Lão nông và bí kíp luyện vàng từ… đất đá
Trong một lần đi công tác, tôi được người bạn kể về một nghề đặc biệt, đó là luyện vàng từ đất. Nghe để biết vậy, tôi vẫn nghĩ đó là câu chuyện trong lúc trà dư tửu hậu với nhau. Mãi đến lần tình cờ gặp ông Cao Thanh Tùng, 55 tuổi, người đã hơn 20 năm chìm nổi với nghề luyện vàng ở thị trấn Vạn Giã, tôi mới dám tin nghề đặc biệt này có tồn tại ở dải đất miền Trung.
Người lái buôn heo trở thành “cao thủ” luyện sái vàng
Trong một lần đi công tác, tôi được người bạn kể về một nghề đặc biệt, đó là luyện vàng từ đất. Nghe để biết vậy, tôi vẫn nghĩ đó là câu chuyện trong lúc trà dư tửu hậu với nhau. Mãi đến lần tình cờ gặp ông Cao Thanh Tùng, 55 tuổi, người đã hơn 20 năm chìm nổi với nghề luyện vàng ở thị trấn Vạn Giã, tôi mới dám tin nghề đặc biệt này có tồn tại ở dải đất miền Trung.
Người dân Vạn Giã đồn nhau rằng: “Mỗi lần ông Cao Thanh Tùng, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh – tỉnh Khánh Hòa chở đá, đất về, thế nào cũng luyện ra vàng!” Cơ duyên đến với nghề của ông hết sức đặc biệt.
Video đang HOT
Cách đây hơn 30 năm, ông Tùng lập gia đình, vợ chồng nghèo phải quần quật làm lụng mà vẫn chẳng đủ ăn. Ngày ấy, cuộc sống người dân trên vùng đất Ninh Thọ, Ninh Hòa còn rất khó khăn. Để vợ con bớt nheo nhóc, ông theo những người trong làng đi khắp nơi, từ Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên… để đãi vàng. Thế nhưng, những năm còng lưng trên các bãi vàng, tiền công ít ỏi còn chẳng đủ nuôi thân, chưa nói đến gửi về phụ vợ. Trăn trở nhiều đêm, ông đành bỏ nghề phu vàng đi chùi sàn nhà, cống thải ở các tiệm kim hoàn để tận dụng mang vật dụng luyện vàng về luyện lại. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi chi phí cao và độ rủi ro cũng rất lớn.
Thất bại với giấc mơ làm giàu từ vàng, ông thất thểu về nhà. Sau một thời gian, hai vợ chồng bàn bạc, vay mượn khắp nơi được hơn 20 ngàn đồng (giá trị lúc ấy tương đương với một chỉ vàng) để đi buôn heo, kết hợp nuôi thêm gà vịt trong nhà. Cuộc sống gia đình lúc ấy cũng chỉ gọi là tạm ổn. Nhưng rồi, số trời run rủi đã mang đến cho ông một cơ may với nghề luyện vàng từ sái đất mỏ. Ông cười kể lại, một lần tình cờ trên chuyến xe khách ra Phú Yên bắt heo, người khách ngồi cạnh ông bỗng dưng mặt mày tím tái, ngồi không vững nên đổ gục xuống sàn. Hành khách trên xe tá hỏa tưởng có người chết nên vội vàng nhảy hết xuống. Lúc ấy, trên xe chỉ còn lại ông và người khách gặp nạn. Nhìn sắc diện, ông Tùng biết người đó bị trúng gió độc bèn lấy lọ dầu gió xoa khắp cơ thể. Chừng 5 phút sau, người khách tỉnh lại. Cảm động trước ơn cứu mạng của ông Tùng, người đàn ông này đưa ông Tùng về nhà, rồi chỉ bày cặn kẽ cách luyện vàng từ đất, cát thải ở mỏ vàng bằng phương pháp luyện thủy – hỏa kết hợp. Phương cách ấy không quá vất vả, lại đưa ra được vàng có ít tạp chất hơn.
Ông Tùng cho biết: “Lúc ấy, tôi mừng hơn bắt được vàng vì người ta đâu dễ gì lộ bí quyết nhà nghề cho mình được. Tôi được ông ấy đưa về nhà chỉ cho từng chút một. Sau đó, ông ấy còn nhiều lần hỏi thăm tôi xem công việc ấy như thế nào. Phải nói, tôi có được cái nghề này là nhờ ông ấy!” Nghe ông kể về cơ duyên đến với nghề luyện sái vàng, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bởi sự hy hữu và lạ lùng của cuộc đời đều vận vào ông cả.
Bí quyết biến đất đá thành vàng
Tính ra, ông Tùng đã theo nghề luyện sái vàng được hơn 20 năm. Ông bảo trước đây, người ta thường bỏ sái vàng đi cho đỡ chật mỏ. Nhưng bây giờ, nguồn vàng dần cạn kiệt nên các chủ mỏ tận dụng để bán lại. Thậm chí, có doanh nghiệp còn đấu thầu để mang về luyện lại. Phía sau nhà ông, gần như là một xưởng chế tác, xưởng luyện kim có hàng chục khối đất, đá được thu gom từ các mỏ vàng ở Quảng Nam. Bình Định, Phú Yên, Kon Tum đưa về nằm chờ đến ngày luyện. Ông Tùng bật mí rằng, những khối đất đá ấy sẽ được cho vào máy xay nhuyễn, đưa qua các bể lắng ngâm nước.
Ông Tùng chia sẻ các công đoạn luyện sái vàng. Ảnh: Tiêu Dao
Hỏi bí quyết luyện vàng của mình, ông Tùng ngập ngừng một chút rồi chỉ vào các bể ngâm: “Từ đất đá như thế này, luyện thành vàng không dễ dàng gì. Mỗi mẻ sái phải xử lý khoảng 12 – 15 ngày với nhiều công đoạn. Nghề này không khó, nhưng phải có kiến thức Hóa, Lý cơ bản và một số máy móc, dụng cụ chuyên biệt mới làm được. Sau khi mua về, đất đá được xay, trộn đều với các hóa chất như vôi, sô-đa, xút… rồi cho vào các hồ ngâm được xây bằng bể xi măng. Sau đó, người luyện phải canh để tháo hết nước, cho kết tủa bằng kẽm. Làm nhiều lần như vậy sẽ thu được một hỗn hợp với tỷ lệ vàng khoảng 50 – 80%. Sau đó, tiến hành phân kim bằng a-xít, hỏa luyện để tách ra vàng. Sau nửa tháng, kết quả thường được 1 – 2 chỉ vàng “96″ như thế. Còn nếu muốn có được vàng “bốn con chín” thì phải mất thêm một công đoạn rắc rối nữa. Cái này là bí mật”.
Nói về nghề đặc biệt chồng mình học được, bà Dương Hoàng Thu (vợ ông) bảo, nắm được bí quyết sơ bộ mới chỉ là bước đầu tiên trên con đường lấy vàng từ những hòn đất, đá tưởng chừng vứt đi. Thực tế là những ngày mới vào nghề, ông Tùng từng thua liên tiếp mấy mẻ luyện vàng khi lấy đất từ mỏ Hòn Chùa – Vạn Ninh.
Bà Thu cho biết: “Lần đầu tiên thành công, chồng tôi thu được 7 phân vàng, số lượng không nhiều nhưng mang tính cổ vũ tinh thần rất lớn. Tôi còn nhớ hôm ấy, ông mừng rỡ như thể vừa… trúng số. Cầm 7 phân vàng trên tay, ông ấy chạy khắp nhà khoe vợ con rồi điện thoại báo cho “sư phụ”. Buổi tối hôm đó, ông còn kêu tôi biện một mâm lễ lạy tạ trời đất và liên hoan gia đình”…
Hành trình luyện vàng từ thứ đất quặng tưởng như bỏ đi ấy không hề đơn giản. Để có được những phân vàng nguyên chất, ông Tùng đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt và thậm chí đánh đổi bằng cả những hiểm huy treo lơ lửng trên đầu. “Sinh nghề tử nghiệp”, ông đúc kết như thế và chấp nhận nó, bởi với nghề đặc biệt này, thành công hay thất bại chỉ trong gang tấc…
Hơn 20 năm trong nghề luyện sái vàng, ông Tùng đã trải qua biết bao thăng trầm nghiệt ngã. Người đàn ông này chia sẻ: “Nếu chỉ nhìn qua, ai cũng sẽ cảm nhận chỉ cần nắm vững kiến thức Lý, Hóa và những công đoạn tinh chế là có thể luyện được vàng. Trên thực tế, mọi chuyện không hề đơn giản như vậy”. Để luyện sái vàng, người luyện phải biết chọn sái thô. Những người có kinh nghiệm trong nghề chỉ cần nhìn qua sái vàng biết tỷ lệ vàng trong đó bao nhiêu. Tuy nhiên, nếu gặp đúng ngày không may mắn, ngay cả những thợ luyện sái vàng thâm niên nhất cũng có thể hứng chịu thất bại. Bản thân ông Tùng, những ngày đầu bôn ba nơi bãi vàng cũng đã từng bị lỗ nặng. Ông kể: “Đó là lần xin được mấy mẻ sái từ mỏ vàng Hòn Chùa – Vạn Ninh”…
Bà Thu, vợ ông Tùng kể: “Chẳng biết người chọn nghề hay nghề chọn người, nhưng mỗi lần bắt tay luyện vàng, chồng tôi lại mất ăn, mất ngủ. Ông ấy đam mê lắm. Dựa trên bí quyết được truyền thụ, ông ấy mua sách về tìm hiểu thêm, đêm đêm còn cặm cụi tính toán công thức, pha trộn tỷ lệ sao cho phù hợp”. Chính nhờ sự tỷ mẩn này, ông Tùng đã vận dụng thành thạo bí quyết luyện vàng từ đất mỏ”.