Lao động tự do ở Hà Nội bị ảnh hưởng COVID-19 được hỗ trợ 1,5 triệu đồng
UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn, trong đó đối tượng lao động tự do đủ điều kiện cư trú hợp pháp nhận 1,5 triệu đồng/người/lần.
Lao động tự do tại TP Hà Nội đủ điều kiện sẽ nhận mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng – Ảnh: HÀ QUÂN
Quyết định có hiệu lực từ ngày 21-7-2021.
Để triển khai hỗ trợ sớm, UBND thành phố Hà Nội ủy quyền cho các sở Lao động, thương binh và xã hội; Y tế; Văn hóa, thể thao, du lịch và UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ với các đối tượng thụ hưởng chính sách theo quyết định.
Quyết định nêu rõ:
- Lao động tự do đủ điều kiện hỗ trợ khi cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố và bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến 31-12-2021. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/lần. Phương thức chi trả theo hình thức trực tiếp.
- Bảo hiểm xã hội thành phố điều chỉnh giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0% trong 12 tháng từ 1-7-2021 đến 30-6-2022.
- Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4-2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.
- Đối với lao động ngừng việc, người sử dụng lao động lập danh sách đến hết 31-12 năm nay gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang tham gia bảo hiểm xã hội để xác nhận và chuyển hỗ trợ cho lao động.
- Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp gửi hồ sơ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (tại trụ sở chính hoặc các điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh) để được hỗ trợ.
Video đang HOT
- Hà Nội cũng hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Thời gian nộp hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 30-6-2022.
- Trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế được hỗ trợ theo quy định của trung ương, phù hợp với đặc thù của địa phương.
- Các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật (bao gồm cả đơn vị trực thuộc cơ quan trung ương) lập danh sách viên chức hoạt động nghệ thuật bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và gửi hồ sơ đến Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội, chậm nhất đến hết 31-1-2022.
- Hướng dẫn viên du lịch có nhu cầu hỗ trợ gửi hồ sơ đến Sở Du lịch Hà Nội (nơi cấp thẻ cho hướng dẫn viên du lịch). Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31-1-2022.
- Hộ kinh doanh cần hỗ trợ gửi đề nghị theo hướng dẫn đến UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31-1-2022.
- Về vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, người sử dụng lao động lập danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang tham gia bảo hiểm xã hội để xác nhận. Hạn cuối đến hết ngày 25-3-2022.
- Lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương cũng được hỗ trợ nếu thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31-1-2022.
Thành phố Hà Nội lưu ý lao động được hỗ trợ phải làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố. Người lao động bị mất việc làm thuộc các ngành nghề bị tạm dừng hoạt động sau ngày 21-7 áp dụng theo văn bản chỉ đạo của UBND thành phố hoặc chính quyền địa phương theo từng thời điểm và diễn biến của dịch.
Lao động tự do lập hồ sơ gửi đến UBND cấp xã nơi cư trú hợp pháp sau ngày 15 hằng tháng. Tuy nhiên, người dân chưa nhận được tiền ngay, UBND cấp huyện phải phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ và sau đó mới giao UBND cấp xã chi trả trong 2 ngày làm việc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online , ông Nguyễn Quốc Khánh, phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Hà Nội, cho hay: “Sau khi có quyết định thì ngay ngày 22-7, sở đã có văn bản tham mưu cho các quận, huyện, thị xã để tổ chức triển khai thực hiện. Sở cũng gửi văn bản tới các phòng chuyên môn, căn cứ chức năng nhiệm vụ triển khai thực hiện công khai, minh bạch, nhanh nhất. Một số đơn vị đã có kết quả ban đầu”.
Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Lao động tự do mừng vì được Chính phủ trợ giúp
Rất nhiều người lao động tự do mong muốn gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng sẽ được Chính phủ sớm triển khai, tiến hành chi trả nhằm giúp vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19.
Trước đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trước đại dịch Covid-19 vào hôm 1/7. Tổng trị giá gói hỗ trợ vào khoảng 26.000 tỷ đồng.
Chính sách kịp thời
Ngay khi thông tin mới được công bố, nhiều người dân ở Hà Nội, đặc biệt là những người lao động tự do rất phấn khởi trước thông tin về gói hỗ trợ này.
Làm nghề lái xe ba gác gần 10 năm, ông Ngô Doãn Lực (69 tuổi, trú tại Hà Nội) cho biết: "Tôi là thương binh nên mỗi tháng được hỗ trợ gần 3 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi vẫn phải đi làm thêm để đủ tiền trang trải cho cuộc sống, nhưng có hôm không chạy được cuốc nào vì Covid-19".
Ông Ngô Doãn Lực gặp khó khăn vì không có khách thuê chở đồ trong mùa dịch Covid-19.
Theo ông Ngô Doãn Lực, Chính phủ ban hành gói hỗ trợ vào thời điểm này là hợp lý. Vì dịch Covid-19 đã có những tác động lớn tới đời sống của nhóm người lao động tự do.
Tuy nhiên, ông băn khoăn vì không biết chính xác khi nào mới được nhận trợ cấp và thủ tục để khai báo hay phải chờ chính quyền địa phương xét duyệt.
Cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ trong đợt dịch thứ 4 bùng phát, quán ăn của bà Nguyễn Thị Lượng (54 tuổi, trú tại Hà Nội) tại quận Cầu Giấy phải đóng cửa hơn 2 tuần để ủng hộ quy định phòng chống dịch của thành phố.
Bà Nguyễn Thị Lượng mong muốn Chính phủ sẽ sớm triển khai gói hỗ trợ.
"Tôi cũng có nghe qua thông tin những hàng ăn phải đóng cửa trong đợt dịch vừa rồi sẽ được hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng. Tuy số tiền không quá lớn nhưng cũng là sự chia sẻ, quan tâm của Nhà nước. Chúng tôi thực sự rất đánh giá cao điều đó", chủ quán ăn tâm sự.
Với bà Nguyễn Thị Lượng, thời điểm hiện tại, những người buôn bán, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Bà mong muốn Chính phủ sẽ triển khai nhanh gói hỗ trợ vì đây là điểm tựa để người dân vượt qua đại dịch.
Mong tránh những tiêu cực
Cùng khó khăn trong mùa Covid-19, thu nhập từ công việc thu mua sắt vụn trên các tuyến phố Hà Nội của chị Nguyễn Thị Toan (32 tuổi, quê Nam Định) cũng bị giảm đáng kể so với thời gian trước.
Chị Nguyễn Thị Toan làm nghề thu mua sắt vụn tại Hà Nội.
"Bình thường mỗi tháng trừ các khoản phí sinh hoạt, thuê trọ, tôi còn để dành được gần 5 triệu đồng. Dịch bệnh khiến hàng quán đóng cửa. Lượng sắt vụn mua trong ngày cũng ít hơn, khiến thu nhập giảm gần một nửa" - chị Nguyễn Thị Toan tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Toan có 2 con đang trong độ tuổi ăn học. Gánh nặng tài chính khiến chị ngày càng áp lực. Hay tin về gói hỗ trợ của Chính phủ, chị rất vui và hy vọng sẽ nằm trong diện được hỗ trợ.
Đối với bà Hoàng Thị Quyến (56 tuổi, quê Hà Nội) - chủ sạp hoa quả nhỏ trong ngõ Trần Thái Tông (Cầu Giấy) - đại dịch đã khiến cuộc sống gia đình bà bị đảo lộn và khó khăn hơn rất nhiều.
Mọi chi phí trong gia đình chỉ trông vào sạp hàng của bà Hoàng Thị Quyến.
"Chồng tôi chạy xe ôm nhưng dịch Covid-19, sinh viên về quê học online nên cũng không có khách mấy, nhiều tháng liền gần như không có thu nhập, mọi chi tiêu trong nhà giờ chỉ trông vào sạp hàng này. Được nhận khoản hỗ trợ từ nhà nước là niềm động viên lớn đối với chúng tôi" - bà Hoàng Thị Quyến bộc bạch.
Bên cạnh đó, bà Hoàng Thị Quyến hy vọng gói hỗ trợ sớm đến tay người dân, các địa phương sẽ không đưa ra quá nhiều thủ tục phiền hà trong thời gian tiến hành chi trả, trao cho đúng đối tượng, tránh xảy ra tiêu cực.
Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mở rộng hỗ trợ đối tượng lao động tự do gặp khó khăn Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, nhiều lao động tự do, khoảng 27.000 người đang nằm ngoài 6 nhóm hỗ trợ đã nêu trong Nghị quyết 09. Họ chưa nhận được hỗ trợ và đời sống đang rất khó khăn. Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố...