Lào nỗ lực ổn định kinh tế, tài chính nhằm ngăn chặn khủng hoảng
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, phát biểu tại lễ khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa IX ngày 13/6, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh cho biết chính phủ sẽ nỗ lực ổn định kinh tế, tài chính, tiền tệ nhằm ngăn chặn khủng hoảng.
Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trình bày trước Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách, tiền tệ trong nửa đầu năm 2022 và kế hoạch hoạt động trong sáu tháng cuối năm, Thủ tướng Phankham cho biết chính phủ sẽ tiếp tục triển khai và cố gắng thực hiện hiệu quả các chương trình nghị sự về phát triển, trong đó có kế hoạch 11 điểm nhằm đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra trong năm 2022.
Theo ông, chính phủ sẽ đẩy nhanh các nỗ lực để giải quyết tình trạng yếu kém của nền kinh tế vĩ mô và bình thường hóa tình hình. Trong đó sẽ tập trung quản lý tỷ giá hối đoái, giá hàng hóa tiêu dùng và lạm phát. Chính phủ cũng sẽ tập trung đảm bảo đủ nguồn cung nhiên liệu thông qua nhiều biện pháp khác nhau, trong đó các biện pháp định hướng thị trường trước mắt và lâu dài.
Video đang HOT
Thủ tướng Phankham cũng cam kết hành động nhằm tăng nguồn thu ngân sách, bao gồm việc bịt các kẽ hở gây thất thu, trong khi khuyến khích áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng như giảm chi tiêu ngân sách cho việc mua sắm xe công.
Các tuyên bố của Thủ tướng Lào được đưa ra trong bối cảnh lạm phát ở Lào trong tháng 5 vừa qua đã lên tới 12,8%, mức cao nhất từng được ghi nhận trong 18 năm qua. Lào hiện cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất Đông Nam Á. Khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu và đồng kip tiếp tục giảm giá được cho là những yếu tố chính gây nên tình trạng này.
Lào thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết các khó khăn kinh tế
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo để giải quyết cuộc khủng hoảng nhiên liệu, giá tiêu dùng tăng vọt và dự trữ ngoại tệ đang ngày càng giảm của nước này.
Người dân Lào mua xăng tại một trạm xăng ở thủ đô Viêng Chăn. Ảnh: Phạm Kiên/PV TTXVN tại Lào
Theo quyết định, Ban Chỉ đạo sẽ do ông Sonexay Siphandone, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, làm Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Bounchom Ubonpaseuth, làm phó Ban.
Ban Chỉ đạo gồm 8 thành viên này có nhiệm vụ đưa ra các biện pháp để đảm bảo việc nhập khẩu đủ nhiên liệu; đưa ra các biện pháp điều tiết giá cả hàng hóa và xây dựng các biện pháp ổn định nguồn cung ngoại tệ, đồng thời quản lý tỷ giá hối đoái và các cửa hàng thu đổi để đảm bảo hoạt động theo đúng quy định.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Lào đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhiên liệu do sự mất giá của đồng kip, khiến các nhà nhập khẩu không thể mua đủ lượng ngoại tệ cần thiết để mua nhiên liệu trong bối cảnh giá của mặt hàng này trên thị trường toàn cầu tiếp tục tăng.
Trong thời gian qua, so với đồng USD và baht, đồng kip đã bị mất giá chưa từng có kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Theo tỷ giá ngày 7/6, 1 USD mua được 14.290 kip và bán với giá 14.322 kip, trong khi 1 baht mua được 495,24 kip và bán với giá 498,97 kip.
Trong nhiều tuần qua, những người có ô tô ở Lào đã buộc phải xếp hàng dài để mua nhiên liệu tại các trạm xăng, thường chỉ mở cửa trong thời gian ngắn do không đủ nguồn cung.
Giá nhiên liệu tại Lào đã tăng 11,4% so với tháng 5/2022 và tăng tới 86,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhiên liệu tăng và đồng kip tiếp tục mất giá đã đẩy tỷ lệ lạm phát ở Lào lên cao, khiến nước này trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở Đông Nam Á. Tháng 4/2022, Lào ghi nhận mức lạm phát lên tới 9,9%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2016.
Chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng với tốc độ nhanh nhất trong những tháng gần đây, gây thêm sức ép đối với người tiêu dùng.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành các biện pháp khẩn cấp giải quyết vấn đề nhiên liệu, giá cả hàng hóa và ngoại tệ là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Lào nhằm giải quyết các khó khăn về kinh tế - tài chính cấp bách mà nước này đang phải đối mặt hiện nay.
Hàn Quốc áp dụng các biện pháp quyết liệt để khôi phục đời sống thường nhật Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 25/11, Ủy ban hỗ trợ khôi phục đời sống thường nhật của Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành phiên họp lần thứ 4 do Thủ tướng Kim Boo-kyum và đồng Chủ tịch Ủy ban Choe Jae-chun chủ trì để đánh giá về tình hình dịch bệnh COVID-19. Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19...