Lao động về quê “trốn dịch” và nỗi lo hậu Covid của doanh nghiệp
Dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam đã tạo ra một luồng dịch chuyển lao động lớn.
Hàng ngàn lao động đã “tháo chạy” về quê do mất việc, không đủ tiền để trụ lại thành phố. Thực trạng này cảnh báo sẽ gây ra tình trạng thiếu lao động tại các doanh nghiệp.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thái Sơn cho biết, đầu tháng 9, khảo sát một nhóm khoảng 300 doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và các sản phẩm thiên về kỹ thuật cho thấy, chỉ có khoảng 40% lao động mong muốn trở lại làm việc sau khi TP.HCM mở cửa, như vậy, số lao động mong muốn trở lại làm việc là không cao.
Hàng trăm lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam đổ về Ninh Thuận chiều 2/10.
Theo ông Trần Việt Anh, hiện nay có thể chia lực lượng lao động thành 4 nhóm gồm lực lượng làm trong các doanh nghiệp FDI, nhóm lao động làm trong các khu công nghiệp, nhóm lao động làm việc ngoài khu công nghiệp và lao động tự do. Trong đó, 2 nhóm đầu là lực lượng lao động kỹ thuật tương đối ổn định, trong đợt dịch vừa qua không bị ảnh hưởng quá nhiều về thu nhập, tỷ lệ dịch chuyển thấp. Tuy nhiên, cả 4 nhóm lao động này đều tập trung sống ở các xóm trọ, trong thời điểm giãn cách, hầu hết đều ở tại nơi trọ toàn thời gian, không gian sống chật hẹp, tạm bợ, không thể đảm bảo 5K, qua đó phát sinh nhiều F0, F1.
Video đang HOT
“Sống trong môi trường như vậy, nhiều lao động sẽ muốn về quê, nhất là các lao động tự do. Có đến 70-80% lao động tự do tại TP.HCM từ các tỉnh, thành khác đến, họ không được mua bảo hiểm, việc tiếp cận công nghệ cũng chậm, việc tiêm vaccine cũng đi sau các nhóm lao động khác. Đến nay chúng ta cũng chưa có số liệu về số người lao động tự do đang làm việc tại TP.HCM. Theo tôi, thành phố cần xây dựng dữ liệu về các nhóm lao động đang làm việc tại TP.HCM. Mặc khác, từ thực trạng nơi ở không đảm bảo của người lao động hiện nay, để đảm bảo nguồn lực lao động tại TP.HCM, trong tương lai, thành phố cần quan tâm xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, xây dựng các trung tâm y tế phục vụ người lao động tự do không thuộc tổ chức nào.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp phải truyền thông thường xuyên với người lao động, mời họ trở lại bằng các thông tin cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn các biện pháp an toàn phòng chống dịch (xét nghiệm, tủ thuốc F0…) để họ an tâm trở lại làm việc. Theo tôi, mỗi khu công nghiệp cần có một bệnh viện dã chiến mini để công nhân trong môi trường nhiễm bệnh có thể được điều trị. Việc được điều trị khiến họ an tâm hơn rất nhiều”, ông Trần Việt Anh cho biết.
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam có khoảng 40.000 lao động đã tiêm vaccine mũi 1 và khoảng 20.000 lao động đã tiêm vaccine mũi 2.
Người lao động tại Bình Dương tự túc về quê.
Ông Nghiệp cho biết, từ năm 2020, doanh nghiệp đã gặp phải tình trạng khan hiếm lao động, do đó doanh nghiệp rất quan tâm đến giữ chân người lao động.
“Từ tháng 6 công nhân không đi làm được, công ty vẫn cố gắng trả lương cho họ, đến tháng 9, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng trả 50% lương tối thiểu và đóng BHXH cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay công nhân đang rất hoang mang không biết khi nào được trở lại làm việc”, ông Nghiệp nói.
Ông Củ Phát Nghiệp cũng cho rằng, để doanh nghiệp có thể tái sản xuất, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho lao động đã tiêm vaccine mũi 1, mũi 2 hoặc F0 đã khỏi bệnh đi làm trở lại. Doanh nghiệp cũng mong muốn TP.HCM tiếp tục tạo điều kiện cho người lao động ở các tỉnh nhưng làm việc ở TP.HCM được tiêm vaccine để có thể trở lại làm việc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn phòng chống dịch, đồng thời cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người lao động, làm sao để họ có ý thức bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Dự báo thiếu hàng chục ngàn lao động cuối năm
Theo Sở LĐ-TB-XH Bình Dương, dự báo, thời gian tới có thể thiếu từ 40.000-50.000 lao động. Bình Dương hiện có số lao động khoảng 1,2 triệu người với khoảng 50.000 doanh nghiệp. Thời gian qua chỉ có khoảng 3.500 lao động tại chỗ, với khoảng 250.000 người, như vậy khoảng 750.000 lao động đã phải ngừng việc.
Còn theo ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa có dấu hiệu hồi phục tổng thể do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Thị trường lao động TP.HCM ảnh hưởng nặng nề dưới tác động của dịch bệnh, tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc có xu hướng tăng, người lao động thiếu việc làm, giảm giờ làm, buộc thôi việc dẫn đến giảm, mất thu nhập. Tuy nhiên, để duy trì lượng đơn hàng, các doanh nghiệp đã ra sức giữ chân lao động cũ cũng như tuyển dụng lao động bổ sung phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kế hoạch để chuẩn bị hoạt động trở lại. Tuy nhiên, với số lao động về quê ồ ạt trước thời điểm địa phương có hoạt động kiểm soát di chuyển, đặt ra việc sắp xếp lại nhân sự, lao động tại doanh nghiệp là một vấn đề trọng yếu.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng để duy trì hoạt động, doanh nghiệp đã chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và liên lạc nhân sự cũ đang tạm nghỉ, thiết kế nhiều chế độ ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người lao động yên tâm quay trở lại làm việc.
Bên cạnh đó, với việc nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, tăng cường công tác tiêm ngừa vaccine Covid-19, cùng với sự hỗ trợ của thành phố trong việc chuẩn bị phương án đón người lao động ở các tỉnh/thành thuận tiện, an toàn quay trở lại làm việc, dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm 2021 sẽ có nhiều khả quan hơn, kỳ vọng thị trường lao động thành phố sẽ từng bước phục hồi và sớm khởi sắc trở lại, dù vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Cũng theo ông Triết, cuối năm là khung thời gian quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực, tận dụng nâng cao hiệu quả năng suất để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Song song đó, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng theo mùa, trước và sau Tết Nguyên đán hoặc sau giãn cách cũng góp phần kích cầu hoạt động tiêu dùng trong thời gian tới.
Dự kiến nhu cầu nhân lực quý 4 năm 2021 cần khoảng 43.654 – 56.869 chỗ làm việc, nhu cầu nhân lực có xu hướng tăng ở lao động bán thời gian, tuyển dụng tập trung ở các nhóm nghề như: kinh doanh – thương mại, dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ, công nghệ thông tin; cơ khí – tự động hoá; vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng, dịch vụ thông tin tư vấn – chăm sóc khách hàng, du lịch – nhà hàng- khách sạn, kỹ thuật điện – điện lạnh – điện công nghiệp – điện tử, công nghệ lương thực – thực phẩm, kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng, dệt may- giày da,…
Nhu cầu nhân lực lao động qua đào tạo của quý 4/2021 chiếm 87,19% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá thấp với 12,81% tổng nhu cầu nhân lực./.