Lấp ‘khoảng trống’ tiêm chủng vắc-xin
Sau hàng chục năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố căn bệnh gần như bị xóa sổ, dịch bạch hầu đã xuất hiện trở lại với diễn biến phức tạp và lây lan với tốc độ rất nhanh ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng thời gian gần đây là do khoảng trống miễn dịch vì thiếu vắc-xin, tỷ lệ tiêm chủng ở một số loại dịch bệnh còn khá thấp.
Tiêm chủng đầy đủ để trẻ được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin.
Trong 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu ở khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát gồm 1 thai phụ, 1 trẻ nhỏ và 1 người cao tuổi, thì 2 người lớn có lịch sử tiêm chủng không rõ ràng, còn cháu bé thì chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu. Mặc dù thời gian qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của huyện Mường Lát đã nỗ lực tuyên truyền cũng như mang vắc-xin đến tận thôn bản song người dân chưa chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng. Đây cũng là một trong những địa bàn thuộc “vùng lõm” của tiêm chủng.
Theo bác sĩ Hà Thị Phúc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, là địa phương khó khăn nhất của tỉnh, đường sá đi lại khó khăn, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, không có điều kiện về kinh tế nên việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ chỉ trông chờ vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng không được cung cấp đầy đủ, tình trạng thiếu vắc-xin đã kéo dài mấy năm nay. Cùng với đó, do hạn chế về nhận thức của một bộ phận người dân cũng là nguyên nhân lớn khiến nhiều trẻ em trên địa bàn huyện Mường Lát chưa được tiêm vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh bạch hầu nói riêng.
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Bình Yên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng bạch hầu những năm gần đây của thị trấn Mường Lát chưa đạt yêu cầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình trạng khan hiếm vắc-xin có thành phần bạch hầu. Với tỷ lệ tiêm chủng còn thấp thì không chỉ bạch hầu mà các dịch bệnh khác vẫn đang là mối lo ngại lớn đối với ngành y tế địa phương. Từ đầu năm đến nay, mặc dù tình trạng khan hiếm vắc-xin đã được cải thiện dần nhưng vẫn chưa được cung cấp đầy đủ đến các trạm y tế, vì thế khi người dân đến tiêm thì chưa đáp ứng được nhu cầu. Địa phương đang nỗ lực đấu mối để có vắc-xin tiêm bù, tiêm vét và tiêm nhắc lại cho người dân để tạo miễn dịch trong cộng đồng.
Tại Thanh Hóa, chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai đã khẳng định được hiệu quả và tính ưu việt trong việc phòng tránh các bệnh nói chung, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nói riêng theo thời điểm, theo mùa như lao, viêm gan B, bại liệt, sởi-rubella, tả, thương hàn, viêm não Nhật Bản, uốn ván sơ sinh, tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc-xin cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng của tỉnh liên tục tăng cao. Để nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho trẻ em, nhất là những loại vắc-xin mới được đưa vào tiêm chủng, định kỳ, ngành y tế chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, thực hiện tiêm chủng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, truyền thông tư vấn trực tiếp đến người dân và cộng đồng về lợi ích của một số loại vắc-xin mới được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng trong từng năm, lịch tiêm chủng, tính an toàn của vắc-xin… nhằm triển khai hiệu quả, đạt tỷ lệ cao trong công tác tiêm chủng mở rộng. Cùng với công tác tuyên truyền, hàng năm, Sở Y tế thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã về kỹ năng giám sát phản ứng sau tiêm, quản lý, tổ chức, thực hành tiêm chủng, quản lý dây chuyền lạnh và triển khai các quyết định mới của Bộ Y tế về quy định sử dụng vắc-xin trong phòng và điều trị bệnh. Do nguồn cung ứng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng của cả nước bị gián đoạn, năm 2023, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng của tỉnh Thanh Hóa đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 và chưa đạt mục tiêu trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Cụ thể, tỷ lệ tiêm viêm gan B sơ sinh 24 giờ đầu đạt 76,3%, trong khi chỉ tiêu là 85%; tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm phòng lao đạt 70,3% trong khi chỉ tiêu là 95%; tỷ lệ tiêm mũi 3 vắc-xin 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, viêm gan B) đạt 46,9%, thấp hơn 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022 và thấp so với chỉ tiêu là 95%. Tỷ lệ trẻ được tiêm vắc-xin sởi – rubella đạt 76,2%; tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản mũi 3 đạt 80,1% trong khi chỉ tiêu của 2 loại vắc-xin này là 90%. 7 tháng năm 2024, số trẻ dưới 1 tuổi tiêm chủng vắc-xin cơ bản là 54.077 trẻ (tăng 207 trẻ so với cùng kỳ năm 2023). Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện các “vùng lõm” về tiêm chủng khi tỷ lệ tiêm chủng không đạt như mục tiêu.
Video đang HOT
Theo các chuyên gia y tế, việc không tiêm đủ mũi, đúng lịch vắc-xin đã làm giảm khả năng phòng bệnh. Khi miễn dịch cộng đồng không còn đủ mạnh là cơ hội tốt cho dịch bệnh truyền nhiễm phát triển và bùng phát.
Điều này lý giải vì sao thời gian qua, nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm đã được ngăn ngừa và loại bỏ trong cộng đồng từ trước đó như sởi, bạch hầu, ho gà đã quay trở lại đe dọa sức khỏe và tính mạng của nhiều người.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin thấp sẽ khiến các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát. Nhiệm vụ đặt ra lúc này là cần tăng cường trang bị “tấm lá chắn hữu hiệu” cho nhiều trẻ em cũng như lấp khoảng trống “miễn dịch”, để mọi trẻ em đều được tiêm chủng đầy đủ và được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin.
Yếu tố quan trọng trong công tác phòng ngừa dịch bệnh truyền nhiễm chính là ý thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định có liên quan đến tiêm chủng. Nên tiêm đủ, tiêm đúng lịch các liều vắc-xin được Bộ Y tế khuyến cáo cho cả người lớn lẫn trẻ em. Không đợi đến khi dịch bệnh bùng phát mới đổ xô đi tiêm chủng mà việc phòng bệnh là cả một quá trình. Đợi đến khi dịch bùng phát mới đi tiêm, hiệu quả sẽ không đạt như mong muốn, khả năng mắc bệnh vẫn có thể xảy ra… Đặc biệt, với vắc-xin phải tiêm nhắc lại, người dân cần ghi nhớ lịch để tiêm đủ mũi, đủ liều.
Ngoài ra, y tế các địa phương cần rà soát danh sách trẻ nào chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi thì vận động để phụ huynh đưa con đi tiêm vét, hạn chế tối đa các “khoảng trống” tiêm chủng.
Triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ vùng có nguy cơ
Bộ Y tế cho hay, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc hỗ trợ hơn 1 triệu liều vaccine sởi - rubella để ứng phó dịch bệnh.
Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em tại Trạm Y tế Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm - tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: An Nhiên.
Chủ động tiêm phòng vaccine sởi
Từ đầu năm tới nay Việt Nam ghi nhận hơn 2.000 trường hợp mắc bệnh sởi. Riêng TPHCM ghi nhận hơn 500 trường hợp mắc, trong đó 3 trường hợp trẻ có bệnh nền đã tử vong.
Theo Cục Y tế dự phòng, số ca mắc sởi đã tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm trước. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM ghi nhận chỉ từ cuối tháng 5 đến nay, cả thành phố xuất hiện nhiều ca sốt phát ban nghi sởi, hàng trăm ca dương tính và đã có 3 trẻ không qua khỏi, hầu hết đều chưa tiêm vaccine phòng sởi hoặc đã tiêm vaccine nhưng chưa đầy đủ.
Khảo sát mới nhất cho thấy, chỉ có 86% trẻ em từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi tại TPHCM có kháng thể phòng sởi, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 95% cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng.
Trước nguy cơ bùng phát dịch sởi trên thế giới cũng như tại Việt Nam, theo cảnh báo của WHO, Bộ Y tế vừa phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch sởi năm 2024 với 1.134.200 liều vaccine do Chính phủ Úc tài trợ thông qua WHO.
Chiến dịch được triển khai tại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế tại các quận, huyện có nguy cơ và đang có các ca sởi/dịch sởi. Vaccine được cung cấp miễn phí cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi; nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định. Hiện đã có 18 tỉnh, thành phố đăng ký triển khai.
ThS.BS Đinh Thị Hải Yến - Trưởng khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc họ Paramyxovirus gây ra. Nhiều người cho rằng, sởi chỉ gây ra các vấn đề cho sức khỏe ít nghiêm trọng như phát ban hoặc sốt nhẹ. Tuy nhiên, thực tế sởi có thể biến chứng trầm trọng, gây tổn thương, rối loạn chức năng đa cơ quan, có thể đe dọa tính mạng người bệnh, đặc biệt nguy hiểm ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Đối với phụ nữ mang thai, mắc virus sởi cũng như các virus khác như Rubella, thủy đậu... đặc biệt khi mắc sởi vào tam cá nguyệt thứ nhất sẽ có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh, dị dạng thai, sinh non cho bé cùng các biến chứng thai kỳ nghiêm trọng khác.
Triển khai sử dụng nhiều vaccine mới
Bộ Y tế cho hay, trong thời gian tới sẽ triển khai kế hoạch sử dụng vaccine mới như vaccine phòng bệnh tiêu chảy do virus rota, vaccine phòng bệnh do phế cầu, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung do virus HPV và xem xét báo cáo Chính phủ bổ sung thêm các loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm khác... để có thêm cơ hội phòng bệnh cho người dân.
"Bộ Y tế mong muốn mang đến thông điệp về tầm quan trọng của việc tiêm chủng, vai trò của của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cho hoạt động tiêm chủng vaccine phòng bệnh, nêu cao trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch nhằm đảm bảo mỗi trẻ em đều được tiếp cận kịp thời với tiêm chủng phòng bệnh" - Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Được biết, hiện nay tại nước ta có 11 bệnh truyền nhiễm gồm lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, rubella, rota được triển khai tiêm vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Hơn 40 năm qua, hàng trăm triệu liều vaccine đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ Việt Nam. Kết quả của tiêm chủng mở rộng đã góp phần quan trọng trong đạt thành quả thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, giảm rõ rệt tỷ lệ các bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Thế nhưng, bên cạnh những thuận lợi, những thành tựu đã đạt được, công tác tiêm chủng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, phải kể đến trước tiên là tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến khó lường, khó dự báo, đại dịch Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tiêm chủng.
Tiếp đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa... tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện trở lại, lây lan và bùng phát.
Đặc biệt thời điểm hiện nay, cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học; có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Vẫn tiếp diễn tình trạng thiếu vaccine ở Đồng Nai Cập nhật tình hình 11 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh cho thấy, tình trạng thiếu vaccine so với nhu cầu thực tế vẫn tiếp diễn. Trẻ em được tiêm vaccine phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.Yến Trong đó, nhu cầu vaccine Rota năm 2024 là hơn 50 ngàn liều...