Lao động Việt Nam gia nhập ASEAN: Vừa yếu, vừa thiếu
Tuy số lượng lao động đông thứ 3 trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, nhưng chất lượng và năng suất lao động của Việt Nam lại “đội sổ” khu vực.
Thông tin tại hội thảo “Hội nhập ASEAN trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp – cơ hội và thách thức”, do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) tổ chức ngày 18/1 tại Hà Nội cho biết: Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời ngày 31/12/2015 bao gồm 10 quốc gia với dân số 694 triệu người, trong đó hơn 300 triệu người tham gia lực lượng lao động. Theo đánh giá, hình thành AEC giúp thị trường lao động trong khối sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025.
3 quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng hơn 70% trong Cộng đồng là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%). Tuy nhiên, về chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động của Việt Nam lại “đội sổ” khu vực.
Thừa thầy thiếu thợ
TS. Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề – Tổng cục Dạy nghề thừa nhận, tuy có số lượng đông thứ 3 trong AEC, nhưng lao động Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Theo đó, số lượng qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 20,6%. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Việt Nam đang thiếu rất nhiều lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Phần lớn người sử dụng lao động cho biết tuyển dụng công nhân rất khó khăn vì các ứng viên không có kỹ năng phù hợp, hoặc vì sự khan hiếm lao động trong một số ngành nghề cụ thể.
Nếu các trường nghề không đổi mới chương trình đào tạo, nguồn lao động sẽ không bắt kịp trình độ các nước khu vực (Ảnh minh họa)
Về chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm; xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan lần lượt là 5,76 ; 5,59 và 4,94.
Kết quả khảo sát từ các chủ sử dụng lao động tại 10 quốc gia ASEAN do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện cho thấy, doanh nghiệp trong khối đang rất lo ngại về tình hình thiếu hụt lao động có tay nghề và kỹ năng trước sự ra đời của AEC. Gần 50% chủ sử dụng lao động được hỏi cho biết người lao động tốt nghiệp phổ thông không có được kỹ năng họ cần, cử nhân đại học cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ cấu nhân lực lao động Việt Nam còn nhiều bất cập và ngày càng gia tăng. Tính đến quý II/2015, cơ cấu trình độ của nhân lực lao động Việt Nam là: 1 đại học trở lên – 0,35 cao đẳng – 0,65 trung cấp – 0,4 sơ cấp. Trong khi đó, theo quy luật những người lao động trực tiếp (trung cấp, sơ cấp) phải lớn hơn rất nhiều so với lao động gián tiếp (đại học). Vì tỷ lệ qua đào tạo thấp là một trong những lý do dẫn đến năng suất lao động Việt Nam thấp nhất khu vực.
Video đang HOT
Đào tạo vẫn theo chương trình “bảo thủ”
Theo Tổng cục Dạy nghề, để chuẩn bị cho đào tạo nghề Việt Nam hướng tới hội nhập AEC và quốc tế giai đoạn 2016 – 2020 cần đào tạo mới trình độ cao đẳng, trung cấp cho khoảng 6,7 triệu người (trong đó 25% đạt cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN, quốc tế); sơ cấp và giáo dục nghề nghiệp dưới 3 tháng khoảng 10 triệu người (phần dạy nghề khoảng 2,3 triệu người, trong đó 10% đạt cấp độ quốc gia, ASEAN và quốc tế).
Tuy nhiên, TS. Vũ Xuân Hùng nhấn mạnh: “Những hạn chế của nhân lực lao động Việt Nam đang trở thành gánh nặng, thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp bởi chức năng, nhiệm vụ của giáo dục nghề nghiệp chính là đào tạo nhân lực lao động cho quốc gia. Chính vì thế, đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp phải nỗ lực, có những giải pháp, hướng đi phù hợp cho giai đoạn mới để hội nhập sâu rộng vào Cộng đồng ASEAN”.
Trong năm 2015 có 8 ngành nghề gồm: dịch vụ kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, khảo sát, y khoa, nha khoa, kế toán và du lịch được tự do di chuyển trong nội khối ASEAN. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn.
TS. Phan Chính Thức, chuyên gia đào tạo nghề cũng bày tỏ lo lắng: “Xây dựng khung trình độ quốc gia về giáo dục và đào tạo là xu thế tất yếu của nền giáo dục hiện đại. Hội nhập khu vực là yêu cầu khách quan, là đòi hỏi, thúc ép phải công nhận văn bằng, chuyển đổi tín chỉ, kỹ năng nghề tương thích giữa các nước trong nội khối. Trong nhiều quốc gia ASEAN đã xây dựng khung trình độ quốc gia giáo dục nghề nghiệp thì Việt Nam chưa có khung này với đặc trưng về các trình độ đào tạo”.
Các chuyên gia, đào tạo nghề ở ta chưa thực sự gắn với doanh nghiệp. Các trường nghề chưa có sự ràng buộc nào đối với doanh nghiệp trong cung cấp nhân lực, mà chỉ đào tạo theo kiểu “quan hệ quen biết”. Trong khi các trường nghề “trăm hoa đua nở” thì chất lượng lại ngược lại, không đạt chuẩn khi hội nhập, không thể cạnh tranh với các quốc gia láng giềng. Bên cạnh đó, mức độ đầu tư của công ty vào đào tạo nhân lực/nhân viên của ta chỉ đạt 3,7/7 điểm, thấp nhất khu vực.
Ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội thừa nhận: Các trường cao đẳng nghề của ta phải tuân thủ chương trình khung đã được ban hành, trong khi chương trình này lạc hậu, khác khá xa so với các nước trong khu vực. Trước yêu cầu hòa nhập, chúng ta không có tiêu chuẩn kỹ năng chung. Nếu nhà trường không đổi mới kịp thời để đáp ứng được các yêu cầu mới, thì nguồn lực do nhà trường đào tạo không những thua trong thị trường nội khối mà ngay cả thị trường lao động nội địa./.
Lại Thìn
Theo_VOV
Doanh nghiệp chủ động nâng sức cạnh tranh khi tham gia ASEAN
Việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tạo ra nhiều cơ hội và không ít thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời, và ngày 1/1/2016 là thời điểm khởi đầu để xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, hình thành một khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và vốn sẽ được lưu chuyển tự do hơn trong toàn khối.
Tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp họ giảm chi phí nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức với các doanh nghiệp trong nước bởi sự lựa chọn dành cho người tiêu dùng khi đó sẽ nhiều hơn, đa dạng hơn, đặc biệt khi không ít người tiêu dùng Việt đang đánh giá cao các sản phẩm của nước ngoài.
Nhiều mặt hàng sẽ được giảm thuế sâu khi Cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập
Ông Bùi Đức Sơn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty Cổ phần Visimex cho rằng, đây là cơ hội hiếm có để nâng vị thế doanh nghiệp Việt lên tầm thế giới, cũng như khẳng định tên tuổi tại thị trường khu vực. Doanh nghiệp này đã chủ động triển khai những kế hoạch rất cụ thể để nâng cao chất lượng sản phẩm, từ khâu chọn lọc nguyên liệu đầu vào, đầu tư đổi mới mẫu mã và bao bì...
Theo nhận xét chung của khách hàng thì hình thức mẫu mã bao bì của Việt Nam còn chưa thu hút và trên đó chưa đầy đủ thông tin. Chính vì vậy, ông Sơn cho biết, công ty Visimex sẽ chuyển dần tỷ trọng của xuất thô sang các sản phẩm tinh chế đóng gói để có thể đưa thẳng vào các nhà hàng, siêu thị, hệ thống phân phối mà người dùng có thể mua về sử dụng ngay.
Doanh nghiệp thiếu thông tin về hội nhập AEC
VOV.VN - Nguyên nhân là do thông tin hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN không nhiều so với thông tin hội nhập WTO và các hiệp định thương mại tự do.
Nhiều chuyên gia nhận định, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập không tạo ra tác động đột biến đối với các nước trong khu vực. Bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cơ hội cho các doanh nghiệp nước ta thâm nhập vào thị trường ASEAN tương đối lớn do yêu cầu chất lượng của các nước đối với hàng nhập khẩu không cao so với các nước EU, Mỹ, Nhật... Vì vậy, Việt Nam không gặp quá nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang các nước. Ngoài ra, vị trí địa lý lại gần, rất thuận tiện cho việc giao thương.
Tuy nhiên, theo bà Phương, hiện Việt Nam vẫn thuộc Top 4 những nước cuối trong khối, trong khi trình độ Top 6 ngày càng xa chúng ta, chất lượng lao động của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.
"Chúng ta phải cải tiến chất lượng lao động, cải tiến năng lực cạnh tranh của mình để cạnh tranh được. Nên tập trung vào những ngành chúng ta có thế mạnh, phải có chọn lọc, cạnh tranh trong thời gian tới sẽ là hình thức để sàng lọc các doanh nghiệp Việt Nam, sàng lọc người lao động Việt Nam để chúng ta chuyển dịch cơ cấu, chuyển dịch lao động cho phù hợp hơn," bà Phương nhấn mạnh.
Doanh nghiệp Việt phải cải tiến chất lượng lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành
Để tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức khi hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu, nắm rõ thông tin để có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Đồng thời, cần khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác, mở rộng tự do hóa kinh tế với các nước thành viên. Qua đó, tạo thuận lợi về lưu chuyển hàng hóa trong nội khối ASEAN, góp phần tạo dựng và củng cố thương hiệu sản phẩm Việt Nam trong tiến trình hợp tác khu vực và hội nhập quốc tế.
Theo ông Đinh Công Sỹ, Ủy viên Ủy ban đối ngoại của Quốc hội: với dân số hơn 600 triệu dân, ASEAN đã trở thành thị trường lớn thứ 3 thế giới chỉ sau thị trường Hoa Kỳ và các nước Liên minh Châu ÂU (EU). ASEAN là nền kinh tế duy nhất có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với tất cả các nền kinh tế lớn và trung bình trên thế giới. Do đó để tận dụng tốt cơ hội thì việc nắm vững các thông tin là rất cần thiết cho doanh nghiệp.
Sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành cũng như tạo được lòng tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước với hàng Việt Nam. Từ đó, chiếm lĩnh vững chắc thị trường nội địa và vươn ra tất cả các nước trong khu vực./.
Nguyễn Hằng
Theo_VOV
Vì sao hàng trăm hồ sơ xin việc nhưng chỉ chọn được 1 người? Tình trạng lao động đã qua đào tạo nhưng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường về lao động chất lượng cao hiện nay rất phổ biến. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2011-2015, trung bình mỗi năm cả nước tạo việc làm cho gần 1,6 triệu lao động, dạy nghề cho trên 1,8 triệu...