Lập hồ sơ đưa địa đạo Vịnh Mốc là di sản thế giới
Ngành văn hóa tỉnh Quảng Trị đang khảo sát, đánh giá di tích đặc biệt quốc gia làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc để lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa thế giới.
Ngày 16/9, Sở Văn hóa Quảng Trị cho hay đang xin chủ trương để lập hồ sơ nhằm đưa di tích quốc gia đặc biệt hệ thống làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc trở thành di sản văn hóa thế giới.
“Sở đang khảo sát, đánh giá xem di tích Vịnh Mốc có đủ tiềm năng và giá trị để được công nhận là di sản thế giới hay không”, ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa Quảng Trị cho hay.
Giá trị nổi bật của hệ thống làng hầm Vĩnh Linh là chuyển hẳn cuộc sống xuống dưới lòng đất. Ảnh: Hoàng Táo
Sở Văn hóa cũng đang lập báo cáo tóm tắt di tích địa đạo Vịnh Mốc gửi Bộ Văn hóa trình Hội đồng di sản quốc gia. Việc lập báo cáo tóm tắt này được xem là thuận lợi khi những năm gần đây, Quảng Trị nhiều lần lập hồ sơ để công nhận địa đạo Vịnh Mốc là di tích quốc gia đặc biệt.
Hồ sơ sau đó được trình Thủ tướng xem xét, nếu được thông qua, di tích địa đạo Vịnh Mốc được đăng ký với UNESCO đưa vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới.
Theo hướng dẫn thực hiện công ước di sản thế giới, với những di tích tiêu biểu được đệ trình vào danh mục trên, UNESCO khuyến khích tìm kiếm ý kiến tư vấn của Hội đồng quốc tế về di tích và di chỉ để đánh giá di sản đề cử có tiềm năng đạt được giá trị nổi bật toàn cầu và yêu cầu về bảo vệ, quản lý theo tiêu chuẩn di sản thế giới, trước khi tiến hành lập hồ sơ.
Việc này giúp tránh tình trạng nhiều di sản mất rất nhiều công sức, kinh phí lập hồ sơ nhưng không được UNESCO công nhận.
Video đang HOT
Lãnh đạo Sở Văn hóa Quảng Trị cho hay, quá trình lập hồ sơ có thể “kéo dài vài ba năm”, nhưng được công nhận di sản thế giới sẽ có tác động rất tích cực trong quảng bá và bảo vệ di tích này.
Du khách tham quan Địa đạo Vịnh Mốc. Ảnh: Hoàng Táo
Hệ thống 114 địa đạo, làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị) được nâng cấp thành di tích quốc gia đặc biệt vào đầu năm 2015.
Trong những năm 1965-1968, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, nhất là vùng đất địa đầu giới tuyến như Vĩnh Linh, người dân nơi đây đã sáng tạo nên hệ thống 114 địa đạo, làng hầm khắp 15 xã, thị trấn vùng biển.
Giá trị nổi bật của hệ thống làng hầm này là giúp quân và dân Vĩnh Linh trú ẩn hiệu quả trước sức mạnh của không quân Mỹ, và trở thành một tầm cao về quân sự, kiến trúc, nghệ thuật khi chuyển hẳn cuộc sống xuống lòng đất.
Gọi là làng hầm vì hình ảnh làng quê được kiến tạo đầy đủ dưới lòng đất với hội trường, căn hộ, nhà hộ sinh, bảng tin, giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật… Trong 2.000 ngày tồn tại, 17 cháu bé được sinh ra tại đây.
Đến nay, địa đạo Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch) được xem là còn nguyên vẹn nhất. Địa đạo này gồm 3 tầng, dài 1.701 m với 13 cửa.
Ngoài địa đạo Vịnh Mốc đang khai thác du lịch, hiện Vĩnh Linh còn nhiều địa đạo nguyên vẹn chưa được khai thác, và chưa có hướng bảo tồn như Mũi Sy, thôn Roọc, Troong Môn – Cửa Hang, Hải Quân, Hương Nam, địa đạo công an vũ trang, địa đạo 61.
Hoàng Táo
Theo VNE
Tìm thấy nhiều hiện vật quý ở Thành nhà Hồ
Khai quật Hào thành (Thành nhà Hồ), các nhà khoa học phát hiện nhiều cụm vật liệu kiến trúc, cụm đá nguyên khối được ghè đẽo công phu. Đặc biệt, nhóm hiện vật đục sắt, kiếm sắt được coi là di vật rất hiếm gặp trong các di tích khảo cổ học ở Việt Nam.
Lần đầu tiên các nhà khoa học tổ chức khai quật di tích Hào thành, Thành nhà Hồ. Ảnh: Thành Nam.
Ngày 20/8, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ cho biết đang phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật khu vực Hào thành thuộc di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Sau hơn 2 tháng khai quật trên diện tích 2.040 m2, các nhà khoa học phát hiện nhiều hiện vật quý.
Cụ thể, tại khu vực Hộ thành (từ chân thành ra mép hào) xuất lộ nhiều hiện vật và cụm vật liệu kiến trúc, cụm đá nguyên khối có dấu vết chế tác, cụm dăm đá... Giới chuyên môn đánh giá, Hộ thành ngoài nhiệm vụ phòng thủ còn là nơi tập kết và tu chỉnh các phiến đá thô trước khi được vận chuyển vào vị trí xây tường thành.
Trong khu vực Hào thành hiện còn lại dấu vết của những phiến đá kè bờ hào. Căn cứ vào vị trí đá kè phía bắc và phía nam, lòng hào được xác định có chiều rộng khoảng 52 m. Phía dưới lòng hào, ở độ sâu từ khoảng 3 đến 6,3 m, ngoài lớp đất sét bùn màu xám mịn lẫn nâu đỏ, các nhà khoa học còn phát hiện một số mảnh gốm men, sành, gạch vỡ thời Trần - Hồ và thời Lê Sơ.
Nhiều phiến đá vôi người xưa dùng làm bờ kè hào thành được phát lộ. Ảnh: Thành Nam.
Tổng cộng, cuộc khai quật lần này đã phát lộ thêm 89 viên đá vôi nguyên khối và đá phiến có kích thước 1,7x1,1 m hình hộp chữ nhật; nhiều hiện vật bằng đất nung như ngói mũi sen, gạch bìa, trong đó nhiều viên có in, khắc tên địa danh sản xuất, niên đại thời Trần - Hồ; đồ gốm men, đồ sành có niên đại thời Trần - Hồ và thời Lê sơ; đạn, bi đá, nhiều mũi tên, mũi đục bằng sắt...
Ông Nguyễn Xuân Toán, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho hay, cuộc khai quật đã phát lộ và làm sáng rõ cấu trúc, chức năng của khu vực hộ thành cũng như hào thành.
Theo ông Toán, trong số các hiện vật được tìm thấy, các nhà khoa học đặc biệt chú ý tới nhóm hiện vật đục, kiếm sắt. Đây được coi là di vật rất hiếm gặp trong các di tích khảo cổ học ở Việt Nam. "Cùng với việc làm rõ các di tích, các di vật tìm thấy sẽ bổ sung tư liệu cho công tác nghiên cứu và trưng bày phục vụ du khách tham quan", ông Toán cho hay.
Các công đoạn khai quật được tiến hành rất tỷ mỉ và cẩn trọng. Ảnh: Thành Nam.
Thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ tiếp tục xin cấp kinh phí mở rộng khai quật, nghiên cứu các vị trí khác của Hào thành (phía Đông, phía Bắc, phía Tây) để làm cơ sở khoa học phục vụ việc khôi phục di tích Hào thành trong tương lai. Ngoài ra, Trung tâm cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa giao huyện Vĩnh Lộc lập phương án đền bù diện tích đất ruộng đã khai quật để sử dụng làm Bảo tàng tham quan ngoài trời.
Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc. Đây là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, thành này còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Xây xong thành, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô.
Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn đang nằm ẩn mình phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng. Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), thành nhà Hồ đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Lê Hoàng
Theo VNE
Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản Thế giới lần thứ hai Với những giá trị ngoại hạng, Phong Nha Kẻ Bàng là Vườn quốc gia thứ 3 châu Á và đầu tiên trong khu vực đạt 3 trên 4 tiêu chí dành cho một di sản thiên nhiên. Vào hồi 17h30 phút (giờ Việt Nam) ngày 3/7/2015, tại kỳ họp lần thứ 39 diễn ra ở Bonn (Cộng hòa liên bang Đức), với sự...