Lào triển khai nhiều biện pháp ứng phó khi số ca mắc COVID-19 gia tăng
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, ngày 27/8, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 247 ca mắc COVID-19, trong đó 144 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 103 ca cộng đồng.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại thủ đô Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Lào nêu rõ số ca mắc mới trong cộng đồng ở Lào tiếp tục ở mức cao, trong đó ghi nhận nhiều nhất vẫn là tỉnh Savannakhet với 42 ca, tiếp đến là tỉnh Bokeo với 29 ca, số còn lại ghi nhận rải rác tại một số tỉnh khác.
Bộ Y tế Lào cho biết thêm đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để ứng phó tình trạng số ca nhiễm mới gia tăng, đặc biệt các bệnh viện dã chiến đã được thành lập có thể tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân, đồng thời sẽ mở thêm các trung tâm cách ly để chuẩn bị cho làn sóng lao động Lào mất việc tại Thái Lan tiếp tục về nước, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêm chủng cho người dân để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 14.351 ca mắc COVID-19, trong đó có 12 người tử vong.
Tại Campuchia, ngày 27/8, trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 tại một số địa phương có dấu hiệu chậm trễ, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã chỉ rõ trách nhiệm của các tỉnh trưởng phải đẩy nhanh tiến độ chiến dịch và báo cáo trực tiếp hằng ngày cho Thủ tướng về nhiệm vụ này.
Video đang HOT
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, trong thông điệp gửi toàn bộ các tỉnh trưởng trên cả nước mới đây, Thủ tướng Hun Sen khẳng định các lãnh đạo tỉnh phải chịu trách nhiệm trước chính phủ về thành công hoặc thất bại của chiến dịch tiêm chủng trên cả nước, được bắt đầu từ ngày 10/2. Ông cũng biểu dương tỉnh Ratanakkiri giáp biên giới với Việt Nam đã tiêm chủng được cho 130.000 người dù mục tiêu đề ra là 120.000 người.
Mặt khác, Thủ tướng Hun Sen nhắc nhở một số tỉnh như Kampong Chhnang, Tbong Khmum và Pursat chưa hoàn thành tiêm mũi vaccine thứ nhất cho phần lớn dân số trong tỉnh. Trong đó, tại 2 tỉnh Tbong Khmum và Kampong Chhnang vẫn có gần 500.000 người chưa được tiêm chủng, trong khi tại Pursat con số này là 800.000 người. Thủ tướng Hun Sen cũng lưu ý thực tế một số địa phương cất giữ vaccine trong kho tới lúc gần hết hạn, nhưng người dân chưa được tiêm chủng. Ông Hun Sen yêu cầu các tỉnh trưởng tạm gác lại những công việc chưa cấp thiết và dồn thời gian ưu tiên cho chiến dịch tiêm chủng vì đây là vấn đề sinh tử của cả quốc gia. Ông cũng khẳng định tất cả người dân Campuchia và người nước ngoài sinh sống tại nước này đều được tiêm chủng miễn phí tại bất cứ địa phương nào của Campuchia. Tính đến ngày 25/8, Campuchia đã tiêm chủng được khoảng 62,95% trên tổng dân số khoảng 16 triệu người.
Báo Khmer Times ngày 27/8 dẫn lời người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia, bà Or Vandine, nói rằng Campuchia hy vọng cuộc sống bình thường mới sẽ trở lại trong tương lai gần và các trường học sẽ lại mở cửa đón học sinh nếu người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Bà Or Vandine nhấn mạnh cuộc chiến chống COVID-19 đòi hỏi nỗ lực phối hợp của cả chính phủ và người dân.
Trong khi đó, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ngày 26/8 bác tin đồn về khả năng tái áp đặt lệnh giới nghiêm ở Phnom Penh. Ông cho biết với thành công của chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, việc tái áp đặt lệnh giới nghiêm ở thủ đô là không cần thiết. Tuy nhiên, ông Khuong Sreng nhấn mạnh người dân không nên coi vaccine là “mũi tên bạc” mà cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Những phát biểu lạc quan trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia liên tục ở dưới mức 500 ca/ngày từ nhiều ngày nay và giảm dần xuống mức 400 ca/ngày.
Bộ Y tế Campuchia ngày 27/8 thông báo nước này có thêm 17 người tử vong và 411 ca mắc mới trong 24 giờ qua, bao gồm 85 ca nhập cảnh và 326 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 91.369 ca mắc, trong đó 87.299 người đã khỏi bệnh và 1.858 người tử vong.
Bộ trên cũng thông cáo có thêm 209 ca nhiễm biến thể Delta, nâng tổng số ca nhiễm biến thể Delta tại Campuchia lên 1.534 ca. Trong số hơn 200 ca nhiễm biến thể Delta mới phát hiện, nhiều nhất là ở Phnom Penh (75 ca), tiếp đến là Banteay Meanchey (56 ca), Stung Treng và Siem Reap mỗi tỉnh có 15 ca, còn lại ở một số tỉnh khác.
Lào lần thứ 7 liên tiếp gia hạn lệnh phong tỏa
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trong nước và khu vực vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ngày 3/8, Chính phủ Lào đã tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa kéo dài từ ngày 4-18/8.
Đây là lần thứ 7, Lào gia hạn lệnh phong tỏa vốn được áp dụng từ ngày 22/4 đến nay.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại thủ đô Viêng Chăn, Lào ngày 17/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Quyết định gia hạn lệnh phong tỏa nêu rõ do lo ngại nguy cơ lây nhiễm từ người lao động nhập cảnh và một số ca lây nhiễm trong cộng đồng, Chính phủ Lào đã yêu cầu tăng cường truy vết người mắc COVID-19 để đưa đi điều trị kịp thời và thúc đẩy chương trình tiêm chủng nhằm đạt mục tiêu đề ra. Ban lãnh đạo các tỉnh có nhiều ca mắc COVID-19 cần bàn bạc và xây dựng cơ chế hỗ trợ lẫn nhau giải quyết tình trạng đông người cách ly và số bệnh nhân gia tăng trong thời gian tới.
Quyết định mới cũng yêu cầu các tỉnh mở rộng cơ sở cách ly và bệnh viện để đảm bảo tiếp nhận lượng lao động trở về từ nước ngoài. Chính quyền các địa phương cần tổ chức cách ly tập trung thêm 14 ngày đối với lao động về nước vừa hoàn thành thời gian cách ly ở các trung tâm tại các tỉnh biên giới; Tăng cường hoạt động tuần tra, giám sát và ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp, coi đó là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn phòng chống dịch tiếp theo của Lào.
Trong 15 ngày tới, các quy định được duy trì bao gồm đóng cửa các tụ điểm giải trí, karaoke, cafe Internet, spa; không cho phép hoạt động thể thao tiếp xúc cơ thể; cấm người dân ra vào vùng đỏ; cấm tổ chức tiệc tùng, tụ tập đông người. Các hoạt động được nới lỏng bao gồm: cho phép mở trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ, chợ thực phẩm, chợ đêm, quán tóc, quán làm đẹp ngoài vùng đỏ. Quán ăn, cà phê, khu du lịch, ẩm thực ngoài vùng lây nhiễm có thể được mở cửa nhưng không cho phép phục vụ đồ uống có cồn. Hoạt động hội họp chính thức được phép diễn ra với điều kiện đảm bảo tuân thủ biện pháp chống lây nhiễm.
Lào cũng cho phép nối lại hoạt động vận tải đường bộ và hàng không ở địa phương không có dịch hoặc giữa các địa phương có dịch nếu tài xế và hành khách đã tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19. Ở khu vực không có dịch bệnh lây lan, trường học các cấp và trung tâm thể thao được phép mở cửa trở lại với điều kiện đảm bảo biện pháp phòng chống lây nhiễm.
Liên quan đến tình hình dịch COVID-19, ngày 3/8, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 250 ca mắc mới, trong đó có 13 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đánh dấu sự gia tăng trở lại của các ca lây nhiễm trong nước.
Với 250 ca mắc mới, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào tới nay đã lên tới 7.015 ca, trong đó có 7 ca tử vong.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia thông báo nước này ghi nhận 577 ca mắc mới (trong đó có 224 ca nhập cảnh) và 29 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 79.051 ca và 1.471 ca tử vong. Đến nay, 72.145 bệnh nhân đã phục hồi.
Quốc gia Đông Nam Á này đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vào ngày 10/2 với mục tiêu tiêm chủng cho 12 triệu người (gồm 10 triệu người trưởng thành và 2 triệu thanh thiếu niên), chiếm 75% trong tổng số 16 triệu dân của nước này cho đến tháng 11/2021. Tính đến ngày 2/8, khoảng 7,5 triệu người, chiếm 46,8% dân số nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.
Lào cấm tiêm kết hợp các vaccine ngừa COVID-19 khác nhau Bộ Y tế Lào khuyến cáo các loại vaccine ngừa COVID-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt khẩn cấp và đang được sử dụng tại nước này phải được tiêm cùng loại cả hai mũi. Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại thủ đô Viêng Chăn, Lào ngày 17/6/2021. Ảnh minh họa: THX/TTXVN Theo...