Lao động chui ở Syria: Ám ảnh kinh hoàng
Không được trả lương, bị bỏ rơi khi chủ nhà đi sơ tán; trên đầu là tiếng bom nổ, súng bắn vang trời, nhà cửa tan hoang, đường phố vắng tanh… là những ký ức kinh hoàng của hai phụ nữ làm lao động chui may mắn được trở về Việt Nam trong những ngày nội chiến diễn ra ác liệt tại Syria.
Đã từng nghĩ bỏ mạng ở xứ người
Kể về những tháng ngày cơ cực khi làm lao động chui ở Syria, chị Lê Thị Thảo (thôn Chí Cường, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) vẫn còn chưa hết bàng hoàng: “Tôi sang Syria để giúp việc gia đình từ tháng 3/2008, qua người môi giới tại Hà Nội. Tôi làm việc quần quật cả ngày nhưng họ không trả lương, do ngôn ngữ bất đồng, đường đi lại không biết, là lao động bất hợp pháp nên chỉ thui thủi trong nhà. Sau hơn hai năm, lần mò mãi tôi mới quay lại được công ty môi giới. Công ty này lại đưa tôi đến giúp việc một gia đình khác tại thành phố Aleppo. Trong gần hai năm làm tại đây, tôi cũng không được nhận lương.
Khi nội chiến xảy ra, tôi nài nỉ ông chủ đưa tôi đến chỗ công ty môi giới. Tại đây, họ bảo ở đó sẽ có người lo tiền cho tôi về nước. Tôi ở lại đó một đêm, sáng hôm sau có người đưa tôi lên thủ đô Damascus và thả tôi ở đó với hai bàn tay trắng. Quang cảnh ở đó tan hoang, ngoài đường chủ yếu có quân đội và cảnh sát. Tôi được một cảnh sát đưa vào trại tị nạn, ở đó chủ yếu là người Philippines, Indonesia… duy nhất có tôi là người Việt Nam. Hàng ngày họ cho chúng tôi ăn bánh mì, riêng ngày Chủ nhật không có gì mà ăn. Sau hơn 5 tháng sống trong tuyệt vọng, ngày 25/4/2013, tôi được đưa về Đại sứ quán Philippines. Nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng với Tổ chức di dân quốc tế, tôi mới được trở về”, chị Thảo nhớ lại.
Cũng như chị Thảo, chị Dương Thị Lan (35 tuổi) thôn 6, xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa cũng được đưa sang Syria năm 2007 bằng đường môi giới tại Hà Nội. Nhớ lại những tháng ngày kinh hoàng chị Lan kể lại: “Tôi đã chuyển 3 chỗ làm vì họ không trả lương. Chỗ làm cuối cùng tôi đến là thành phố Aleppo. Từ 8h-13h là giúp việc gia đình, sau khi ăn điểm tâm họ đưa đến công ty sản xuất đồ nhựa, làm đến 23h mới được nghỉ. Họ hứa trả 150 USD/tháng, nhưng khi hỏi tiền thì họ bảo ra công ty môi giới mà lấy. Ra công ty môi giới thì bảo: Hết hợp đồng 3 năm mới trả. Là lao động bất hợp pháp nên tôi chẳng biết kêu ai, đành cắn răng chịu đựng.
Khi nội chiến xảy ra (6/2012), từ trên tầng nhìn xuống đường phố, nhà đổ, xe bốc cháy, xác người chết…khiến tôi nghĩ mình chắc chết. Rồi một buổi sáng thức dậy, tôi thấy mình bị nhốt trong nhà, gia đình nhà chủ đã bỏ tôi đi sơ tán hết. Hai ngày không có thức ăn, đến ngày thứ 3, tôi nhìn xuống đường thấy một người đàn ông nhưng gọi mãi mà anh ta không nghe thấy gì vì tiếng bom đạn nổ. Tôi phải lấy miếng kính ném xuống thì anh ta mới biết và một lát sau có cảnh sát đến phá cửa đưa tôi đến trại tị nạn ở. Quãng đường khoảng hơn 100 cây số, nhưng phải đi mất 10 giờ đồng hồ vì đi một đoạn lại gặp bom, xe ô tô, xe tăng bị cháy nằm la liệt. Rất may ở đây, Đại sứ quán Philippines đã hỗ trợ tiền (500USD) và chỗ ăn ở cho tôi, sau đó họ liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhờ đó tôi mới được trở về”.
Video đang HOT
Sau khi trở về từ Syria, chị Lan hằng ngày phụ giúp chồng sửa xe máy để trả khoản nợ còn lại. Ảnh: Ngọc Hưng
Đi xuất khẩu gần 5 năm, gửi về hơn 10 triệu đồng
Tiếng súng nổ, tiếng bom bắn phá, máu lênh láng đường phố…những ký ức kinh hoàng ấy vẫn hằng đêm ám ảnh tâm trí chị Thảo, chị Lan. Đây cũng là bài học cho những ai đang có ý định đi xuất khẩu lao động bằng con đường bất hợp pháp.
Anh Phạm Văn Chiêu, chồng chị Thảo vẫn chưa tin là vợ chồng còn có ngày đoàn tụ. Nhớ lại những ngày quyết định cho chị đi xuất khẩu lao động, anh Chiêu thở dài: “Chúng tôi sinh được hai đứa con, nhà làm 6 sào ruộng, hoàn cảnh quá khó khăn, vay mượn được ít tiền đóng lệ phí cho vợ đi lao động xuất khẩu. Bảy tháng đầu tiên không thấy vợ liên lạc về nhà, gia đình lo lắng dò hỏi khắp nơi nhưng chẳng ai biết.
Gần hết 1 năm thì mới thấy vợ điện về, cũng chỉ bảo làm giúp việc gia đình nhưng họ không trả lương và cũng không biết đang ở đâu trên đất nước Syria. Năm thứ 3 vợ thỉnh thoảng mới gọi điện trộm về nhà cũng chỉ nói được dăm ba câu. Đến năm thứ 4 thì mất liên lạc hoàn toàn. Tôi lên báo Công an tỉnh, Tòa án tỉnh nhưng vì vợ tôi là lao động bất hợp pháp nên không giải quyết được. Dò la khắp nơi nhưng đều bặt tăm. Thực sự khi ấy gia đình rất hoang mang, nhiều lúc tôi cứ nghĩ là đã mất vợ vĩnh viễn.
Bỗng nhiên tôi nhận được điện thoại của Đại sứ quán Philippines. Sau khi có địa chỉ của vợ, tôi làm đơn lên Bộ Ngoại giao xin đưa người về. Hôm ra đón vợ ở sân bay, anh em họ hàng góp tiền thuê xe, mua quà bánh. Sau một thời gian dài về nhà tinh thần vợ tôi vẫn còn rất hoảng loạn, đêm đêm thường gào thét trong cơn mê. Gần 5 năm vợ cũng chỉ gửi về được hơn 10 triệu, hiện số nợ vay đi vẫn chưa trả hết”.
Cùng chung tâm trạng thấp thỏm lo âu vì những tháng ngày biệt tăm tin vợ, anh Lê Xuân Sơn, chồng chị Lan cho biết: “Tôi ân hận lắm vì tin lời bà cô ngoài Hà Nội suýt nữa đẩy vợ mình vào chỗ chết. Cả nhà trông chờ vào 2 sào ruộng, năm được năm mất, quán sửa xe máy tuềnh toàng nên tôi định để vợ đi mấy năm kiếm ít vốn mở rộng quán. Ai ngờ, từ ngày đi đến khi về gửi được gần 30 triệu, số tiền vay đi hiện gia đình đang trả lãi hàng tháng. Hiếm hoi lắm vợ mới gọi điện trộm chủ nhà về thăm vài câu. Thời gian gần đây nghe thông tin bên ấy có đánh nhau, tôi như ngồi trên đống lửa… Tôi sợ cảnh vợ chồng li biệt như thời gian vừa qua lắm rồi. Ở nhà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo cùng nhau nuôi đứa con gái đang học lớp 3, sẽ không bao giờ tôi cho vợ đi làm ăn xa nữa”.
Theo Ngọc Hưng (Gia đình & Xã hội)
Nga thêm máy bay sơ tán công dân khỏi Syria
Bộ Các tình trạng khẩn cấp Nga đã gửi thêm một chiếc máy bay tới Syria để sơ tán các công dân muốn rời khỏi nước này.
Tình hình nội chiến ở Syria đang diễn ra căng thẳng
Một phát ngôn viên của Bộ các tình trạng khẩn cấp Nga ngày hôm qua (8/9) cho biết nước này đã điều thêm một máy bay để sơ tán những công dân muốn rời khỏi Syria, trong bối cảnh Mỹ có khả năng tấn công quân sự chính quyền của Tổng thống Assad.
"Một chiếc máy bay Il-76 đã cất cánh khỏi Latakia vào sáng ngày 8/9. Chiếc máy bay này sẽ sơ tán công dân Nga và các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) rời khỏi Syria", phát ngôn viên Irina Rossius cho biết.
Cuối tháng trước, gần 90 người, phần lớn phụ nữ và trẻ em đã trở về Moscow từ Syria trên chiếc máy bay Ilyushin Il-62. Nó cũng cất cánh từ Latakia, một thành phố cảng lớn ở phía tây bắc của Syria.
Khoảng 730 công dân Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã sơ tán khỏi cuộc nội chiến đang diễn ra căng thẳng tại Syria, trên các chuyến bay của Bộ các tình trạng khẩn cấp Nga từ tháng 2/2013.
Tình hình bất ổn ở Syria bắt đầu từ tháng 3/2011 và sau đó leo thang thành một cuộc nội chiến. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, hơn 100.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này cho đến nay.
Theo khampha
Mỹ rút nhân viên ngoại giao khỏi Trung Đông Bộ Ngoại giao Mỹ ngày hôm qua (6/9) đã ra lệnh rút một số nhân viên ngoại giao tại Trung Đông do lo ngại tình hình an ninh tại đây. Bộ Ngoại giao Mỹ rút nhân viên khỏi Li Băng và Thổ Nhĩ Kỳ do lo ngại bị tấn công Quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra trong bối cảnh...