Lập thiết kế chi tiết khắc phục sự cố sạt lở taluy cầu “Khuyến học & Dân trí”
Liên quan đến vụ sạt lở taluy bảo vệ mố cầu “Khuyến học & Dân trí” tại bản Ông Tú, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, bước đầu phán đoán có thể do bản thiết kế chưa phù hợp với chất đất, địa hình nên đã xảy ra sự cố đáng tiếc trên.
Sạt lở hãi hùng phần taluy bảo vệ mố cầu “Khuyến học & Dân trí”
Phần đất sạt lở sẽ được nhà thầu cào sạch đến tầng đá mẹ
Ngày 10/9, Công ty Cổ phần xây dựng & thương mại 343 đã điều động xe tải, máy múc cào hết phần đất bị sạt lở đến tầng đá mẹ, sau đó đơn vị chủ đầu tư và Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng 533 sẽ lên bản thiết kế chi tiết.
Tại hiện trường, ông Trần Văn Trung, Công ty Cổ phần xây dựng & thương mại 343, Chỉ huy Trưởng công trình cầu “Khuyến học & Dân trí” tại bản Ông Tú cho biết, sau khi cào hết lớp đất sạt lở đến tầng đá mẹ, đơn vị sẽ gửi số liệu chi tiết cho đơn vị tư vấn thiết kế. Sau khi có bản thiết kế, theo ông Trung, nếu thời tiết thuận lợi thì chỉ mất khoảng 15 ngày là hoàn thành việc khắc phục sự cố sạt lở.
Dây chống sét cũng được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở
Trao đổi với PV Dân trí về nguyên nhân vụ sạt lở taluy bảo vệ mố cầu “Khuyến học & Dân trí” tại bản Ông Tú, ông Trung cho hay: “Hiện tại vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân vụ sạt lở, tuy nhiên theo tôi nhận định, để xảy ra sự cố sạt lở taluy bảo vệ mố cầu là do phần móng được thiết kế nằm một nửa trên mặt đá, một nửa nằm trên đất phong hóa yếu nên tạo sự kết dính không vững chắc. Ngoài ra, yếu tố nguồn nước ngầm từ trong núi rò rỉ ra, cộng thêm nước mưa từ trên dây chống sét chảy xuống cũng là một trong những nguyên nhân khiến taluy bảo vệ mố cầu bị bung ra”.
Cũng theo ông Trung, trong quá trình phê duyệt bản thiết kế, các đơn vị liên quan cũng đã đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất và sau đó bản thiết kế cũng đã được chỉnh sửa nhiều lần, tuy nhiên khi cầu mới đưa vào sử dụng đã xảy ra sự cố đáng tiếc trên.
Có mặt tại cầu “Khuyến học & Dân trí”, theo ghi nhận của PV, ngoài sự cố sạt lở taluy bảo vệ mố cầu, bề mặt cầu dù mới đưa vào sử dụng nhưng đã có nhiều dấu hiệu sai sót về kỹ thuật. Đó là các tấm ván gập ghềnh, mục nát ở giữa rất nguy hiểm.
Ván gập ghềnh, mục nát ở giữa
Học sinh đi lại gặp không ít trở ngại
Video đang HOT
Về vấn đề này, ông Trung cũng cho biết, ván lát cầu dài 2,7m, lòng mặt cầu rộng, tuy nhiên quá trình thiết kế, đơn vị tư vấn thiết kế không tính đến việc làm tấm tôn ép các tấm ván lại. “Hiện tại chúng tôi đang tính làm hai tấm tôn dày khoảng 3cm, siết ốc vít phía dưới để làm cho lớp ván lát mặt cầu kết dính vào nhau”, ông Trung cho hay.
Trao đổi với PV Dân trí về sự cố sạt lở taluy bảo vệ mố cầu “Khuyến học & Dân trí” tại bản Ông Tú, nhiều chuyên gia trong ngành xây dựng đóng trên địa bàn Quảng Bình cho rằng, yếu tố chất đất ở huyện miền núi Minh Hóa thường có sự kết dính không cao, kèm theo đó tầng địa chất ở đây có nhiều nước ngầm, bởi vậy khi tiến hành thực hiện một dự án xây dựng, nhất thiết đơn vị tư vấn thiết kế phải tiến hành khoan trắc, nghiên cứu chất đất, địa hình một cách kỹ lưỡng rồi mới đưa ra bản thiết kế cuối cùng. Tuy nhiên, ở trường hợp này, có lẽ đơn vị tư vấn thiết kế chủ quan, còn hội đồng thẩm định cũng thiếu trách nhiệm!
Sáng 10/9, nhà thầu đang tiến hành cào múc đất sạt lở, những tảng đá to có thể rơi xuống bất cứ lúc nào…
… trong khi đó ở phía dưới có nhiều học sinh đang tắm rất nguy hiểm.
Liên quan đến vụ việc, theo một nguồn tin riêng của PV Dân trí, hiện tại lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình cũng đã vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ việc và làm rõ trách nhiệm đối với các đơn vị liên quan.
Dù sạt lở kinh hoàng…
…nhưng mỗi ngày, hàng chục em học sinh ở bản Ông Tú vẫn phải đi qua cầy cầu.
Làm việc với PV Dân trí về vụ sạt lở taluy cầu “Khuyến học & Dân trí” tại Quảng Bình, ông Mai Văn Thành, Phó Ban Quản lý các dự án kinh tế miền núi huyện Minh Hóa cho biết, những ngày qua, đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị tư vấn thiết kế rất khẩn trương trong việc khắc phục sự cố sạt lở taluy bảo vệ mố cầu “Khuyến học & Dân trí”.
Theo ông Thành, hiện tại Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng 533 (đóng tại Đà Nẵng) đã ra tận hiện trường hai lần và lên phương án vẽ bản thiết kế mới bằng cách đổ bê tông vĩnh cửu từ dưới tầng đá mẹ lên tận mặt đường, bê tông được đổ theo dạng đan ô vuông, khoảng 3 đến 4m2, ở giữa xây đá. Ngoài ra, vấn đề xử lý nguồn nước ngầm rò rỉ ra từ núi cũng được đơn vị tư vấn thiết kế lên phương án xử lý một cách triệt để.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin những diễn biến mới nhất về vụ việc này.
Đặng Tài – Văn Lịnh
Theo dantri
Chuyện chưa kể về cái chết của người tìm "kho báu" Vua Hàm Nghi xuyên hai thế kỷ
Vùng núi có tên Mã Cú (thuộc thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) giờ không còn là tâm điểm của dư luận nữa, bởi người 31 năm đeo đuổi việc tìm "kho báu" Vua Hàm Nghi theo dã sử đã đặt dấu chấm hết cuộc đời ngay trên vùng núi heo hút này.
Dấu chấm hết về cuộc trường chinh tìm "kho báu"
Cách đây hơn 3 tháng, trong một cái lán xiêu vẹo ở núi Mã Cú, người dân đã phát hiện xác ông Nguyễn Hồng Công (SN 1952, quê xã Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa; trước đó sống tại quận 4, TPHCM) trong tình trạng đang phân hủy. Ông Công là người quyết tâm tìm "kho báu" Vua Hàm Nghi kể từ năm 1982 đến nay. Cái lán của ông Công nằm giữa lưng chừng núi, bên cạnh là các công trình hầm hào do ông đào bới sâu vào lòng núi suốt 31 năm qua. Cái chết trong hiu quạnh của ông đã khép lại số phận và cuộc "trường chinh" của một con người với niềm tin bất biến rằng: Kho báu Vua Hàm Nghi là có thật.
Căn lán của ông Nguyễn Hồng Công.
Trao đổi với PV Lao Động & Đời sống, ông Bàn Văn Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Hóa Sơn cho biết, liên quan đến việc ông Công tìm kiếm kho báu, đã rất nhiều lần Công an huyện và UBND xã cấm, tiến hành xử phạt rồi khuyên nhủ, nhưng ông vẫn quyết tâm đeo đuổi mục đích của mình. Vì vậy, có thể nói, ông Công có một ý chí phi thường hiếm thấy, sống ở đây 31 năm để đào núi tìm "kho báu".
Sau cơn bão số 10 (năm 2013), người dân sống xung quanh lâu không thấy ông Công đi xuống núi mua thức ăn như mọi khi nên đã thông tin với chính quyền xã. Linh cảm có điều không tốt, sáng 6/10/2013, ông Sơn đã cử công an viên Đinh Xuân Hậu và cán bộ dân số xã Phan Thanh Chiến đến lán trại của ông Công để xem tình hình thế nào.
Anh Hậu kể: "Khi đến, thấy cửa bị khóa trong, gọi mãi không nghe trả lời, nên tui gọi điện báo cử thêm người vào. Phá cửa để vào nhà, chúng tôi phát hiện thi thể ông Công đang trong quá trình phân hủy, đầu ông nằm lệch ra khỏi giường, chắc ông gắng gượng dậy để gọi người đưa đi cấp cứu, nhưng không kịp. Đồ đạc trong lán trại vẫn còn nguyên cùng với số tiền hơn 1 triệu đồng trong túi quần. Cuốn sổ ghi chép tìm thấy trong lán trại còn ghi ngày ông trở lại Hóa Sơn. Lực lượng pháp y kết luận ông chết từ gần 1 tuần trước".
Sau khi liên lạc với gia đình nhưng không được, chính quyền đã tiến hành chôn cất thi thể ông Công theo phong tục địa phương tại nghĩa địa của xã. Đến chiều 7/10/2013, qua nhiều kênh thông tin, người nhà ông Công mới biết sự việc và về xã Hóa Sơn để làm các thủ tục cần thiết.
Anh Nguyễn Hồng Quang (con trai ông Công) cho biết, cách đây khoảng 4 tháng, khi ông Công đòi về lại Hóa Sơn sau một thời gian chữa bệnh ở TPHCM, anh và hai chị gái đã ngăn cản, không cho đi. Nhưng ông Công vẫn nhất quyết và dọa nếu không cho đi thì ông sẽ tự tử. Hoảng quá, gia đình đành phải cho ông trở lại Hóa Sơn, không ngờ bệnh tật tái phát khiến ông chết một mình lạnh lẽo nơi đây.
Theo tìm hiểu của PV, vì dồn tiền để ông Công thực hiện cuộc tìm kiếm "kho báu" trong hoang tưởng, gia đình phải bán nhà và toàn bộ tài sản, vay mượn tiền bạc nên nay rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, ly tán. Vợ ông Công phải vào tù vì không có khả năng trả nợ.
Chính quyền xã Hóa Sơn cho biết, trước đây, nhiều lần ông Công suýt chết do ăn uống kham khổ trong lúc đào hầm và không biết bao nhiêu lần. Người dân phát hiện ông nằm ngất xỉu do thiếu dưỡng khí khi đi ngang qua hệ thống địa đạo chằng chịt do ông đào dưới núi Mã Cú. Ông Bàn Văn Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Hóa Sơn cho biết, trước khi phát hiện ông Công chết chừng hơn nửa tháng, ông Công có liên lạc với chính quyền nói mình sức khỏe yếu.
Chính quyền xã lên lán trại đem ông về trạm y tế xã để kiểm tra sức khỏe. Tại đây, các y - bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh lao, phải điều trị. Nhưng sau khi uống thuốc được vài ngày, ông nhất quyết xin về lại lán trại. Có thể nhận định, nguyên nhân ông Công chết là do sức khỏe bị suy kiệt.
Những hộ dân sống xung quanh núi Mã Cú, ai cũng có cảm tình với ông Công, vì ông sống ở đây đã lâu và chan hòa với mọi người. Mỗi lần đi đâu xa về, ông đều có quà cho bọn trẻ sống gần nhà. Cụ Đinh Thị Liên - 67 tuổi kể: "Cách đây chừng một tháng tui còn thấy ông ấy đi liêu xiêu trên con đường mòn gập ghềnh dẫn lên núi. Gần đây, thấy ông không đi chợ trong thời gian dài, mọi người nghĩ ông ấy bị ốm, phải đi chữa bệnh. Ai ngờ ông ấy đã chết mà không ai biết, tội nghiệp quá!".
Đã nhiều lần "công bố" về việc phát hiện kho báu Vua Hàm Nghi
Khởi nguồn của việc đào tìm "kho báu" Vua Hàm Nghi bắt đầu từ năm 1982, khi anh trai ông Nguyễn Hồng Công là ông Nguyễn Văn Luật - một thủy thủ tàu viễn dương, sau một chuyến công tác nước ngoài đã cầm về một tấm bản đồ bằng da được cho là "bản đồ kho báu Vua Hàm Nghi". Ngoài ra, ông Công còn có các tư liệu khác và một... bài thơ với những câu như: "Hóa Sơn ghìm bước quân vương tới/Mã Cú lưu gìn báu vật xưa".
Sử cũ chép rằng, núi Mã Cú (còn gọi là núi Yên Ngựa) là nơi mà Vua Hàm Nghi và đoàn hộ giá từng hạ trại trên đường bôn tẩu năm 1885, từ đồn Sơn Phòng (Hà Tĩnh) di giá về Cơ Sa - Kim Linh (tên gọi của huyện Minh Hóa, Quảng Bình hiện nay), xây dựng vùng kháng chiến chống Pháp và kêu gọi xây dựng phong trào Cần Vương. Nhiều người cho rằng, trước khi bị bắt, Vua Hàm Nghi đã lệnh cho quân lính đi bắt thanh niên trai tráng về để chôn giấu toàn bộ vàng bạc, châu báu mà triều đình có được. Sau khi giấu vàng xong, số người này đều bị giết để giữ bí mật.
Chính từ đó, bị thôi thúc bởi niềm tin rằng "kho báu" là có thật, sĩ quan biên phòng Nguyễn Hồng Công đã xin nghỉ làm việc, đến Hóa Sơn bắt đầu cuộc "trường chinh". Mùa hè 1982, ở dưới chân núi Mã Cú, ông tình cờ tìm được một phiến đá hình dạng tựa như một chiếc đầu lâu, một mặt có khắc chữ "Vương". Ông cho rằng những dấu tích trên và một số dấu vết khác như cây lim xẹt, cây đa, cây bồ kết... đều được mô tả trong tài liệu mà ông đang sở hữu.
Người dân địa phương đồn rằng, năm 1956, một số người đã phát hiện và thu được hàng tạ tiền vàng bị nước lũ cuốn lộ ra từ một cây lim cổ thụ nằm bên suối. Một người khác lại phát hiện 2 đống kim loại màu vàng nằm cách nhau một chiếc đòn gánh (cho rằng người gánh bị chết). Người đó không biết nên lấy về lát hiên nhà thay cho gạch. Sau đó, nhà nước kêu gọi và thu lại được 3,5 tạ vàng. Ông Công tuyên bố có tài liệu chứng minh kho báu hiện diện ở đây, vì thế năm 1982-1983, chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên lúc bấy giờ đã huy động các lực lượng để tìm kiếm, tuy nhiên tìm kiếm mãi không thấy nên sau đã rút lui. Kể từ đó, ông đào một mình, ròng rã suốt ngày đêm.
Sau 5 năm đào bới, ông Công đã đào được một núi đá rộng 50m, dài 100m, nhưng kho báu vẫn... không thấy đâu. Đầu năm 1987, ông bị UBND tỉnh Bình Trị Thiên lúc bấy giờ quyết định trục xuất ra khỏi Hóa Sơn vì không có chứng cứ cho thấy có sự tồn tại kho báu Vua Hàm Nghi tại địa điểm trên. Bị trục xuất, ông đã đi gõ cửa khắp các cơ quan, chính quyền địa phương. Sau khi được chính quyền đồng ý trở lại, ông thuyết phục vợ bán nhà, huy động người thân và anh em, họ hàng góp vốn để đào tìm "kho báu có hàng tấn vàng bạc".
Hè 1987, hàng tấn máy móc cùng hàng chục con người đã trở lại Hóa Sơn tiếp tục cuộc tìm kiếm "kho báu". Gần một năm đào bới mà không thấy "kho báu" đâu, các "cổ đông" thất vọng và từ bỏ "giấc mộng vàng", chỉ còn lại ông Công. Từ đó, ông đã nhiều lần "công bố" về tiến trình tìm kiếm và khẳng định "kho báu"... sắp được tìm thấy. Năm 1997, ông có "bản tường trình cuối cùng" gửi các cơ quan chức năng và đề nghị mức "ăn chia". Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đến Hóa Sơn để "mở cửa kho báu" đã phải ra về... tay không, còn ông vẫn ở lại để tiếp tục cuộc tìm kiếm.
Giữa năm 2011, một lần nữa thông tin ông Nguyễn Hồng Công đã tìm thấy "kho báu" lại rộ lên: "Qua nhiều năm trời ròng rã, suy ngẫm, nghiên cứu, đào bới, tìm kiếm, nay tôi đã tự giải mã và tìm ra được nơi cất giấu của cải của Vua Hàm Nghi. Để trả lời được bí ẩn công trình này, tôi đã phải trả giá gần 30 năm và tiêu tốn gần 2 tỉ đồng. Vậy để đảm bảo được công sức và tiền của đầu tư gần 30 năm qua, tôi đề nghị tỉnh cho phép tôi được hưởng 20% tổng trị giá của kho báu. Trong thời hạn 50 ngày phải thanh toán xong, kể từ ngày lấy được tài sản kho báu chuyển về kho của tỉnh...".
Tuy nhiên, lãnh đạo UBND xã Hóa Sơn đã phủ nhận thông tin trên và cho rằng ông bị bệnh... hoang tưởng.
Theo tìm hiểu của PV, năm 1914 nhà truyền giáo người Pháp Henri de Pirey đã đăng trên tạp chí Bulletin des amis du vieux Huế rằng sau khi rút khỏi kinh thành Huế, Vua Hàm Nghi đã chuyển kho báu của hoàng cung ra phía Bắc. Kho báu gồm 400 thùng đựng đầy vàng và 150 thùng đựng đầy bạc, còn lại là các thùng đựng đá quý với tổng cộng ước chừng 950 thùng. Nhưng vì cuộc chiến nên nhà vua chỉ mang theo 100 thùng. Có thông tin cho rằng Vua Hàm Nghi đã giấu kho báu trên tại một điểm bí mật ở Minh Hóa (Quảng Bình). Lại có thông tin trong suốt 3 tuần lễ sau ngày Vua Hàm Nghi rút khỏi kinh thành Huế, phần lớn kho báu trong hoàng cung đã lọt vào tay người Pháp. Vì vậy cho đến nay sự thực về kho báu trên vẫn là một ẩn số.
Theo Linh Đan
Lao Động
Dân nhậu giật mình với gần 1 tạ thịt chó thối trong nhà hàng Kiểm tra bất ngờ một nhà hàng đầu mối cung cấp thịt chó tại thị trấn phố núi Hương Khê (Hà Tĩnh), đoàn liên ngành đã phát hiện 94kg thịt chó hôi thối chưa kịp tiêu thụ. Nguồn tin từ đội QLTT huyện Hương Khê cung cấp thông tin, sáng 9/9, đoàn liên ngành của huyện đã tiến hành kiểm tra đột xuất...