Lao động nghèo rớt nước mắt chờ thưởng Tết
Năm hết Tết đến, người lao động làm việc ngoài tiền lương tháng, còn mong vào tiền thưởng, nhưng mọi chuyện không như ý muốn.
Chồng làm đêm, vợ ở nhà chăm con mới sanh. Tết nay vợ chồng anh chị Tân không về quê mà ở lại TPHCM để giảm bớt chi phí chi tiêu, trả nợ nần.
Không như những năm trước, năm 2012 do tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến đổi, theo chiều hướng xấu khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, phá sản. Kéo theo đó là những hệ lụy cho công nhân – những người trực tiếp hay gián tiếp sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa.
Làm 6 năm, thưởng 1 tháng
Anh Nguyễn Thanh Tân (SN1970, quê Thừa Thiên Huế) là lao động chính trong gia đình. Anh Tân làm công nhân cho một công ty giày tư nhân đóng trên địa bàn quận Bình Tân (TP.HCM) đã được 6 năm nay.
Do thời điểm cuối năm, lượng hàng cam kết với đối tác cần làm gấp nên công ty tăng cường làm thêm vào ban đêm. Anh Tân được xếp vào ca từ 10h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Do công ty không cấp chế độ ăn đêm nên anh phải nấu cơm ở nhà rồi mang đến công ty. Theo anh Tân, một phần ăn đỡ ngán, phần tiết kiệm được đồng nào đỡ đồng nấy.
Hỏi về tiền thưởng Tết Nguyên đán sắp tới, giọng anh Tân trầm xuống: “Tôi làm ở công ty đã được 6 năm rồi nhưng năm nay nghe thông báo thưởng Tết chỉ được vỏn vẹn 1 tháng lương. Điều này khiến tôi buồn nhưng biết làm sao khi tất cả đều khó khăn”.
Thu nhập của anh cộng lại tất cả các khoản được trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Hiện anh Tân đang cùng vợ mới sinh con thuê nhà trọ trên đường Tên Lửa (Q.Bình Tân) với giá 1,5 triệu đồng/ tháng, chưa kể các chi phí khác.
Vợ anh, chị Trần Thị Mỹ Hạnh làm công nhân ở Công ty Pou Yuen gần đó. Chị Hạnh được nghỉ thai sản 4 tháng nhưng do cần tiền chị bàn với chồng gửi con ở nhà nhờ người hàng xóm chăm sóc để rảnh tay đi làm thêm.
“Tiền nhà trọ năm 2013 chủ nhà tăng thêm 100 ngàn đồng/tháng. Tiền nước, tiền điện cũng tăng lên khiến chúng tôi lo lắng nhiều. Tiền sữa uống, tã lót, vật dụng cho bé cũng tốn kém đáng kể. Chưa nói những lúc bé bệnh, hai vợ chồng xin nhau nghỉ phép luân phiên để chăm bé”. – chị Hạnh tâm sự.
Để hạn chế tiền bạc tốn kém, năm nay vợ chồng anh Tân quyết định không về quê ăn Tết. Lý do anh chị Tân đưa ra là số tiền chi cho xe cộ rất nhiều, cộng với tâm lý đã về quê thì phải có tiền tiêu xài, ăn chơi, lì xì trong ba bữa Tết, chứ về mà trong túi không có gì thì biết nói chuyện với ai.
Nợ lương kéo dài, nói gì đến thưởng
Trường hợp vợ chồng anh Tân nói trên cũng còn may mắn khi công việc ổn định, có tiền thưởng Tết, dù không nhiều. Trong khi, hàng chục lao động trên huyện Hóc Môn lại đang lao đao.
Trước khi ngừng hoạt động, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đại Thắng Lợi VNC (tại địa chỉ số 5/19 ấp Thới Tứ, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn,TPHCM) viết cam kết trả hết lương nợ cho gần 40 lao động. Tuy nhiên, nhiều lần hẹn trả nợ nhưng khi công ty đóng cửa, giám đốc dây dưa trả nợ do chưa có nguồn thu.
Trước đó, vào những ngày cuối tháng 12/2012, gần trăm công nhân và người nhà kéo đến “bao vây” quanh công ty để đòi nợ lương. Họ thay phiên nhau ăn nằm ngủ nghỉ tại chỗ, suốt đêm đến sáng để đòi nợ, lo sợ công ty tẩu tán tài sản.
Video đang HOT
Chị Phạm Thị Hồng (SN 1987, ngụ Q.Gò Vấp) với ánh mắt quầng thâm, gương mặt hốc hác do thiếu ngủ, buồn bã nói: “Chắc năm nay tôi ở nhà, không biết đi đâu vì trong túi không có tiền lấy đâu mà tiêu xài”.
Mong muốn cuối năm có tiền lương thưởng để ăn Tết cổ truyền nhưng nhiều công nhân đã thất vọng do công ty phá sản, giám đốc dây dưa trả nợ lương.
Bi đát nhất là anh Lê Hoài Di (ngụ Hóc Môn) nhà nghèo, vợ con nheo nhóc, anh lại là lao động chính trong gia đình. Tiền lương dành dụm không dám tiêu xài nhưng vì tin tưởng chủ nên anh đã lấy số tiền 9 triệu đồng cho ông giám đốc mượn. Hai bên có viết giấy vay nợ, có mộc đỏ và chữ ký của giám đốc công ty, ngày hẹn trả ngày 20 rồi đến ngày 24, 27/12/2012 nhưng mọi chuyện lại kéo dài khiến anh thất vọng.
Bé Huỳnh Bích Phượng (SN 2000, ngụ Hóc Môn) – lao động nhỏ tuổi nhất trong nhóm cũng có mặt trong những buổi “nằm đường” để chờ lương. Em cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em nghỉ học sớm, xin vào làm việc tại công ty Đại Thắng Lợi được 2 tháng. Em làm từ sáng sớm đến 8 giờ tối mới nghỉ việc. Dự định cuối năm có tiền lương, thưởng phụ giúp gia đình, nhưng sự việc xảy ra khiến em lo âu, buồn bã.
Trong số gần 40 người làm công nhân tại công ty Đại Thắng Lợi, đa phần là người dân tỉnh lẻ như Quảng Nam, Kiên Giang, Bình Thuận… Có được việc làm thì trông mong vào đồng tiền lương ít ỏi để trả tiền nhà trọ, chi tiêu cá nhân, chuẩn bị cho việc ăn Tết Qúy Tỵ thế nhưng với “sự cố” xảy ra khiến họ thật sự hụt hẫng. Choáng váng hơn khi họ không có một tấm giấy lận lưng như hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, y tế…
Dù mới đây, công ty đã trả nợ lương cho công nhân. Vậy nhưng họ lại đang thất nghiệp. “Lo chi tiêu, trang trải cuộc sống chưa đủ, nói gì đến một cái tết ngọt ngào”, nhiều công nhân chia sẻ.
Tính đến cuối năm 2012, toàn TP Hải Phòng có trên 800 doanh nghiệp (DN) phải ngừng hoạt động, trên 1000 DN tạm đóng mã số thuế, số lao động mất việc tăng, với gần 9.000 lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp thuộc các ngành da giầy, may mặc, đóng tàu, điện tử, sản xuất thép, vật liệu xây dựng … tăng 172% so với năm 2011.Chính vì vậy, năm nay nhiều người lao động ở Hải Phòng không được thưởng tết.
Tại Đà Nẵng, tuy tiền thưởng Tết ổn định, nhưng chênh lệch giữa công nhân và quản lý vẫn ở mức cao. Và mức thưởng vẫn chưa đảm bảo khiến đời sống người công nhân gặp không ít khó khăn, nhất là vào dịp Tết. Chị Trần Thị Hà (quê Quảng Nam), công nhân nhà máy tại khu công nghiệp Hòa Khánh cho biết: “Thưởng Tết năm nay cũng như năm ngoái là một tháng lương. Tuy nhiên, thu nhập trong năm 2011 cao hơn, nên thưởng Tết năm 2012 nhiều hơn. Nếu so ra số tiền 2 triệu đồng thưởng Tết chỉ bằng 2/3 so với năm ngoái, nên trước giá cả tăng cao như hiện nay khiến chi tiêu gặp khó khăn hơn, nhất là trong và sau Tết. Nhưng tụi em cũng không lấy làm buồn lắm, vì cũng còn có thưởng Tết, chứ như công nhân phía nam, chỉ có vài trăm nghìn, thậm chí là không có cả thưởng Tết, hoặc thưởng bằnì lao động sản phẩm.
Theo xahoi
Chung cư không chồng giữa chốn Đà thành
Ở đó, các chị hiếm khi đón Tết, mà chỉ vui trong những ngày cận Tết khi tự tay làm mâm cơm tất niên hay dè sẻn từng đồng để sắm cho con bộ quần áo mới.
Tết đầu tiên những người mẹ đơn thân được sống trong khu chung cư mới khang trang thế này
Khu tái sinh
Chúng tôi đến thăm "chung cư không chồng" ở phường Hoà Minh (quận Liên Chiểu - TP Đà Nẵng) vào một buổi chiều giáp Tết.
Chị Lê Thị Ái Nhung (Chi hội trưởng phụ nữ khu chung cư phụ nữ đơn thân) nói, nơi này giờ được chị em gọi là khu tái sinh, chứ gọi xóm không chồng nghe tủi thân lắm.
Nhà chị Hồ Thị Thành (44 tuổi), 50m2 còn thơm mùi sơn. Người phụ nữ tật nguyền ngồi lặng lẽ trên chiếc xe lăn, gương mặt đầy vẻ lo âu. Chị chuẩn bị đi thăm con gái nằm viện gần một tháng nay. Chưa có sự chuẩn bị gì cho Tết trong ngôi nhà nhỏ này.
Một tháng trước bé Phố (học lớp 2, con gái chị Thành) đột nhiên sốt cao, phải nhập viện, khám ra mới biết bé bị u lympo tăng sản.
Chạy vạy khắp nơi chữa bệnh cho bé, chị Thành gầy rạc. Chị Nhung ái ngại: "Người ta nói phẫu thuật rồi, nhưng vẫn chưa biết bệnh con bé sẽ diễn biến thế nào, bây giờ ngày nào chị Thành cũng vào bệnh viện chăm con, Tết này chắc hai mẹ con ở trong bệnh viện. Có mỗi đứa con, giờ lại bị đau nặng thế thì tết nhất chi nữa".
Chị Ngô Thị Cẩm chăm sóc vườn rau nhỏ bên cạnh chung cư.
Bé Phố học giỏi Toán, thương mẹ lắm. Học kỳ vừa rồi, bé được học bổng 700 nghìn đồng, thấy con ham học, chị Thành đi mượn thêm 300 nghìn mua cho bé cái bàn học. Nhưng chưa kịp vui với bàn học mới, Phố đã nhập viện, bỏ cả thi học kỳ.
Tết, Phố không bao giờ đòi áo quần mới như những đứa trẻ khác. Thương con nhưng với đôi chân tật nguyền và căn bệnh viêm thận, người mẹ không thể làm gì hơn.
Mỗi người phụ nữ một hoàn cảnh, một vùng quê, rồi gặp nhau ở nỗi bất hạnh, buồn đau trong quá khứ mà bây giờ cùng nhau sống trong khu chung cư này.
Chị Ngô Thị Cẩm (52 tuổi) có đứa con gái năm nay 27 tuổi, nhưng nó vẫn mang thân hình một đứa trẻ lên 7, bị động kinh và tàn tật nên không thể tự chăm sóc bản thân.
Vì phải trông nom con nên chị không thể rời nhà đi buôn bán đâu được. Cũng may có tiệm tạp hoá nhỏ ở nhà. Chai nước, gói bánh, cái kẹo, quyển vở... ngày bán được 20-30 nghìn, cũng có ngày không bán được gì.
Với chị, Tết nào cũng chỉ vậy, ở nhà trông con, không sắm sửa gì nhiều. Bà con ít, lại ở xa, nên nhà chị luôn quạnh quẽ dịp Tết.
Những ngày này chị Hồ Thị Thành luôn túc trực ở bệnh viện để chăm sóc bé Phố
Số phận có lẽ may mắn hơn với chị Lê Thị Kim Phượng (42 tuổi). Khoe bằng khen 12 năm liền học sinh giỏi của cậu con trai, chị Phượng hạnh phúc: "Cháu học giỏi, ngoan và thương mẹ lắm, năm vừa rồi cháu đỗ vào Đại học Kinh tế, nhìn con là mỗi ngày tôi lại có thêm động lực sống. Vất vả, nợ nần mấy cũng được, hy vọng số nó rồi sẽ không phải khổ như tôi".
Rồi chị bần thần: Chưa năm nào chị mua được cho con bộ đồ mới, sợ nó tủi thân với bạn bè. Ngày Tết chị cũng phải để con ở nhà một mình để tranh thủ đi bán vé số, ra Tết mới có tiền đóng học phí...
Phụ nữ đơn thân nuôi con cơ cực trăm bề. Ở khu chung cư này, cũng có người may mắn tìm được bạn đời rồi cùng nhau vun vén cho hạnh phúc gia đình. Có người vừa chăm chỉ làm ăn, vừa nuôi dạy con tốt. Cũng có người ngày lại ngày thui thủi một mình với những đứa con tật nguyền mà họ gọi là số mệnh không thể cưỡng lại.
Cuộc sống ở đây vẫn lặng lẽ trôi mặc cho ngoài kia không khí Tết đang len lỏi vào từng góc phố, từng ngôi nhà và trên từng khuôn mặt người...
Ấm lòng những ngày giáp tết
Chung cư cho phụ nữ đơn thân thuộc Khu tái định cư Hòa Minh được mở rộng dành cho những chị em kém may mắn.
Từ năm 2008, chị em đã ở cạnh nhau tại khu nhà liền kề cũ. Tháng 5/2012, chung cư mới đi vào sử dụng, chị em được quan tâm chuyển về đây, lúc đầu 126 chị, nay lên con số 144, chia nhau ở trong 4 khu nhà.
Là người gắn bó chị em từ lúc còn ở khu nhà liền kề, ông Phạm Trung Khảm (Bí thư chi bộ Hòa Phú 5A, phường Hòa Minh) nắm rõ hơn ai hết những cảnh đời ở đây.
144 hộ gia đình, phần lớn là chị em nghèo, nuôi con tự túc, số còn lại là gia đình diện chính sách và hộ neo đơn, không có nhà ở. Đa số lao động chân tay nên đời sống rất khó khăn, thiếu thốn.
Từ lúc chuyển qua khu chung cư mới đến nay đã hơn 7 tháng, nhà rộng rãi, khang trang hơn nên ai cũng phấn khởi, không còn phải chịu cảnh trời nắng thì nóng, trời mưa thì ngâm nước nữa.
Được thành phố hỗ trợ công ăn việc làm nên đời sống chị em đỡ bấp bênh hơn trước. Tuy nhiên, thu nhập hằng tháng của nhiều chị ở đây chỉ có 600 nghìn đồng, thậm chí thấp hơn, phải dựa vào tiền trợ cấp mới không đói.
Nhiều người không thể lao động chân tay, vay vốn mở cửa hàng tại gia rồi thua lỗ, nợ nần... Thông cảm, nên hằng năm từ thành phố cho tới quận, phường đều đến thăm hỏi, động viên, trợ cấp tiền và quà để chị em đón Tết bớt âu lo.
Tết đầu tiên những người mẹ đơn thân được sống trong khu chung cư mới khang trang thế này
Chị Lê Thị Ái Nhung (42 tuổi) là Chi hội trưởng phụ nữ, lại có cùng hoàn cảnh nên rất hiểu những buồn lo của chị em trong khu. Chị Nhung đẹp. Trước, gia đình cưới hỏi đàng hoàng và đám cưới nghe đâu to lắm. Rồi chị sinh con đầu lòng bị tật, chồng bỏ đi biền biệt.
Nhớ lại những ngày chưa vào sống ở khu chung cư, chị chật vật với tiền trọ, tiền ăn, tiền thuốc, chăm con, công việc... cay đắng trăm bề.
"Cũng may là có thành phố quan tâm hỗ trợ giúp đỡ đưa chị em vào đây sống, nếu không chẳng biết cuộc đời rồi sẽ trôi về đâu. Ngoài kia vẫn còn bao nhiêu chị em phụ nữ vất vả, mình vào đây là mình đã may mắn hơn họ. Lúc nhận nhà ở khu chung cư mới, chị em mừng phát khóc. Những người ở đây ai cũng mang nỗi bất hạnh, không nhiều thì ít. Ai cũng khổ. Nhiều chị em không chồng, tự túc nuôi con, rồi lâm vào túng quẫn. Người ta nói họ tự chuốc khổ vào thân. Nhưng người ta đâu hiểu niềm vui được làm mẹ" - chị Nhung tâm sự.
Năm hết Tết đến, những lo toan, những bộn bề nơi "chung cư không chồng" vẫn còn đó. Nhưng may mắn thay vẫn còn có những tấm lòng, sự an ủi, sẻ chia ấm áp, chân thành.
Niềm vui với chị em là tự tay làm mâm cơm tất niên mời hàng xóm đến chung vui, là tham gia tất niên chung được gặp gỡ tất cả mọi người, là tự tay chăm sóc vườn rau Tết để tiết kiệm chi phí sắm sửa, là dè sẻn mua cho con một bộ đồ mới... Chị Nhung kể, ở đây các hộ gia đình không hoặc ít đón Tết, chỉ có không khí những ngày cận Tết là vui vẻ, rộn ràng. Mới đây, thành phố hỗ trợ mỗi người một triệu đồng đón Tết.
Theo xahoi
Chủ tịch tỉnh đối thoại với công nhân Hàng ngàn công nhân Công ty TNHH Minh Phú (Hậu Giang) tập trung đình công, yêu cầu chủ doanh nghiệp thưởng Tết đủ lương tháng 13. Ông Trần Công Chánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phải trực tiếp xuống KCN Sông Hậu để "giải vây" trước số đông công nhân. Ngay từ sáng sớm 27/1, ngày thứ 2 liên tiếp, hơn...