Lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin chủ quyền biển đảo
Nhằm thu thập các tư liệu, hiện vật quí về chủ quyền biển đảo, tỉnh Quảng Ngãi vừa công bố đường dây nóng đến người dân trên địa bàn tỉnh cung cấp thông tin.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa vừa chỉ đạo Sở thông tin & truyền thông cùng các cơ quan chức năng thông báo số điện thoại miễn phí 18001771 để người dân cung cấp thông tin tư liệu, hiện vật liên quan đến chủ quyền biển đảo.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn, lễ thức tín ngưỡng đậm chất văn hóa biển đảo đã được Bộ Văn hóa thể thao & Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Trí Tín.
Trước đó, tháng 4/2009, tộc họ Đặng ở xã An Hải (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã hiến tặng tờ lệnh quý về Hoàng Sa cho Bộ Ngoại giao. Tài liệu này được tộc họ nối tiếp nhau gìn giữ qua 6 đời, là công lệnh của quan tỉnh Quảng Ngãi cấp đầu tiên cho ông Đặng Văn Siểm và ông Dương Văn Định, ghi rõ ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), phái đội thuyền ba chiếc ra canh giữ đảo Hoàng Sa. Tờ lệnh gồm bốn trang, bản gốc còn nguyên vẹn nhất từ trước đến nay.
Đến tháng 4/2012, Bộ Ngoại giao đã trao tặng bằng khen cho gia tộc họ Đặng vì có thành tích đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng tặng bằng khen cho gia tộc này vì có công hiến tặng tài liệu lịch sử văn hóa quý giá liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Video đang HOT
Tỉnh Quảng Ngãi cũng trao tặng bằng khen cho tộc họ này vì có công gìn giữ, hiến tặng báu vật; đồng thời ra lời kêu gọi các tộc họ, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh noi gương gia tộc Đặng gìn giữ những tư liệu cổ có giá trị về lịch sử, văn hóa, nhất là tài liệu quý liên quan đến chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Theo VNE
Chi 64 tỉ đồng làm đường cho 10 hộ dân!
Dù công trình triển khai hết sức ì ạch nhưng đơn vị trúng thầu thi công vẫn được ứng tiền rất thoải mái.
Dù chỉ có 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở thôn Gò Tranh của xã Long Sơn, huyện miền núi Minh Long nhưng một con đường với số vốn đầu tư gần 64 tỉ đồng đi xuyên qua rừng phòng hộ vẫn được UBND tỉnh Quảng Ngãi mạnh dạn đầu tư.
Xuyên cả rừng phòng hộ
Theo dự án, con đường này chỉ dài 11,2 km với 2 gói thầu. Gói thầu số 7 dài 6 km, nằm trên địa bàn huyện Minh Long và gói thầu số 8 nằm trên địa bàn xã Sơn Linh (huyện Sơn Hà). Trong tổng số vốn đầu tư thì vốn từ chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo chiếm 40%, vốn ngân sách huyện 20%, còn lại là vốn hỗ trợ có mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. Dự án do UBND huyện Minh Long làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2011 đến 2012.
Giữa tháng 5, chúng tôi chứng kiến tại gói thầu số 7 đang san ủi mặt bằng, một số đoạn đã hoàn thành; còn gói thầu số 8 chưa thi công. Cán bộ của Ban Quản lý dự án đầu tư huyện Minh Long (BQL dự án) giải thích rằng do tuyến đường đi qua rừng phòng hộ Thạch Nham nên phải chờ ý kiến của tỉnh. Còn theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham, nếu con đường đi qua đây thì sẽ chiếm 70.000 m2 rừng. Đó là chưa kể khi con đường đi xuyên giữa rừng thì có nguy cơ người dân sẽ xâm hại trực tiếp trên 400 ha rừng. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị dừng gói thầu số 8 để bảo vệ rừng phòng hộ.
Dự án đường vào làng Gò Tranh (Quảng Ngãi) hiện vẫn còn ngổn ngang
Trong một báo cáo do ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh, ký gửi HĐND tỉnh, có giải thích rằng ban đầu khi dự án được lập thì có 50 hộ dân sống ở thôn này nhưng vì điều kiện sinh sống còn quá khó khăn, các cháu phải đi học quá xa nên đến cuối năm 2010 và đầu năm 2011 có 35 hộ chuyển về gần trung tâm UBND xã. Dự án được phê duyệt là theo kiến nghị của cử tri huyện Minh Long để thuận tiện cho việc đi lại. Còn việc vì sao dự án đi qua rừng phòng hộ là do UBND huyện Minh Long không có kinh phí để thuê tư vấn đánh giá tác động môi trường.
Tuy nhiên, giải thích như báo cáo này, theo một đại biểu HĐND tỉnh là quá vô lý. Bởi dự án được phê duyệt vào tháng 6/2011 nhưng những hộ dân đã chuyển gần hết về gần trung tâm UBND xã từ đầu năm 2011. Chỉ còn 10 hộ dân mà đầu tư 64 tỉ đồng làm đường, lại đi xuyên rừng phòng hộ quả là nghịch lý hiếm thấy.
Không thi công vẫn tạm ứng
Có một điều bất ngờ khác, dù công trình triển khai thì hết sức ì ạch nhưng đơn vị trúng thầu thi công thì lại được ứng tiền rất thoải mái.
Cụ thể, tại gói thầu số 8, chủ đầu tư ký hợp đồng với liên doanh 3 công ty xây dựng là Hương Lúa, Tiến Hưng, Khánh Thịnh với giá trị hợp đồng 26,7 tỉ đồng và đã cho tạm ứng 2 lần hết 10,3 tỉ đồng. Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nói có việc gói thầu số 8 bị vướng rừng đầu nguồn Thạch Nham nhưng vẫn tiếp tục được ứng vốn 2 lần là do BQL dự án chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để có biện pháp hữu hiệu thu hồi tiền tạm ứng kịp thời, còn nguyên nhân không có giải pháp xử lý kịp thời đối với diện tích rừng phòng hộ khi tuyến đường đi qua thuộc về UBND huyện và cả BQL dự án.
Chiếm dụng hàng chục tỉ đồng
Toàn tỉnh Quảng Ngãi đang có 11 dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước nhưng chủ đầu tư cho phía thi công ứng vốn trước, kê khống khối lượng để chiếm dụng số tiền gần 43 tỉ đồng. Điển hình như dự án đường Ba Tơ - Ba Lế (huyện Ba Tơ) có mức đầu tư 30,3 tỉ đồng, đã cho ứng trước 15,7 tỉ đồng và cần thu hồi 3,7 tỉ đồng; dự án đường Sơn Kỳ - Mô Nít (huyện Sơn Hà) có mức đầu tư 21,1 tỉ đồng, đã cho ứng trước 10,4 tỉ đồng và cần thu hồi 2,9 tỉ đồng...
Theo Khampha
Đón Trung thu cùng các em nhỏ trên huyện đảo Lý Sơn Tối 29/9, trên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đêm "Trung thu kết nối yêu thương hướng về trẻ em đảo Lý Sơn". Các em nhỏ ở Lý Sơn chăm chú theo dõi chương trình văn nghệ buổi...