tỷ đồng của 9 hộ dân), trả số tiền còn lại cho các hộ dân sau khi trừ tiền mua thức ăn cho cá như thỏa thuận…Nguyên tắc của chuỗi liên kết là ngân hàng giải ngân theo hóa đơn mua thức ăn nuôi cá của hộ dân. Sau thời gian nuôi, hộ dân phải bán cá vào Công ty Thuận An và công ty này có trách nhiệm trả vốn vay mua thức ăn trực tiếp cho phía ngân hàng, trả số tiền còn lại cho các hộ dân sau khi trừ tiền mua thức ăn trên.
Theo Danviet
Đại gia thủy sản ôm 80 tỷ lặn tăm, người nuôi cá cầu cứu Thủ tướng
Mô hình thí điểm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến cá tra "gặp bão" khi lãnh đạo doanh nghiệp không xuất hiện nhiều tháng qua mang theo khoản nợ 80 tỷ đồng. Tình trạng trên khiến cho nông dân lao đao, phải cầu cứu đến Thủ tướng Chính phủ.
"Vỡ mộng" mô hình liên kết
Theo tài liệu Dân Việt nắm được, năm 2014, UBND tỉnh An Giang có quyết định phê duyệt cho vay thí điểm dự án Chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ trên địa bàn tỉnh An Giang.
Lãnh đạo Tafishco có dấu hiệu bỏ trốn nhiều tháng nay.
Đến ngày 19.8.2015, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang có quyết định về việc phê duyệt danh sách hộ nuôi cá tra - chuỗi liên kết sản xuất cá tra Tafishco mở rộng đợt 1.2015 (đây được xem mô hình liên kết cá tra có quy mô lớn và đầu tiên ở miền Tây). Theo đó, mô hình này có sự liên kết giữa nhiều hộ dân ở An Giang, Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Thuận An (Tafishco) và phía ngân hàng cho vay.
Theo đó, nguyên tắc của chuỗi liên kết là ngân hàng giải ngân theo hóa đơn mua thức ăn nuôi cá của hộ dân. Sau thời gian nuôi, hộ dân phải bán cá vào Tafishco và công ty này có trách nhiệm phải trả vốn vay mua thức ăn trực tiếp cho phía ngân hàng, trả số tiền còn lại cho các hộ dân sau khi trừ tiền mua thức ăn trên.
Trong đơn kêu cứu khẩn cấp lần 5 (ngày 23.1.2017) gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, 9 hộ dân tham gia chuỗi liên kết phản ánh: Sau hơn 2 năm triển khai, nông dân chúng tôi vui mừng vì chuỗi liên kết hoạt động có hiệu quả, đi đúng hướng. Cho đến ngày 17.11.2016, chúng tôi nhận được thông tin bà Nguyễn Thị Huệ Trinh - Tổng Giám đốc Tafishco đi công tác không trở về, có dấu hiệu bỏ trốn.
Ở một diễn biến khác, đại diện phía ngân hàng xác nhận Công an tỉnh An Giang đã đến thu thập tài liệu có liên quan mô hình liên kết trên. Đồng thời cho biết, Tafishco đã không còn ai đại diện theo pháp luật để giải quyết phần nợ mà ngân hàng đã cho vay.
"Vì vậy, phía công ty không thực hiện trả vốn vay mua thức ăn cho phía ngân hàng (khoảng 80 tỷ đồng của 9 hộ dân), trả số tiền còn lại cho các hộ dân sau khi trừ tiền mua thức ăn cho cá như thỏa thuận" - đại diện các hộ dân phản ánh.
Ông Nguyễn Văn Tấn bức xúc: "Tafishco đã thu mua cá nhiều tháng qua rồi, coi như chúng tôi đã thực hiện xong phần trách nhiệm của mình khi lấy thức ăn nuôi cá. Nhưng do lãnh đạo công ty này không còn ở Việt Nam, có dấu hiệu bỏ trốn, tiền thức ăn phía công ty vẫn chưa trả cho ngân hàng nên đơn vị này đã quay sang đòi nông dân chúng tôi. Riêng hộ gia đình tôi đầu tư nuôi 2,8ha, vốn đầu tư khoảng 21 tỷ đồng. Khi chủ doanh nghiệp này lấy cá rồi bỏ đi, không thực hiện trả tiền đã khiến gia đình tôi lao đao".
Cầu cứu Thủ tướng
Bất ngờ trước thông tin lãnh đạo Tafishco có dấu hiệu bỏ trốn suốt nhiều tháng qua, 9 hộ dân trong chuỗi liên kết đã làm đơn trình báo đến cơ quan Công an tỉnh và các cơ quan chức năng có liên quan để nhờ hỗ trợ điều tra, giúp đỡ.
Theo ông Tấn (1 trong 9 hộ dân) tham gia chuỗi liên kết, đến nay, họ đã gửi đơn cầu cứu khẩn cấp lần 5 đến nhiều cơ quan ở tỉnh và T.Ư.
Đơn cầu cứu gởi Thủ tướng Chính phủ và công văn hồi đáp của Văn phòng Chính phủ.
Trong đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan T.Ư và tỉnh An Giang, những hộ dân cho biết đã thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình cũng như nguyên tắc của chuỗi liên kết là sử dụng vốn đúng mục đích; nuôi cá đúng thời gian và bán đúng đối tượng nhưng lại gặp khó khăn nêu trên do doanh nghiệp không đủ năng lực.
Ông Thái Văn Minh cũng là một trong những hộ dân thực hiện chuỗi liên kết cá tra trên chia sẻ: "Lỗi là do cơ quan chức năng, ngân hàng thẩm định năng lực, giám sát doanh nghiệp chưa đúng dẫn đến chuỗi liên kết phải... mất liên kết. Khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, chúng tôi lại là người gánh chịu hậu quả khi sự cố xảy ra, thật quá bất công. Vì vậy, chúng tôi tha thiết đề nghị các cấp, các ngành nhanh chóng vào cuộc. Chúng tôi đang bị bỏ rơi giữa chừng, bị xiết nợ mà không phải lỗi của chúng tôi".
Người nuôi cá tra trong chuỗi liên kết An Giang phải vỡ mộng vì lãnh đạo công ty lặn tăm.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, sau khi gửi đơn cầu cứu đến Thủ tướng Chính phủ, mới đây (ngày 18.1.2017), Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 493/VPCT-V.I về việc đơn phản ánh, kiến nghị của một số công dân về chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco (tỉnh An Giang). Theo đó, công văn nêu rõ: Thực hiện quy chế làm việc của Chính phủ và căn cứ nội dung phản ánh, kiến nghị, Văn phòng Chính phủ chuyển đơn nêu trên đến UBND tỉnh An Giang để chỉ đạo kiểm tra, xem xét, giải quyết theo quy định và thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả.
Sáng nay (9.2), trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Sơn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang cho biết: "Các bộ phận chuyên môn đang kiểm tra, xử lý theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ. Cũng ngay trong chiều nay, UBND tỉnh sẽ cùng với phía ngân hàng cho vay nuôi cá tra theo chuỗi tổ chức họp liên quan đến vụ việc trên".
Theo Danviet