Lão nông từ vay gạo ăn khắp làng đến nông dân giỏi
Từng phải chạy khắp làng để vay gạo ăn do đói nghèo, nhưng với khát vọng làm giàu, ông Nguyễn Thế Hùng (SN 1960, ở thôn Pác Sung, xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) đã “bứt phá” thành hộ nông dân giỏi nhờ mô hình trồng bưởi Diễn kết hợp nuôi cá.
Vay gạo nuôi vợ con
Năm 1964, ông Nguyễn Thế Hùng cùng bố mẹ rời nơi “chôn nhau cắt rốn” ở xã Minh Khai (huyện Từ Liêm, TP.Hà Nội) lên khai hoang vùng kinh tế mới ở xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước.
Ông Hùng chăm sóc vườn bưởi Diễn của gia đình. Ảnh: P.V
Theo lời kể của ông Hùng, năm 1981, ông đi bộ đội và đóng quân ở Sư đoàn 345 (xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai). Sau khi ra quân, ông Hùng trở về Khánh Yên Hạ, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên nương rẫy để nuôi gia đình nhỏ. Những giọt mồ hôi rơi xuống để ươm mầm xanh cho cây lúa.
Mặc dù làm việc cật lực, vất vả sớm hôm, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn cứ bám lấy gia đình ông. Để có gạo nuôi vợ con qua ngày, ông Hùng chạy vạy vay gạo khắp thôn, khi đến mùa thu hoạch, ông mới trả nợ được cho bà con.
Mang trong mình phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, không chịu khuất phục trước đói nghèo, ông Hùng làm đủ mọi cách để kiếm kế sinh nhai. Ông từng trồng xoài, trồng mơ nhưng do đầu ra không ổn định nên trồng xong, ông lại chặt phá. Sau xoài, mơ, ông Hùng chuyển sang trồng nhãn Hưng Yên, từ đây, cuộc sống của gia đình ông bắt đầu vơi dần khó khăn nhờ thương lái đến tận nơi thu mua nhãn về làm long nhãn.
Cơ duyên bất ngờ với cây bưởi Diễn
Năm 1998, trong một lần về Minh Khai dự đám cưới cháu, ông Hùng được thưởng thức giống bưởi Diễn. Quá ấn tượng với giống bưởi này, ông Hùng liền học hỏi kỹ thuật trồng và xin 4 cây con về trồng thử. Thời gian thấm thoát trôi qua, những cây bưởi Diễn ngày nào đã đơm hoa, bói quả. Nếm thử quả bưởi Diễn trồng trên đất Pắc Sung, ông Hùng thấy vị ngon ngọt không kém gì bưởi Diễn trồng ở đất Minh Khai, Từ Liêm.
“Thôn Pắc Sung có đất phù sa pha cát giàu dinh dưỡng, rất thích hợp trồng bưởi Diễn. Thấy vậy, tôi chặt bỏ hết vườn nhãn Hưng Yên làm củi và chiết dần từ 4 cây ra trồng nhân rộng. Đến nay, toàn bộ vườn bưởi Diễn nhà tôi có 130 cây, trong đó 100 cây đã cho thu hoạch. Hiện, mỗi cây bưởi cho trung bình 200 quả. Đặc biệt, một số cây to cho 400 – 600 quả/cây” – ông Hùng phấn khởi.
Nói về kỹ thuật bón phân, ông Hùng chia sẻ: Không được bón trực tiếp vào gốc cây mà phải bón theo tán cây.
Video đang HOT
Chia sẻ về kỹ thuật trồng bưởi Diễn, ông Hùng cho biết, để cây bưởi Diễn phát triển tốt, cần đào hố vuông 40×40cm, sâu 45cm; sau đó rải phân chuồng đã ủ hoai mục xuống, rắc lớp đất mỏng lên trên rồi đặt bầu xuống và tưới nước đầy đủ cho cây. Khi cây ra quả mà có 4 – 5 quả trên một chùm thì phải bứt những quả nhỏ, chỉ giữ lại quả đều và to. Việc này giúp cây ra quả đều và không bị gãy cành.
Theo ông Hùng, trồng bưởi Diễn phải bón đầy đủ phân lân, kali định kỳ, lưu ý chỉ được bón theo tán không được bón thẳng trực tiếp vào gốc. Điều quan trọng, với bưởi Diễn phải có nước tưới đầy đủ thì quả mới chất lượng. Nếu thiếu nước, quả sẽ bị khô múi.
“Với giá bán dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/quả, sau khi trừ chi phí phân bón, năm nào, tôi cũng lãi trên trăm triệu đồng từ bưởi Diễn. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục chiết cành để nhân rộng diện tích” – ông Hùng nói.
Bên cạnh trồng bưởi Diễn, ông Hùng còn đào ao với diện tích rộng 1.400m2 thả cá trắm và rô phi đơn tính. Mỗi năm, ông Hùng cũng thu được từ 40 – 50 triệu đồng từ việc bán cá.
Trao đổi với PV báo Nông thôn Ngày nay, ông Ma Ngọc Hưng – Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Hạ cho hay: “Ông Hùng là hội viên nông dân điển hình trong phát triển kinh tế trên địa bàn. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, bưởi Diễn nhà ông Hùng trồng cho chất lượng quả rất ngon. Xã đang có định hướng trong thời gian tới, sẽ tuyên truyền, vận động bà con học hỏi mô hình trồng bưởi Diễn của ông Hùng để nhân rộng diện tích, hướng tới sản xuất hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho người dân”.
Theo Danviet
Lào Cai: Sau 10 năm, cuộc sống bừng sáng hơn ở Khánh Yên Hạ
Sau 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ trong bộ mặt kinh tế - xã hội ở xã Khánh Yên Hạ (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai).
Làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành
Ngay khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trên cơ sở bám sát định hướng của tỉnh và huyện, Đảng bộ, chính quyền xã Khánh Yên Hạ đã tập trung xây dựng đề án xây dựng NTM cho từng giai đoạn; ban hành các quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban phát triển các thôn bản, xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên giúp đỡ các thôn bản.
Hiện, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn xã Khánh Yên Hạ đã có nhà lớp học kiên cố, đáp ứng nhu cầu học tập và vui chơi của học sinh; nhà ở công vụ cho giáo viên, nhà ở bán trú, nhà vệ sinh, nhà tắm được xây dựng khang trang góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đến nay, 5/5 đơn vị trường trên địa bàn xã đạt trường chuẩn quốc gia.
Để cụ thể hóa các mục tiêu đã đề ra, xã luôn chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ Ban Chỉ đạo xã, Ban phát triển thôn bản thông qua các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ NTM của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, huyện tổ chức. Hằng năm, tổ chức rà soát, kiện toàn để đảm bảo cán bộ chất lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xây dựng NTM nói riêng.
Bên cạnh đó, xã tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân. Ban tuyên vận xã đã tổ chức được hàng trăm buổi tuyên truyền với trên 6.480 lượt người tham gia; các chính sách của Đảng, Nhà nước đến được từng thôn bản, từng hộ dân. Qua đó, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân tham gia làm NTM.
Trong giai đoạn 2016- 2020, tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM trên địa bàn xã Khánh Yên Hạ là 15,540 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp là 7,407 tỷ đồng, còn lại là ngân sách nhà nước.
Mặt trận Tổ quốc xã Khánh Yên Hạ thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc đối thoại trực tiếp với người dân để kịp thời giải quyết, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của bà con trong thực hiện xây dựng NTM tới các cấp ủy Đảng, chính quyền. Tổ chức thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Hội Liên hiệp phụ nữ xã tiếp tục vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", mô hình "Nhà sạch vườn đẹp; Đoàn thanh niên xã phát động phong trào "Tuổi trẻ Lào Cai tham gia xây dựng NTM".
Cán bộ, hội viên, phụ nữ xã Khánh Yên Hạ thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp" góp phần tô điểm thêm bức tranh nông thôn ở Khánh Yên Hạ ngày một khởi sắc.
"Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đã tạo chuyển biến tích cực trong tư duy, nhận thức của người dân về xây dựng NTM. Tư tưởng được đả thông, bà con biết được làm NTM là đem lại lợi ích cho chính họ nên thôn bản nào cũng hăng hái tham gia hiến đất, đóng góp ngày công. Qua đó, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn xã đã tạo được sức lan tỏa rộng khắp" - ông La Tiến Thuật, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Yên Hạ, chia sẻ.
"Bộ mặt" kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc
Sau 9 năm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của tỉnh, huyện và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ xã đến các thôn bản, sự chung sức, đồng lòng của người dân trong toàn xã đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế - xã hội ở Khánh Yên Hạ.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Ma Ngọc Hưng - Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Hạ, cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho bộ mặt nông thôn Khánh Yên Hạ.
Mô hình trồng bưởi Diễn cho thu nhập hàng trăm triệu/năm của ông Nguyễn Thế Hùng, thôn Pắc Sung, xã Khánh Yên Hạ.
"Xây dựng NTM đã làm bộ mặt nông thôn xã "thay da đổi thịt", kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc: Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 6,5 triệu đồng/người năm 2011 lên 31,2 triệu đồng/người năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 42% năm 2011 xuống còn 6,7% năm 2019. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư khang trang, như: Đường giao thông được cứng hóa bê tông, cấp phối trên 40/40km; thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho 100% diện tích canh tác; trường học, trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia. Người dân được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ xã hội; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Các công trình chợ, nhà văn hóa, sân vận động, trụ sở cơ quan được đầu tư khang trang, hoạt động có hiệu quả; đường làng, ngõ, xóm thoáng mát, xanh, sạch, đẹp; nhà cửa khang trang sạch sẽ. Quốc phòng an ninh được giữ vững, ổn định; người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; bà con tích cực tăng gia lao động sản xuất, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, tỷ lệ hô giàu, khá giả tăng nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao" - ông Hưng thông tin.
Hiện, xã Khánh Yên Hạ đã có cánh đồng mẫu lớn chuyên sản xuất các giống lúa chất lượng cao, như: Gạo Tám thơm, BC15 của Thái Bình... năng suất đạt 65 tạ/ha, thu nhập bình quân đạt 61 triệu đồng/tấn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo ông Hưng, mặc dù Khánh Yên Hạ đã cán đích NTM năm 2017, nhưng đây mới chỉ là điểm khởi đầu, xây dựng NTM kiễu mẫu mới là nhiệm vụ lâu dài. Hết năm 2018, xã Khánh Yên Hạ có 1 thôn được công nhận thôn kiểu mẫu. Trong những năm tới, xã phấn đấu có từ 3 - 5 thôn đạt thôn kiểu mẫu.
Hiện nay, xã Khánh Yên Hạ có 14/15 thôn bản có điện lưới quốc gia, số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 96%.
Là xã thuần nông, để hướng tới xây dựng NTM bền vững, Đảng bộ, chính quyền Khánh Yên Hạ tập trung định hướng người dân phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho thu nhập cao như: Bưởi, lúa chất lượng cao, thảo quả, khoai tây, chăn nuôi vịt...
Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa được quan tâm đầu tư, xã có 1 nhà văn hóa kết hợp hội trường đa năng; 100% thôn bản có nhà văn hóa kết hợp với sân vui chơi cho người dân.
Tin tưởng rằng, với cách xác định về đích NTM chỉ là điểm khởi đầu, xây dựng NTM kiểu mẫu mới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, cấp ủy, chính quyền và người dân Khánh Yên Hạ sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, phát huy nội lực để hoàn thành việc xây dựng các thôn bản kiểu mẫu, góp phần xây dựng vùng quê ngày càng đáng sống.
Theo Danviet
Nông dân huyện Văn Bàn khấm khá nhờ làm nông nghiệp hàng hóa Nhờ thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), bức tranh nông thôn ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã và đang hình thành những vùng quê đầy sức sống, bình an; cuộc sống của hàng trăm hộ dân đổi thay nhờ các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết,...