Lập khống hồ sơ “nẫng” của 5 ngân hàng hơn 200 tỷ đồng
Kinh doanh thua lỗ, Dương đã nảy ý định làm hồ sơ giả qua mặt cán bộ ngân hàng, rút số tiền “khủng” để trang trải nợ nần…
Theo các cơ quan tố tụng, đầu tháng 8-2004, Lê Quốc Dương, SN 1971, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, thành lập Cty CP Châu Âu với nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có kinh doanh kim loại và Dương làm TGĐ, người đại diện theo pháp luật.
Quá trình hoạt động kinh doanh, Lê Quốc Dương đã làm hồ sơ vay vốn tại 5 ngân hàng theo hình thức cấp hạn mức tín dụng. Tài sản thế chấp là nhà xưởng, phương tiện, máy móc, hàng hóa inox nguyên liệu cuộn và inox thành phẩm là hàng tồn kho luân chuyển, hình thành từ vốn vay.
Vì kinh doanh do thua lỗ, Dương đã nảy ý định gian dối trong việc lập hồ sơ vay vốn của các ngân hàng để chiếm đoạt. Cụ thể, anh ta thành lập các Cty khác và nhờ người thân đứng tên làm GĐ – đại diện theo pháp luật.
Sau đó, Dương lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa giữa các Cty này để làm hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng.
Các bị cáo trong lúc chờ tòa nghị án.
Dương còn ký nhiều hợp đồng mua bán inox có thật với các Cty nhưng chỉ dùng hợp đồng mua bán, hóa đơn GTGT, phiếu nhập kho hàng hóa… làm hồ sơ thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay để được giải ngân. Còn inox, Dương bán trước khi được các ngân hàng giải ngân.
Cũng theo cáo buộc, lượng hàng hóa là inox thế chấp tại 5 ngân hàng rất lớn nhưng thực tế Cty CP Châu Âu không có đủ khối lượng theo hợp đồng. Dương đã làm giả các cuộn inox để làm tài sản đảm bảo.
Video đang HOT
Anh ta đã sử dụng các thanh sắt chữ V, các tấm tôn, inox phế liệu và một số nguyên liệu khác để sản xuất các cuộn inox giả 3 dạng. Về cơ bản, Dương dùng thanh sắt chữ V để cuộn thành hình trụ tròn rồi đổ bê tông, đổ cát hoặc không cho gì vào bên trong, bên ngoài dùng một lớp inox bọc tạo hình giống như thật.
Các cơ quan tố tụng làm rõ, từ tháng 6-2012 đến tháng 12-2012, Dương đã làm giả 930 cuộn inox. Trong đó, Dương lấy 532 cuộn inox giả đưa về kho Cty dùng để thế chấp cho các ngân hàng.
Do việc giải ngân theo khế ước của các ngân hàng không cùng thời điểm nên để tránh sự phát hiện của cán bộ ngân hàng về việc thiếu khối lượng inox khi kiểm tra tài sản bảo đảm, Dương dồn các cuộn inox thật và inox giả đã dùng thế chấp cho các ngân hàng khác vẫn để cùng trong kho nhưng khác vị trí cho đủ số lượng.
Sau khi kiểm tra xong, Dương lại sử dụng các cuộn inox thật và inox giả (đã được thế chấp và được kiểm tra) để làm tài sản bảo đảm cho các ngân hàng khác.
Ngoài ra, Dương còn sử dụng các hồ sơ mua bán hàng hóa khống inox giữa các Cty Hoàng Lân, Cty Thành Long, Cty MTV Châu Âu do Dương thành lập và nhờ người thân đứng tên để sử dụng làm hồ sơ, tài sản thế chấp tại các ngân hàng.
Theo đó, Dương điều hành toàn bộ hoạt động vay vốn và lập hồ sơ khống đưa cho Trần Thị Kim Dung, SN 1973, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội; Trần Thị Nhung, SN 1975, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ký, đồng thời Dương ký giả chữ ký của một số người trên trong một số hợp đồng mua bán, hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng.
Với thủ đoạn trên, Dương chiếm đoạt của 5 ngân hàng tổng số tiền là 204 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, Dương khai, đã sử dụng để đầu tư nhà xưởng, máy móc, mua phương tiện vận tải, mua bất động sản, trả lãi cho các ngân hàng, trả lãi vay ngoài… Tuy nhiên, anh ta không đưa ra được bằng chứng.
HĐXX sơ thẩm ngày 24-8 của TAND TP Hà Nội đã tuyên Dương án tù chung thân; Nhung 6 năm và Dung 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hoa Đỗ
Theo phapluatxahoi
Nữ Tổng Giám đốc chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng
Ngày 6/8, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Hồng Anh (SN 1974, ở phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) và Nguyễn Thị Ngà (SN 1982, ở phường Hương Sơn, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) ra xét xử về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Dự kiến, phiên xét xử kéo dài trong 3 ngày (từ 8-10/8).
Các bị cáo tại phiên tòa
"Xù" nợ hàng chục tỷ đồng
Theo cáo trạng, Nguyễn Hồng Anh là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Container Quốc tế CAS (Công ty Cascon) còn Nguyễn Thị Ngà là Trưởng phòng Kinh doanh. Quá trình tổ chức, quản lý, chỉ đạo điều hành Công ty, Hồng Anh đã có những hành vi vi phạm pháp luật.
Tài liệu điều tra thể hiện, để có vốn sản xuất kinh doanh cho Công ty VTC (tên cũ của Công ty Cascon), Hồng Anh đã ký 2 hợp đồng tín dụng vay vốn của Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thủy (Công ty VFC). Tài sản thế chấp là kho thép cuộn, container được bảo quản tại Công ty VTC ở Hải Dương với tổng giá trị tài sản gần 154 tỷ đồng.
Theo các hợp đồng trên, đến ngày 10/11/2009, Công ty VFC đã giải ngân cho Công ty VTC hơn 199 tỷ đồng và gần 3,3 triệu USD. Số tiền này, Công ty VTC đã dùng để trả lương công nhân, mua nguyên vật liệu, sản xuất hàng.
Để có vốn sản xuất kinh doanh, ngày 4/3/2010, Hồng Anh làm tờ trình gửi HĐQT Công ty VTC đề nghị cho bán hàng tồn kho, trong đó có tài sản thế chấp với lý do nếu để lâu hàng hóa sẽ bị han gỉ, giảm chất lượng, giảm giá. Ngày 20/3/2010, HĐQT Công ty VTC ra nghị quyết có nội dung nhất trí phê duyệt về chủ trương, phương án bán hàng tồn theo tờ trình của Ban điều hành Công ty, giao Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Anh làm việc với Công ty VFC để được sử dụng khoản tài chính này và tổ chức triển khai thực hiện.
Ngày 9/4/2010, Hồng Anh ký biên bản làm việc với Công ty VFC thống nhất nội dung Công ty VFC đồng ý cho Công ty VTC bán một phần tài sản thế chấp với điều kiện thanh toán tiền trước khi giao hàng, tiền bán được phải trả cho Công ty VFC theo tài khoản do họ chỉ định. Tuy nhiên, sau khi bán hàng trăm container, 1.194.000kg thép là tài sản thế chấp, Hồng Anh không trả tiền cho Công ty VFC mà dùng cho việc sản xất và kinh doanh của Công ty Cascon.
Hành vi này của Hồng Anh đã gây thiệt hại cho Công ty VFC số tiền hơn 32 tỷ đồng, do đó bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Chiếm đoạt của ngân hàng hơn 16 triệu USD
Ngoài hành vi trên, theo cáo trạng, Hồng Anh còn có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hơn chục triệu USD của ngân hàng. Theo cáo buộc, ngày 21/1/2010, Hồng Anh và Hsu Wen Ta (người Đài Loan) thành lập Công ty Sunny Investment (Công ty SNI) tại quần đảo Virgin thuộc Vương quốc Anh nhằm mục đích để Công ty Uniteb Arab Shipping Company (Công ty UASC) chuyển tiền mua container theo yêu cầu của Anh.
Ngày 27/4/2010, Công ty UASC có văn bản đề nghị Công ty VTC sản xuất, bán 10.000 container cho họ. Sau khi nhận được đơn hàng, Hồng Anh chỉ đạo Nguyễn Thị Ngà soạn văn bản gửi đến Công ty UASC đồng ý sản xuất, bán 10.000 container với giá 4.038 USD/container. Sau đó Hồng Anh đại diện cho Công ty VTC ký biên bản ghi nhớ bán 10.000 container cho Công ty UASC, chia thành 2 đơn hàng.
Đơn hàng 1.000 container, Công ty VTC bán trực tiếp cho UASC, đơn hàng 9.000 container, Công ty VTC bán gián tiếp qua Công ty TNHH container VTC Hồng Kông. Với đơn hàng 9.000 container, Anh chỉ đạo Ngà soạn thảo 2 hợp đồng và giả đại diện Công ty SNI - Công ty của Hồng Anh ký với 2 tên khác nhau là Maria Tsai và Jennifer Nguyễn. Sau đó, Anh đã sử dụng các tài liệu là hợp đồng mua bán hàng hóa, biên bản ghi nhớ giả để vay của một ngân hàng ở Việt Nam hơn 31 triệu USD. Công ty Cascon sau đó cũng đã sản xuất, chuyển giao hàng hóa và được giải ngân hơn 39 triệu USD.
Tuy nhiên, đến hạn thanh toán, doanh nghiệp này và đối tác liên quan chỉ trả cho ngân hàng 11 triệu USD. Cơ quan chức năng xác định, Nguyễn Hồng Anh và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền lên đến 16,7 triệu USD (tương đương 353 tỷ đồng). Để chiếm đoạt được số tiền đặc biệt lớn nêu trên, nữ Tổng Giám đốc và đối tác thỏa thuận, tiền thanh toán cho bên thi công (Công ty Cascon) sẽ được chuyển đến tài khoản của Công ty SNI mở tại một ngân hàng ở Hồng Kông, bên mua là Công ty UASC sẽ được chiết khấu 1,35% trên tổng giá trị hợp đồng.
Cuối năm 2011, do không thấy Công ty SNI chuyển trả đủ tiền vào tài khoản nên ngân hàng cho vay ở Việt Nam yêu cầu Nguyễn Hồng Anh cung cấp hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp này để đòi nợ. Thấy vậy, nữ Tổng Giám đốc chỉ đạo Nguyễn Thị Ngà sử dụng email với danh nghĩa là đại diện Công ty SNI xin khất nợ.
Cơ quan chức năng xác định trong vụ án này, Nguyễn Hồng Anh là người tổ chức và trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hơn 352 tỷ đồng của ngân hàng này. Nguyễn Thị Ngà là người giúp sức. Đối với một số cán bộ ngân hàng liên quan, CQĐT xác định, những người này đã tin tưởng vào Công ty Cascon vì là khách hàng truyền thống, có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả và việc giải ngân được chuyển đến tài khoản do ngân hàng quản lý. Do đó, những cán bộ này không phát hiện ra việc làm gian dối.
Hồng Mây
Theo baophapluat
Trả hồ sơ vụ Agribank Mạc Thị Bưởi Ra tòa, 3 bị cáo nguyên là giám đốc và 2 phó giám đốc Agribank Mạc Thị Bưởi đổ lỗi cho nhau mà không có chứng cứ chứng minh. Do còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Giám đốc thuê với mức lương 3 triệu đồng/tháng Ngày 14/6, TAND TPHCM...