Lao động nữ ngại báo cáo sếp ‘em đến kỳ, xin nghỉ 30 phút’
Lần đầu tiên chế độ nghỉ cho lao động nữ được quy định cụ thể, nhưng nhiều chị em băn khoăn vì cho là chuyện tế nhị, khó nói.
Nghị định 85 quy định lao động nữ được nghỉ 30 phút trong thời kỳ kinh nguyệt sắp có hiệu lực vào ngày 15/11. Đây là lần đầu tiên lao động nữ được thêm thời gian nghỉ ngơi trong những ngày “khó ở”. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Thắm, công nhân dệt may ở Khu Công nghiệp Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), cười bảo không quan tâm lắm đến điều này, bởi hàng năm công nhân có ngày nghỉ phép, nghỉ lễ còn bị bớt xén, huống chi là nghỉ 30 phút cho ngày “đèn đỏ”.
Chị Thắm kể, công nhân dệt may ngồi bên máy khâu cả buổi, chỉ rời chỗ làm lúc đi ăn cơm, vệ sinh. Ăn cơm xong được nghỉ một lúc rồi lại làm tiếp, không có thời gian tranh thủ chợp mắt chứ đừng nói là được nghỉ 30 phút khi đến chu kỳ. Nhiều khi mệt ốm họ cũng gượng đi làm, không đi thì bị trừ tiền. “Có hôm xin nghỉ 30 phút để về sớm cũng vấp phải sự khó chịu của tổ trưởng, đốc công. Chưa kể sếp là nam, làm sao mình dám nói là em đến kỳ rồi, cho em nghỉ”, chị chia sẻ.
Nhiều người cho rằng, quy định nghỉ 30 phút trong ngày “đèn đỏ” sẽ khó áp dụng với doanh nghiệp có hàng ngàn lao động nữ, sản xuất theo dây chuyền.
Chị Ngọc Huyền, nhân viên truyền thông ở Cầu Giấy (Hà Nội) thấy thú vị với quy định này. Thực tế đến ngày “đèn đỏ”, giới văn phòng như chị vẫn có thời gian nghỉ ngơi, thay đồ khi thấy bất tiện, dù công ty không có quy định. Công việc không yêu cầu gắt gao về giờ giấc, miễn hoàn thành xong vào cuối ngày nên dù có nghỉ 30 phút hay không thì cũng không ảnh hưởng lắm đến chị Huyền.
“Mình thấy quy định hay nhưng với cường độ làm việc lớn như hiện nay ở các công ty rồi nó cũng sẽ chìm nghỉm giữa hàng nghìn quy định khác và khó ai thực hiện”, chị Huyền nói và cho rằng chị em đến kỳ hành kinh có thể đau bụng, đau lưng khủng khiếp, vậy nên “30 phút chưa bõ bèn gì”. Thay vì cho nghỉ với thời gian hạn chế như vậy thì nên cộng dồn, quy thành một ngày nghỉ trong năm cho lao động nữ.
Đứng ở góc độ quản lý, chị Mai Ánh Hồng, quản lý của công ty liên doanh về đồ điện tử ở Bắc Ninh đánh giá, quy định sẽ không có mấy giá trị đối với nơi có hơn 5.000 công nhân nữ, làm việc theo dây chuyền liên tục như công ty chị. Vị quản lý phân tích, chu kỳ sinh lý của chị em tháng nào cũng đến. Tính thử, nếu dây chuyền đang sản xuất tự dưng có công nhân xin nghỉ 30 phút thì một khâu sẽ bị chững lại, kéo theo những khâu khác. Năng suất lao động giảm đi, sản phẩm làm ra không đủ doanh số, ông chủ không đồng ý.
Bên cạnh đó, chị Hồng đặt câu hỏi nếu bị bệnh thì có giấy khám bệnh, nhưng kỳ kinh nguyệt thì lấy gì để chứng minh? Nhiều người có chu kỳ không đều, lần này đầu tháng, lần sau giữa tháng. “Nếu có sổ theo dõi cũng không chính xác và không ai làm công việc thừa thãi đó cả. Chu kỳ là điều kín đáo, chị em còn ngại nói với chồng, với người thân, làm sao nói cho quản lý biết, nhất là sếp nam”, chị Hồng nói và cho biết, doanh nghiệp nào cũng có phòng y tế. Các nữ công nhân đau bụng, đau lưng quá có thể xuống đó nghỉ 30 phút hoặc xin thuốc uống. Điều này là linh động trong công ty và quản lý cho phép.
Video đang HOT
Anh Doãn Bình Minh, giám đốc công ty chuyên về thiết kế nội thất cho biết, công ty anh có hơn 30 lao động, một nửa là phụ nữ. Việc cho chị em nghỉ 30 phút khi đến kỳ kinh nguyệt “có vẻ hơi kỳ lạ”. “Nhiều khi các chị xin nghỉ làm chút việc riêng, mình vẫn cho, hoặc không cho nhưng họ vẫn nghỉ, bảo đau bụng, chẳng lẽ mình lại hỏi? Chưa kể tháng nào cũng có chị em đến kỳ, nếu cứ lần lượt lên báo cáo thì đau đầu lắm. Có người xin nghỉ thật, nhưng có người gian lận giờ thì sao? Chẳng lẽ lại đánh dấu kỳ kinh nguyệt của chị em vào sổ rồi từ đó về sau, cứ thế mà cho nghỉ à?”, anh Minh hóm hỉnh đặt câu hỏi.
Bà Trương Thanh Hằng, Trưởng ban nữ công Tổng liên đoàn lao động cho biết, việc nghỉ này đã có trong Điều 155, Bộ Luật Lao động 2012. Nghị định 85 làm rõ hơn việc được nghỉ 30 phút trong 3 ngày, cụ thể hóa để doanh nghiệp thực hiện thuận lợi hơn. “Đây là quy định rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm đối với lao động nữ”, bà Hằng nói.
Theo bà, trên thực tế từ khi chưa có quy định này thì một số doanh nghiệp đã đưa vào trong thỏa ước tập thể nhưng không nhiều. Doanh nghiệp nào thực sự quan tâm đến lao động nữ thì tính 3 ngày và tính theo lương thời gian. Để quy định thực sự phát huy lợi ích thì phải doanh nghiệp phải đưa vào nội quy thông qua thỏa ước lao động tập thể, có sự giám sát của công đoàn.
“Việc thực hiện tùy theo điều kiện từng doanh nghiệp. Nếu không áp dụng quy định cho lao động nữ nghỉ ngơi, doanh nghiệp có thể tính theo lương thời gian. Quy đổi trong thời gian nghỉ ngơi 30 phút, lao động làm được bao nhiêu sản phẩm rồi quy ra tiền đưa vào lương cho họ”, bà Hằng nói.
Nghị định 85 của Chính phủ quy định lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu 3 ngày trong tháng. Trong thời gian nghỉ, người lao động vẫn được hưởng đủ số tiền lương theo hợp đồng lao động. Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/11.
Phương Hòa
Theo VNE
Được nghỉ thêm 30 phút ngày 'đèn đỏ': Cần linh hoạt khi thực hiện!
Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ, có hiệu lực từ ngày 15.11. Theo đó, lần đầu tiên chế độ nghỉ vào ngày "đèn đỏ" được luật hóa.
Nữ lao động được nghỉ 30 phút trong ngày "đèn đỏ" giúp chăm sóc sức khỏe tốt hơn - Ảnh: Ngọc Thắng
Có thể gây xáo trộn
Trả lời phỏng vấn PV Thanh Niên Online về chuyện này, chị Ngọc Liên, công nhân của một công ty may ở Hà Nội, cho biết: "đèn đỏ" là vấn đề bình thường với nữ giới, nhưng với công nhân may như tôi thì những ngày "đèn đỏ" quả thực là rất ngại, bởi nó làm tăng thêm sự bí bức, đau - mỏi lưng, nhất là mùa hè nóng nực. Chị chia sẻ, mỗi kỳ kinh, bụng đau, lưng mỏi chỉ muốn nằm.
"Nếu được nghỉ 30 phút vào những ngày đó thì sẽ tốt hơn cho cả tinh thần lẫn sức khỏe. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm công việc của tôi, với ngành nghề may, làm theo dây chuyền, năng suất của mình cũng liên quan đến các thợ khác. Nếu mình nghỉ mà họ vẫn làm thì có thể sẽ vênh nhau, do vậy có nghỉ thì cũng phải có kế hoạch phù hợp", chị Liên nói.
Anh Hoàng Minh (nhà ở tập thể Trương Định, quận Hai Bà Trưng) từng có 20 năm làm công nhân tại một công ty đóng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, nói vui rằng: "Có chị chỉ cần nhìn mặt nhăn nhó, tay ôm bụng là biết ngay đang "đèn đỏ". Nhưng theo tôi, không phải ai cũng có nhu cầu về nghỉ ngơi do việc này. Bằng cớ là lâu nay, các chị em vẫn làm tốt công việc".
Theo quan điểm của anh Minh, quy định nghỉ 30 phút rất hữu ích cho sức khỏe của chị em. Thế nhưng, vấn đề thực hiện thì sẽ phụ thuộc vào cách làm của từng công ty. Do nhu cầu nghỉ khác nhau giữa các chị em nên có thể gây xáo trộn trong nề nếp, tiến độ công việc, đặc biệt tại những nơi làm việc dây chuyền, đòi hỏi tính phối hợp tập thể.
Với kinh nghiệm từng nhiều năm là quản đốc phân xưởng may, bà Lan (nhà ở quận Hoàng Mai) băn khoăn về chủ trương thực hiện "giải lao 30 phút" với các đơn vị có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, công nhân nữ.
Việc áp dụng ưu tiên thời gian nghỉ thêm cho lao động nữ sẽ tùy thuộc vào tính chất của từng công việc - Ảnh: Ngọc Thắng
Theo bà Lan, quy định này rất nhân văn, tốt cho chị em công nhân nữ. Chỉ có điều, theo bà, cái "ngày ấy"ở mỗi người là khác nhau và ngày bắt đầu của chu kỳ cùa từng người cũng khác nhau. Ví dụ, tháng này, ngày đầu tiên của chu kỳ là mùng 10 thì tháng sau lại vào mùng 8 hoặc lui đến ngày 12. Vậy việc đăng ký nghỉ sẽ như thế nào? Nghỉ liên tục 30 phút hay nghỉ 3 lần, mỗi lần 10 phút.
"Hoặc tháng này cùng lúc có nhiều người thuộc trường hợp đối tượng cần "nghỉ 30 phút liên tục" thì có thể việc đó sẽ rất ảnh hưởng đến tiến độ lao động chung", bà Lan phân tích thêm.
Rất cần thiết
Còn chị Minh Thu, nhân viên kinh doanh của công ty liên doanh trên địa bàn, thì cho biết: "Mình chưa rõ lắm về quy định này, nhưng sự áp dụng ưu tiên cho lao động nữ sẽ tùy thuộc vào tính chất công việc. Ví dụ, khi có lịch gặp gỡ trao đổi công việc với khách hàng thì có "đèn đỏ" hay đèn gì cũng cố mà thu xếp. Nếu để người khác đi thay có thể sẽ mất cơ hội của chính mình hoặc lỡ công việc chung của công ty. Theo tôi, dù được "ưu đãi" 30 phút thì lao động nữ cũng vẫn phải chủ động thu xếp.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS-TS Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho rằng: Việc dành ra 30 phút cho lao động nữ là cần thiết, vì những ngày này chị em cần phải thay băng vệ sinh. Nếu không được đảm bảo vệ sinh, không được thay băng vệ sinh phù hợp kịp thời sẽ dễ dẫn đến viêm nhiễm đường sinh sản; gây nhiễm trùng nhiễm độc do vi khuẩn. Do vậy, việc bố trí thời gian như vậy sẽ đảm bảo tốt hơn cho sức khỏe phụ nữ, đặc biệt trong môi trường và điều kiện phải làm việc liên tục theo ca kíp".
"Ngoài ra, cùng với việc dành quỹ thời gian "ưu đãi" cho chị em cũng phải cân nhắc bố trí khu vệ sinh, nguồn nước sạch...", bà Hồng nói thêm.
Liên Châu
Theo Thanhnien
Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/11/2015 Miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề có thể bị phạt 150 triệu đồng;Gia cố tàu bọc vỏ thép được vay 70% giá trị nâng cấp... là những chính sách có hiệu từ 1/11 tới đây. Miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài Nghị...