Lập kỉ lục phòng vé Việt là vậy nhưng ‘Bố già’ vẫn có 4 điểm trừ sau đây
‘Bố già’ quả thực đã làm nên kì tích ở phòng vé Việt nhưng phim vẫn có những sai sót không thể bỏ qua.
Trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất từ trước đến nay, Bố già hẳn là một trong những dấu mốc đáng nhớ nhất đối với nền điện ảnh nước nhà. Tác phẩm này từ những suất chiếu đầu tiên cũng đã nhận được vô số lời khen từ các nhà phê bình lẫn khán giả. Thế nhưng phải thừa nhận rằng, phim không hoàn toàn hoàn hảo như những gì được nhận xét. Và với những giọt nước mắt được khai thác quá khéo léo, hẳn chúng ta đã bỏ qua những sai sót mà Bố già mắt phải trong suốt 2 tiếng của phim.
Trailer Bố già
1. Những màn lên gân căng cứng
Rất nhiều người sau khi xem phim đã nhận xét rằng Bố già là một tác phẩm khá ồn ào. Điều này xuất phát từ việc phim có quá nhiều phân cảnh tranh cãi buộc nhân vật phải gồng giọng hét lớn. Có thể các tranh cãi trên xuất phát từ chủ ý của biên kịch và đạo diễn nhằm thể hiện rõ tính cách của những nhân vật chính cũng như mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau.
Thế nhưng vì ‘quá tham’, không chắt lọc một cách khéo léo đâu là tình huống xứng đáng được đẩy lên cao trào, hồi 2 của Bố già căng cứng như một cái dây bị kéo căng rồi mất đi độ đàn hồi. Hậu quả là, với những ai tỉnh táo có thể thấy rõ mâu thuẫn của các nhân vật là không hợp lý. Hoặc chăng, vì mâu thuẫn đẩy lên dồn dập với cao độ bằng nhau nên không có một mâu thuẫn nào đạt mức đỉnh điểm với cảm xúc vượt xa các tình tiết khác trước đó.
2. Những giọt nước mắt đầy chất câu kéo
Bố già được khai thác đậm chất melodrama với công thức hệt nhiều tác phẩm thuộc thể loại tình cảm gia đình của Hàn Quốc. Phim xây dựng nhân vật với một vài chi tiết mang tính đại trà trong xã hội hiện đại, để từ đó ai cũng xem cũng thấy bản thân ở trong đó, từ đó dấy lên sự đồng cảm.
Từ sự đồng cảm, phim tiếp tục tạo nên một số tình tiết cao trào với những câu nói giáo điều đánh trực diện vào tâm lý người xem, từ đó, vì đồng cảm, có lỗi, cùng những tác động về hình ảnh và âm thanh, người xem dễ dàng rơi nước mắt. Phải nói, đây là một cách làm phim rất thông minh.
Vì khi khơi gợi được cảm xúc của người xem, người ta sẽ dễ bỏ qua các sai sót về mặt nội dung hay kĩ thuật. Thế nhưng phim có lúc quá lạm dụng thủ thuật này, khiến người ta như bị ‘ép’ phải rơi nước mắt trong vô thức dù tình tiết không quá hợp lý. Thật may giới hạn của Bố già vẫn có thể chấp nhận để phim không phải là một tác phẩm ‘khóc mướn’ của màn ảnh Việt.
3. Nghiện twist – cuộc đời có chăng là vậy?
Bố già có rất nhiều twist, thế nhưng không phải twist nào cũng hợp lý. Ekip sản xuất giải thích rằng, twist được đặt ra với ý nghĩa rằng trong cuộc sống điều gì cũng có thể xảy ra. Thế nhưng, nếu người xem cần xem 1 cuộc đời bình thường như bao cuộc đời khác ở hiện thực, liệu họ có tìm đến rạp phim. Và liệu, 1 cuộc đời với chỉ 120 phút thi có nên xảy ra quá nhiều twist đến như vậy? Hẳn Bố già cũng là một nạn nhân của hội chứng nghiện twist đang diễn ra tại nền điện ảnh Việt.
4. Ngôn ngữ điện ảnh – ngôn ngữ hình ảnh
Ngôn ngữ của điện ảnh là hình ảnh, đây là một trong những điều vô cùng cơ bản. Nhà làm phim, trước khi kể chuyện bằng thoại, hãy kể nó bằng hình ảnh. Không những thế, một bộ phim hay là một bộ phim buộc người xem phải suy luận, tức nhà làm phim chỉ đưa ra các yếu tố, còn người xem sẽ là người gom góp các yếu tố đó và tìm đến kết luạn mà nhà làm phim hướng đến phía sau.
Bố già hoàn toàn không làm được những điều đó. Phim phơi bày tất cả lên màn ảnh, để người xem chứng kiến như một người thứ ba quan sát từ phía ngoài. Vì vậy, phim không để lại nhiều dư âm sau khi tác phẩm kết thúc. Tức, người ta bước ra khỏi rạp, lau nước mắt rồi quên đi những bài học phim nhắn gửi. Bố già gần như, nhưng thực chất lại thành công ở bề nổi. Đây đơn thuần là hướng đi của một bộ phim thị trường, không mang nhiều yếu tố nghệ thuật.
Những bi kịch của Bố Già đến từ sự nhu nhược của Ba Sang?
Bố Già của Trấn Thành chạm đến trái tim của khán giả bởi nhiều tình huống đau lòng. Nhưng phải chăng phần lớn trong số đó do chính Ba Sang tạo nên?
Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một số tình tiết trong phim.
Hy sinh cho con cái, nhường nhịn anh chị em trong nhà là việc mà bất kì ai cũng muốn chu toàn. Song, thực tế khiến chúng ta khó lòng làm được cả hai, nhất là khi ai cũng chỉ muốn chăm lo cho gia đình riêng của mình. Thế nhưng, Ba Sang (Trấn Thành) trong Bố Già (2021) vẫn muốn "hai chân hai xuồng" dẫn tới hàng loạt bi kịch.
Một gia đình đầy mâu thuẫn giữa con cháu và họ hàng
Ba Sang là người cha đơn thân nuôi Quắn (Tuấn Trần) khôn lớn. Về sau, ông nhận nuôi thêm cô bé mồ côi Bù Tọt (Ngân Chi) từ chùa. Ngoài ra, Ba Sang còn là em trai của Hai Giàu (NSND Ngọc Giàu) và là anh của Tư Phú (Hoàng Mèo), Út Quý (La Thành). Tuy nhiên, đại gia đình này chẳng bao giờ yên bình.
Quắn muốn bênh cha nhưng lại lực bất tòng tâm
Quắn theo nghiệp YouTuber nên lúc nào cũng bị họ hàng cho là lông bông, không nghề nghiệp gì. Trong các buổi họp mặt gia đình, anh chàng luôn bị Hai Giàu hay thím Ánh (Lan Phương) - vợ của Tư Phú - chì chiết. Họ đòi cậu phải noi gương con trai của Hai Giàu là Bình Lợi (Quốc Khánh) đi làm bất động sản có lương tới "vài trăm triệu" mỗi tháng.
Bù Tọt cũng là nạn nhân của những lời ra tiếng vào, chê trách Ba Sang bỗng nhiên "đeo gông" vào cổ khi nhận nuôi cô bé. Họ cho rằng ông quá bao đồng khi nuôi thân còn chưa xong, học thức không có mà còn dám mang về Bù Tọt để cô bé sống trong cảnh thiếu thốn tình thương, vật chất.
Xóm nghèo của Ba Sang liên tục xảy ra mâu thuẫn
Không những thế, ngay cả những anh chị em của Ba Sang cũng chẳng hề hòa thuận. Hai Giàu là người có kinh tế khá giả nhất nên luôn lên mặt với các em. Tuy là em ruột, Ba Sang cứ xin nghỉ không đi giao gạo ngày nào là bà trừ lương thẳng tay ngày đó. Thím Ánh vì tính tình nóng nảy, mồm mép nên luôn mâu thuẫn với chị.
Cuối cùng, Út Quý là người nợ nần chồng chất, rượu vào là lời ra gây ồn ào trong xóm. Anh bị loại khỏi những cuộc vui của gia đình và bị cả Hai Giàu lẫn thím Ánh coi thường. Mỗi lần Út Quý xuất hiện là xảy ra những màn chửi bới nảy lửa, thậm chí là ném, đập vỡ đồ đạc rồi dẫn tới đánh nhau chảy máu.
Mối quan hệ anh em của ông cũng chẳng êm đẹp gì
Ba Sang chỉ biết đứng giữa mà không dám nói lên chính kiến của mình
Nằm ở trung tâm một gia đình như thế, Ba Sang cũng chỉ biết đứng giữa trong mọi cuộc tranh cãi mà chẳng dám nói lên chính kiến của mình. Ông can người này một chút, can người kia một chút hoặc chỉ biết im lặng mà thôi. Khi Quắn bị Hai Giàu chì chiết, Ba Sang cũng "hùa" theo bắt con phải bỏ nghề dù cậu đủ sức mua căn hộ cao cấp cho cả gia đình.
Ba Sang chưa bao giờ dám nói lên chính kiến trong các cuộc cãi vã
Ông cũng là người rủ Út Quý đến bữa tiệc dù biết sẽ có chuyện tranh cãi xảy ra. Hậu quả là mọi việc đi quá trớn khiến nhân vật của Trấn Thành bị thương ngay đầu. Ngoài ra, những người họ hàng cũng chẳng hề tôn trọng, hay thậm chí là lợi dụng Ba Sang và Quắn. Hai Giàu liên tục dụ dỗ em trai bán căn nhà cho mình còn Bình Lợi thì ăn lời "cắt cổ" trên mỗi giao dịch.
Trong khi đó, Quắn là đứa con có tâm với gia đình và luôn lo lắng cho cuộc sống của Ba Sang bị mọi người hiếp đáp. Trong một cảnh cao trào của phim, anh chàng lên tiếng bênh vực cha sau khi chứng kiến ông lẫn bản thân mình chịu quá nhiều thiệt thòi. Song, bất chấp những lời nói từ đáy lòng của con trai, Ba Sang vẫn chỉ biết cản mọi người rồi ngồi khóc một mình.
Bù Tọt cũng bị tổn thương khi cha không bênh vực mình
Phải chăng Ba Sang quá đỗi nhu nhược nên gây ra mọi hậu quả?
Trấn Thành dường như cố tình xây dựng nhân vật Ba Sang quá nhu nhược để cuối cùng gánh hết mọi bi kịch nhằm kéo nước mắt khán giả. Trên thực tế, hành động của ông cũng có chút ý nghĩa khi khiến Út Quý cảm nhận được tình cảm gia đình và quyết hy sinh "nửa tính mạng" cho anh trai.
Phải chăng Ba Sang quá nhu nhược nên gây hại?
Thế nhưng, tính cách này của Ba Sang lại gây hại nhiều hơn là giúp ích. Vì nó, ông đã khiến Quắn không ít lần tổn thương vì cha không tin mình hay thậm chí không đứng về phía mình trước những mâu thuẫn gia đình. Ngay cả Bù Tọt cũng đôi lúc thấy buồn khi nghe những lời không hay về việc được nhận nuôi.
Vì dĩ hòa vi quý, Ba Sang không hề đứng lên bảo vệ những người mình thương yêu và thương yêu mình. Nếu không nhờ những biến cố cuối phim, có lẽ mối quan hệ giữa ông và con trai đã không còn đường cứu vãn. Điều này cũng khiến một số tình tiết trong Bố Già trở nên gượng gạo khi mọi mâu thuẫn, cao trào đều được giải quyết quá đơn giản.
Trailer Bố già
'Bố Già' vượt mốc 200 tỷ, con số 300 tỷ đang nằm trong tầm tay? Chỉ trong thời gian ngắn, 'Bố Già' chính thức vượt mốc doanh thu 200 tỷ, xô đổ kỉ lục phim Việt có doanh thu cao nhất của 'Cua Lại Vợ Bầu'. Tính đến 9h sáng ngày 14/3, Bố Già đã chạm mốc doanh thu 200 tỷ, nhận danh hiệu là phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại trong thị trường...