Lập đoàn giám sát vụ cưỡng chế đất Hải Phòng
Tại cuộc họp sáng 18/1, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã thống nhất lập đoàn giám sát để tìm hiểu về dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quy trình giao, thu hồi đất, thực hiện cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng).
Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng hệ thống chính trị địa phương, bao gồm cả Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở đã không phát hiện sớm những bức xúc của người dân về cách hành xử của chính quyền.
Ngoài ra, báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Hải Phòng về vụ cưỡng chế lại sao chép các tài liệu từ chính quyền, không phản ánh được đa chiều nguyện vọng của người dân.
Tại cuộc họp sáng 18/1, một số ý kiến băn khoăn về cách làm của huyện Tiên Lãng từ khâu giao đất đến thu hồi, cưỡng chế thu hồi đầm nuôi thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn cũng như các hộ dân khác. Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền là anh em ruột với Chủ tịch xã Vinh Quang Lê Văn Liêm – nơi có đầm thủy sản bị thu hồi khiến nhiều ý kiến đề cập tới tính khách quan của quyết định thu hồi và cưỡng chế thu hồi…
Huyện Tiên Lãng đã sử dụng lực lượng vũ trang để cưỡng chế đầm tôm nhà ông Vươn. Ảnh: Báo Hải Phòng.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, các ý kiến thống nhất nhận định vụ việc không còn là chuyện riêng của Tiên Lãng hay Hải Phòng mà là mối quan tâm chung của cả nước. Vì vậy, cần lập đoàn giám sát tại địa phương.
Theo ông Kim, đoàn sẽ làm rõ nhiều nội dung. Hành vi nổ súng, chống người thi hành công vụ của gia đình ông Vươn là sai, song Mặt trận Tổ quốc sẽ xem xét và cho ý kiến về các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ. Đặc biệt, đoàn sẽ dành thời gian để tìm hiểu về dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quy trình giao, sử dụng cho đến thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng.
Video đang HOT
Đối với việc cưỡng chế thu hồi đầm thủy sản ngày 5/1, ông Kim cho rằng, việc này có dấu hiệu áp đặt không khác gì cưỡng đoạt, thiếu coi trọng quyền lợi người dân trong khi họ đã bỏ công sức, sinh mạng để gây dựng. “Vì sao cưỡng chế mà lại huy động cả lực lượng quân đội? Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ đề nghị Chính phủ sớm thanh tra toàn diện, xử lý nhanh và trả lời gấp cho dư luận xã hội”, ông Kim nói và cho biết thêm, việc huy động quân đội ở vụ cưỡng chế này có dấu hiệu vi hiến.
Trước đó ngày 5/1, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương. Vụ nổ súng không chỉ tồi tệ nhất trong lịch sử cưỡng chế ở Hải Phòng mà còn làm chấn động dư luận cả nước.
Ngày 10/1, 4 bị can gồm Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được toại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tuy nhiên, bên cạnh việc vi phạm pháp luật của người dân, nhiều vấn đề cũng đã được đặt ra như tính pháp lý của quyết định thu hồi đất khai hoang, thẩm phán ký vào thỏa thuận rút đơn kiện, chính quyền phá hủy nhà ông Đoàn Văn Vươn ngoài khu vực cưỡng chế .
Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ khẳng định, quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng với gia đình ông Vươn vừa trái luật vừa trái đạo lý, cố tình tước bỏ quyền lợi của người dân. Và ông cho biết, sẵn sàng đối chất với huyện Tiên Lãng về vấn đề này.
Thủ tướng đã yêu cầu Chủ tịch UBND Hải Phòng kiểm tra làm rõ trách nhiệm vụ cưỡng chế đất. Bộ Công an, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đã vào cuộc.
Theo VNExpress
Phó chủ tịch Hải Phòng: 'Dân bất bình nên phá nhà ông Vươn'
Theo Phó chủ tịch UBND Hải Phòng Đỗ Trung Thoại, việc san phẳng căn nhà gia đình ông Vươn sau vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng không phải bởi lực lượng của huyện mà do "nhân dân bất bình nên vào phá".
Sáng 17/1, 12 ngày sau vụ cưỡng chế và nổ súng tại đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn, lần đầu tiên lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đã lên tiếng. Tuy nhiên, ngoài việc đọc bản báo cáo có sẵn, ông Thoại đã né tránh hầu hết các câu hỏi liên quan đến quyết định cưỡng chế.
Ông Thoại cho biết, thành phố đang chỉ đạo các đơn vị cấp dưới xử lý vụ việc, trong đó tập trung rà soát toàn bộ quy trình, thủ tục về các quyết định giao, thu hồi và tổ chức cưỡng chế đất của huyện Tiên Lãng. "Giữa tuần này việc rà soát sẽ xong, Hải Phòng sẽ có báo cáo chính thức", ông Thoại nói.
Ông Đỗ Trung Thoại: "Nhân dân bất bình nên phá nhà của ông Vươn chứ lực lượng cưỡng chế không san phẳng". Ảnh: Nguyễn Hưng
Tuy chưa có kết quả rà soát cuối cùng, song vị Phó chủ tịch Hải Phòng vẫn khẳng định, việc thu hồi đất ở Tiên Lãng được "hầu hết các hộ dân chấp hành". Với trường hợp gia đình ông Đoàn Văn Vươn, hộ này sau khi được giao đất năm 1993 đã "tự ý lấn chiếm" thêm 19,3 ha và bị phạt hành chính trước khi được huyện giao thêm diện tích này.
"Đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia trong quy định của Luật đất đai không phải đất sản xuất nông nghiệp để giao ổn định trong 20 năm. Vì thế, giao bao nhiêu năm là do địa phương và người thuê đất thỏa thuận với nhau", ông Thoại nói.
Trả lời việc vì sao phá nhà của gia đình ông Vươn dù ngôi nhà nằm ngoài diện tích cưỡng chế, ông Thoại cho rằng, khu vực đầm bãi ngoài đê, theo quy định của luật không phải là nơi quy hoạch khu dân cư, không cho phép xây nhà mà chỉ được làm nhà tạm, chòi canh.
"Sau vụ nổ súng, chống người thi hành công vụ, lực lượng công an phải rà phá và tìm được vũ khí, vật liệu nổ trong nhà. Các đồng chí báo cáo không ra lệnh san phẳng nhà, nhưng do... nhân dân bất bình nên vào phá. Chứ còn lực lượng cưỡng chế của huyện, lực lượng công an không san phẳng nhà này", ông Thoại nói.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo do UBND thành phố Hải Phòng tổ chức 5 ngày trước, chính Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền lại cho biết, căn nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị phá do "đây là vị trí kẻ gây án ẩn nấp".
Căn nhà 2 tầng của gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị đốt phá, san phẳng sau vụ cưỡng chế ngày 5/1. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Cũng theo Phó chủ tịch Hải Phòng, UBND thành phố "sẵn sàng lắng nghe dư luận" nhưng việc trả lời cụ thể phải chờ sự thống nhất của "tập thể lãnh đạo".
Đánh giá về sự việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho rằng, đây là một sự việc đáng buồn. "Sự việc không còn nằm trong phạm vi Tiên Lãng nữa. Ai sai phải xử lý, bất kể cương vị nào", ông Doãn khẳng định.
Trước đó ngày 5/1, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng. Vụ nổ súng sáng 5/1 không chỉ tồi tệ nhất trong lịch sử cưỡng chế ở Hải Phòng mà còn làm chấn động dư luận cả nước.
Ngày 10/1, 4 bị can gồm Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được toại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo VNExpress
Hải Phòng: Công bố thông tin phía sau vụ 6 chiến sĩ bị xả súng Lật lại nguyên do vụ cưỡng chế đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn, đại diện TAND Hải Phòng cho biết, trong quá trình giải quyết khiếu kiện của chủ đầm trước đó, thẩm phán đã "nhầm lẫn" vụ việc của ông Vươn với một chủ đầm tôm khác! Chiều tối ngày 12/1, tại trụ sở UBND TP Hải Phòng đã diễn ra...