Lao động chưa thể di chuyển trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Do khung trình độ quốc gia trong khối ASEAN tồn tại những rào cản nên lao động Việt Nam chưa thể di chuyển sang các nước làm việc và ngược lại.
Theo cam kết của các thành viên Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), trước mắt 8 ngành nghề gồm: kỹ sư, kế toán, kiến trúc sư, bác sĩ, nha sĩ, điều dưỡng, nhân viên vận chuyển và nhân viên du lịch sẽ được tự do di chuyển lao động sau khi cộng đồng chính thức được thành lập vào ngày 31/12/2015.
Tuy nhiên, do khung trình độ quốc gia hiện nay trong khối ASEAN vẫn tồn tại những khoảng cách cùng những rào cản về ngôn ngữ, luật pháp… nên hiện nay lao động Việt Nam chưa thể di chuyển sang các nước làm việc và ngược lại.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Simon Matthews, Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông về nội dung này.
Ông Simon Matthews trả lời phóng viên VOV
PV: Xin ông cho biết lao động sẽ phải đảm bảo những điều kiện gì để được di chuyển tự do trong Cộng đồng kinh tế ASEAN?
Ông Simon Matthews: Đầu tiên, để di chuyển trong khối ASEAN, ví dụ với ngành kỹ sư chẳng hạn, người lao động sẽ cần phải có chứng chỉ được công nhận, hay còn gọi là yêu cầu về mặt kĩ thuật cần được đảm bảo.
Thứ hai là yêu cầu về ngôn ngữ, mà đa số yêu cầu là tiếng Anh. Thứ ba là yêu cầu về kĩ năng mềm. Sự khác biệt về văn hóa cũng quan trọng vì người lao động sẽ không chỉ di chuyển trong 1 tuần, mà thường sẽ là cả năm. Vì vậy, thích nghi cùng gia đình cùng với sự chọn lựa văn hóa phù hợp sẽ là một thách thức với người lao động.
PV: Như vậy là sự lưu chuyển lao động trong Cộng đồng kinh tế ASEAN mới chỉ ở bước khởi đầu. Vậy khi nào thì 8 ngành nghề mà Cộng đồng cam kết được tự do lưu chuyển sẽ trở thành hiện thực, thưa ông?
Video đang HOT
Ông Simon Matthews: Một năm trước, tôi đi du lịch ở London (Anh) và cảnh sát chỉ đường cho tôi lại là một người Ba Lan. Nhưng với ASEAN, sự di chuyển này sẽ không giống EU, điều đó có nghĩa là không phải chỉ cần có tấm hộ chiếu Việt Nam, bạn có thể đến bất cứ đâu trong khối ASEAN để làm việc.
Thực tại, vẫn còn thiếu rất nhiều vấn đề bảo hộ trong khu vực và nên nhớ tham gia khối AEC không phải là luật bắt buộc, mà mang tính khuyến khích. Hiện tại, tôi chưa thấy có sự thay đổi lớn nào. Mặc dù vậy, xu hướng lao động nước ngoài trong khối ASEAN sẽ đến Việt Nam nhiều hơn nếu họ nhận được giấy phép làm việc thuận lợi hơn, tương tự như tại đất nước khác trong ASEAN.
Bản thân tôi cũng không chắc chắn khi nào các nước sẵn sàng mở cửa. Điều này tùy thuộc vào quyết định của Chính phủ khi lắng nghe doanh nghiệp cũng như điều kiện dành cho người lao động.
PV: Vậy theo ông, ngành nghề nào sẽ thu hút được nhiều lao động nước ngoài đến Việt Nam trong tương lai?
Ông Simon Matthews: Tôi nghĩ đó là kỹ sư. Việt Nam có rất nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước. Vì vậy, sẽ rất có nhu cầu trong tuyển dụng kỹ sư tay nghề cao. Nói về ngành nghề kỹ sư, giống như Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, định nghĩa còn rất mơ hồ, kỹ sư có thể bao gồm các ngành nghề như kỹ sư công nghệ, chuyên gia công nghệ thông tin…
Vì vậy tôi nghĩ, kỹ sư công nghệ sẽ là số 1, sau đó là kỹ sư xây dựng. Việt Nam sẽ có thể có thêm nhà máy lọc hóa dầu và vì vậy nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ sư nước ngoài tay nghề cao sẽ có, nhất là khi ngành nghề này đang thiếu hụt kỹ năng lao động.
Sau đó là du lịch, nếu bạn muốn thu hút khách du lịch Nga chẳng hạn, bạn sẽ muốn lao động hiểu biết văn hóa, ngôn ngữ của Nga để thu hút khách đến Việt Nam. Ngoài ra chúng ta vẫn nói đến bác sĩ, y tá. Họ cần được đào tạo thêm về ngôn ngữ để làm việc tại nước sở tại./.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Hà Nam
Theo_VOV
Dư luận kỳ vọng Cộng đồng ASEAN sẽ phát triển mạnh mẽ
Ngày 31/12, là một ngày đặc biệt quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á khi nó đánh dấu chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN.
Đứng trước cột mốc quan trọng này, các nước thành viên ASEAN đều hết sức mong chờ và kỳ vọng Cộng đồng tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân và các quốc gia thành viên.
Với khoảng 625 triệu dân Cộng đồng ASEAN hiện là nền kinh tế xếp thứ 7 thế giới với GDP hơn 2.500 tỷ USD và có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lên tới 136 tỷ USD. Việc thành lập một Cộng đồng ASEAN được kỳ vọng sẽ nâng vị trí của khu vực trong 10 năm tới sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.
Chú thích ảnh
Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của ASEAN khoảng 7% và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự báo sẽ tăng lên gấp đôi, đạt 4.600 tỷ USD vào năm 2025.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith cho rằng: Tuyên bố thành lập cộng đồng ASEAN có ý nghĩa rất lớn đối với các nước thành viên ASEAN.
Đối với CHDCND Lào, điều này sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội ở Lào đặc biệt thông qua việc thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường hội nhập kinh tế và kết nối khu vực. Qua đó đưa Lào trở thành một quốc gia kết nối trên đất liền của khu vực và trong tương lai sẽ hội nhập nhiều hơn với thế giới, nhằm tăng thu nhập cho đất nước và tạo ra các cơ hội cho doanh nhân Lào nâng cao năng lực để có thể cạnh tranh tốt hơn trong thị trường khu vực và thế giới.
Với khẩu hiệu "Vì con người và lấy con người làm trung tâm", từng người dân trong Cộng đồng ASEAN sẽ là những người được hưởng lợi từ tiến trình hội nhập này.
Anh Khamman, một người dân ở thủ đô Vientinae của Lào chia sẻ: Lào với dân số hơn 6 triệu dân, đầu năm tới cũng sẽ giảm thuế nhập khẩu hàng hóa từ các nước ASEAN về 0%. Khi đó, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Lào cũng có lợi, cũng như các nước láng giềng.
"Lào nằm ở vị trí trung tâm của ASEAN, là nơi cung cấp điện, năng lượng cho các nước trong khu vực. Khi hình thành cộng đồng ASEAN, tác động tích cực sẽ được nhân lên, kinh tế tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người cũng sẽ tăng, tỷ lệ thụ hưởng hàng hóa cũng sẽ tăng, đời sống nhân dân cũng được cải thiện, tôi cho rằng, điều này sẽ có lợi lớn cho nhân dân các nước ASEAN, anh Khamman nói.
Trong khi đó, bạn Neang Phola, một sinh viên đang học tại thủ đô Phnompenh của Campuchia cho biết: "Tôi rất vui khi Campuchia được gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN vì khi tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, các nước khác sẽ đến đầu tư rất nhiều, người dân có việc làm nhiều, tiền lương cũng cao; hàng hóa cũng nhiều giá cả thấp. Tôi xin mở rộng vòng tay để chào đón cộng đồng kinh tế ASEAN".
Cộng đồng ASEAN là cánh cửa hội nhập sâu hơn về mọi mặt giữa các nước thành viên khi giao thông đi lại thuận lợi hơn, thúc đẩy tự do dịch chuyển vốn và lao động, từ đó giúp các nước học hỏi lẫn nhau về phát triển nguồn nhân lực, tạo sự cân bằng hơn về trình độ lao động. Bên cạnh đó, việc hình thành Cộng đồng ASEAN cũng đặt ra nhiều thách thức cho các nước thành viên.
Ông Seang So Panha, Giám đốc Viện Quốc tế - Campuchia - ASEAN của Campuchia nhận định: "Hiện nay chúng ta không thể sản xuất đóng cửa được mà mình phải biết mở cửa để cạnh tranh. Việc cạnh tranh phải dựa vào thế mạnh sản xuất của doanh nghiệp, sản xuất thế nào để sản phẩm mình có chất lượng tốt giá cả thấp.
Các doanh nghiệp làm gì cũng phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, ngay cả công tác quản lý tài chính cũng phải quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc dịch chuyển hàng hóa, tài chính, dịch vụ và các ngành nghề khác trong khối sẽ diễn ra tự do, các doanh nghiệp phải tìm hiểu xem mình có thể phát huy được gì".
"Tôi kêu gọi toàn xã hội phải biết làm chủ trong việc hòa nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, đặc biệt là lực lượng thanh niên phải biết mình đang làm chủ ASEAN, là người tham gia xây dựng ASEAN; thanh niên không nên trông chờ là ASEAN sẽ giúp mình được gì mà mình phải tự hỏi là mình sẽ phải làm gì để giúp ASEAN phát triển".
"Thanh niên phải cố gắng học, đặc biệt là học chuyên môn cho vững như xây dựng, y tế, kế tóan và đo đạc bản đồ. Đây là chuyên môn mà ASEAN rất cần. Tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng cho các nước ASEAN để cũng nhau xây dựng ASEAN ngày càng phát triển trong thời gian tới", ông Seang So Panha nói.
Biết vượt qua những thách thức đó và phát huy thế mạnh của những nền kinh tế năng động trong khu vực, Cộng đồng ASEAN sau khi chính thức được thành lập sẽ phát huy vai trò trung tâm ở khu vực và nâng tầm vị thế của mình trên toàn cầu.
Người dân Cộng đồng ASEAN có thể tự tin và tự hào rằng, lần đầu tiên trong cả chặng đường lịch sử, Đông Nam Á từ chỗ là một khu vực bị chia cắt, xung đột, nghèo đói, nay trở thành khu vực hòa bình, hòa hợp, gắn kết, năng động, tự cường và thịnh vượng./.
PV
Theo_VOV
Cộng đồng Kinh tế ASEAN - Những câu hỏi nóng cho 2016 Trước sức ép cạnh tranh của thị trường hơn 650 triệu dân, liệu doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị để đón nhận cơ hội cũng như đương đầu thách thức, đây là nội dung được quan tâm khi lộ trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang đến rất gần với các nước thành viên; trong đó có...