Lão nông giúp xoài Đồng Tháp vang danh hơn trăm nước
Năng động, sáng tạo, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh và luôn “cháy” hết mình với tinh thần vượt khó – đó là bí quyết đã giúp ông Đoàn Thanh Hiền – “vua” xoài Đồng Tháp – có mức lương 50 triệu đồng/tháng.
Từ nông dân thành nhà vườn chính hiệu
Xuất thân là nông dân chuyên trồng lúa và làm rẫy, gia đình ông Hiền mãi chẳng thể khấm khá. Thấy việc trồng lúa hiệu quả không cao mà vùng đất nơi đây lại phù hợp với cây xoài, ông Hiền đã mạnh dạn đầu tư trồng xoài trên diện tích 5.000m2 đất của gia đình.
Mô hình “cây xoài nhà tôi” được du khách thích thú. Ảnh: C.T
Là một trong số ít nhà vườn ở Đồng Tháp dám mạnh dạn làm mới tư duy của mình bằng cách làm khác đi, suy nghĩ khác đi mang thành công về cho gia đình, quê hương, những năm qua ông Đoàn Thanh Hiền đã nhiều lần vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phòng trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
Tuy nhiên, cuộc sống không đơn giản như những gì mình nghĩ, việc trồng xoài của ông Hiền gặp nhiều khó khăn, trắc trở, phần vì không nắm được kỹ thuật trồng, tạo tán, ghép cành và xử lý ra hoa, đậu trái, phần khác vì thời tiết, mưa lũ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng sản phẩm xoài.
Năm 1996, lũ lên cao, hơn 50% diện tích xoài của gia đình ông bị chết, những cây còn lại cũng cho năng suất rất thấp. Không chỉ vậy, giá cả cũng rất bấp bênh, không chủ động được thị trường tiêu thụ nên gia đình thua lỗ nặng. Năm 2000, vườn xoài nhà ông Hiền tiếp tục gặp khó khi 90% diện tích bị chết, gia đình thua lỗ hàng trăm triệu đồng.
Tuy khó khăn và vất vả nhưng gia đình ông Hiền không chùn bước mà tìm cách khắc phục và tìm hướng đi mới cho xoài. Ông vay tiền ngân hàng trồng lại diện tích xoài bị chết, rồi được sự hỗ trợ nhiệt tình của PGS – TS Trần Văn Hâu (Trường Đại học Cần Thơ), ông áp dụng mô hình “xử lý xoài Cát Hòa Lộc ra mùa nghịch” trên vườn xoài nhà mình. Trong quá trình thí nghiệm ông Hiền ghi chép cẩn thận, học hỏi kỹ thuật tạo tán, ghép cành, xử lý ra hoa, lên liếp và đê bao bảo vệ vườn. Đáp lại những gì ông Hiền bỏ ra, gia đình ông đã thành công với mô hình xoài nghịch vụ với giá cao gấp 2 – 3 lần so với xoài truyền thống.
Chia sẻ về những khó khăn đã qua, ông Hiền bảo, cuộc sống đúng là rất nhiều màu sắc và thử thách cần mình phải vượt qua. Khi vượt qua được khó khăn, con người sẽ trưởng thành và thành công nhiều hơn.
Video đang HOT
Vươn lên vượt khó với xoài rải vụ an toàn
Ông Đoàn Thanh Hiền áp dụng trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ảnh: C.T
Từ diện tích 5.000m2 vườn xoài ban đầu, ông Hiền đã tích lũy và mua thêm đất lân cận để mở rộng mô hình trồng xoài nghịch vụ. Hiện tại gia đình ông Hiền đã sở hữu diện tích trên 18.000m2 xoài các loại. Trong đó, hơn 80% diện tích trồng giống xoài Cát Hòa Lộc, còn lại là xoài Cát Chu với hơn 450 gốc. Sau khi thành công với phương thức “xoài nghịch vụ”, ông Hiền tiếp tục học hỏi các kỹ thuật, phương thức trồng, xử lý ra hoa, bao trái… theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Ông Hiền cho biết, do không được đào tạo qua các trường lớp nên mọi thứ ông đều phải tự học, tự nghiên cứu, tìm hiểu từ các nhà khoa học, các nhà vườn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thông tin từ các tài liệu, sách, báo, đài… để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, ông Hiền còn áp dụng phương thức trồng xoài rải vụ. Đây là cách làm mới mang tính táo bạo và sự mạo hiểm, phải ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Tuy nhiên, theo ông Hiền, nếu không dám thử nghiệm sẽ không thể thành công. Với những cách nghĩ và cách làm đó ông Hiền đã tạo ra sản phẩm xoài sạch. Cũng từ đây, những trái xoài sạch đầu tiên của Đồng Tháp được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…
Ông Hiền cho biết, điều quan trọng của việc thay đổi phương thức trồng xoài rải vụ là tạo ra được sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, và chứng minh quy trình sản xuất an toàn để người tiêu dùng an tâm và tin tưởng sản phẩm.
Bình quân mỗi năm gia đình ông Hiền trồng 2 vụ xoài, năng suất đạt 20 – 25 tấn/năm. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình ông thu lợi nhuận trên 600 triệu đồng/năm.
Đột phá với “cây xoài nhà tôi”
Năm 2016, ông Đoàn Thanh Hiền thành công với mô hình “cây xoài nhà tôi”. Đây là điểm cho du khách trong và ngoài nước thưởng thức và tận hưởng những kỳ nghỉ cuối tuần. Không những thế, mô hình “cây xoài nhà tôi” là điểm “độc” và “lạ” khi du khách có thể đăng ký với chủ vườn để sở hữu cây xoài mà mình yêu thích mà không cần chăm sóc và đất đai để trồng. Chỉ cần bỏ ra một số tiền, ông Hiền sẽ chăm sóc, còn chủ sở hữu được thăm và thu “chiến lợi phẩm” trong vòng 1 năm. Ông Hiền phấn khởi cho biết, mô hình là điểm đến của rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đến để tham quan, thưởng thức những món ngon từ xoài. Nhiều doanh nghiệp đã đặt mua theo phương thức “cây xoài nhà tôi” để có thể có những trái xoài vừa ý. Tính đến nay, gia đình ông Hiền đã tiếp hơn 71 đoàn du khách nước ngoài với hơn 760 người đến từ 116 nước như: Nga, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Thái Lan, Úc, Malaysia…
Từ những cách làm “đột phá” đã mang đến thành công và giúp gia đình ông Hiền có cuộc sống ổn định, các con đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, đồng thời góp phần cùng chính quyền địa phương phát triển kinh tế.
Bà Trần Thị Hậu – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, ông Đoàn Thanh Hiền đã có nhiều nỗ lực phấn đấu và đóng góp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của địa phương cũng như phát triển phong trào của Hội. Với những cố gắng của mình, ông Hiền mang lại cho gia đình cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn. Bên cạnh đó, bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, ông Hiền đã chia sẻ, truyền đạt trong cộng đồng góp phần thúc đẩy sự gắn kết và phát triển hoạt động của hội viên.
Theo Danviet
Mùa thu hoạch trái cây và điệp khúc: trồng- chặt-trồng...
Phải có thông tin thị trường, có quy hoạch, có tổ chức lại sản xuất, có xác lập quy trình và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Tất cả đã làm, nhưng vì sao không đến đích? Lời giải đang nằm bên trong của ngành nông nghiệp, của chất lượng "liên kết 4 nhà" còn hình thức, phong trào và tư duy số lượng.
Ai lên phương Bắc...
Nhiều năm qua, cây vải thiều được ví như "vàng" trên đất; cây xóa đói, giảm nghèo, cây làm giàu ở Lục Ngạn, (Bắc Giang). Đã có năm, quả vải cùng trái vú sữa, thanh long Nam Bộ sang đất Mỹ, trời Âu. Tưởng rằng sẽ bền vững, thế nên, đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2020, sẽ ổn định 28.000 - 30.000ha vải thiều. Thời kỳ đỉnh cao, huyện Lục Ngạn có khoảng 22.000ha vải, thì nay đã có hơn 6.000ha bị chặt bỏ. Người làm vườn vùng "kinh đô vải" xót xa cưa, chặt..., dòng nhựa cây chảy, rơi như nước mắt người trồng.
Ông Trần Văn Chung (phải) giới thiệu về sản phẩm xoài trái vụ của gia đình trồng ở vùng sỏi đá tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành (Quảng Nam). Ảnh: K.N.Q.N
Từng là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn, Chủ tịch Hội Sản xuất và tiêu thụ vải, ông Liễu Xuân Hòa khá giỏi và rành rọt với vườn, nhưng vụ này, vườn vải nhà ông cũng như nhiều hộ khác ở xã Thanh Hải chỉ lác đác ra hoa, nên nhiều người phải chặt bỏ. Ven đường liên xã, liên thôn, những đống củi vải chất cao, những khu vườn bị đào bới, những gốc, cành vải xỉa lên trời, như chờ câu trả lời bao giờ thì thôi chặt chém, bao giờ mới có thị trường?
Có về miền Trung
Vào hè, miền Trung nắng đổ lửa, cây lá xác xơ trong gió nóng. Giữa vùng sỏi đá ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành (Quảng Nam), trang trại của ông Trần Văn Chung vẫn xanh mướt, từng dãy cây trái giống Nam Bộ nối nhau chạy dài trên sườn dốc. Ông Chung cho biết, đất này bạc màu, trước chỉ trồng cây keo, sắn và mía... Một dịp vào Bến Tre, thấy những vườn cây trái 4 mùa, ông xin ở lại nhà người bạn để học cách trồng cây ăn trái và chăm sóc. Tròn 1 vụ, ông Chung mới trở về, mang theo 3.000 cây xoài ghép tứ quý Thái Lan. Những tưởng có người động viên, nhưng chỉ thấy tiếng ra, tiếng vào, cho ông là "khùng" vì cả gan trồng cây không ăn nhằm gì với thời tiết.
4 năm đổ mồ hôi, công sức trên từng gốc cây trồng, vườn xoài, cam, chanh, chôm chôm... của ông Chung đã ra quả đầu mùa theo ý muốn: Cây ra hoa tháng 3, thu hoạch tháng 7. Sau mỗi lần thu hái ấy, ông bấm cành cho cây ngủ đến hết tháng Giêng. Khi cây xoài ra lộc thì ông cắt tỉa lá, phun thuốc kích hoa và tháng 7 lại thu hoạch xoài trái vụ.
Mỗi năm, ông Chung bán ngược vào thị trường Nam Bộ gần 100 tấn xoài, hơn trăm tấn hoa trái khác, thu về trên 1 tỷ đồng. "Việc đưa trái cây ở Quảng Nam vào Nam tiêu thụ - nói ra không ai tin, có người cho là nghịch lý. Nhưng quả trái vụ, bán được giá rất cao, hầu như năm nào cũng hết"- ông Chung khoát tay như vẽ lại 10 năm làm vườn gian khó, nhưng trọn niềm vui khi tình đất, tình cây, tình người được kết từ mồ hôi, nước mắt nên được mùa, được giá. Ông cho rằng, làm vườn mà muốn giàu thì phải biết đất, biết cây, biết mưa nắng, rồi phải học và sống chung với nó như người.
Cần đồng tâm, hợp sức
Trồng rồi chặt - một điệp khúc buồn của người làm vườn từ Bắc chí Nam. Tiếng là nông nghiệp nhiệt đới, quả ngọt, trái lành... mà sao trái cây Việt Nam vẫn "bì bõm" ngược dòng đi tìm điểm bán. Xuất khẩu tăng thì nhập khẩu cũng tăng, khi Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2017 đã chi 62 tỷ đồng mỗi ngày để nhập khẩu rau, củ, trái cây. Vậy, con số xuất khẩu kia cũng chưa hẳn là vui - cái nghĩ nằm lòng của người dân là ở đấy! Câu hỏi nằm lòng của nhà vườn cũng là ở đấy! Và ai dám chắc rằng, sẽ không có "giải cứu" quả cam, trái bưởi những năm sau? Đến cả những người Bắc Giang cũng lo khi trồng cam, bưởi trên chính đồi vườn mà họ trồng cây vải đã ăn đời, ở kiếp với nhà nông.
Phải có thông tin thị trường, có quy hoạch, có tổ chức lại sản xuất, có xác lập quy trình và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Tất cả đã làm, nhưng vì sao không đến đích? Lời giải đang nằm bên trong của ngành nông nghiệp, của chất lượng "liên kết 4 nhà" còn hình thức, phong trào và tư duy số lượng.
Phải chăng, cần quy hoạch vùng cây trái tập trung, bởi trái cây Việt Nam ngon nhưng phải có vùng chuyên canh rộng hàng ngàn ha, để kiểm soát đầu vào, ứng dụng khoa học kỹ thuật..., mới đủ sức cạnh tranh, xuất khẩu. Việc quy hoạch đầu ra cho trái cây cũng không thể là tất cả, mà cần ưu tiên cho trái cây đặc sản, chất lượng cao, hướng vào xuất khẩu để dẫn dắt dòng nông sản vùng miền... được dựa trên đầu ra của công nghiệp chế biến và doanh nghiệp, doanh nhân đủ tầm.
Trong "liên kết 4 nhà", thì đầu tiên phải là Nhà nước đứng ra chủ trì, hai là nhà chế biến, kinh doanh - hai nhà đó quyết định rồi mới đến nhà khoa học, nhà làm vườn. Chỉ khi "4 nhà" đồng tâm, hợp sức cùng nhau thì khi ấy đồng vườn mới đủ rộng, cây mới đủ xanh, hoa trái mới ngon ngọt, thơm lành... Vườn xanh mới thành tiếng hát.
Theo danviet
Ông "khùng" làm "tỷ phú giữa đồng bưng" Xế trưa, chúng tôi mới đến được trang trại của ông Lê Văn Phấn (Chín Phấn), xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng. Thật ngạc nhiên, "lão nông" từ lâu có biệt danh "tỷ phú giữa đồng bưng" xuất hiện với phong thái hào sảng, không chỉ là nông dân miệt vườn mà còn phảng phất tố chất của một doanh nhân, thậm...