Lập ngay hội đồng định giá tài sản của Phạm Công Danh
Đó là quyết định vừa được hội đồng xét xử (HĐXX) thông báo ngay trong phiên tòa bởi vấn đề tranh cãi về giá trị tài sản các lô đất tại sân vận động Chi Lăng của tập đoàn Thiên Thanh (hiện thế chấp để vay 4.700 tỷ tại VNCB).
Các bị cáo được dẫn giải sau phiên tòa – Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Theo đó, trong phần xét hỏi chiều nay 29-7, HĐXX tiếp tục hỏi bị cáo Phạm Công Danh về các vi phạm của bị cáo Danh, trong đó có việc cho 12 công ty vay 4.700 tỷ đồng bằng tài sản thế chấp là các lô đất ở Đà Nẵng.
Video đang HOT
Theo đó, HĐXX cho thấy có 2 đơn vị định giá các lô đất này giá thứ nhất là 1260 tỷ, đơn vị thứ 2 là 2600 tỷ. Bị cáo Phạm Công Danh cho biết, bản thân các lô đất này nằm trên các trục đường lớn của Đà Nẵng, nên giá đất không thể thấp như thế. Trước khi Danh bị bắt thì đã có một tập đoàn nước ngoài hỏi mua với giá 250 triệu đô la. Tuy nhiên, bị cáo Danh bị bắt thì việc mua bán không được tiến hành.
Thứ 2, việc có được lô đất này, bị cáo Danh đã nộp thẳng vào ngân sách nhà nước gần 1.300 tỷ đồng đền bù giải phóng mặt bằng hơn là 1.700 tỷ, nên tổng số tiền bị cáo này chi ra đã là gần 3.000 tỷ đồng. Nếu HĐXX cho định giá tài sản là 1260 tỷ thì hãy để bị cáo gom tiền nhà rồi xin chuộc lại lô đất để bán.
Khi HĐXX hỏi về việc liệu có thể mời đối tác đã định mua lô đất với giá 250 triệu USD đến tòa không, thì bị cáo Phạm Công Danh hội ý với các luật sư và luật sư cho rằng: Vì lô đất này đang bị kê biên, và bị cáo Danh đã bị bắt nên không thỏa thuận được với đối tác.
Tuy nhiên, các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh cũng khẳng định, ngoài 2 mức định giá mà cơ quan tố tụng xác định đưa vào vụ án, thì ngay sau khi vụ án được khởi tố, Ngân hàng nhà nước đã yêu cầu Bộ Tài chính định giá lại giá trị các lô đất và nó được định giá là 6.500 tỷ đồng. Đây là giá có lợi cho bị cáo tại sao lại không được xem xét để xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo.
Ngay sau phần kiến nghị này, HĐXX cho rằng, nếu bị cáo và các luật sư đồng ý, thì HĐXX sẽ cho thành lập ngay lập tức hội đồng định giá tài sản, để định giá lại giá trị toàn bộ lô đất này. Ý kiến này đã được bị cáo Phạm Công Danh và các luật sư đồng ý.
Do đó, chủ tọa phiên tòa, ông Phạm Lương Toản công bố sẽ thành lập Hội đồng định giá tài sản ngay trong phiên tòa, và hội đồng này sẽ định giá khi phiên tòa diễn ra.
Chấp nhận tái cơ cấu VNCB vì hy vọng bất động sản sẽ ấm lên
Trước đó, trước câu hỏi của HĐXX về việc tại sao lại chấp nhận tái cơ cấu VNCB khi nó đứng trước những khó khăn khổng lồ, nợ nần như núi, trong tài khoản của ngân hàng không hề có tiền, khi khách hàng cần rút vài tỷ đồng thì phải huy động toàn hệ thống, bị cáo Danh nói rằng bản thân cũng muốn có một ngân hàng xây dựng nhưng không được.
Khi bị cáo chấp nhận tái cơ cấu vì bản thân cũng có tài sản là các bất động sản, sau khi tìm hiểu thì được biết các tài sản thế chấp cho các khoản vay cũng là bất động sản, do đó, bị cáo hy vọng rằng nếu thị trường bất động sản ấm lên thì bị cáo sẽ được hưởng lợi từ những tài sản thế chấp này.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào tái cơ cấu thì không chỉ là nợ khó đòi và lỗ lũy kế lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng mà còn phát sinh rất nhiều vấn đề đó là trả lãi ngoài cao hơn lãi suất ngân hàng (lên tới 17 % trong khi lãi cho vay chỉ được 10%); tái cơ cấu thì chỉ được nhận tiền gửi chứ không được cho vay khiến cho tiền lãi càng nhiều thêm; và đặc biệt; nhóm cổ đông mới phải nộp tiền quỹ đề phòng rủi ro cho 11.000 tỷ đồng nợ khó đòi.
Sau phần trình bày đó, bị cáo Phạm Công Danh khẳng định: “quyết định tái cơ cấu ngân hàng là sai lầm lớn nhất của tôi” và bị cáo cũng nói: Tại sao một ngân hàng thua lỗ như thế, ngân hàng Nhà nước không lo được mà lại đẩy trách nhiệm cho một nhóm cá nhân chúng tôi?
Thứ hai, 1-8, phiên tòa tiếp tục.
Theo Tuồi Trẻ