Lao động Triều Tiên tại các nước vùng Vịnh
Hàng nghìn lao động Triều Tiên làm việc tại các nước vùng Vịnh và được giữ khoảng 20% tiền lương của mình.
Nhân viên biểu diễn nhạc tại nhà hàng Triều Tiên ở Dubai. Ảnh: AP
Trong khi các quan chức và nhà phân tích đang lo ngại về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, các đồng minh Arab của Mỹ đang sử dụng hàng nghìn lao động của họ. Từ các nhà hàng do nhà nước vận hành cho đến các công trình xây dựng, lao động Triều Tiên đã làm việc ở Kuwait, Oman, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất ( UAE), theo AP.
“Quốc gia bị cô lập như Triều Tiên luôn tìm kiếm ngoại tệ mạnh”, Giorgio Cafiero, giám đốc điều hành tổ chức nghiên cứu Gulf State Analytics, nói. “ Người Triều Tiên coi vùng Vịnh là nơi đáng tin cậy để kiếm tiền”.
Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã tăng tốc đáng kể kể từ khi họ thử hạt nhân vào năm ngoái và sau đó phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hai lần trong tháng 7.
Đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế, Triều Tiên dựa vào người lao động ở nước ngoài để mang tiền mặt về cho họ. Trung Quốc và Nga là những thị trường lớn nhất, nhưng vùng Vịnh cũng là nơi có hàng nghìn lao động Triều Tiên.
Go Myong-hyun, nhà nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Chính sách Asan, nói một số nước Trung Đông thích lao động Triều Tiên vì “họ không tự ý bỏ việc”.
Video đang HOT
Khoảng 6.000 người Triều Tiên làm việc tại vùng Vịnh, trong đó có 2.500 người tại Kuwait, 1.500 người tại UAE và 2.000 người ở Qatar, theo hai quan chức giấu tên hiểu rõ về hoạt động của Bình Nhưỡng.
Hầu hết người Triều Tiên làm việc ở vùng Vịnh kiếm được khoảng 1.000 USD một tháng. Chính phủ Triều Tiên giữ một nửa mức lương của họ và 300 USD được chuyển cho các nhà quản lý công ty xây dựng. Lao động giữ 200 USD còn lại.
Cafiero nói rằng một số người làm việc cho công ty do quân đội Triều Tiên điều hành. Họ chỉ làm việc vào ban đêm để tránh tiếp xúc với thế giới bên ngoài, đặc biệt là người Hàn Quốc. Họ lo ngại lao động có thể bỏ trốn, chẳng hạn như vụ đào tẩu của Lim Il, người Triều Tiên làm việc tại thủ đô Kuwait City trong 5 tháng trước khi đào tầu sang Hàn Quốc năm 1997.
Tại UAE, lao động Triều Tiên thường sống thành nhóm 8 người với nhau trong không gian 21 m2 và ăn khá ít, hai quan chức cho biết.
Triều Tiên cũng mở ba nhà hàng ở UAE – hai ở Dubai và một ở Abu Dhabi. Hai quan chức nói rằng 1.000 lao động Triều Tiên sẽ đến UAE trong những tháng tới.
Đôi khi những người phụ trách dự án xây dựng không biết họ đang thuê nhân công Triều Tiên. Lao động Triều Tiên được cho là đã làm việc tại công trình mở rộng căn cứ không quân Al-Dhafra của UAE, nơi đồn trú của 5.000 lính Mỹ.
UAE không trả lời yêu cầu bình luận. Josh T. Jacques, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, nói rằng họ “không cho phép nhận hoặc ký hợp đồng với công dân Triều Tiên tại bất cứ căn cứ quân sự nào của Mỹ”.
“Chúng tôi không biết về lao động Triều Tiên tại căn cứ không quân Al-Dhafra và chắc chắn chúng tôi sẽ lo lắng nếu việc đó có xảy ra”, ông nói.
Mỹ và các nước khác đang thúc giục đối tác vùng Vịnh hạn chế tiếp xúc với Triều Tiên.
Oman đã trục xuất 300 người Triều Tiên làm việc tại nước này vào tháng 12 năm ngoái, theo nguồn tin của Hàn Quốc. Tại Qatar, Liên Hợp Quốc cho hay một công ty xây dựng đã sa thải 90 lao động Triều Tiên vào năm 2015.
Sứ quán duy nhất của Triều Tiên trong khu vực nằm ở Kuwait City. Giới chức địa phương năm 2016 đã ngừng các chuyến bay thẳng của hãng hàng không nhà nước Triều Tiên Air Koryo và ngừng cấp thị thực lao động mới. Quan chức sứ quán và chính quyền Kuwait và Qatar đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Sứ quán Oman tại Washington cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi nghe nói về công dân Triều Tiên bị trục xuất khỏi nước”. Họ không trả lời bất kỳ câu hỏi nào.
Ngày nay, các quốc gia vùng Vịnh giữ mối quan hệ với Triều Tiên khá lặng lẽ trong khi cung cấp dầu và khí đốt cho các đối thủ gần nhất của Bình Nhưỡng là Hàn Quốc và Nhật Bản. Do đó, các nước vùng Vịnh có thể quay lưng lại với Triều Tiên nếu nhận được cú hích mạnh, Cafiero nói.
“Mỹ đã gây áp lực để các quốc gia vùng Vịnh rời xa Triều Tiên. Tôi nghĩ rằng chính quyền Trump sẽ tiếp tục những nỗ lực đó”, ông nói. “Các quốc gia Arab ở vùng Vịnh sẽ chịu nhiều tổn thất nếu xung đột xảy ra”.
Phương Vũ
Theo VNE
Qatar mua 7 tàu chiến Italy giữa khủng hoảng vùng Vịnh
Qatar mua 7 tàu hải quân trong hợp đồng trị giá gần 6 tỷ USD khi đang mâu thuẫn với các nước Arab.
Ngoại trưởng Italy Angelino Alfano bắt tay người đồng cấp Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani hôm 2/8 ở Doha. Ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani hôm 2/8 thông báo về thỏa thuận quốc phòng tại họp báo chung ở Doha với người đồng cấp Italy Angelino Alfano.
Các quan chức không cung cấp thêm chi tiết về hợp đồng trị giá 5,9 tỷ USD, chỉ cho biết thỏa thuận nhấn mạnh hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Thỏa thuận bao gồm việc mua 4 tàu hộ tống nhỏ, một tàu đổ bộ và hai tàu tuần tra, theo New York Times. Đây là hợp đồng vũ khí lớn thứ hai kể từ khi cuộc khủng hoảng vùng Vịnh nổ ra. Hồi tháng 6, Mỹ nhất trí bán các chiến đấu cơ F-15 cho Qatar trong hợp đồng trị giá 12 tỷ USD.
Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh xảy ra từ tháng 6, khi 4 nước Arab cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc Doha ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và Tehran. Qatar bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời tuyên bố không chấp nhận điều kiện các nước này đưa ra để nối lại quan hệ ngoại giao.
Trọng Giáp
Theo VNE
Mỹ điều đặc phái viên giúp giải quyết khủng hoảng vùng Vịnh Ngoại trưởng Mỹ cử hai quan chức tới vùng Vịnh để gây áp lực, giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao đang diễn ra tại khu vực này. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: Reuters. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết ông đã cử nhà ngoại giao cấp cao Tim Lenderking tới vùng Vịnh để thúc đẩy quá trình hòa giải...