Lấp lửng về tái tranh cử – chiến lược để không bị lãng quên của Trump
Donald Trump không cần tái tranh cử, ông chỉ cần mọi người nghĩ rằng ông sẽ làm vậy.
Các cuộc thảo luận gần đây của Tổng thống với những người xung quanh cho thấy Trump coi những lời gợi ý rằng ông sẽ tái tranh cử là cách để ông có được thứ mình cần nhất sau khi rời nhiệm sở: sự chú ý của công chúng.
Tổng thống Trump tại cuộc mít tinh vận động cho đồng minh trong cuộc đua vào thượng viện tại Georgia ngày 5/12. Ảnh: AP .
Trump đã dành nhiều ngày gọi điện cho hàng chục đồng minh hỏi xem ông cần làm gì trong hai năm tới để “luôn được nhiều người nhắc đến” , các nguồn tin giấu tên am hiểu những cuộc thảo luận này nói với Politico. Trong khi nói với các đồng minh rằng ông có kế hoạch tái tranh cử, Trump cũng ngụ ý rằng ông có thể rút lui nếu cơ hội chiến thắng khó khăn.
Về cơ bản, tại thời điểm này, Trump chủ yếu muốn mọi người bàn tán về khả năng ông tái tranh cử, theo các cuộc phỏng vấn với 11 đảng viên Cộng hòa đã làm việc hoặc hỗ trợ Trump trong hai cuộc đua vào Nhà Trắng.
Chính thức tranh cử tổng thống sẽ đi đôi với rất nhiều điều Trump không muốn giải quyết: khai báo tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng chiến dịch, nguy cơ thua lần nữa. Nhưng việc tỏ ra rằng ông sẽ tái tranh cử mà không thực sự nộp hồ sơ hoặc xây dựng chiến dịch sẽ giúp Trump thu hút được sự chú ý trong hai năm tới.
Sự chú ý sẽ giúp ông chống đỡ cho công việc kinh doanh đã mất hàng triệu USD khi ông đương chức. Sự chú ý sẽ giúp ông trả các khoản nợ đáo hạn trong những năm tới. Sự chú ý cũng sẽ giúp ông phản đối các nhà điều tra đang xem xét xem Trump có thổi phồng tài sản một cách bất hợp pháp hay không.
Đó là chiến lược Trump từng sử dụng. Trước khi thật sự tranh cử năm 2016, Trump đã ít nhất 4 lần bày tỏ ông có thể tranh cử tổng thống nhưng cuối cùng luôn rút lại lời.
“Có thể chính Trump cũng chưa quyết liệu ông ấy có tái tranh cử hay không. Nhưng vì ông ấy chỉ quan tâm đến bản thân và mối liên kết của ông ấy với đảng Cộng hòa chỉ nhằm phục vụ tham vọng bản thân thay vì ủng hộ những gì đảng đại diện, ông ấy vẫn để ngỏ khả năng tranh cử, lấn át các ứng viên khác trong đảng và giữ cho mọi sự chú ý chỉ tập trung vào mình”, một cựu phụ tá Nhà Trắng nói.
Trump chưa chính thức tuyên bố tái tranh cử một phần vì ông chưa nhận thua, khẳng định gian lận cử tri diện rộng đã giúp Joe Biden chiến thắng. Hôm 14/12, Joe Biden đã nhận được 306 phiếu trong cuộc họp của cử tri đoàn, chính thức trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo.
Nhiều đảng viên và thậm chí cả một số ứng viên sáng giá cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 của đảng Cộng hòa đã bày tỏ sự ủng hộ cho nỗ lực tái tranh cử của Trump.
“Không ai sáng giá hơn ông ấy”, John Fredericks, người dẫn chương trình phát thanh bảo thủ từng làm việc trong ủy ban cố vấn cho chiến dịch Trump 2020, nhận xét.
Trong các cuộc gọi cho đồng minh, Trump đã hỏi họ ông có thể vận động tranh cử trong 4 năm tới như thế nào và xin lời khuyên về cách điều hướng trong hai năm đầu tiên. Ông đã thảo luận về việc đến Trung Đông, khu vực sẽ nhiệt tình chào đón ông. Chuyến thăm sẽ giúp ông quảng bá chính sách của mình ở đây, bao gồm các thỏa thuận mà chính quyền của ông đã giúp đàm phán để bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Arab.
Những người Trump trò chuyện qua điện thoại bao gồm người dẫn chương trình Fox News Sean Hannity, cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng Bill Shine, các đồng minh lâu năm Corey Lewandowski và David Bossie, cựu đại sứ Mỹ tại Đức Ric Grenell. Không ai khuyên ông không nên tái tranh cử.
Video đang HOT
Một số đồng minh thúc giục Trump tuyên bố tái tranh cử vào Ngày nhậm chức – giống như ông đã làm năm 2017 – để “cướp đi” sự chú ý của Biden. Nhưng Jared Kushner, con rể kiêm phụ tá hàng đầu của Trump và Bill Stepien, người quản lý chiến dịch năm 2020, khuyên ông không nên vội vàng.
Chiến dịch của Trump từ chối bình luận. Nhà Trắng và những người mà Trump gọi điện không đáp ứng yêu cầu bình luận. “Ông ấy sẽ tuyên bố tái tranh cử”, một người am hiểu các cuộc thảo luận nói. “Câu hỏi không phải là liệu ông ấy có tuyên bố hay không, mà chỉ là khi nào”.
Hầu hết cựu tổng thống gần đây đều “tránh xa ánh đèn sân khấu” sau khi rời nhiệm sở, một phần để tránh lấn át người kế nhiệm. Một số tổng thống đã cố gắng tranh cử nhiệm kỳ hai không liên tiếp, nhưng Grover Cleveland là người duy nhất thành công vào năm 1892.
“Ông ấy sẽ ngạc nhiên về cách cựu tổng thống trở nên ‘lạc quẻ’ thế nào sau khi thất cử. Hãy nhìn vào Jimmy Carter hay George H.W. Bush”, nhà sử học về các đời tổng thống Michael Beschloss nói. “Họ nhận thức được rằng họ không còn có thể ảnh hưởng đến mọi thứ theo cách mà họ đã quen”.
Với hy vọng tránh được điều đó, Trump dự kiến bắt đầu nỗ lực tái tranh cử ngay sau khi rời nhiệm sở, dựa trên thông điệp rằng cuộc bầu cử 2020 đã bị “đánh cắp” từ tay ông.
Theo Ủy ban Bầu cử Liên bang và các luật sư bầu cử, nếu Trump chỉ đang nghiên cứu khả năng tái tranh cử thì ông không cần phải đăng ký làm ứng viên, ngay cả khi ông tiến hành các cuộc trưng cầu ý kiến, gặp cử tri và kêu gọi những người ủng hộ tiềm năng. Nhưng nếu ông tuyên bố tranh cử, mua quảng cáo chiến dịch hoặc chi tiêu hơn 5.000 USD cho chiến dịch, ông sẽ phải đăng ký.
“Điều quan trọng đối với Trump là tuyên bố với công chúng rằng cuộc bầu cử năm nay là một trò giả dối, rằng nó không bao giờ có thể xảy ra lần nữa và ông ấy sẽ lãnh đạo phe đối lập trong 4 năm tới, bao gồm cả yêu cầu cải cách bầu cử”, một quan chức cấp cao trong chiến dịch của Trump cho biết.
Trong khi đó, Biden đang tập trung xây dựng đội ngũ Nhà Trắng của mình, gần như phớt lờ những bình luận của Trump về cuộc đua năm 2020 và 2024.
“Sự chú ý giống như oxy với ông ấy”, Steve Schale, người điều hành Unite the Country, siêu PAC (ủy ban hành động chính trị được thành lập để hỗ trợ một ứng viên nào đó) ủng hộ Biden nói. “Tôi chắc chắn rằng việc không xuất hiện trên bản tin hàng ngày là viễn cảnh đáng sợ đối với ông ấy. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu ông ấy tuyên bố tranh cử vì ông ấy cần sự chú ý”.
Một cựu trợ lý của Trump, người không muốn Trump tranh cử lần ba, cho rằng nếu Trump sớm tuyên bố tái tranh cử, tất cả sẽ chỉ vì “cái tôi”. Người viết tiểu sử về Trump, Michael D’Antonio đồng ý với quan điểm đó. “Ông ấy chỉ quan tâm đến việc thu hút sự chú ý”, D’Antonio nói.
Một số đảng viên Cộng hòa lo ngại việc Trump để mở khả năng tái tranh cử sẽ lấn át các ứng viên sáng giá khác của đảng Cộng hòa năm 2024, bao gồm ba người từng làm việc trong chính quyền của ông: Phó Tổng thống Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo và cựu đại sứ Liên hợp quốc Nikki Haley.
Nội bộ đảng Cộng hòa giờ đây bị phân cực, giữa một bên là những người bảo thủ ủng hộ Trump và bên còn lại là những người ôn hòa muốn “triều đại Trump” sớm qua đi nhưng phải kiềm chế bày tỏ ý kiến do lo ngại về phản ứng dữ dội từ những người ủng hộ Tổng thống trung thành. 53% đảng viên Cộng hòa cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho Trump trong vòng bầu cử sơ bộ năm 2024, theo một cuộc thăm dò của Politico và Morning Consult cuối tháng 11.
Nếu Trump chính thức nộp hồ sơ tái tranh cử, ông có thể bắt đầu gây quỹ ngay lập tức. Còn nếu chỉ thông báo không chính thức, ông vẫn có thể tiếp tục quyên tiền cho tổ chức chính trị mới của mình, Save America PAC, tổ chức mà ông thành lập vài ngày sau khi Biden được dự đoán đắc cử. Ông đã gây quỹ được hàng chục triệu USD cho PAC này.
Một đảng viên Cộng hòa cho biết Trump và các phụ tá đang thảo luận xem liệu ông có nên trì hoãn ra ứng cử chính thức vì phải nộp báo cáo tài chính hay không.
Tập đoàn Trump được cho là đã mất hàng triệu USD trong đợt bùng phát Covid-19, khi Trump sắp phải trả nợ 421 triệu USD, phần lớn cho các chủ nợ nước ngoài, theo New York Times.
Trong khi đó, các nhà điều tra New York đang xem xét liệu Trump có thổi phồng tài sản một cách bất hợp pháp, trốn thuế và trả tiền “bịt miệng” cho những phụ nữ cáo buộc ông ngoại tình bằng cách vi phạm luật tài chính tranh cử hay không.
Những quan chức đảng Cộng hòa trò chuyện với Tổng thống cho biết họ khuyên Trump không vội vàng tuyên bố tranh cử, nhưng không phải vì những rắc rối pháp lý. Họ cho rằng chờ càng lâu thì ông sẽ càng “có giá” hơn.
“Lời khuyên của tôi là chờ thêm nữa”, người này nói. “Sau một khoảng thời gian, mọi người sẽ nhớ ông ấy”.
Đại cử tri Mỹ - từ vinh dự đến nỗi đau đầu năm 2020
Covid-19 và nỗi lo về an ninh đang làm phân tâm nhiều đại cử tri Mỹ với vai trò của mình, trọng trách lâu nay vẫn được coi là niềm tự hào.
Tại Michigan, các đại cử tri đảng Dân chủ đã được cảnh sát hứa hộ tống từ xe của họ tới tòa nhà nghị viện bang, nơi vào ngày 14/12 họ có nhiệm vụ bỏ phiếu xác nhận chiến thắng cho Tổng thống đắc cử Joe Biden của đảng mình.
Tại Arizona, giới chức bang tổ chức cuộc bỏ phiếu của đại cử tri tại một địa điểm bí mật vì lý do an toàn.
Thậm chí tại Delaware, bang quê nhà của Tổng thống đắc cử, các quan chức đã chuyển buổi bỏ phiếu sang một nhà thi đấu trường đại học, nơi được cho là an ninh và dễ kiểm soát y tế hơn.
Khary Penebaker, đại cử tri bang Wisconsin. Ảnh: NYTimes.
Suốt hàng thập kỷ, vai trò đại cử tri luôn được coi là một niềm vinh dự. Năm nay, nó lại trở thành một nỗi đau đầu trong bối cảnh hỗn loạn của cuộc bầu cử Mỹ với hàng loạt vụ kiện tụng mà Tổng thống Donald Trump khởi xướng nhằm thay đổi cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng. Thậm chí khi mà các đại cử tri chuẩn bị bỏ phiếu, Tổng thống Trump vẫn lên Twitter phản đối cái mà ông gọi là "cuộc bầu cử gian lận nhất lịch sử Mỹ".
Hôm 12/12, hàng nghìn người ủng hộ Trump đã biểu tình ở Washington DC cùng nhiều thủ phủ của các bang khác. Họ mang theo các tấm biểu ngữ và hô hào "thêm 4 năm nữa" cho Tổng thống Trump. Đụng độ bạo lực giữa người phản đối và ủng hộ Trump đã nổ ra.
Sự giận dữ bên trong những người ủng hộ Trump được cho là khó có thể dập tắt khi mà bản thân Tổng thống Mỹ cũng đang rất tức giận và không chịu thừa nhận thất bại.
Để tới địa điểm bỏ phiếu, 16 đại cử tri bầu cho Biden ở Michigan đã lường trước việc họ phải vượt qua những đám đông người biểu tình, một số có vũ trang, tin rằng cuộc bầu cử đã bị "đánh cắp" khỏi tay Tổng thống Trump.
"Thật khủng khiếp khi những thứ như vậy đe dọa chúng ta", Bobbie Walton, 84 tuổi, nhà hoạt động chính trị lâu năm đến từ Davison, Michigan, nói. Đây là lần đầu tiên ông đảm nhận vai trò đại cử tri. "Tôi có lẽ phải mặc chiếc áo phông yêu thích của mình ghi dòng chữ: 'Đừng đẩy, tôi già rồi'".
Tại Wisconsin, các đại cử tri hôm 11/12 bắt đầu được áp dụng những giao thức an ninh mới. Họ được hướng dẫn vào tòa nhà nghị viện bang thông qua một cửa phụ cách xa đám đông biểu tình dự kiến sẽ xuất hiện.
"Bạn đã xem bộ phim Batman và chứng kiến anh ấy nhảy xuyên qua thác nước để xuống hang dơi rồi đấy. Chuyện này giống hệt như vậy", Khary Penebaker, đại cử tri đảng Dân chủ tại hạt Waukesha, bang Wisconsin, mô tả.
Penebaker và 9 đại cử tri khác của Wisconsin những tuần gần đây liên tục nhận được những lời khẩn cầu trên mạng xã hội và qua email từ những người ủng hộ Trump mong họ từ bỏ lòng trung thành với Biden. Một số người còn bình luận lên một bức ảnh Penebaker chia sẻ trên Instagram, thúc giục ông quay lưng với Tổng thống đắc cử.
"Vì tình yêu của Chúa, đừng phá hủy nước Mỹ", một phụ nữ đến từ phía đông Wisconsin viết trong mail gửi tới các đại cử tri đảng Dân chủ của bang.
Phần lớn mối lo về an toàn tập trung tại 5 bang mà Tổng thống đắc cử Biden giành chiến thắng sát sao, gồm Georgia, Wisconsin, Michigan, Arizona và Pennsylvania. Những bang Tổng thống Trump giành chiến thắng không có quá nhiều xáo trộn. Frank LaRose, tổng thư ký bang Ohio, cho biết ông không yêu cầu tăng cường các biện pháp an ninh.
Thêm vào cảm giác lo âu là tình hình đại dịch Covid-19 đang tiến triển phức tạp tại Mỹ. Những biện pháp phòng dịch khiến một số bang phải hạn chế lượng khán giả tới chứng kiến sự kiện bỏ phiếu và áp đặt các quy định về cách biệt cộng đồng lẫn sử dụng khẩu trang nghiêm ngặt hơn.
Kết quả là hơn một nửa số bang phải lên kế hoạch phát trực tuyến sự kiện nhằm đảm bảo minh bạch đồng thời ngăn chặn mọi thuyết âm mưu có thể nảy sinh.
Sau khi đại cử tri bỏ phiếu, số phiếu sẽ được kiểm và các đại cử tri ký giấy xác nhận kết quả. Chúng được ghép đôi với xác nhận từ văn phòng thống đốc thể hiện số phiếu bầu phổ thông của bang. Thông thường, toàn bộ quá trình diễn ra trong chưa đầy một tiếng.
Van R. Johnson, thị trưởng thành phố Savannah, bang Georgia, cho biết đội ngũ an ninh của ông đã được tăng cường đáng kể bởi ông là một đại cử tri. Ông gọi quyết định này là "biện pháp phòng ngừa" không xuất phát từ bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào mà chỉ phản ánh môi trường mà các đại cử tri đang làm việc.
"Chúng ta đang trải qua thời khắc điên rồ và không biết những người đó sẽ làm gì", ông nói.
Tuy nhiên, lo âu không thể lấn át niềm "hân hoan và phấn khởi" của ông khi trở thành một trong 16 đại cử tri đảng Dân chủ. Đây là lần đầu tiên trong gần ba thập kỷ một ứng viên Dân chủ giành chiến thắng ở Georgia.
Hạ nghị sĩ Dân chủ bang Wisconsin Shelia Stubbs cho hay bà đã bật khóc vì xúc động sau khi được xướng tên là đại cử tri năm nay.
"Với tư cách một phụ nữ, một người Mỹ gốc Phi, việc trở thành một đại cử tri và có thể chứng kiến Thượng nghị sĩ Kamala Harris nhận chức phó tổng thống thực sự có ý nghĩa to lớn đối với tôi", Stubbs chia sẻ và thêm rằng bà đã được nhiều người thúc giục mình "làm điều đúng đắn" nhưng chưa nhận được bất kỳ lời đe dọa nào.
Theo lời Mary Arnold, đại cử tri đảng Dân chủ tại hạt Columbia, bang Wisconsin, hầu hết người dân tại thị trấn 5.000 dân nơi bà sinh sống đều ủng hộ và vui mừng thay cho bà.
"Nếu mọi người muốn phản đối tôi, cứ để họ làm", bà tuyên bố. "Nhưng tôi chắc chắn sẽ không để ai tác động tới mình. Tôi sẽ làm việc mình cần làm".
Tại Delaware, John D. Daniello, tự nhận mình là người đã giúp Biden khởi đầu sự nghiệp chính trị, tạo điều kiện để Tổng thống đắc cử thay thế ông trong Hội đồng hạt New Castle hồi năm 1970.
Daniello, 88 tuổi, cựu chủ tịch đảng Dân chủ bang Delaware, cho biết ông thấy thất vọng vì cháu gái mình, đương kim chủ tịch đảng, không thể đưa ông tới phòng thể dục trường đại học, nơi ông bỏ lá phiếu đại cử tri của mình.
Ông cũng không chắc liệu có thể đến lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Biden được hay không vì lí do sức khỏe và dịch bệnh. Nhưng Daniello quả quyết ông không có ý định bỏ lỡ cơ hội bỏ lá phiếu đại cử tri bầu cho người bạn cũ. "Bất kể chuyện gì xảy ra tôi cũng đến", ông quả quyết.
Phe Trump muốn gửi phiếu đại cử tri 'tự xưng' tới quốc hội Đồng minh của Trump lên kế hoạch gửi phiếu bầu của nhóm "đại cử tri thay thế" ở các bang chiến trường lên quốc hội để đảo ngược kết quả. "Chúng tôi có thừa thời gian để sửa chữa kết quả cuộc bầu cử gian lận này và chứng nhận Donald Trump là người thắng", cố vấn Nhà Trắng Stephen Miller tuyên bố...