Lập chuyên án điều tra việc làm giấy khám sức khoẻ giả cho người học lái xe
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an lập chuyên án điều tra và xử lý các tổ chức, cá nhân làm giả giấy khám sức khoẻ cho người học lái xe, làm giả giấy phép lái xe hoặc có hành vi gian lận, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Văn phòng Chính phủ thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình – Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I, phương hướng, nhiệm vụ quý II năm 2019.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Năm ATGT 2019 với chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy” và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 25/TB-VPCP ngày 19.1.2019 về triển khai giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới.
Lập chuyên án điều tra tổ chức làm giấy khám sức khoẻ giả cho người học lái xe.
Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác kiểm tra phương án bảo đảm TTATGT tại các địa phương có các Lễ hội quy mô lớn, thu hút đông đảo du khách tham dự lễ hội; công tác quản lý vận tải và ATGT. Tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT theo chuyên đề tại các địa phương có TNGT tăng trong quý I, kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, các cơ sở đăng kiểm.
Tổ chức hưởng ứng Tuần lễ ATGT đường bộ lần thứ 5 năm 2019 của Liên Hợp quốc phát động, với chủ đề “Quản lý và thực thi pháp luật về ATGT” từ ngày 06-12.5.2019 (hoàn thiện và thực thi một số quy định pháp luật liên quan tới thắt dây an toàn, không sử dụng điện thoại khi lái xe).
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt, vận hành các Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tại các trạm thu phí BOT trên đường bộ. Cùng với đó, phối hợp với các bộ, ngành để ban hành quy định về bắt buộc kiểm tra tải trọng tại các đầu mối hàng hóa, kho, bãi, bến cảng trên toàn quốc.
Chia sẻ dữ liệu cho lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông vận tải để xử lý vi phạm và chỉ đạo Thanh tra Bộ và các Sở Giao thông vận tải sử dụng thông tin về bằng lái xe vi phạm bị tạm giữ tại cơ quan Công an để kiểm tra nhằm phát hiện những trường hợp xin cấp lại giấy phép lái xe trong thời gian bị tạm giữ do vi phạm để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; xử lý và kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động cấp giấy phép lái xe…
Bộ Công an xây dựng quy chế phối hợp với Bộ GTVT trong công tác bảo đảm TTATGT rà soát, sửa đổi, ký kết và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy chế, kế hoạch phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành Công an trong công tác bảo đảm TTATGT.
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường các hoạt động bảo đảm TTATGT, đặc biệt là nâng cao hiệu quả tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT (nhất là vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ…).
Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý nghiệp vụ; kiểm tra phòng ngừa sai phạm trong hoạt động tuần tra kiểm soát và một số lĩnh vực của lực lượng Cảnh sát giao thông. Triển khai giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, năng lực trong tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm.
Video đang HOT
Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương kịp thời thông báo danh sách lái xe ô tô bị thu giữ giấy phép lái xe cho các cơ quan, đơn vị của ngành Giao thông vận tải để phục vụ công tác cấp lại giấy phép lái xe.
Đồng thời, lập chuyên án điều tra và xử lý các tổ chức, cá nhân làm giả giấy khám sức khoẻ cho người học lái xe, làm giả giấy phép lái xe hoặc có hành vi gian lận, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và khám sức khoẻ cho người học lái xe.
Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị của Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với lực lượng của ngành Công an và Thanh tra giao thông vận tải địa phương thực hiện công tác xét nghiệm ma tuý, chất kích thích thần kinh và nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải.
Tổ chức tổng kiểm tra công tác khám và cấp giấy khám sức khoẻ cho người lái xe và người học lái xe trên toàn quốc, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm; phối hợp với ngành Giao thông vận tải tổ chức thực hiện nghiêm công tác khám sức khoẻ định kỳ đối với lái xe kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, xét nghiệm ma tuý đối với toàn bộ lái xe được khám sức khoẻ.
Yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn quốc thực hiện kiểm tra chất ma tuý và nồng độ cồn đối với toàn bộ nạn nhân cấp cứu do TNGT, hàng tháng báo cáo số lượng và danh sách nạn nhân vào cấp cứu do TNGT và tình hình vi phạm quy định nồng độ cồn, ma tuý của nạn nhân về Sở Y tế tỉnh, thành phố để tổng hợp, báo cáo Ban ATGT cùng cấp.
Theo Danviet
TPHCM: Lừa đóng tiền thi bằng lái xe, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng
Hơn 20 người trình báo việc trường đào tạo và sát hạch lái xe ở TP.HCM lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Hàng chục học viên như ngồi trên đống lửa khi đóng tiền học và thi bằng lái ô tô tại Trường đào tạo và sát hạch lái xe ở Quốc lộ 1K, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức (TP.HCM), tuy nhiên, đến ngày thi, trung tâm này đóng cửa, dọn đi nơi khác và ôm toàn bộ tiền học phí của học viên "cao chạy xa bay".
Sáng 8/1, anh Nguyễn Chí Tính (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) cho hay, qua tìm hiểu trên mạng, cùng sự giới thiệu của bạn bè, đầu tháng 6/2018, anh đã đến Văn phòng tuyển sinh (gọi tắt Trung tâm) trên để đăng ký thi bằng lái hạng C.
"Đóng nhiều lần với số tiền 9,2 triệu đồng để đăng ký học. Tuy nhiên đến ngày thi, tôi gọi lại phòng ghi danh thì không liên lạc được rồi chạy đến tận nơi thì văn phòng đóng cửa".
Văn phòng tuyển sinh đã đóng cửa, và dọn đồ đi nơi khác. (Ảnh: Bùi Tư)
Theo anh Tính, số người bị lừa có thể lên đến 400 người.
Anh Tính cũng cho hay, để tạo lòng tin, trung tâm đã lấy logo của trường đại học trực thuộc Bộ Công an ở TP.HCM và quảng cáo là trực thuộc trường này để tạo lòng tin cho các học viên.
Cùng cảnh ngộ với anh Tính, anh Hoàng G. (ngụ TP.HCM) cho hay, anh cũng bị trung tâm trên lừa với hình thức tương tự. Anh G. thi bằng lái hạng B2 và đã đóng học phí 2 lần với số tiền 6 triệu đồng.
"Khi đóng tiền, trung tâm cho biết tháng 10/2018 sẽ được thi. Tuy nhiên, gần đến ngày thi, phía trung tâm thông báo hồ sơ đã được chuyển về Đại học An Ninh.
Tất cả các số điện thoại ghi trên giấy tờ, biên lai thu tiền tiền đều không liên hệ được. Lên mạng tìm thì cả trang web, cũng như tất cả thông tin về trung tâm đều biến mất", anh G. nói.
Anh Nguyễn Quốc Tuấn (quê Ninh Thuận) cho biết: "Tôi tìm thông tin trên mạng thì thấy trung tâm này quảng cáo là trực thuộc của trường công an nên tin tưởng và đăng ký.
Sau buổi học cuối cùng trước khi thi, tôi có gọi cho thầy dạy để hỏi thời gian thi nhưng thầy lại trả lời là trung tâm chưa đăng ký cấp giấy phép lái xe", anh Tuấn kể.
Sau khi biết bị lừa, hàng chục người đã đến trung tâm trên để tìm hiểu cũng như gặp người quản lý trung tâm nhưng tất cả đã dọn văn phòng.
"Chúng tôi đã đến Công an phường Linh Xuân trình báo và lực lượng chức năng đã lập hồ sơ chuyển lên Công an quận Thủ Đức để điều tra, xử lý", một số học viên cho biết.
Anh Tính bức xúc vì đóng 9,2 triệu đồng nhưng vẫn chưa có bằng lái. (Ảnh: Bùi Tư).
Theo ghi nhận của PV VTC News vào sáng 8/1, văn phòng tuyển sinh trên đã đóng cửa, người dân tại đây cho hay, họ đã dọn đi nhiều tháng qua.
"Nhiều người bị lừa đảo tìm đến đây để phản ánh. Sau đó, phía văn phòng đã dọn đi trong đêm", người dân sống bên cạnh cho hay.
Trả lời VTC News, ông Trần Duy Long - Chủ tịch UBND phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết, đã có 23 người đến trình báo bị trung tâm trên lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
"Qua công tác nắm địa bàn, công an phường đã phát hiện trung tâm trên có dấu liệu lừa đảo. Theo đó, trung tâm trên hoạt động từ tháng 3/2018 do ông Võ Văn Hạt Tùng thuê để hoạt động.
Làm việc với cơ quan chức năng, trung tâm không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến hoạt động của cơ sở. Đồng thời, 4 nhân viên làm việc tại đây không liên lạc được với chủ doanh nghiệp là ông Võ Văn Hạt Tùng", vị lãnh đạo UBND phường Linh Xuân thông tin.
Anh Tuấn chia sẻ sự việc với các cơ quan báo chí. (Ảnh: Bùi Tư)
"Cơ quan chức năng đã cho đóng cửa trung tâm lừa đảo trên, đồng thời phía Công an phường cũng lập hồ sơ, chuyển lên Công an quận Thủ Đức để điều tra, làm rõ", ông Long nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị Chủ tịch UBND phường Linh Xuân cũng khẳng định, trung tâm trên không trực thuộc trường ĐH của Bộ Công An nhưng lấy logo giả mạo để tạo lòng tin và nhận hồ sơ từ phía học viên có nhu cầu thi bằng lái các hạng từ B2 đến D với học phí từ 5,5-10 triệu đồng.
Tổng cộng trong quá trình hoạt động, trung tâm này đã lừa hàng chục người với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
BÙI TƯ
Theo VTC
Khoảnh khắc thoát khỏi lưỡi dao kề cổ của lái xe Công an tỉnh Thanh Hoá Khi dừng xe bên đường để uống nước mía, cán bộ lái xe cho Công an tỉnh Thanh Hóa bất ngờ bị một người đàn ông dùng dao định cứa cổ. Rất may, người này có nghiệp vụ, kịp thời thoát khỏi giây phút nguy hiểm ấy. Ngày 22/4, nguồn tin của PV từ Công an huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, đơn...