“Lão nông” miền Tây sản xuất giỏi, tích cực làm thiện nguyện
Xuất thân từ nông dân chân lấm, tay bùn, đi lên từ hai bàn tay trắng, làm thiện nguyện bằng cái tâm, nhiều năm qua, ông Võ Văn Hưởng, ấp An Lương, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã dành hẳn nguồn thu từ 10 công vườn để làm từ thiện.
Đến ấp An Lương, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, hỏi về ông Võ Văn Hưởng, (hay còn có tên gọi thân mật là chú Bảy Hưởng) có lẽ hầu như ai cũng biết, bởi ông Hưởng không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi, mà ông còn là nhà hảo tâm tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội của địa phương.
Ông Võ Văn Hưởng cho biết, trước đây, khi mới lập nghiệp, ông được cha mẹ cho 5 công đất ruộng (1.000 m2 là một công ruộng) để làm vốn. Với đức tính siêng năng, chịu khó, sau thời gian cần cù lao động, hai vợ chồng ông đã tích lũy mua được thêm 45 công đất ruộng. Vài năm trở lại đây, do phải thường xuyên đi làm công tác từ thiện xã hội, nên ông đã chuyển một phần sang trồng cây ăn trái để có lợi nhuận cao hơn.
“Ruộng thì hai chục công, còn đất vườn thì 10 công; vườn này thì trồng xoài, cam, ổi… Trước đây đất này là ruộng, sau này mình lên vườn, như khu trồng cam, tôi mới lên khoảng 6 năm nay. Làm vườn trồng xoài đài loan thì bán có rất có giá, hơn lúa gấp khoảng 5-7 lần; nhưng mùa dịch Covid-19 thì bán không được. Còn đối với cam mùa dịch thì bán tốt hơn giá từ 14.00-15.000 đồng/kg” – ông Võ Văn Hưởng chia sẻ.
Một trong những cây cầu ông Võ Văn Hưởng và Tổ từ thiện xây dựng.
Không chỉ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông còn là người luôn tiên phong trong các phong trào xã hội từ thiện. Trước đây, trên địa bàn xã Hòa bình có rất nhiều cây cầu tạm; các tuyến đường nông thôn liên ấp của xã Hòa Bình đều là đường đất, vào mùa mưa việc đi lại của người dân, con, em đi học gặp rất nhiều khó khăn. Để bà con đi lại dễ dàng, ông Hưởng và anh em trong Tổ từ thiện đã góp công, góp sức, đồng thời vận động kinh phí từ những nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương. Đến nay, các tuyến đường này đã được bê tông hóa hoàn toàn.
Bà Nguyễn Thị Huyền Trân, trưởng ấp An Lương, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết: “Chú 7 Hưởng đã làm công tác từ thiện xã hội từ rất là lâu rồi, lúc tôi còn làm trên xã. Tôi mới về ấp khoảng hơn 1 năm nay. Khi em về dưới đây, được biết chú đã đóng góp rất là nhiều rồi như: đổ bê tông đường nông thôn; cất cầu, vận động cất nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; hỗ trợ đột xuất khi người dân bị bệnh, qua đời đột xuất…Vận động đóng góp tiền để người dân bị bệnh, phải đi chữa bệnh. Trong những năm qua, chú 7 là người đi đầu trong công tác từ thiện”.
Từ năm ngoái đến nay, Bà Lê Thị Bảy, ấp An Lương, xã Hòa Bình và gia đình vui mừng vì được sống trong căn nhà mới ấm cúng do ông Võ Văn Hưởng cất cho. Bà Lê Thị Bảy chia sẻ, căn nhà trước kia cũng do chính do ông Hưởng cất, nhưng qua thời gian dài sử dụng đã xuống cấp. Để gia đình bà có chỗ ở ổn định, ông Hưởng đã vận động kinh phí hơn 30 triệu đồng để xây cho gia đình bà Bảy căn nhà mới. Không những thế, thấy hoàn cảnh gia đình bà vẫn còn nhiều khó khăn, ngoài lo cho căn nhà che mưa, che nắng, ông hưởng còn thường xuyên hỗ trợ gạo và nhu yếu phẩm cho gia đình bà.
“Tôi hồi đó cũng khổ nhiều lắm, làm ăn lo từng kg gạo, anh 7 Hưởng cho được như vậy, tôi hoan nghênh 7 Hưởng nhiều lắm, cám ơn nhiều nữa. Nhờ có nhà ở khang trang mà bây giờ sống khỏe hơn trước” – bà Lê thị Bảy chia sẻ.
Ông Võ Văn Hưởng trong căn nhà mới của bà Lê Thị Bảy.
Để có kinh phí thực hiện các công trình, việc từ thiện… Từ khi chuyển đổi 10 công đất ruộng trồng lúa sang vườn trồng cây ăn trái đến nay, ông dành hết nguồn thu từ 10 công vườn này cho công tác thiện nguyện.
Với những đóng góp tích cực cho phong trào xã hội ở địa phương, 3 năm nay, ông được bầu làm Tổ trưởng Tổ từ thiện Thiện Tâm của xã Hòa Bình. Với phẩm chất thật thà, chất phác, cùng với uy tín của mình, hàng năm nguồn quỹ từ các nhà hảo tâm ủng hộ cho Tổ từ thiện tăng lên đáng kể; trung bình mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, mỗi năm, Tổ từ thiện Thiện Tâm cất từ 50-60 căn nhà cho người nghèo và làm nhiều việc thiện nguyện khác.
Riêng ông, mỗi năm đóng góp 60 triệu đồng cho Tổ từ thiện. Xuất thân từ nông dân, chân lấm, tay bùn, đi lên từ nghèo khó, nên ông Võ Văn Hưởng hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của người nghèo. Ông luôn tâm niệm, giúp được những người khó khăn, mang niềm vui đến cho họ cũng là đem niềm vui đến cho bản thân mình.
Video đang HOT
“Tổ từ thiện Thiện Tâm này làm rất là nhiều việc, tất cả các việc từ thiện. Tổ từ thiện làm rất rõ ràng, hàng năm có báo cáo thu, chi. Như xe cấp cứu thì báo cáo hàng tháng. Thấy mình làm rất rõ ràng nên bà con rất ủng hộ, kể cả trong và ngoài tỉnh ủng hộ rất nhiều, cho nên tổ từ thiện này mới duy trì được đến ngày hôm nay, cũng nhờ mạnh thường quân” – ông Võ Văn Hưởng chia sẻ.
Theo UBND xã Hòa Bình, những việc làm thiện nguyện của ông Võ Văn Hưởng đã góp phần giúp xã Hòa bình thực hiện tốt công tác an sinh xã hội của huyện Chợ Mới.
Ông Phạm Văn Ní, Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết: “Nông dân Võ Văn Hưởng là người điển hình về cách tác lúa và làm vườn, làm vườn thì có thu nhập cao hơn trồng lúa, từ đó cuộc sống gia đình của ông ngày càng khá hơn. Từ khi cuộc sống, kinh tế gia đình anh 7 Hưởng ổn định, anh 7 Hưởng cũng tham gia tốt hoạt động xã hội, từ thiện. Gần đây, anh có tham gia vào Tổ từ thiện Thiện Tâm đi làm cầu, đường, cất nhà. Nhờ cái Tổ từ thiện này mà tất cả các đường nông thôn được bao phủ”.
Với tấm lòng chất phác, nhân hậu của ông Võ văn Hưởng đã giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Tấm lòng thiện nguyện của ông Hưởng đã đóng góp tích cực vào các hoạt động từ thiện xã hội, chương trình giảm nghèo ở địa phương, là tấm gương sáng trong cộng đồng./.
Chàng trai Quảng Trị hớp hồn cư dân mạng với tiểu cảnh miền Tây gây thương nhớ
Đó là một lối đi bất ngờ. Bất ngờ đến mức ngay cả bản thân Hoàng Thanh Tùng (21 tuổi, tỉnh Quảng Trị) cũng không thể hình dung ra mình lại chọn khởi nghiệp bằng cách đó. Nhưng đến nay, sau hơn 1 năm, Tùng đã chứng minh lối đi mình chọn là đúng.
Tùng chế tác nhiều mô hình nhà miền Tây sông nước .
Từ những loại rác thải như vỏ hộp cactông, que kem, hộp xốp, Tùng đã khiến tất cả phải ngỡ ngàng khi tạo thành các mô hình nhà cửa của vùng sông nước miền Tây, phố cổ Hội An y như thật.
Càng bất ngờ hơn khi sản phẩm của Tùng đưa lên mạng đã được đón nhận một cách nồng nhiệt và đầy cảm xúc.
Lối đi lạ...
Ngôi nhà nhỏ của Tùng nằm khuất sau một con ngõ của thị trấn Gio Linh. Người dân địa phương vốn biết đến ngôi nhà này vì nghề truyền thống làm vàng mã của cha mẹ Tùng. Nhưng từ khi Tùng học xong trung học phổ thông hơn một năm qua, ngôi nhà này trở nên nổi tiếng hơn với những mô hình tiểu cảnh độc đáo do chính tay Tùng làm ra mỗi ngày.
Như một cơ duyên khó lý giải, sau một lần tình cờ xem một số bức ảnh cuộc sống ngày xưa với nhà sàn nổi bằng tranh tre nứa lá của miền Tây sông nước, Tùng nảy ra ý tưởng lượm lặt những thứ bị vứt bỏ để làm tiểu cảnh, tái hiện cuộc sống xưa cũ ở miền Tây.
Việc làm này lúc đó đem lại cho Tùng chút niềm vui, chút cảm hứng được thử sức với một lĩnh vực mới. Sản phẩm tiểu cảnh đầu tiên của Tùng ra đời sau thời gian khá dài cần mẫn, hết dán vào lại tháo ra.
Mô hình nhà miền tây y như thật mà Tùng làm
Sau khi đăng sản phẩm lên mạng xã hội, Tùng bất ngờ nhận được nhiều lời khen. Những đơn hàng đầu tiên để Tùng có thể "biến rác thành tiền" bắt đầu từ đó.
Tùng kể ngay cả bản thân mình cũng không tính trước được mình sẽ bắt đầu và gắn bó với nghề làm tiểu cảnh. Học xong 12, Tùng vào Đà Nẵng làm thuê một vài chỗ. Tùng có đam mê làm bể cá thủy sinh nên cũng thích tìm tòi chăm chút cho những bể cá.
Rồi dịch bùng lên, được hơn nửa năm Tùng đã lại phải trở về nhà tránh dịch. Đây là lúc Tùng bị khoảng thời gian "rảnh rỗi" dẫn dắt đến với công việc chế tiểu cảnh.
"Ban đầu mình chỉ làm cho vui bằng cảm hứng. Ai ngờ sau khi đăng lên mạng xã hội thì nhiều người đặt hàng luôn. Rồi mình nghĩ ra những mô hình khác nhau để làm. Vừa nhà kiểu miền Tây vừa nhà cổ Hội An. Không ngờ càng làm càng nhiều người mua. Và mình đã khởi nghiệp bằng tiểu cảnh lúc nào không hay", Tùng kể.
Sẽ đi đến tận cùng
Cha mẹ Tùng có 20 năm làm nghề vàng mã. Nghề này cũng cần tỉ mẩn cắt dán từng li từng tí và cũng đem lại cuộc sống cho cả nhà. Nhưng chính ông Hoàng Xuân Châu, ba của Tùng, cũng không nghĩ con mình lại chọn cách khởi nghiệp không giống ai như thế.
Ban đầu ông Châu cũng lo ngại, vì sự mới lạ quá của công việc này sẽ là khó khăn không nhỏ mà Tùng phải vượt qua. Nhưng những tháng ngày trôi qua, những đơn hàng của Tùng cứ dày thêm. Có tháng Tùng làm đến hơn 30 tiểu cảnh lớn nhỏ, đem lại thu nhập đến vài chục triệu đồng.
Không chỉ người ở khắp mọi miền đất nước thích sản phẩm của Tùng, mà Tùng đã bán được sản phẩm của mình qua tận Nhật Bản, Campuchia.
"Không có con đường nào bằng phẳng. Mình chọn con đường nào thì mình sẽ cố gắng hết sức để đi đến tận cùng con đường đó", Tùng nói.
Nguyên liệu để Tùng làm tiểu cảnh chủ yếu là rác, từ tấm bìa cactông, tre, đũa, que kem, vỏ lon bia, chai nhựa... Sau đó, tùy theo chủ đề, Tùng cắt dán, sơn màu... để cho ra nhiều sản phẩm độc đáo.
Tiểu cảnh bán đi khắp nơi trong và ngoài nước, đa số là các mô hình nhà nổi miền tây
Ngoài thời gian cặm cụi chế tác, cứ vài ba ngày Tùng lại chạy xe đi quanh xóm để xin rác. Sau đó hàng xóm đến nhà Tùng thấy rác đã biến thành những tiểu cảnh rất có hồn nên nhiều người thành thói quen cất sẵn vỏ lon, hộp giấy, que kem cho Tùng luôn.
Trong những mô hình tiểu cảnh tí hon của Tùng, đa số là mô hình cuộc sống xưa của người dân miền Tây Nam Bộ.
Đó là những ngôi nhà bằng gỗ nổi trên sông, ở đó có chiếc đò là vật dụng đi lại của bà con vùng sông nước; có cả con người trong bộ đồ bà ba và vô số những vật dụng như quần áo, bàn ghế, kệ sách, chum đựng nước, chậu hoa, cầu thang, giá phơi và có cả những cuộn dây thừng và cục đá che chắn trên mái nhà...
Tùng nói nhiều người cũng lầm tưởng Tùng là người sống ở miền Tây. Bản thân Tùng cũng không hiểu vì sao lại có ấn tượng nhiều với khung cảnh nhà miền Tây đến thế.
"Mình vẫn sẽ chế tác tiểu cảnh kiểu miền Tây sông nước, nhưng mục tiêu sắp tới của mình là những cảnh đẹp của quê hương tỉnh Quảng Trị của mình như Thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, bãi biển Cửa Tùng và Cửa Việt... Mình nghĩ đây cũng là cách để giúp hình ảnh của quê nhà Quảng Trị được phổ biến rộng hơn", Tùng chia sẻ.
Người trẻ cứ dũng cảm chọn lối đi mới
Bà Trần Thị Thu, bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị, nói những gì Tùng thể hiện trên con đường mới mẻ của mình hơn một năm qua đã cho thấy lối đi mới sẽ luôn rộng mở nếu biết cố gắng và biết đánh giá mức độ phù hợp với khả năng của mình.
"Tùng là người trẻ. Cứ dũng cảm chọn lối đi mới, miễn đáp ứng được sở thích bản thân và đảm bảo được cuộc sống thì sẽ là lối đi đúng", bà Thu nói.
Những cửa tiệm đã ăn vào tiềm thức của người dân sông nước miền tây
Những mái nhà miền tây sông nước được Tùng tỉ mỉ làm bằng bìa cattong -
Ngoài nhà sàn miền tây, Tùng còn làm thêm các tiểu cảnh phố cổ Hội An y như thật
'Độc nhất miền Tây': Vườn nguyệt quế hàng ngàn cây, tuyệt tác trong khu vườn bạc tỉ Suốt 35 năm kỳ công chăm sóc, ông Lê Bá Sanh (72 tuổi, ngụ ấp 14, xã Long Trung, H.Cai Lậy, Tiền Giang) đã tạo nên khu vườn nguyệt quế hàng ngàn cây được đánh giá vào hàng tuyệt tác. Coi như báu vật của gia đình Đến vườn nguyệt quế rộng gần 1 ha với trên 1.000 cây của ông Sanh, ai...