Lào tuyên bố quốc tang tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đảng và Chính phủ Lào nhất trí để tang cấp quốc gia tại Lào, chuẩn bị cho đoàn lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước Lào do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào dẫn đầu tham dự lễ viếng và lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội.
Ngày 22/7, thay mặt Chính phủ Lào, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Lào Bouakhong Nammavong đã tổ chức họp báo, thông báo Lào sẽ để tang cấp quốc gia tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong 2 ngày 25-26/7.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp to lớn và quan trọng cho việc vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước không ngừng phát triển.
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự mất đi một người bạn gần gũi và thân thiết nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào. Vì vậy, Đảng và Chính phủ Lào nhất trí để tang cấp quốc gia ở Lào, bao gồm cả Đại sứ quán Lào và các cơ quan đại diện ngoại giao Lào ở nước ngoài, trong 2 ngày 25-26/7 tới, treo cờ rủ và dừng các hoạt động vui chơi ở mọi hình thức.
Lào tuyên bố để tang cấp quốc gia để tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo thông cáo, Chính phủ Lào giao Bộ Ngoại giao Lào phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng Lào, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Lào và các bên liên quan chuẩn bị cho đoàn lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước Lào do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào dẫn đầu tham dự lễ viếng và lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội.
Ngoài ra, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Lào chuẩn bị cho các đoàn đến viếng, ghi sổ tang và đặt vòng hoa tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Viêng Chăn; phối hợp với các bên liên quan thông báo cho Đại sứ quán, các cơ quan đại diện ngoại giao của Lào ở nước ngoài tham gia lễ viếng và ghi sổ tang tại các trụ sở cơ quan đại diện do Việt Nam tổ chức.
Thông cáo đặc biệt lưu ý trong thời gian diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 57 và các hội nghị liên quan tại Lào, từ ngày 21-27/7, Bộ Ngoại giao Lào cần lưu ý cách thức tổ chức sao cho phù hợp nhất và thông báo cho tất cả các phái đoàn tham gia hội nghị biết, đặc biệt là việc tổ chức tiệc và các lễ hội.
Các bộ, ngành, cơ quan từ trung ương đến địa phương, Hội Hữu nghị Lào – Việt Nam gửi điện chia buồn tới đối tác phía Việt Nam và tổ chức đoàn tham gia lễ viếng, ghi sổ tang tại Đại sứ quán và Tổng lãnh sự Việt Nam ở các địa phương. Các tỉnh kết nghĩa của Lào, lãnh đạo tỉnh gửi điện chia buồn đến đối tác.
Trước đó, trong lời chia buồn gửi tới lãnh đạo Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Quốc hội Lào, Chủ tịch nước Lào, Chính phủ Lào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng đất nước, nhân dân các dân tộc Lào bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn khi được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.
Nội dung chia buồn nêu: “Đồng chí Nguyễn Phú Trọng mất đi, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em mất đi một nhà lãnh đạo cách mạng kiên trung.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã cống hiến hết tâm sức và trí tuệ cho các công tác quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh, trong sạch, cũng như công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đưa đất nước Việt Nam không ngừng phát triển, vị thế của Việt Nam được nâng cao rõ rệt trên trường quốc tế và khu vực. Đồng chí đã trở thành nhà lãnh đạo ưu tú của thời đại.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng mất đi, Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào chúng tôi mất đi một người đồng chí vô cùng gần gũi, thân thiết.
Video đang HOT
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo cách mạng trong thời đại mới, là người kế tục sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần to lớn, quý báu và quan trọng trong việc tăng cường, vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào trong suốt thời gian qua.
Trong giờ phút đau thương này, chúng tôi xin được gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam và gia quyến.
Chúng tôi tin tưởng rằng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em sẽ biến đau thương này thành sức mạnh đoàn kết của toàn dân để tiếp tục vững bước tiến lên, xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Xin gửi tới các đồng chí tình hữu nghị, đồng chí anh em”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lòng bạn bè quốc tế
Từ những lá thư chan chứa ân tình, đến những bài phân tích đánh giá chuyên sâu và cả những nhận định khách quan mà sâu sắc, có thể nói, những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước đã được ghi nhận và đánh giá cao bởi không chỉ nhân dân Việt Nam, mà còn bởi đông đảo bạn bè quốc tế, với hàng trăm bình luận và bài viết ngợi khen từ các nhà lãnh đạo, các chuyên gia và truyền thông thế giới.
Tháng 1/2021, nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các nước trên thế giới đã gửi thư chúc mừng. Trong điện mừng, Tổng Bí thư, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith viết: "Việc đồng chí tiếp tục được bầu giữ chức vụ quan trọng này thể hiện sự tin tưởng và đánh giá cao của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam về vai trò nổi bật cũng như những kinh nghiệm dày dặn trong lãnh đạo, chỉ đạo trên cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam của đồng chí trong suốt thời gian qua".
Trong bức điện mừng của Chủ tịch Đảng CPP, Thủ tướng Campuchia Hun Sen khi đó cũng khẳng định: "Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức vụ quan trọng này, thể hiện sự tin tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn dân Việt Nam về khả năng và sự lãnh đạo sáng suốt của Ngài trong việc tiếp tục lãnh đạo thành công việc phát triển kinh tế-xã hội và duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Việt Nam".
Ngày 26/9/2021, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã có cuộc gặp cấp cao Việt Nam-Campuchia-Lào. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong điện mừng nồng ấm thì bày tỏ: "Tôi hết sức coi trọng quan hệ giữa hai Đảng, hai nước chúng ta, sẵn sàng cùng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tăng cường trao đổi chiến lược, phát huy tình hữu nghị truyền thống, đi sâu hợp tác giao lưu trên mọi lĩnh vực, thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, cùng nhau dẫn dắt quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam tiếp tục phát triển lành mạnh và ổn định, đem lại lợi ích nhiều hơn nữa cho nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, phát triển, hợp tác cùng có lợi của khu vực và thế giới".
Lá thư chúc mừng được gửi từ Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind cũng có đoạn chia sẻ: "Dưới sự lãnh đạo của Ngài, mối quan hệ đặc biệt và được thử thách qua thời gian giữa hai nước chúng ta đã chứng kiến bước phát triển chưa từng có trong thập niên vừa qua, với việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, đã bổ sung nội dung và nội hàm mới cho quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực".
Có thể nói, tình cảm mà các nhà lãnh đạo thế giới dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bồi đắp theo thời gian với sự tin tưởng và trân quý lớn dành cho một chính trị gia mang tầm vóc thời đại. Đặc biệt, nhân dịp sinh nhật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (14/4/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã gửi điện mừng nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "quan tâm sát sao và đóng góp tích cực vào việc vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam, giữ gìn truyền thống tốt đẹp đó mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lại khẳng định "coi trọng cao độ quan hệ Trung-Việt, sẵn sàng cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng duy trì trao đổi chiến lược, định hướng xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam đi vào chiều sâu và thực chất".
Trong khi đó, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đánh giá cao những đóng góp vô giá của đồng chí Tổng Bí thư "cho sự phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt". Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga G. Zyuganov khẳng định "cả cuộc đời của Đồng chí Tổng Bí thư gắn liền với sự hình thành, phát triển, củng cố hàng ngũ, sự lớn mạnh và uy tín ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế".
Còn Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Diaz Canel nhấn mạnh: "Những cống hiến cá nhân của đồng chí Nguyễn Phú Trọng mang tính quyết định trong việc lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam".
Dấu ấn từ những chuyến thăm đặc biệt
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh ngày 31/10/2022. Ảnh: TTXVN
Trong suốt quá trình giữ cương vị lãnh đạo Đảng, ngoài những chuyến công du tới các quốc gia mà Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều lịch trình đặc biệt tới 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Với Trung Quốc, kể từ khi nhậm chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng 4 lần thăm quốc gia láng giềng vào các năm 2011, 2015, 2017 và 2022. Trong đó, chuyến thăm gần nhất từ ngày 31/10 - 1/11/2022 của Tổng Bí thư đã được báo chí nước bạn dành nhiều mỹ từ như tình hữu nghị đặc biệt, mối quan hệ được nâng lên tầm cao mới hay chuyến công tác đáng kỳ vọng.
Với Nga, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công du nước này 2 lần vào năm 2014 và 2018. Đồng chí đã gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tập trung vào việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, quốc phòng và giáo dục.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ và phát biểu với báo chí tại Moscow sau hội đàm ngày 6/9/2018. Ảnh: TTXVN
Ông Grigory Lokshin, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt từng đánh giá, chuyến công du của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mở ra trang mới trong quan hệ hai nước. Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã thay đổi "không thể nhận ra", trở thành một đối tác bình đẳng với Nga, song vẫn duy trì chính sách tốt đẹp với nước này. Hãng thông tấn Regnum khi đó đã trích lời Chủ tịch Duma quốc gia Nga Vyacheslav Volodin đánh giá chuyến thăm không chỉ góp phần thúc đẩy quan hệ giữa quốc hội hai nước, mà còn tạo ra xung lực mới cho mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt.
Với Mỹ, năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện chuyến thăm lịch sử tới xứ cờ hoa, gặp gỡ Tổng thống Barack Obama và nhiều lãnh đạo cấp cao khác. Điều đặc biệt trong chuyến thăm này là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chính khách nước ngoài duy nhất chỉ mang chức danh người đứng đầu một chính đảng chứ không mang chức danh người đứng đầu nhà nước hội đàm chính thức với tổng thống Mỹ trong phòng Bầu Dục (nơi chỉ tiếp nguyên thủ quốc gia) từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh đến nay.
Dư luận quốc tế đều bày tỏ sự ngạc nhiên về việc cuộc hội đàm và gặp gỡ báo chí của hai vị lãnh đạo cao nhất của hai nước kéo dài gần 95 phút, vốn dự kiến ban đầu khoảng 45 phút. Chuyến thăm đã tạo tiền đề cho việc nâng cấp quan hệ hai bên. Báo chí quốc tế nhận định chuyến thăm này không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, và an ninh.
Tổng thống Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu dục ngày 7/7/2015. Ảnh: VOV
Với Anh và Pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lần lượt thăm hai nước này vào năm 2013 và 2018. Về chuyến thăm Anh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp gỡ Thủ tướng David Cameron và thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương. Ở thời điểm đó, báo chí Anh nhận định, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm rất có ý nghĩa khi hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và là cơ sở, động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển trong thời gian tới.
Về chuyến thăm Pháp, tờ Les Echos đưa tin, trong khuôn khổ chuyến thăm Pháp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp và hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, với mục tiêu hàng đầu là thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam - một trong những nước năng động nhất ở châu Á, với tốc độ tăng trưởng trên 6% mỗi năm kể từ đầu thế kỷ 21. Trong khi đó, bà Lisa Sankari, phóng viên tờ l'Humanite - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp nhận định, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm quan trọng khi Pháp là nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và có thể đóng vai trò nhất định trong quá trình giúp Việt Nam mở cánh cửa vào châu Âu...
Các chuyến công du kể trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận được sự quan tâm và đánh giá tích cực từ báo chí quốc tế, đóng góp quan trọng vào việc củng cố và phát triển quan hệ ngoại giao, kinh tế và chiến lược giữa Việt Nam và các quốc gia lớn trên thế giới, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và thế giới.
Sự ngưỡng mộ tầm nhìn chiến lược
Cũng theo các nhà phân tích thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, bài bản và luôn hướng về người dân. Đồng chí Walter Sorrentino - Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Brazil, Chủ tịch quỹ Maurício Grabois khi đọc bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam" được công bố ngày 16/5/2021 đã nói: "Những tổng kết bài bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thắp sáng niềm tin, làm phong phú thêm kho tàng lý luận và thực tiễn của những người cộng sản và tiến bộ trên toàn thế giới... Chúng tôi rất phấn khởi chứng kiến những thành tựu vĩ đại của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu".
Còn tác giả Piotr Tsvetov khi đăng bài "Việt Nam tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội" trên Báo Sự thật của Đảng Cộng sản Liên bang Nga số ra ngày 17/2/2022 đã nhận định, cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự xác nhận rõ ràng về tinh thần nghiêm túc trong công việc mà ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng thực hiện, nhằm xác định mục tiêu, nhiệm vụ của những người đảng viên và toàn thể dân tộc Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất bản bằng 7 ngoại ngữ. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Triệu Tự Sinh - Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu so sánh chính đảng thế giới, trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thì nhận định: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thời gian dài làm công tác nghiên cứu lý luận của Đảng, là nhà lý luận có uy tín cao trong giới lý luận của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có quá trình làm chính trị phong phú, là người thúc đẩy và là "người cầm lái" cho sự nghiệp đổi mới và xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Một trong những thành tựu nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được báo chí quốc tế liên tục nhắc tới chính là công cuộc chống tham nhũng. Trong thư chúc mừng nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng hoan nghênh nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị tốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Giải quyết nạn tham nhũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Trên tinh thần tăng cường quan hệ giữa hai nước, tôi cũng mong Ngài lưu tâm đến tầm quan trọng của việc đạt những tiến triển trong các vấn đề quan trọng như nhân quyền, tự do tôn giáo và thương mại", Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ.
Bài viết "Việt Nam tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội" của tác giả Piotr Tsvetov trên Báo Sự thật của Đảng Cộng sản LB Nga số ra ngày 17/2/2022.
Đánh giá sâu về công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam, trang tin The Times of India trong bài viết "Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam - Những bước tiến và những thách thức" đã cho rằng, chống tham nhũng, sai phạm là vô cùng quan trọng với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận thấy rõ công cuộc chống tham nhũng cần là một tiến trình không ngừng nghỉ và là một yếu tố quan trọng để ứng phó với những thách thức trong giai đoạn tới. Việt Nam đã cung cấp một bài học quý giá mà các quốc gia khác có thể noi theo, khi tham nhũng đang là vấn nạn phổ biến trên toàn cầu".
Chung nhận định này, nhà báo Jung Rina thuộc Hãng Thông tấn ASIA bình luận: "Tôi đã xem nhiều bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tôi thấy ông đưa vào nhiều yếu tố đạo đức và đạo lý. Ông cho biết chống tham nhũng không chỉ là tiêu trừ một quốc nạn mà còn có ý nghĩa giáo dục xã hội, giáo dục con người. Điều này là rất đúng với một xã hội Á Đông vốn coi trọng đạo đức, coi đạo đức là cái gốc, nền tảng tinh thần của xã hội. Chính từ việc đề cao đạo đức, đạo lý, nhấn mạnh đến việc giáo dục con người thanh liêm mà nhằm được vào cái gốc của vấn đề, phòng ngừa được các hành vi tham nhũng, tiêu cực".
Hà Nội: Nhiều đơn vị treo cờ rủ sớm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Dù chưa đến Quốc tang thế nhưng hiện nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô đã treo cờ rủ từ sớm để tưởng nhớ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo Thông báo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc tang Tổng Bí thư...