Lao động chui sang Trung Quốc – Những hiểm họa khôn lường
Do Việt Nam và Trung Quốc chưa có bất cứ hợp tác nào về lao động nên nhiều người qua nước này làm chui đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng đến tài sản, nhân phẩm và tính mạng.
Theo báo cáo của Phòng Bảo vệ chính trị (PA61) – Công an tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2017 đến nay đơn vị này đã phối hợp với các ngành có liên quan, các huyện, thị, thành phố phát hiện ngăn chặn hơn 10 vụ dùng xe ô tô đưa gần 150 người sang Trung Quốc (TQ) lao động trái phép.
Mới đây nhất, ngày 6/2, Công an huyện Cẩm Thủy phát hiện ngăn chặn 32 công dân trên địa bàn chuẩn bị lên xe sang TQ. Hiện có hai người là Lê Thị Phượng (SN 1992, trú xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương) và Nguyễn Anh Tú (SN 1987, trú xã Anh Sơn, Tĩnh Gia) đã bị cơ quan công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra, làm rõ hành vi đưa người xuất cảnh đi lao động trái phép.
Trước thực trạng người dân ồ ạt bỏ xứ sang TQ lao động trái phép, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có công văn chỉ đạo các huyện, thị, thành phố tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn tình trạnh công dân xuất cảnh trái phép đi TQ lao động. Đồng thời giao cho Công an tỉnh Thanh Hóa thống kê, lập danh sách số người đang xuất cảnh trái phép qua nước này để có biện pháp xử lý.
“Cò” lao động ngày càng tinh vi
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc xuất cảnh qua TQ rồi ở lại làm lao động trái phép vẫn diễn ra, mặc dù công an đã phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng. Nguyên nhân do xuất cảnh qua TQ rất đơn giản, không tốn kém nên người dân có thể dễ dàng đi và về, ngoài ra công việc không đòi hỏi tay nghề nên mọi đối tượng có thể đáp ứng được.
Chỉ cần bỏ ra từ 3 – 5 triệu đồng, công dân muốn đi sẽ có người lo từ A đến Z. Trước đây, “cò” lao động có thể tìm về các vùng quê lôi kéo những người nông dân lúc nông nhàn, công ăn, việc làm bấp bênh rồi tập hợp lại thuê xe đưa qua TQ. Tuy nhiên, mấy năm nay lực lượng công an đã truy quét, bắt giữ và truy tố nhiều đối tượng nên hiện nay “cò” không còn hoạt động công khai nữa mà chuyển sang hoạt động lén lút, tinh vi, nhiều thủ đoạn hơn.
Đối tượng Nguyễn Văn Tú (trú tại Anh Sơn, Tĩnh Gia) bị bắt trên đường đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc
Thượng tá Nguyễn Văn Sáng, Phó trưởng Phòng PA61 (Công an Thanh Hóa), cho biết số người trở lại TQ lao động vẫn còn nhiều do những người qua nước này thường có anh em họ hàng bên đó, người từng bị lừa bán và những người sang nhiều nên rành đường đi lối lại, khi cần người họ chỉ gọi điện về nước là xong, ai muốn đi cứ đến biên giới là họ tìm cách đưa sang.
“Giờ công nghệ hiện đại nên “cò” lao động có thể không cần về nước nhưng vẫn lôi kéo được người dân qua bên đó làm chui, vì thế việc xử lý dứt điểm tình trạng này rất khó do đối tượng cần đấu tranh lại không ở địa phương” – Thượng tá Sáng phân tích.
“Để ngăn chặn chiêu trò này, chúng tôi phải phối hợp với công an các tỉnh để xử lý. Nhiều vụ anh em phải đón lõng ở Hà Nội, thậm chí tận Quảng Ninh để bắt và đưa người trở về địa phương” – ông Sáng nói.Cũng theo Thượng tá Sáng, nhiều “cò” có thể ở các tỉnh khác để điều hành, nên nhiều lao động “cò” hướng dẫn bắt xe đi ngược vào các tỉnh phía trong như Hà Tĩnh, Quảng Trị… rồi bắt xe vòng trở ra nhằm qua mắt lực lượng chức năng.
Video đang HOT
Nan giải bài toán việc làm
Theo Trung tá Nguyễn Hữu Định, Phó Trưởng Công an thị xã Sầm Sơn, mấy năm trước thị xã Sầm Sơn cũng là một trong những điểm “ nóng” về tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Có thời điểm lên đến 500 người. Vài năm gần đây, số người xuất cảnh có giảm nhưng vẫn chưa triệt để.
“Mặc dù hàng năm chúng tôi liên tục cử cán bộ xuống tuyên truyền động viên người dân, giúp họ hiểu được hiểm họa từ việc xuất cảnh lao động trái phép nhưng do vấn đề việc làm, an sinh xã hội chưa đảm bảo nên việc ngăn chặn được người dân không xuất cảnh sang Trung Quốc trái phép vẫn còn có cái khó. Sầm Sơn lại là nơi chỉ có thể kinh doanh, mưu sinh được vào mùa hè, còn mùa đông, những lúc nông nhàn, số đối tượng không có trình độ, đối tượng lao động phổ thông lại tìm cách xuất cảnh trái phép”- Trung tá Định cho biết.
Nguyên nhân chủ yếu khiến xuất nhập cảnh trái phép chính là nhu cầu việc làm
Theo công an tỉnh Thanh Hóa, xuất cảnh sang TQ là vi phạm pháp luật, ngoài ra người lao động chui tại đây đã và đang bị xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, nhân phẩm và tính mạng. Bởi hiện nay giữa nước ta và TQ chưa có hợp tác về lao động nên sang đó làm chui, người dân sẽ bị chính quyền TQ truy quét, bắt giam, khai thác, xét xử và bị đối xử thô bạo; bị các tổ chức tội phạm tại TQ lợi dụng vào nhiều hoạt động vi phạm pháp luật (đòi nợ thuê, đâm thuê, chém mướn…); bị lừa đưa đi lao động khổ sai tại các nơi xa xôi hẻo lánh, hoang mạc dẫn tới chết người, biệt tích…
“Qua TQ làm chui là công dân đang phó mặc tính mạng mình nơi xứ người, ngoài bị bắt lao động trong môi trường độc hại, khổ sai, người dân còn bị lợi dụng vào các đường dây buôn lậu xuyên quốc gia, phụ nữ bị đưa vào các nhà thổ trở thành gái mại dâm hoặc bị bán làm vợ người TQ. Nguy hiểm hơn, công dân chúng ta còn là miếng mồi ngon cho hoạt động buôn bán nội tạng người ở TQ” – Thượng tá Sáng nhìn nhận.
Xuất cảnh sang TQ lao động chui không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng của bản thân, mà còn để lại nhiều hệ luy tiêu cực tại địa phương, nhiều nơi (chủ yếu là các huyện ven biển) thiếu lao động có tay nghề hoạt động trên biển dẫn đến tàu thuyền không ra khơi. Nhiều người chết, gặp tai nạn, bị bắt, giam giữ bên nước bạn khiến gia đình ly tán, lao đao…
Để mạnh tay với lao động chui, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra rất nhiều các giải pháp để từng bước hạn chế và chấm dứt tình trạng trên. Theo đó, tỉnh này đã giao cho công an lập tổ công tác xuống tận các thôn, xóm, hộ gia đình để tuyên truyền cho người dân hiểu được sự nguy hiểm khi xuất cảnh trái phép qua TQ, đồng thời thống kê, lập danh sách và phân loại số người xuất cảnh trái phép về quê ăn Tết để áp dụng các biện pháp xử lý.
Tuy nhiên, vấn đề then chốt chính là bài toán giải quyết được công ăn việc làm cho người dân, giúp họ có thu nhập chính đáng, ổn định thì mới chấm dứt được tình trạng này.
“Theo tôi, Thanh Hóa cần phải mở thêm nhiều các lớp đào tạo nghề để công dân có thể chuyển đổi nghề khi cần thiết, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay, để đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất… đồng thời kêu gọi đầu tư, tạo nhiều ngành nghề mới thu hút lao động phổ thông. Có thế mới chấm dứt được việc người dân xuất cảnh trái phép qua TQ làm chui” – vị Phó trưởng phòng PA61 nói.
Bình Minh
Theo Dantri
Lao động "chui" - khổ nhục và rủi ro cao
Theo Bộ LĐTBXH, các hình thức đi làm việc ở nước ngoài ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là xu hướng dịch chuyển lao động "không chính thức" đang gia tăng, với nhiều tai nạn, rủi ro.
Gia tăng lao động "chui"
Tại phiên thảo luận về Di cư lao động diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào cuối tuần qua, bà Lê Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐTBXH) đã trình bày xu hướng di cư kênh chính thức và không chính thức (chui) của lao động Việt Nam hiện nay.
Bà Dung cho biết, dù thời gian qua tỷ lệ lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo kênh chính thức tăng nhưng cùng với đó tỷ lệ lao động đi "chui" cũng tăng theo đáng kể.
"Số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài qua các hình thức "tự đi" hoặc "không chính thức" cũng ngày càng gia tăng. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo cách "tự đi" thường không thuộc đối tượng điều chỉnh của các Bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động được ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước tiếp nhận lao động và họ cũng không thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ" - bà Dung nói.
Lao động Việt Nam làm việc "chui" tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Minh Nguyệt
Qua khảo sát ở một số tỉnh phía Bắc cho thấy, nước tiếp nhận phổ biến đối với người lao động là Thái Lan, trong đó có 2.184 lao động nữ và 3.788 lao động nam. Đối với lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài, thị trường tiếp nhận phổ biến là Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc). Nữ lao động thường làm những công việc như giúp việc gia đình (25%), dệt may (12%), sản xuất chế tạo (12%).
Đối với lao động nam, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm khoảng 15%, Malaysia 12% và Hàn Quốc 12% trong tổng số lao động nam đi làm việc ở nước ngoài, là các thị trường tiếp nhận phổ biến. Ngành nghề công việc thường được người lao động thực hiện ở nước ngoài gồm xây dựng, thợ điện...
Người lao động còn làm việc tại các nước châu Phi (phổ biến là Angola với 1.337 lao động) và một số quốc gia châu Âu (phổ biến nhất là Đức với 368 lao động). Khu vực châu Âu hàng năm có khoảng 18.000 lao động bất hợp pháp từ Việt Nam sang qua các đường dây đưa người trái phép.
Đi dễ - về khó
"Để khắc phục tình trạng dịch chuyển lao động theo đường không chính thức này, trước hết cần tăng cường các khung thể chế, sửa đổi luật; xây dựng thỏa thuận song phương chính thức, các bản ghi nhớ với các nước tiếp nhận lao động. Ngoài ra, cũng cần có cơ chế hỗ trợ tại chỗ phù hợp với lao động".
Lê Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐTBXH)
Lao động Tạ Hữu Sơn (37 tuổi, Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vừa từ Malaysia trở về nước sau 3 năm đi lao động "chui". Khi được hỏi về công việc trước đó, anh Sơn chỉ biết lắc đầu ngao ngán: "Cũng may mà về được, ở lại làm lương thì thấp suốt ngày bị cảnh sát Malaysia truy quét. Thậm chí ốm cũng không dám đi khám vì sợ lộ thân phận".
Anh Sơn nhớ lại, năm 2013 vợ chồng anh nghe theo lời rủ rê của một "cò" lao động, bỏ lại con cho ông bà nội nuôi để đi XKLĐ "chui" ở Malaysia với lời hứa thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Vợ chồng anh đã bỏ ra 40 triệu đồng, trả phí môi giới và tự làm visa đi theo đường du lịch, hết 1 tháng thì bỏ trốn rồi ở lại bên đó làm việc.
"Lúc đi, chúng tôi được đưa đi theo đường bộ, vào Nghệ An, đi qua Lào, qua Thái Lan, rồi qua Malaysia. Lúc vừa sang được giới thiệu vào làm bưng bê trong một nhà hàng. Công việc vất vả lại không biết tiếng nên thu nhập thấp, thường xuyên bị chủ mắng và trừ lương. 2 năm sau lương của vợ chồng tôi mới tăng được một chút (khoảng 8 triệu đồng/người/tháng)" - anh Sơn kể.
Do đi làm việc "chui" nên họ thường xuyên bị cảnh sát truy quét. Hầu như lần nào cũng phải chi tiền "bảo kê". Có ít đưa ít, có nhiều đưa nhiều, nhưng nếu không đưa sẽ bị đánh đập, khám xét rồi tịch thu hết.
Cũng theo anh Sơn, lao động Việt Nam sang Kuala Lumpur (Malaysia) làm việc rất nhiều. Đa phần là đi "chui". "Lúc đầu chưa sang thì mong ước được sang để kiếm tiền về xây sửa nhà cửa. Sang rồi mới thực sự vỡ mộng. Phải chờ tới đợt "ân xá" của chính quyền Malaysia vợ chồng tôi mới dám về nước, vì được hỗ trợ di chuyển với chi phí thấp" - anh Sơn than vãn.
Theo ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), các hình thức đi làm việc ở nước ngoài ngày càng đa dạng và phức tạp. Khi số lượng người lao động ra nước ngoài làm việc tăng cũng như số lượng thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam tăng lên thì việc lao động đi XKLĐ "chui" cũng tăng nhanh.
Ông Hương cho biết, năm 2016, đã có 126.296 lao động (mục tiêu chỉ 100.000 lao động) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Hiện tại có khoảng 500.000 lao động Việt Nam làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong năm 2017, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đang triển khai thực hiện các hiệp định và thỏa thuận về hợp tác lao động đã ký với các nước Thái Lan, Lào, Australia.
"Hiện nay, việc người lao động đi làm việc theo các kênh không chính thống đồng nghĩa với việc họ có thể gặp bất cứ rủi ro nào về tính mạng, sức khỏe, tiền bạc mà không được cơ quan chức năng bảo vệ. Có thể kể tới một số thị trường có tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc "chui" khá lớn là Thái Lan, Lào, Malaysia, Hàn Quốc..." - ông Hương nói.
Hiện trong các bộ luật của Việt Nam chưa có quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan nào trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ số lao động này để có thể đảm bảo quyền, lợi ích của họ được bảo vệ khi làm việc ở ngước ngoài cũng như khi về nước.
Theo Danviet
Về quê ăn Tết, rồi rủ hàng chục người... xuất cảnh trái phép Là đối tượng từng đi Trung Quốc lao động nhiều năm, sau khi về quê ăn Tết, Nguyễn Văn Chiến đã tổ chức thuê xe chở hàng chục người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Theo đó, khoảng 23h ngày 19/2, Công an huyện Quảng Xương và Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp điều...