Lão nông kỳ tài có tuyệt kỹ bắt chuột nổi tiếng đất Tuyên Quang
Hơn chục năm qua, lão nông Bàn Tài Giáng, dân tộc Dao, thôn Sơn Khánh, xã Kim Phú ( huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) vẫn cần mẫn với công việc diệt chuột giúp bà con bảo vệ mùa màng.
Sự chăm chỉ, sáng tạo không ngừng giúp ông có “độc chiêu” diệt chuột hiệu quả. Bà con trong xã tin tưởng, quý mến đặt cho ông biệt danh “người hùng” bảo vệ mùa màng.
Từ cơ duyên…
Năm 2005, ông Giáng đưa vợ con chuyển từ vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang về sống ở khu tái định cư tại xã Kim Phú (Yên Sơn). Trên quê mới, gia đình ông được Nhà nước cấp đất làm nhà và đất sản xuất, trong đó có 7,5 sào ruộng. Trên những thửa ruộng đó, gia đình ông chủ động cấy những giống lúa chất lượng cao, nhưng năng suất lúa không đạt như mong muốn.
Nguyên nhân chính là do lúa thường xuyên bị chuột phá hoại. Trước thực trạng đó, ông Giáng đã áp dụng các biện pháp diệt chuột, hạn chế sự gây hại của chuột như: Đánh bả, đánh bẫy, quây ni long quanh ruộng lúa. Qua quá trình thực tiễn, ông đã lựa chọn giải pháp đặt bẫy chuột bán nguyệt bởi tính an toàn và hiệu quả hơn cả. Mỗi vụ, có khi ông Giáng đánh được hàng trăm con chuột trên ruộng lúa nhà mình, nạn chuột phá hại giảm đáng kể, giúp tăng năng suất lúa. Từ đó, tài nghệ diệt chuột của ông được nhiều người biết đến.
Ông Giáng chia sẻ: “Cái nghề diệt chuột đến với tôi như một cơ duyên. Ban đầu, tôi chỉ đi đặt bẫy diệt chuột bảo vệ ruộng lúa của gia đình. Thấy tôi có cách diệt chuột hiệu quả, an toàn nên bà con trong thôn, trong xã có ruộng lúa bị chuột cắn phá đã tìm đến nhờ tôi đến diệt chuột giúp. Ngày ít thì vài hộ, có ngày nhiều đến hàng chục hộ đến nhờ. Sốt ruột trước nạn chuột gây hại, tôi không nỡ từ chối mà phải sắp xếp lịch cụ thể để mọi người yên tâm. Cứ mải chạy theo công việc đó khiến nó trở thành nghề từ lúc nào không hay”.
Ông Giáng (bên trái) giới thiệu với Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Văn Minhvề những chiếc bẫy bán nguyệt đã được ông cải tiến tăng hiệu quả diệt chuột.
Video đang HOT
Cần mẫn, sáng tạo
Nửa đời người gắn bó với đồng ruộng, ông Giáng thấu hiểu trước nạn chuột cắn phá lúa nếu không sớm diệt trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất, nghiêm trọng có thể khiến người nông dân mất trắng cả vụ lúa. Đáp lại sự tin tưởng, kỳ vọng của mọi người, ông Giáng phải mua thêm bẫy chuột bán nguyệt, mày mò chế lại cách gài khóa bẫy, phương thức đặt bẫy để đạt hiệu suất diệt chuột cao.
Theo chân ông Giáng ra đồng bẫy chuột, chúng tôi được ông chia sẻ những bí quyết làm nên thương hiệu “vua diệt chuột” ở xã Kim Phú. Ông giới thiệu, chiếc bẫy chuột bán nguyệt mua ở chợ chỉ từ 5 đến 7 nghìn đồng về cải tiến một chút là có thể đánh bắt chuột rất hiệu quả. Bẫy chuột đó dùng được khoảng 2 năm thì phải thay đợt bẫy mới. Bởi, bẫy luôn đặt ở môi trường ngoài trời ẩm ướt nên các chi tiết bẫy bị rỉ sét, giảm tính năng bắt chuột. Những lần đi thu bẫy chứng kiến tình trạng một số bẫy gài hôm trước đã bật nhưng không bẫy được chuột, có bẫy thì chuột ăn hết mồi mà bẫy không sập… khiến ông mất ăn mất ngủ. Sau những lần thử nghiệm, tự đúc rút kinh nghiệm, ông tìm ra ba giải pháp giải quyết triệt để vấn đề trên.
Ông Giáng thường xuyên chỉnh sửa lại bẫy để tăng hiệu quả diệt chuột. Thóc nảy mầm là món khoái khẩu của chuột. Công việc khá vất vả, người lúc nào cũng lấm lem bùn nhưng chưa khi nào ông Giáng có ý định từ bỏ công việc diệt chuột giúp bà con bảo vệ mùa màng.
Ông Giáng chế lại cách gài khóa bẫy bằng cách gắn thêm một miếng gỗ nhỏ, miếng gỗ đã được đục bề mặt trên tạo thành một máng nhỏ để đựng mồi, vừa tăng bề mặt tiếp xúc, hễ chuột đụng phải là bẫy sập tức thì, chuột nằm gọn trong bẫy. Qua thử nghiệm các loại mồi, cuối cùng ông đã chọn được loại mồi ưng ý là thóc nảy mầm. Bởi, thóc qua ngâm ủ có mùi thơm, hạt thóc nảy mầm là món khoái khẩu của chuột. Giữa mênh mông cánh đồng lúa, chuột “bội thực” thức ăn nên chỉ có mùi thơm của thóc ủ sẽ dẫn dụ chuột đến ăn và mắc vào bẫy. Thay vì đặt bẫy trên mặt phẳng như truyền thống, ông dùng thuổng đào một hố nhỏ, rồi dùng gót chân xoay vài vòng tạo thành một hố tròn để làm nơi gài bẫy. Khi gài bẫy tạo thành một mặt phẳng nghiêng, khi chuột vừa đến ăn mồi, hoặc đi qua va phải miếng gỗ, tức bẫy sập, con chuột sẽ bị bẫy kẹp lại.
Nỗ lực làm việc có ích
Mỗi vụ lúa, người dân xã Kim Phú đã quen thuộc với hình ảnh vào buổi chiều lại thấy ông lão gầy gò đạp xe đạp, chở theo lỉnh kỉnh các thứ đồ ra đồng gài bẫy diệt chuột. Có khi đến 12 giờ đêm mới thấy ông lách cách đạp xe về nhà. Sớm tinh mơ, ông đã lặn lội ra đồng để đi thu bẫy, gom xác chuột. Ông Giáng nói vui: “Tôi làm cái việc chẳng giống ai, cứ đêm hôm lọ mọ lặn lội từ khu đồng này đến khu đồng khác, cứ “ngó trước, nhìn sau” vén lúa, cỏ tìm đường đi của chuột… đặt bẫy. Cặm cụi, vất vả vậy nhưng tôi luôn thấy vui, tự hào vì đã giúp ngăn chặn nạn chuột phá hại, góp phần bảo vệ mùa màng, được bà con quý mến, tin tưởng”.
Thành quả sau mỗi đêm đi gài bẫy.
Ông Giáng nhẩm tính, mỗi vụ lúa, tiền công diệt chuột mà bà con trả cho ông cũng được từ 6 đến 10 triệu đồng. Mỗi vụ ông diệt được từ 1.000 con trở lên, tính trọng lượng lên đến cả tạ chuột. Trước thắc mắc của chúng tôi, sao ông không mua thêm bẫy để nâng hiệu suất diệt chuột, tăng thu nhập? Ông cười bảo mua thêm bẫy không khó, nhưng đặt bẫy dàn trải chưa chắc đã diệt được nhiều chuột. Diệt chuột ở khu đồng nào phải diệt triệt để, mới ngăn chặn được nạn chuột phá phách.
Anh Nguyễn Đình Duy, ở thôn 10, xã Kim Phú cho biết, gia đình anh có 7 sào ruộng, hầu như vụ nào cũng bị chuột cắn phá. Anh đã từng tìm nhiều cách diệt chuột, tốn kém bao tiền nhưng vẫn không đạt kết quả như mong muốn. Chục năm nay, anh và các hộ ở thôn đều nhờ ông Giáng đến diệt chuột giúp. Ông Giáng là người thật thà, cần mẫn, rất trách nhiệm. Ông ấy đã nhận giúp ai là giúp đến cùng. Đêm hôm trời mưa ông vẫn kiên trì lội từng thửa ruộng đặt bẫy diệt chuột, bảo vệ mùa màng cho bà con. Ông Giáng cũng luôn tận tình hướng dẫn cách đánh chuột và luôn sẵn sàng cho mọi người mượn bẫy đánh chuột.
Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Phú nhận xét: “Hơn chục năm qua, hội viên Bàn Tài Giáng đã phát huy tinh thần cần cù, trách nhiệm, sáng tạo. Việc làm của ông có ý nghĩa rất lớn, góp phần giúp bà con trong xã có được những mùa lúa bội thu”.
Theo Lý Thịnh (Báo Tuyên Quang)
Thái Bình: Muôn kiểu bắt chuột, đào tung bờ cho đến giăng dây điện
Thời gian qua, chuột gây hại trên đồng ruộng đã trở thành vấn nạn, gây thiệt hại lớn cho sản xuất. Bà con nông dân đã thực hiện nhiều biện pháp đối phó với chuột như: quây nilon, diệt chuột bằng thuốc hóa học, đặt bả sinh học, bắt thủ công, thậm chí dùng điện để diệt chuột.
Tuy nhiên những biện pháp này chưa thực sự hiệu quả, thậm chí vừa qua ở xã Nguyên Xá (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đã có người thiệt mạng vì người dân dùng điện để bẫy chuột.
Vì vậy, ngành chuyên môn và các địa phương cần phải tăng cường giám sát các hình thức diệt chuột của người dân, nghiên cứu đưa ra biện pháp diệt chuột hiệu quả hơn nhằm bảo đảm an toàn, giảm bớt thiệt hại cho bà con nông dân. Phóng viên Báo Thái Bình đã ghi lại một số hình ảnh người dân đối phó với chuột.
Dùng ni lông quây trắng cánh đồng để đối phó với chuột không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn tạo rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường.
Người dân xã Việt Thuận (Vũ Thư) rải dây điện để bẫy chuột.
Việc dùng điện để bẫy chuột như thế này rất nguy hiểm, có nguy cơ gây tai nạn chết người.
Người dân xã Đông Quang (Đông Hưng) đào bờ vùng để bắt chuột.
Việc đào thủ công để bắt chuột làm phá vỡ mặt bằng các bờ vùng bờ thửa nếu không có sự giám sát chặt chẽ của người dân và chính quyền địa phương.
Theo Danviet
Rầm rộ trồng bưởi da xanh ở miền Bắc: Chưa kịp thu đã tàn! Mấy năm gần đây, phong trào trồng cây có múi, trong đó có bưởi da xanh phát triển rầm rộ ở nhiều tỉnh miền Bắc, bất chấp sự cảnh báo của cơ quan chức năng. Đi khắp các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang... đâu đâu cũng thấy bà con nói đến chuyện trồng cây có múi. Nhưng...