Lào sẽ xác minh số gỗ pơ mu “cho” hải quan Cửa khẩu Nam Giang
Cơ quan chức năng của Lào sẽ khởi tố vụ án phá rừng pơ mu và điều tra thông tin liên quan việc “sếp” hải quan Việt Nam nói gỗ pơ mu do phía Lào cho.
Ngày 26-7, tại Trạm Kiểm soát Liên hợp Cửa khẩu Nam Giang, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi họp với tỉnh Sê Kông (Lào) liên quan đến vụ phá rừng pơ mu trăm tuổi tại biên giới Việt Lào, nơi giáp ranh huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) và huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông).
Sau cuộc họp, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết buổi họp chủ yếu bàn về 2 nội dung. Thứ nhất, tỉnh Quảng Nam bàn với phía Lào làm sao để công tác phá án vụ phá rừng pơ mu một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Thứ 2 là chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực biên giới.
Ông Lê Trí Thanh kiểm tra hiện trường vụ phá rừng pơ mu
“Hai bên đã đạt được đồng thuận lớn. Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã đề nghị phía Lào sớm lên hiện trường để sử dụng các máy móc, thiết bị, bản đồ để xác định chính xác tọa độ, khoanh vùng khu vực phá rừng của 2 bên. Xác định lượng cây pơ mu bị phá giữa 2 bên để phục vụ công tác điều tra”, ông Thanh cho hay.
Theo ông Thanh, phía Quảng Nam đã khởi tố vụ án, công an tỉnh đã thành lập ban chuyên án. Vì thế, tỉnh Quảng Nam đã đề nghị phía Lào xem xét khởi tố vụ án, phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam trong việc truy lùng tội phạm vì số lượng gỗ pơ mu ở Lào bị phá không kém ở Việt Nam. Những nội dung đề nghị đã được phía Lào đồng ý.
“Về phía Lào, họ cũng chỉ đạo rất quyết liệt. Chính phủ Lào cũng đã chỉ đạo đóng cửa rừng từ tháng 5-2016 nên họ đã triển khai các nội dung chỉ đạo. Họ đã cử lực lượng quân sự lên khu vực biên giới để nắm tình hình về vụ phá rừng sau khi tỉnh Quảng Nam có trao đổi bằng văn bản và qua điện thoại”- ông Thanh cho biết thêm.
Về việc ông Lê Trung Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang nói số gỗ pơ mu phát hiện trong khuôn viên trụ sở là do phía Lào cho, ông Thanh cho biết trong quá trình điều tra, phía Lào cũng sẽ xác minh điều này.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 9-7, từ tin báo của người dân, công an phát hiện 280 phách gỗ pơ mu được tập kết trong rừng, cách Trạm kiểm soát Biên Phòng cửa khẩu Nam Giang khoảng 500 m. Công an sau đó phát hiện hơn 60 cây pơ mu trăm tuổi tại tiểu khu 351 bị chặt hạ. Điều đáng nói, đây là khu vực được biên phòng kiểm soát nghiêm ngặt..
Video đang HOT
Ông Lê Trung Thịnh (ảnh trên) và đồn trưởng – thượng tá Nguyễn Tấn Lạc là 2 trong số 4 người bị đình chỉ công tác
Mở rộng điều tra, công an phát hiện nhiều điểm tập kết hàng trăm phách gỗ pơ mu nằm sát bên Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang và trong khuôn viên Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang.
Ông Lê Trung Thịnh lý giải số gỗ trên có từ nhiều nguồn trong đó một phần do các doanh nghiệp cho, một phần do công an Lào, hải quan Lào cho. Ông Thịnh hiện nay đang bị tạm đình chỉ công tác.
Ngoài ra ông Thịnh, 3 sĩ quan liên quan đến vụ việc này gồm thượng tá Nguyễn Tấn Lạc, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu Nam Giang, trung tá Đỗ Hoàng Minh, Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa khẩu Nam Giang và trung tá Lê Xuân Chính, Đồn phó kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Cửa khẩu Nam Giang.
Theo Thanh Niên
Lộ diện chủ mưu 'tập đoàn' phá rừng pơ mu xuyên quốc gia
Cơ quan chức năng đã triệu tập lấy lời khai, củng cố hồ sơ và dựng lại chân chung kẻ cầm đầu đường dây phá rừng ở khu vực cửa khẩu Nam Giang, Quảng Nam.
Lần theo dấu vết
Một quy trình khép kín hoàn hảo từ việc chọn vị trí, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ gỗ pơ mu tại khu vực cửa khẩu Nam Giang, nơi được xác định là "bất khả xâm phạm", đã dần lộ diện.
Hiện trường vụ tàn phá rừng tại khu vực cửa khẩu biên giới Nam Giang
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu trong báo cáo gửi Thủ tướng đã khẳng định: Nếu không có sự tiếp tay, giúp sức của một số cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ khu vực biên giới cửa khẩu Nam Giang thì dù lâm tặc có ba đầu sáu tay cũng không thể lọt vào khu vực này để khai thác lượng gỗ quý hiếm lớn đến vậy.
Việc có hay không sự dung túng, tiếp tay này đang được 5 cơ quan (Cơ quan điều tra của Bộ tư lệnh Biên phòng; Cơ quan điều tra của Cục Kiểm lâm VN; Cơ quan điều tra công an Quảng Nam; Cơ quan điều tra của Cục Hải quan và UB Kiểm tra Tỉnh ủy) cùng nhiều cơ quan chức năng khác của địa phương 2 tỉnh Sê Kong (Lào) và Quảng Nam, phối hợp điều tra để bóc tách và làm rõ.
Các cơ quan chức năng khẳng định toàn bộ số pơ mu bị chặt hạ nằm trên đường vành đai biên giới. Một số cây nằm ở vùng chồng lấn của 2 nước, muốn xác định cần phải định vị tọa độ và xác định trên bản đồ.
Lực lượng kiểm lâm điều tra tại hiện trường
Một cán bộ điều tra cao cấp tham gia chuyên án cho biết: "Các đối tượng trong đường dây phá rừng này là người Việt Nam, qua Lào thuê đất làm kinh tế. Dưới vỏ bọc này, họ hình thành nên đường dây phá rừng. Toàn bộ số gỗ khai thác được ở vùng chồng lấn và đường vành đai biên giới sẽ thuê người địa phương vận chuyển đến nơi tập kết, sau đó đưa qua Lào. Số gỗ này sau đó được hợp thức giấy tờ, đưa qua cửa khẩu Nam Giang về Việt Nam tiêu thụ".
Quy trình hô biến gỗ pơ mu VN thành gỗ Lào
Các điều tra viên đã lần theo dấu vết con đường đi của số gỗ khai thác trái phép này. Theo phân tích, đối tượng cầm đầu có mối quan hệ mật thiết với một số cán bộ quản lý khu vực cả hai bên biên giới.
Đối tượng này thuê lâm tặc chuyên nghiệp từ các tỉnh phía Bắc vào khai thác, cưa xẻ gỗ thành phẩm, mỗi phách gỗ có khối lượng bình quân khoảng 50kg.
Số gỗ trên được đối tượng cầm đầu thuê bà con dân tộc tại khu vực 2 bên biên giới cõng về bãi tập kết. Sau đó được đưa lên xe tải chở qua Lào cất giấu trong những nhà kho.
Khi số lượng gỗ đầy đủ theo đơn hàng, đối tượng cầm đầu hợp thức giấy tờ gỗ khai thác từ Lào và vận chuyển qua cửa khẩu về Việt Nam tiêu thụ.
Theo lời khai của một số đối tượng với cơ quan điều tra, bình quân mỗi m3 gỗ sau khi khai thác và hợp thức hóa giấy tờ có giá khoảng 17-20 triệu đồng. Khi chuyển về Việt Nam tiêu thụ tại các thành phố lớn, giá tăng lên gấp đôi (35-40 triệu).
Tại khu vực cách cửa khẩu Nam Giang bên kia biên giới khoảng 10km thuộc địa phận Đắk Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào), lực lượng trinh sát ngoại biên đã xác định một xưởng gỗ với hệ thống nhà kho chứa khối lượng gỗ pơ mu lớn. Số gỗ này được Công an Lào xác định từ cửa khẩu Nam Giang, Việt Nam chuyển sang.
Một nhà kho nghi chứa gỗ khai thác nằm bên kia biên giới
Lực lượng kiểm lâm xác định bình quân 60 cây pơ mu bị đốn hạ, mỗi cây có khối lượng 10m3 gỗ sau khi cưa xẻ. Nếu tính theo giá thị trường, khi vận chuyển trót lọt đến nơi tiêu thụ, mỗi cây có giá 300-400 triệu đồng.
Như vậy, với 60 cây pơ mu bị triệt hạ tại khu vực, theo định giá tạm thời, số tiền lên tới 18-24 tỷ đồng.
Đó là chỉ mới tính đến giá trị vật chất của tài nguyên rừng.
Cái mất lớn hơn, theo Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu, đó là mất lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng tình hình an ninh quốc phòng, nên cần phải được xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật.
Để điều tra làm rõ đường dây phá rừng xuyên quốc gia này, sáng nay, lãnh đạo và cơ quan chức năng 2 tỉnh Quảng Nam (VN) và Sê Kông (Lào) đã có cuộc làm việc khẩn.
Ngày 9/7, thông tin về 280 phách gỗ pơ mu có khối lượng khoảng 28m3 tập kết tại một con suối cách Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang (thuộc Đồn Biên phòng La Dêê), khoảng 500m đã được một người dân phát hiện và mật báo với lực lượng công an và kiểm lâm Nam Giang.
Cơ quan chức năng vào cuộc đã phát hiện ra nhiều bãi tập kết gỗ, ngay trong trụ sở cơ quan quản lý cửa khẩu, dưới khe suối, trên rừng. Tổng khối lượng gỗ được thu giữ lên đến 43m3. Lượng gỗ bị tẩu tán hiện vẫn chưa xác định được khối lượng
Theo Vietnamnet
Vụ phá rừng pơ mu ở biên giới Việt Lào: Giao thêm 'quyền' cho biên phòng Lực lượng biên phòng được giao thêm "quyền" để giữ rừng khu vực biên giới. Đó là nội dung được 2 tỉnh Quảng Nam và Sê Kông (Lào) bàn tại phiên họp khẩn về vụ phá rừng pơ mu. Một nhà kho nghi chứa gỗ pơ mu trái phép (nhưng đã kịp tẩu tán) bên đất Lào Ngày 26.7, ông Lê Trí Thanh,...