Lắp ở Việt Nam, ô tô Tàu giảm mạnh, 450 triệu 1 con SUV long lanh
Nếu lắp tại Việt Nam, giá xe Trung Quốc có thể giảm khoảng 25% so với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Khi đó, những xe Trung Quốc có giá bán từ 600-700 triệu đồng hiện nay sẽ chỉ còn 450-550 triệu đồng.
Ô tô Tàu sắp tràn về
Từ tháng 3/2019 đến nay, Công ty Kylin 68 không thể nhập được ô tô nguyên chiếc thương hiệu Trung Quốc. Các mẫu xe được khách hàng Việt Nam quan tâm như Zotye Z8, Baic Q7 và Baic BJ 40 không có xe để bán. Lý do là nhà cung cấp giảm sản xuất để nâng cấp nhà máy, đáp ứng tiêu chuẩn Euro 6 theo quy định của Chính phủ Trung Quốc vào năm 2020.
“Vẫn có khách hàng đến hỏi xe nhưng chúng tôi đành hẹn lùi. Dự kiến sau tháng 9/2019 những mẫu xe này mới được nhập về Việt Nam, khi nhà máy tại Trung Quốc đã cấp xong và hoạt động trở lại”, đại diện công ty cho hay.
Cũng theo DN này, khách hàng Việt Nam đã có cái nhìn không còn quá tiêu cực về xe Trung Quốc như trước nữa. Một số khách hàng thời gian qua mua xe về sử dụng thấy khá ổn nên số lượng khách hàng tăng lên.
Xe Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam đang chững lại (ảnh minh họa)
Công ty Kylin 68 đầu năm 2019 nhập được hơn 150 xe, trong đó có 90 xe Baic Q7, 50 xe Zotye Z8 và hơn 20 xe Baic BJ 40, tất cả đã bán hết. Giá bán của mẫu Z8 là 720 triệu đồng, mẫu Q7 là 675 triệu đồng (đã bao gồm cả lệ phí trước bạ, chi phí đăng ký) và mẫu BJ 40 là 800 triệu đồng (chưa có lệ phí trước bạ, phí đăng ký) nhưng vẫn có khách hàng lựa chọn.
Hiện tại, xe Trung Quốc vẫn âm thầm thâm nhập thị trường Việt Nam. Mới đây, một DN tại Hà Nội đã nhập chiếc Changan CS500 về nước. Ra mắt lần đầu vào năm 2017 tại triển lãm ô tô quốc tế Thượng Hải, mẫu crossover Changan CS500 đã tạo ra “cơn sốt” tại tại Trung Quốc khi bán được 150.000 xe vào năm 2018. Nó cũng được xuất khẩu ra thế giới. Về Việt Nam, dự đoán giá xe khoảng 620 triệu đồng, cạnh tranh với Honda HR-V, Ford EcoSport, Hyundai Kona…
Video đang HOT
Báo The Star (Malaysia) ngày 29/7/2019 cho biết, Tập đoàn Tan Chong Motor vừa ký một bản ghi nhớ với Công ty SAIC Motor International (Trung Quốc) để mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có lắp ráp, bán hàng, nhập khẩu và phân phối xe cơ giới. Tan Chong Motor đang sở hữu các nhà máy lắp ráp ôtô tại Việt Nam, còn SAIC Motor International có các thương hiệu xe con: Maxus, MG và Roewe. Đây là cơ hội phát triển thương hiệu xe Trung Quốc tại Việt Nam.
Giá sẽ giảm mạnh?
Nếu ô tô Trung Quốc được lắp ráp tại Việt Nam, chắc chắn giá sẽ giảm mạnh so với nhập khẩu nguyên chiếc. Theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) ô tô, xe máy là sản phẩm duy trì thuế suất cao, hoặc không cam kết cắt giảm thuế quan (trừ xe tải 6-10 tấn).
Ô tô Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam đang hưởng thuế suất tối huệ quốc dành cho các nước thành viên WTO.
Cụ thể, với dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.5L, thuế suất nhập khẩu ưu đãi là 70%; với xe có dung tích xi lanh từ 2.5L trở lên, 1 cầu, thuế suất ưu đãi là 52% và xe từ 2.5L trở lên, 2 cầu, thuế suất ưu đãi là 47%. Đây đều là những mức thuế ưu đãi cuối cùng, không thể giảm thêm nữa.
Những mẫu xe Zotye Z8, Baic Q7 và Baic BJ 40 có dung tích xi lanh dưới 2.5L nên nhập khẩu về phải chịu thuế suất 70%. Mức thuế này khá cao, dẫn đến giá xe không thể giảm thấp.
Không ít ý kiến nhận xét chất lượng xe Tàu ngày càng hoàn thiện, thiết kế đẹp, có nhiều công nghệ hiện đại
Tuy nhiên, nếu được lắp ráp tại Việt Nam, với thuế nhập khẩu linh kiện từ 5-25%, dành cho các nước thành viên WTO, thì giá xe sẽ giảm đáng kể. Do thuế chồng thuế nên thuế nhập khẩu giảm thì số tiền đóng thuế tiêu thụ đăc biệt và thuế giá trị gia tăng cũng giảm theo.
Theo tính toán, nếu lắp tại Việt Nam, giá xe Trung Quốc có thể giảm khoảng 25% so với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Khi đó, những xe Trung Quốc có giá bán từ 600-700 triệu đồng hiện nay sẽ giảm về mức 450-550 triệu đồng.
Hiện tại, do phải chịu thuế cao, xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc gặp bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN hưởng ưu đãi thuế 0%. Mặc dù vậy, xe vẫn duy trì được giá bán thấp, chỉ bằng gần một nửa so với những mẫu xe thương hiệu Nhật, Mỹ nhập khẩu từ ASEAN cùng phân khúc. Nếu lắp ở Việt Nam giá giảm hơn nữa thì xe Trung Quốc tăng thêm lợi thế.
Không những thế, các mẫu xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc về Việt Nam có giá tính lệ phí trược bạ khá thấp. Theo Bảng giá tính lệ phí trước bạ với ô tô, xe máy, do Bộ Tài chính ban hành ngày 9/4/2019, dòng Baic có giá tính lệ phí trước bạ từ 188-280 triệu đồng, còn dòng Zotye có giá tính phí từ 190-311 triệu đồng. Vì vậy, chi phí nộp lệ phí trước bạ với xe Trung Quốc không nhiều.
Chi phí để sở hữu ô tô Trung Quốc thấp, trong khi chất lượng ngày càng hoàn thiện, thiết kế đẹp, có nhiều công nghệ hiện đại, sẽ làm thay đổi cách nhìn với nhiều người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập trung bình, đang khát khao sở hữu ô tô. Như vậy, sẽ cạnh tranh và gây sức ép, góp phần kéo giá trên thị trường ô tô cùng giảm.
Không chỉ có mỗi Tan Chong Motor có ý định lắp xe Trung Quốc tại Việt Nam, một số nhà nhập khẩu khác cũng đang muốn hợp tác, thuê lại nhà máy Tan Chong ở Đà Nẵng để lắp xe Trung Quốc thay cho nhập khẩu. Ngoài ra, một số DN ô tô Trung Quốc cũng cho biết nếu doanh số khởi sắc sẽ tính đến chuyện đầu tư nhà máy lắp ráp xe tại Việt Nam.
Theo Vietnamnet
Giấc mơ ô tô giá rẻ của người tiêu dùng Việt Nam vẫn chỉ là viễn cảnh
Đã có những lúc, giấc mơ ô tô giá rẻ của người tiêu dùng Việt Nam tưởng như rất hiện thực.
Ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN đã hưởng thuế nhập khẩu 0% nhưng giá rẻ vẫn chỉ là... viễn cảnh.
Thuế giảm, giá... mông lung
Năm 2010, Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực với lộ trình cắt giảm thuế đối với hàng nghìn mặt hàng giữa các nước nội khối với nhau, trong đó có ô tô nhập khẩu nguyên chiếc.
Nhưng trên thực tế, trong suốt 5 năm đầu thập niên 2010, lộ trình của ATIGA chỉ diễn ra lặng lẽ và câu chuyện ô tô giá rẻ mới chỉ dừng lại ở "khái niệm" chứ chưa được nhắc đến như một kỳ vọng.
Phải đến năm 2015, khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giữa các nước ASEAN giảm xuống còn 50% và lộ trình cắt giảm bắt đầu thực hiện mạnh mẽ, người tiêu dùng trong nước mới bắt đầu "mơ" đến viễn cảnh ô tô giá rẻ nhiều hơn.
Thậm chí, giấc mơ ô tô giá rẻ do ATIGA bơm mớm gần với hiện thực đến nỗi, phần đông người tiêu dùng đã sẵn sàng gạt bỏ những "món quà" mà các hãng xe dâng tặng trong suốt cả năm 2017. Vì sao vậy?
Năm 2017, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc theo ATIGA giảm về mức 30%. Đây là mức thuế suất đáng mơ ước nếu so sánh mặt bằng thuế nhập khẩu từ các khu vực khác khi đó vẫn bám quanh mức 70%, kể cả với các nước nằm trong quy chế đãi ngộ Tối huệ quốc (MFN).
Nhưng mức thuế suất 30% kèm theo giá bán lẻ các loại ô tô phổ thông đã giảm khá mạnh so với năm 2016 đã không đủ hấp dẫn đối với rất nhiều người tiêu dùng. Họ nhất định làm ngơ trước mọi diễn biến trên thị trường để nín lặng chờ đợi mốc thời gian 1/1/2018.
Theo ATIGA, kể từ ngày 1/1/2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giữa các nước ASEAN sẽ giảm về 0%, nói cách khác là hoàn toàn xoá bỏ khi những mẫu xe cụ thể đạt được các tiêu chí đề ra, trong đó quan trọng nhất là tỷ lệ nội địa hoá nội khối đạt tối thiểu 40%.
Rõ ràng, việc chờ đợi thêm 1 năm nữa để có thể mua xe theo thuế nhập khẩu 0% là rất đáng để đánh đổi. Chính tâm lý đó đã khiến cho tổng dung lượng thị trường ô tô Việt Nam năm 2017 đáng lẽ phải tăng mạnh nhờ thuế giảm thì lại tụt mất 10% so với năm 2016, chỉ đạt hơn 272.000 chiếc.
Đáng nói hơn là trong suốt cả năm 2017, khi tâm lý chờ đợi bao trùm lên thị trường, hầu hết các hãng xe đã tung ra những đợt giảm giá không tưởng đến hàng trăm triệu đồng mỗi chiếc nhằm kích cầu tiêu dùng. Thậm chí vài hãng xe vốn giữ giá và "bảo thủ" như Toyota hay Honda cũng đã chấp nhận giảm giá hàng chục đến cả trăm triệu đồng.
Khi ra mắt thế hệ Mazda3 mới, vị quan chức đứng đầu mảng xe du lịch của tập đoàn Thaco từng khẳng định mặt bằng giá ô tô Việt Nam năm 2017 đã ngang bằng với khu vực, cá biệt vài mẫu xe có giá thấp hơn Thái Lan hay Malaysia.
Tuy vậy, khẳng định đó kèm theo những đợt bão giảm giá mạnh mẽ vẫn không đủ sức thuyết phục người tiêu dùng quay lại với thị trường. Với họ, giấc mơ ô tô giá rẻ năm 2018 vẫn "đẹp đẽ" và đáng chờ đợi hơn nhiều.
Không gian thị trường vắng lặng đầy mệt mỏi.
Giật mình tỉnh giấc
Cuối cùng thì mốc thời gian ngày 1/1/2018 cũng đã đến. Thế nhưng, tưởng như bao chờ đợi và kỳ vọng sẽ vỡ oà, thì những nỗi thất vọng lại ập đến theo một kịch bản ít ai ngờ.
Thuế nhập khẩu theo ATIGA đã giảm về 0%, nhưng giá giảm chưa thấy đâu, người tiêu dùng ô tô lại phải đối mặt với một thực tế còn khó chịu hơn, đó là không có xe để mua.
Nghị định 116 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 với những thủ tục mới đã khiến cho toàn bộ loại ô tô nhập khẩu nguyên chiếc bị ách tắc. Mãi đến tháng 7/2018, một số hãng xe mới bắt đầu đáp ứng được các thủ tục theo quy định song lượng xe về nước vẫn rất nhỏ giọt.
Đáng nói là, tâm lý chờ đợi suốt cả năm 2017 đã cộng dồn khiến cho nhu cầu thị trường năm 2018 cao hơn rất nhiều so với nguồn cung trên thị trường. Thậm chí, cho đến thời điểm này, nhiều hãng ô tô vẫn chưa có đủ xe để giao cho những khách hàng đặt mua từ cuối năm 2018.
Ô tô giá rẻ vẫn chỉ là giấc mơ của người tiêu dùng Việt Nam.
Cùng với ATIGA, Nghị định 125 của Chính phủ được ban hành đồng thời với Nghị định 116 cũng là một cơ sở để mặt bằng giá ô tô giảm xuống.
Cụ thể, theo Nghị định 125, hơn 30 nhóm linh kiện ô tô nhập khẩu sẽ được miễn thuế trong khoảng thời gian 5 năm để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Rõ ràng, cả ô tô nhập khẩu lẫn lắp ráp trong nước đều có cơ hội giảm giá để giấc mơ xe giá rẻ trở nên thực tế. Nhưng giữa giấc mơ với hiện thực là một khoảng cách mông lung bởi nó vốn dĩ không phải là một.
Cho đến lúc này, sau những nỗ lực nhập khẩu và tăng cường năng lực lắp ráp, nguồn cung ô tô trên thị trường xem như đã và đang được giải quyết gần đến mức ổn thoả. Nhưng điểm mẫu chốt là giá xe thì vẫn là câu chuyện được nhắc đến với cảm xúc mệt mỏi.
Thực tại đang chỉ ra mặt bằng giá bán lẻ các loại ô tô phổ thông hiện nay vẫn không thấp hơn năm 2017. Thậm chí, một số mẫu xe còn có giá bán lẻ tăng lên so với thời điểm thuế chưa giảm về 0%.
Khi chúng ta cố gắng tìm kiếm giấc mơ đẹp giữa một buổi trưa nắng hè oi ả, rất có thể, nó sẽ trở thành một cơn mộng mà khi tỉnh dậy là cảm giác đắng ngắt thay vì những dư vị ngọt ngào.
Theo Dân Việt
Fiat Chrysler Automobiles: Doanh thu giảm, lợi nhuận ròng tăng Trong báo cáo thu nhập đầu tiên kể từ sau khi nỗ lực sáp nhập với nhà sản xuất ôtô Renault (Pháp) bị gác lại, FCA cho biết lợi nhuận ròng của hãng trong ba tháng đã tăng 14% lên 793 triệu euro. (Nguồn: Getty Images) Hãng sản xuất ôtô Fiat Chrysler Automobiles (FCA) của Italy-Mỹ cho biết, trong quý 2/2019 doanh thu...