Lao động bỗng dưng mất việc, không tiền
Hàng loạt doanh nghiệp bị phá sản, dừng hoạt động, khó khăn đến nỗi phải nợ lương người lao động. Điều này đẩy nhiều người lao động đến cảnh bĩ cực không tiền Tết.
Đang làm việc bình thường bỗng nhiên hàng ngàn công nhân bị mất việc ra đường vì công ty tuyên bố phá sản. Người lao động bị nợ lương, nợ BHXH và phải sống trong lo lắng vì không có việc làm khi cái Tết đang cận kề.
Trắng tay vì công ty phá sản
Công ty Sanyo OPT Việt Nam đóng tại Bắc Giang là một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, đăng ký và chính thức hoạt động từ năm 2009 với mặt hàng duy nhất là linh kiện điện tử.
Năm 2010, Sanyo được Panasonic, một doanh nghiệp khác của Nhật Bản, mua lại và vẫn tiến hành hoạt động sản xuất bình thường. Sanyo được đánh giá là doanh nghiệp lớn, hoạt động uy tín và luôn hoàn thành các nghĩa vụ đối với nhà nước cũng như thực hiện đầy đủ chế độ đối với lao động theo đúng luật pháp. Có thời điểm, số công nhân của công ty lên tới hơn 7.000 người.
Đột nhiên, Tổng giám đốc Hiroyuki Mita ra thông báo ngừng hoạt động với lý do làm ăn thua lỗ, không có đơn hàng mới. Đến lúc này, các lao động (chủ yếu là nữ) mà Sanyo ký hợp đồng lên tới 3.750 người tá hỏa vì bỗng dưng phải ra đường.
“Công ty cam kết là sẽ chi trả toàn bộ tiền lương tháng 12 và tiền nghỉ phép năm 2012 nhưng chưa biết thế nào”- chị H, một công nhân cho biết.
Cũng theo chị H, toàn bộ người lao động còn hợp đồng với công ty đều được trả lương đến hết tháng 1-2013 và tiền bồi thường do thông báo chậm cũng như tiền thưởng Tết Nguyên đán, nhưng vấn đề là biết đến khi nào mới được lấy.
Công nhân vệ sinh môi trường tranh thủ đan len kiếm thêm thu nhập trong lúc chờ xe rác đến.
Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Bắc Giang, công nhân nữ công ty Sanyo OPT Việt Nam không những bị nợ lương mà công ty này còn nợ cả tiền bảo hiểm, tiền thai sản… của người lao động.
Video đang HOT
“Đang làm việc bình thường, nay bọn em phải ra đường. Giờ năm hết Tết đến, bọn em biết làm gì để kiếm sống và nuôi con nhỏ đây” – một công nhân nữ xin giấu tên nói.
Không thưởng Tết
Chị Ngọt, công nhân tại Cty Tokyo Micro (Khu công nghiệp Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, mới nghe đồn về việc công ty sẽ giữ lại tiền lương tháng 1-2013 (tháng cận Tết Nguyên đán) của công nhân để tránh ra Tết, công nhân bỏ việc, nhảy việc.
“Không biết có đúng hay không nhưng nếu thế, chúng em lấy tiền đâu để lo Tết. Cuối năm chỉ mong có chút tiền lương, thưởng để về quê, giờ họ giữ hết biết xoay xở ra sao” – chị Ngọt nói.
Trong căn phòng trọ cấp 4 khoảng 10m2, có đến 4 người lớn và 2 trẻ nhỏ cùng sinh hoạt gồm: mẹ đẻ chị Phượng (hiện là công nhân Cty Canon, Khu công nghiệp Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), 2 vợ chồng chị gái, 2 đứa bé đang nhỏ.
“Có tháng tiền lương của cả hai vợ chồng chỉ đủ mua tã, sữa cho hai con. Biết khổ nhưng vẫn phải bám Hà Nội vì về quê không có việc làm, không một tấc đất canh tác” – chị Phượng tâm sự.
Chị Trang làm việc cho một Cty Môi trường trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, lương tháng thứ 13 năm nay không có. Khi thắc mắc, lãnh đạo Cty nói là không có tiền.
Vì công ty cổ phần nên các khoản như tiền phụ cấp độc hại, tiền bù giá, tiền chuyên cần cộng hết vào lương trong khi các Cty môi trường khác vẫn tính riêng. Dù đã có thâm niên làm việc hơn 5 năm nhưng hai năm gần đây, chị thường xuyên bị chậm lương.
“Có năm cả tổ phải làm đến 6, 7 giờ sáng mùng Một mới xong và về nhà ăn Tết, ngày mùng Hai lại tiếp tục đi làm như bình thường. Về đến nhà quần áo, đầu tóc vẫn còn ám mùi rác, nhưng Tết nhất chẳng có được tháng lương 13, nghĩ cũng tủi thân”- chị Trang tâm sư.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, công nhân tại Công ty TNHH Pentax (Khu công nghiệp Sài Đồng B, Long Biên, Hà Nội) cho biết, năm nay Cty ít việc, một số người trong tổ phải nghỉ hưởng 70% lương trong vòng 1 đến 2 tháng. Tháng vừa rồi, tổ của chị Hà có 6 người nghỉ việc vì họ không phải là nhân viên chính thức.
Lương những tháng trước là 2,476 triệu đồng, đến tháng 1-2013, công ty áp dụng mức lương mới được hơn 3 triệu đồng nhưng như vậy không đủ để chi tiêu, dù tằn tiện. Đưa cho chúng tôi xem tờ hóa đơn tiền nhà, chị Hà cho biết, lương em đã tiêu hết, trong khi tiền nhà phải đóng 1,9 triệu đồng vẫn chưa kịp trả.
“Thôi thì sống được tháng nào hay tháng đấy. Dù khổ sở nhưng cũng không biết phải xoay xở thế nào vì ở quê không có việc làm. Ngày thường đã vậy, Tết lấy đâu tiền chi tiêu”- chị Hà tâm sự.
Theo 24h
Công nhân KCN với nỗi buồn không tăng ca
Cứ vào dịp cuối năm, công nhân tại các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) lại vắt sức tăng ca cho kịp đơn hàng của doanh nghiệp, kiếm thêm chút tiền lo tết.
Năm nay kinh tế suy thoái, sản xuất khó khăn, nhiều phân xưởng vắng hoe vì không có hàng, mùa tất bật tăng ca của công nhân đã đổi thành mùa âu lo trĩu nặng...
Vừa thấy bóng chị Ngô Mỹ Linh - công nhân Công ty Nissei (KCX Linh Trung, TP.HCM) - bước vào phòng, công nhân ở trọ chung phòng D16 khu lưu trú công nhân Linh Trung nhao nhao nói: "Chị này cả tháng rồi chỉ ăn mì gói. Buổi chiều, bọn em về góp tiền nấu nướng, ăn tối với nhau thì không thấy chị động đậy gì, chỉ nằm im trên giường, kéo riđô kín mít. Lát sau, chờ mọi người ăn xong hết, chị mới dậy nấu mì, có khi chị ấy còn ăn mì sống...".
Mì gói, bắp luộc thay cơm
Mỹ Linh vừa đi chợ về. Cô chỉ mua một bọc cà chua. Có cà chua để nấu mì đã là sang. Mấy bữa trước ăn mì nấu ngán quá, Linh ăn cả gói mì sống cho qua bữa. Trên nền phòng trọ, một nhóm công nhân quây quần bên nồi canh chua đầu cá lóc nấu bắp chuối: một cái đầu cá nhỏ dành cho ba người ăn. Các cô khoe đây là bữa cơm ngon nhất suốt tháng vừa rồi. Bình thường cả nhóm chỉ ăn rau luộc, đậu hũ, cá kho mặn.
Bữa cơm đạm bạc sau nhiều ngày ăn mì gói của nhóm công nhân làm việc ở Khu chế xuất Linh Trung 1 - Ảnh: M.Hương
Vừa ngồi ăn cơm dưới đất, Nguyễn Thị Mai Hương - quê ở Nghệ An, bạn chung phòng, chung công ty với Linh - nói: "Dạo ni bọn em toàn phải nghĩ đủ cách để tiết kiệm tối đa. Sắp tết tới nơi rồi, công ty ít có hàng để tăng ca nên thu nhập teo tóp lắm. Thưởng tết chưa nghe công ty thông báo gì. Giờ chỉ còn cách nhín ăn, nhín xài mới mong dư được chút ít mua quà tết gửi về quê cho gia đình".
Cách đó không xa, trong phòng C7, chị Nguyễn Thị Vui, công nhân Công ty Freetrend (KCX Linh Trung), đang nằm dán lưng trên giường. Đã gần 19g mà chị chưa ăn gì. Nồi cơm chưa cắm điện nằm chỏng chơ. Chị Vui bảo: "Lâu lắm rồi mình không nấu cơm, trưa ăn ở công ty, chiều về ăn mì gói hay ăn vớ vẩn gì đó cho xong, đỡ tốn kém". Chị Vui làm ở xưởng thêu của công ty. Năm nay, xưởng rất ít tăng ca nên hầu như ngày nào chị cũng được về sớm.
"Mọi năm bằng giờ này là tăng ca dữ lắm, cả tuần tăng ca đủ năm ngày. Bây giờ thì chỉ tăng ca 1-2 ngày thôi. Hôm rồi mình dồn tiền mua áo lạnh, giày, vớ gửi về cho bà ngoại và thằng cu. Từ giờ tới tết cố tiết kiệm để lo quà tết. Hai năm rồi mình chưa được gặp con, toàn nghe nó hát, nói qua điện thoại. Lần nào gọi điện nó cũng hỏi mẹ chừng nào về. Tết này mình cũng không về. Cố làm cho đến tết, nếu tình hình vẫn cứ khó khăn thế này chắc mình xin nghỉ, làm thủ tục hưởng ít tháng trợ cấp thất nghiệp rồi về quê để được gần con". Vừa nói chị Vui vừa mở điện thoại khoe hình và đoạn ghi âm thằng cu nhà chị hát bài Cả nhà thương nhau. Chị cười mà rơm rớm nước mắt.
19g, công viên ở KCX Tân Thuận (Q.7) lố nhố từng tốp công nhân đứng, ngồi. Tối nay công nhân ở nhiều công ty không tăng ca nên họ ra công viên hóng mát thay vì ngồi trong phòng trọ chật chội. Nhóm công nhân của Công ty FAPV ngồi ăn tối bằng đậu phộng luộc, bắp luộc. Chị Trần Thị Sa, 24 tuổi, làm ở công ty này được năm năm. Chị nói: "Tụi mình ở trọ chung, cuối tháng hết tiền nên ít khi nấu cơm mà ra ngoài kiếm gì ăn sơ sài thôi. Cũng gần cuối năm nhưng công ty ít tăng ca. Tết sắp tới, gia đình ở quê trông mình gửi tiền về. Nhà dột dữ lắm rồi...".
Chị Sa quê ở Tiền Giang, trong nhà chỉ có mình chị lo toan cho cha mẹ đau bệnh. Mong ước lớn nhất của chị tết này là thay mái tôn mới cho ngôi nhà liêu xiêu ở quê. "Nếu không tăng ca nhiều, mình chỉ còn cách ăn uống kham khổ hơn chút nữa để nhín tiền đem về..." - chị Sa nói. Theo cách nói của chị, bữa ăn bình thường của chị và các công nhân khác với đậu hũ, rau muống, hay chỉ là bắp luộc như tối nay vẫn... chưa đủ kham khổ!
Còn chị Ngô Thị Cương - 18 tuổi, công nhân Công ty ViNa, KCN Tân Tạo, Q.Bình Tân - dự tính về quê từ tháng 11 âm lịch. Chị nói: "Dạo này công ty một tuần chỉ tăng ca 1-2 lần nên chẳng được bao nhiêu tiền. Mẹ ở quê (Nghệ An) nói tôi về trước một tháng để đỡ tiền xe. Bình thường tiền xe gần 600.000 đồng, gần tết tăng gấp đôi trong khi lương không nhín ra được chút nào...".
Xoay xở làm thêm
Ngày nào cũng vậy, hễ tan ca ở công ty xong, bà Nguyễn Thị Cát - 44 tuổi, quê Trà Vinh, công nhân Công ty may Busen - lại hối hả đến nhà bà chủ khu trọ ở đường Tây Lân, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân để phụ việc nhà. Bà khoe: "Phụ việc như vậy mỗi tháng bà chủ bớt cho mình vài ba trăm ngàn đồng tiền phòng, cũng đỡ lắm".
Chồng mất, bà rời quê lên TP.HCM làm công nhân may gần 13 năm nay. Con lớn 12 tuổi và con út 10 tuổi phải gửi lại cho người quen ở quê. Nghe nhắc tới con, bà xót xa kể: "Hôm rồi, hai đứa nhỏ bị bệnh, nóng ruột quá mà đâu dám xin nghỉ, đành phải gọi điện về năn nỉ hàng xóm qua thăm chừng giùm". Bà cho biết vào thời điểm này năm trước, công ty tăng ca nhiều, thu nhập có khá hơn. "Cứ khó ngặt như vầy tui đang mượn tiền để mua cái máy may, tranh thủ những ngày không có hàng hoặc thức đêm lãnh đồ về sửa kiếm thêm thu nhập" - bà cho biết.
Trong khu trọ công nhân cách Khu công nghiệp Tân Tạo chừng 3km, Nguyễn Đình Chiến - 18 tuổi, công nhân Công ty Đỉnh Vàng - cho biết anh đang chuẩn bị bán thêm trái cây ban đêm kiếm tiền về quê. Chiến quê Nghệ An, thi trượt đại học nên đi làm công nhân ở TP.HCM được hai tháng. Chiến lo lắng: "Em chưa quen với cách sống trong này. Em tính bán ổi, xoài này nọ ban đêm ở mấy khu chợ tự phát để kiếm thêm, nếu không chắc tết này em ở lại Sài Gòn".
Tăng mức chăm lo cho công nhân cao hơn mọi năm
Trước tình hình đời sống của người lao động đang gặp nhiều khó khăn, Liên đoàn Lao động TP.HCM đã yêu cầu các ban chấp hành công đoàn cơ sở chủ động đề xuất với người sử dụng lao động về đối tượng công nhân có hoàn cảnh khó khăn cần được chăm lo, đối tượng công nhân ngoài TP cần hỗ trợ vé xe về quê để doanh nghiệp có trách nhiệm chủ động chăm lo.
Ban chấp hành công đoàn cơ sở chủ động nguồn kinh phí của công đoàn để thăm, tặng quà cho đoàn viên công đoàn. Trường hợp doanh nghiệp thật sự khó khăn không thưởng tết thì ban chấp hành công đoàn cơ sở căn cứ vào nguồn kinh phí của đơn vị để tổ chức thăm, tặng quà. Nếu công đoàn cơ sở không có kinh phí thì báo cáo danh sách những công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về công đoàn cấp trên để có biện pháp chăm lo hợp lý.
Đặc biệt, theo Liên đoàn Lao động TP, mức chăm lo của các cấp công đoàn năm nay tăng hơn mọi năm: giá trị quà tặng và tiền mặt mức thấp nhất là 200.000 đồng/trường hợp.
Theo 24h
Chuyện của những người: Từ làng... ra phố Những xô nước được giội ào lên người thật mau lẹ sau một ngày làm việc cực nhọc, ông Phạm Thế Tạo (50 tuổi, quê xã Xuân Phú, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) nhanh chóng chạy vào nhà để nhường chỗ tắm cho người khác... Sau hơn 25 năm sống "tạm trú" tại Hà Nội, ông vẫn một mình đạp xích lô...