Lắp dầm cầu đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông
Theo tin từ Ban QLDA đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, nhà thầu Dự án xây dựng đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông vừa triển khai lắp dầm cầu, phương án phân luồng giao thông quy mô cũng được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cũng như tạo thuận lợi cho công tác thi công.
Thời gian lao lắp dầm đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông từ ngày 3-4 đến 3-7, việc vận chuyển dầm phục vụ công tác lao lắp sẽ diễn ra vào ban đêm, từ 20h-5h sáng hàng ngày. Các phương tiện vận tải, cẩu lắp sẽ chiếm dụng một phía các đoạn lòng đường Quang Trung (Hà Đông), khi lắp đặt các phiến dầm, phía trái tuyến đường tổ chức giao thông cho các phương tiện đi hai chiều trên phần đường còn lại.
Theo ANTD
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Nguy cơ "vỡ" tiến độ
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông được kỳ vọng là tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) đầu tiên của Thủ đô đi vào vận hành trong bối cảnh các tuyến ĐSĐT khác đang "sa lầy". Tuy nhiên, tuyến đường này cũng đang đứng trước nguy cơ "vỡ" tiến độ.
Video đang HOT
Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội khó đảm bảo đúng tiến độ
Khó đảm bảo tiến độ
Công tác lập Dự án được thực hiện từ năm 2004 nhưng phải đến năm 2010 mới khởi công. Theo hợp đồng, chỉ còn gần 2 năm nữa, tuyến đường sắt nội đô này phải đi vào vận hành. Tuy nhiên, 44/65 tháng thi công đã trôi qua nhưng khối lượng công việc mới chỉ đạt được một nửa. Ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban QLDA đường sắt (Chủ đầu tư)- Cục Đường sắt Việt Nam cho hay, "Để đưa tuyến ĐSĐT này vận hành vào tháng 6-2015, bản thân đơn vị Tổng thầu là Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc cũng thừa nhận, rất khó khăn để đảm bảo tiến độ như kế hoạch".
Đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC áp dụng công nghệ, tiêu chuẩn và thi công của Trung Quốc. Đây là hình thức mới mẻ ở Việt Nam, bản thân Tổng thầu Trung Quốc cũng cho hay, chưa có kinh nghiệm về hình thức này trong lĩnh vực ĐSĐT. "Hợp đồng tổng thầu EPC là hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư, nhưng thực tế chúng tôi vẫn phải trực tiếp tham gia điều hành khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, thậm chí cả nghiệm thu giống như các hợp đồng thông thường. Tổng thầu EPC, tư vấn của tổng thầu cũng không thực hiện đúng vai trò, ỷ lại vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của chủ đầu tư", ông Trần Văn Lục phản ánh.
Ở dự án này, chủ đầu tư phải lệ thuộc vào các nhà thầu phụ thiết kế, thầu phụ thi công, thầu phụ đào tạo, cung cấp thiết bị. Trong khi đó, Ban QLDA đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm về hình thức thầu này, nên khi gặp bất kỳ vướng mắc nào đều phải gửi văn bản xin ý kiến xử lý của các bộ, ngành liên quan như Xây dựng, GTVT...
Tư vấn, thiết kế ở... nước ngoài
Các cán bộ chủ chốt của nhà thầu phụ không trực tiếp làm việc ở Việt Nam nên quá trình trao đổi, xử lý các khúc mắc kỹ thuật thường kéo dài dẫn đến hiệu quả thấp, làm chậm tiến độ chung. Giám đốc Ban QLDA đường sắt cho hay: "Cán bộ trực tiếp thiết kế cho Dự án ở Bắc Kinh- Trung Quốc, sau khi thiết kế xong thì chuyển sang Việt Nam. Thiết kế có vấn đề gì khúc mắc, bộ phận tư vấn ở Việt Nam phải gọi điện sang Bắc Kinh hỏi, qua năm ba khâu trung gian mới đến nơi được".
Ngoài ra, khâu giải phóng mặt bằng cũng khiến dự án đứng trước nguy cơ "vỡ" tiến độ. Ông Trần Văn Lục cho hay, một số đoạn, hạng mục công tác bàn giao mặt bằng rất chậm. Cụ thể như khu đường nhánh Ba La- Hà Đông dẫn vào Depot đã nhiều lần xin gia hạn thời gian giải phóng mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa xong, dù mốc giới đã được bàn giao từ cuối năm 2012. Hay như việc di dời hạ tầng kỹ thuật của Sở Xây dựng Hà Nội đến nay cũng chưa hoàn tất.
Theo thiết kế, tuyến ĐSĐT này sẽ có 12 nhà ga trên cao với 421 trụ. Hiện đã xong 270 trụ của 5 nhà ga. Theo ông Trần Văn Lục, khó khăn lớn nhất hiện tại là tiến độ thi công các nhà ga trên cao như ga Thái Hà: "Thời gian thi công mỗi ga tối thiểu mất 12 tháng (tính toán trước kia là 17-18 tháng, đã rút ngắn) với điều kiện đơn vị thi công rất chuyên nghiệp, làm 3 ca/ngày liên tục. Mặt bằng chưa có để thi công, chúng tôi lo ngại, đến tháng 3-2015 khó có thể đặt ray để chạy thử được". Hoặc như ga Cát Linh, đây là công trình nhà ga phức tạp, thời gian thi công lâu nhưng đến nay cũng chưa có mặt bằng. "Dù không nói là không thể làm được nhưng để đảm bảo đúng tiến độ là điều rất khó khăn", chủ đầu tư dự án thừa nhận.
Mới đây, ông Phùng Cự Bảo - Tổng giám đốc Tổng thầu EPC Trung Quốc đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về tiến độ của dự án. Sau buổi làm việc, Tổng thầu đã huy động thêm máy móc, thiết bị, huy động công nhân ngày làm 3 ca...nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt trên cao thuộc tuyến số 2 trong 8 tuyến được quy hoạch của Hà Nội, chiều dài 13km. Tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng. Dự kiến, quý II-2015, tuyến đường sẽ đi vào vận hành. Bắt đầu xuất phát từ nút giao Cát Linh - Giảng Võ, đi dọc theo dải phân cách phố Hào Nam, phố Hoàng Cầu, ngõ Thái Thịnh I tới đường Láng rẽ trái men theo sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc theo dải phân cách đường Nguyễn Trãi về Hà Đông.
Ngân Tuyền
Theo ANTD
Hà Nội: Bắt đầu lắp dầm cầu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông Từ ngày 3/4, nhà thầu Dự án xây dựng đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông triển khai lắp dầm cầu. Phương án phân luồng giao thông quy mô cũng được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cũng như tạo thuận lợi cho công tác thi công. Các trụ cầu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông...